Chuyến bay tử thần ám ảnh nhất trong lịch sử Nhật Bản

untitled-1-43

26 năm trước, vào ngày 12/8/1985, chuyến bay định mệnh JAL123 đi từ sân bay quốc tế Tokyo đến Osaka đã bất ngờ đâm vào sườn núi chỉ sau 44 phút cất cánh. Sự kiện này được xem là vụ tai nạn máy bay có số người chết cao nhất trong lịch sử bao gồm 15 thành viên phi hành đoàn và 505/509 hành khách đã tử nạn.

Chuyện gì đã xảy ra với chiếc Boeing 747 vốn được xem là một trong những loại máy bay an toàn nhất thế giới lúc bấy giờ? Những hành khách còn sống sót đã kể lại những gì? Kết quả cuộc điều tra làm chấn động ngành hàng không đã tiết lộ điều gì?

Diễn biến sự việc

6h00 chiều ngày 12 tháng 8 năm 1985, tại sân bay quốc tế Haneda thuộc thủ đô Tokyo, Chiếc máy bay Boeing 747-146SR mang số hiệu JAL123 chuẩn bị cất cánh đến Osaka. Có tất cả 509 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Đa phần hành khách trên máy bay là những người trở về nhà sau lễ hội Obon – lễ Vu Lan truyền thống của Nhật Bản.

Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn

6h12p, máy bay bắt đầu cất cánh. Đội ngũ thực hiện Chuyến bay JAL123 gồm có cơ trưởng Masami Takahama (45t, 1 cơ trưởng kỳ cựu đã có tổng cộng 12.400 giờ bay), cơ phó Yutaka Sasaki (với kinh nghiệm hơn 4000 giờ bay) và 1 kỹ sư máy bay Hiroshi Fukuda. Theo lịch trình, JAL123 sẽ bay thẳng từ sân bay Haneda dọc theo vịnh Tokyo xuống phía nam, đến cuối bán đảo Boso thì rẽ theo hướng tây nam, bay dọc theo duyên hải sau đó rẽ phải về Osaka. Tổng thời gian bay dự kiến là 54 phút.

6h24p 12 phút kể từ khi cất cánh, 1 tiếng nổ lớn bất ngờ xuất hiện ở phía đuôi máy bay, kéo theo đó là một làn khói trắng trôi lơ lửng trong không khí. Tất cả hành khách bắt đầu hoảng loạn. JAL123 rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Máy bay liên tục lao lên rồi bổ xuống. 

Vụ nổ làm cho áp suất trong cabin bị giảm và mặt nạ dưỡng khí đã bung ra rất nhanh để cung cấp oxy cho hành khách. Theo suy nghĩ ban đầu, cơ trưởng Takahama cho rằng cánh cửa khoang cuối đã bị thổi bay. Lúc này, cơ phó Sasaki quyết định phát đi tín hiệu khẩn cấp về trung tâm điều hành máy bay (Air Traffic Control – viết tắt là ATC) tại Tokyo với mã lệnh 7700. 

Trong hàng không, để phòng ngừa các trường hợp khẩn cấp, phi công có nhiều cách để liên hệ và báo động. Cách phổ biến nhất là phát đi mã báo động trên thiết bị phát đáp của máy bay hay còn gọi là “Squawk” để báo cho ATC. Mã squawk là tổ hợp của 4 chữ số từ 0 đến 7, với con số thấp nhất là 0000, còn số cao nhất là 7777.  Và mã lệnh 7700 ở trên mang ý nghĩa tín hiệu khẩn cấp

Tại ATC, mỗi máy bay đều được hiển thị bằng một dấu hiệu (chấm tròn) trên màn hình radar. Khi thấy dấu hiệu của JAL123 bất ngờ chuyển sang màu đỏ,  ATC đã gọi đến JAL123: “123, hãy phản hồi nếu nhận được lệnh từ trung tâm. Có vẻ như họ đang gặp vấn đề nghiêm trọng rồi”. Không có bất kỳ hồi đáp nào được gửi về trung tâm

Trong khi đó, mọi thông số trên bảng khí cụ của JAL123 không cho thấy điều gì bất thường nhưng kỹ sư Fukuda đã nhanh chóng phát hiện áp lực dầu bên trong hệ thống điều khiển thủy lực đang giảm đi rất nhanh. Hệ thống thủy lực đóng vai trò rất trọng yếu, giống như mạch máu của máy bay, cho phép phi công có thể điều khiển cánh nâng giúp máy bay nâng lên, hạ xuống, hay rẽ trái/phải. 

Cơ trưởng Takahama đã yêu cầu ATC tại Tokyo cho phép quay về sân bay Haneda. Tuy nhiên, nỗ lực của họ dường như bằng 0 bởi toàn bộ hệ thống điều khiển đã tê liệt. Lúc này JAL123 đang bay ở độ cao 7300m và với vận tốc gần 540km/h. 

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi hệ thống cung cấp oxy đã ngưng hoạt động. Các tiếp viên buộc phải sử dụng bình oxy cá nhân để cung cấp cho từng hành khách. Kỹ sư Fukuda đã gấp rút thông báo tình hình cho cơ trưởng Takahama và yêu cầu ông phải hạ cánh thật nhanh trước khi hành khách lâm vào tình trạng nguy hiểm. Cơ phó Sasaki cũng đề nghị cơ trưởng đeo mặt nạ dưỡng khí nhưng ông không trả lời. Không rõ lý do vì sao cả 3 người trên buồng lái lại không sử dụng mặt nạ dưỡng khí.

Trong những cố gắng cuối cùng, cơ phó Sasaki nhận thấy mặc dù không còn khả năng điều hướng bay nhưng anh vẫn kiểm soát được tốc độ. Hy vọng mong manh lại lóe lên, khi máy bay đang lao xuống, việc đẩy cần ga để tăng lực đẩy động cơ sẽ giúp đưa mũi máy bay lên. Ngược lại, khi máy bay đang leo lên cao, anh lại kéo cần ga trở lại để giảm tốc độ động cơ. Mặc dù hệ thống thủy lực đã bị phá hủy nhưng máy bay vẫn được trang bị một nguồn điện dành cho càng hạ cánh. Việc mở càng hạ cánh sẽ giúp máy bay ổn định hơn và giảm bớt độ cao.

Giải pháp tối ưu mà ATC đưa ra là JAL123 phải đáp khẩn cấp xuống sân bay Nagoya cách vị trí máy bay 128km. Tuy nhiên, cơ trưởng Takahama lại từ chối và ông muốn thử quay về sân bay Haneda tại Tokyo.   

photo 1 1566149850918906116411
Lộ trình của chiếc máy bay và đường bay khi gặp nạn. Nguồn ảnh: kenh14

Lúc này tại sân bay Haneda, tất cả mọi công tác cứu hộ đã được triển khai sẵn sàng cho JAL123 đáp xuống khẩn cấp. Nhưng vì bị mất kiểm soát, thay vì quay góc 190 độ để trở về Haneda, JAL123 bay đến Yaesu bất ngờ rẽ trái, bay sâu vào vùng duyên hải. Hệ thống điều khiển thủy lực bị tê liệt khiến máy bay liên tục lao lên rồi bổ xuống. Đến lúc này, tổ lái vẫn không rõ điều gì đang xảy ra. JAL123 tiếp tục đổi hướng tiến đến gần một sân bay quân sự của Mỹ tại Yokota trên đảo Honshu

6:30 tối, một chiếc máy bay vận tải C-130 của Mỹ từ Căn cứ Không quân Yokota đang bay qua tỉnh Shizuoka. 1 Phi công tên là Michael Antonucci, đã nhận được tín hiệu squawk 7700 từ JAL123 và bắt đầu tìm kiếm nó. Antonucci cho biết cả ATC lẫn trạm không lưu tại sân bay quân sự Yokota tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạ cánh khẩn cấp của JAL123. Tuy nhiên, Căn cứ không quân của Yokata đã cố gắng liên lạc với cơ trưởng Takahama tổng cộng 13 lần, nhưng JAL123 vẫn không có tín hiệu trả lời

JAL123 đã mất kiểm soát hoàn toàn, nó lao xuống rất nhanh với tốc độ khoảng 5500m/phút tương đương 330 km/h. Số phận của chiếc máy bay đã được định đoạt, rất nhiều hành khách đã chuẩn bị tinh thần cho hồi kết, một số thì cầu nguyện, số khác cố gắng ghi lại những lời cuối cùng gửi cho người thân.

Khoảng 6:55, JAL123 đã bay đến địa phận làng Kawakami của tỉnh Nagato và chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp trên một cánh đồng rau xanh. Bỗng nhiên ngọn núi Senpei cao 1.700m xuất hiện ngay đằng trước, khiến các phi công phải thực hiện một cú cắt ngang đột ngột và quay phải

Không còn cách nào khác ngoài việc bay qua khu vực đồi núi và cố gắng tránh các ngọn núi cao như Mikuni và Takamagahara. Khi đang bay qua Uenomura, tỉnh Gunma, JAL123 bất ngờ trải qua một cơn rung chuyển siêu mạnh. Một hành khách đã miêu tả tình huống như sau: “Tôi đang ngồi trong vị trí an toàn và cảm thấy cơ thể mình rung lắc mạnh.” “Đó là một cơn động đất lớn.” “Và sau đó, máy bay bắt đầu lao xuống ngay lập tức.” CVR cũng ghi lại tiếng kêu của phi công: “Động cơ! Động cơ!” “Lên!” “Chúng ta đang làm được!” 

Tuy nhiên, 6h56 tối, JAL123 đã đâm xuống đỉnh núi Osutaka thuộc Ueno, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100 km. Cùng lúc này, ATC đã mất tín hiệu của JAL123 trên màn hình radar. Một bầu không khí im lặng và đau buồn bao trùm lấy tất cả mọi người.

photo 3 156614985092525095156photo 3 156614985092525095156

Michael Antonucci, một phi công, đại uý người Mỹ đã kể lại toàn bộ sự việc như sau: khi JAL123 biến mất khỏi radar, căn cứ không quân Yokota đã cử anh điều khiển chiếc máy bay không quân vận tải C130 để tìm kiếm nó. Sau đó, vào khoảng 7h:15 tối, anh nhận thấy một đám cháy rất lớn và phát hiện ra hiện trường tai nạn. Anh tiếp tục vòng quanh để xem xét tình hình. 

8h:30 tối, Antonucci nhận được cuộc gọi từ căn cứ không quân Zama rằng một trực thăng cứu hộ UH-1 đang trên đường đến. UH-1 này là trực thăng tốt nhất cho việc cứu hộ, và nó được trang bị rất đầy đủ. Kế tiếp, Antonucci nhận được mệnh lệnh là  rút lui vì đội cứu hộ của Nhật Bản đang đến. Vụ việc đã khiến báo đài Nhật lên án vì nếu như họ được phép tham gia cứu hộ, số nạn nhân sống sót sẽ nhiều hơn 4 người.

Khoảng hai giờ sau khi Antonucci đến, máy bay cứu hộ đầu tiên của Nhật Bản hạ cánh. Lực lượng quân tự vệ Nhật Bản đã kịp đến hiện trường nhưng sai lầm lớn nhất của họ là cho rằng không còn ai sống sót trong vụ tai nạn này. Vì vậy, phải đến 5:00 sáng ngày 13 tháng 8 bọn họ mới bắt đầu hoạt động. Họ cho rằng rất khó để cứu người trong khu vực núi vào ban đêm. Trong khi đó, một nhóm cứu hộ khác theo đường bộ tiến đến hiện trường, họ dựng lán trại tại một ngôi làng cách khu vực máy bay rơi 68 km và đợi đến sáng hôm sau mới triển khai công tác dọn dẹp hiện trường.

Tuy nhiên, họ không hề biết rằng vẫn còn người sống sót. Sáng ngày 13 tháng 8, cảnh tượng cuối cùng kinh hoàng của JAL123 đã hiện ra rõ rệt hơn. Chiếc Boeing 747 đã trượt qua những ngọn cây trên đỉnh núi Osutaka, phía bắc núi Phú Sĩ sau đó rơi xuống và phát nổ trên một sườn núi hướng đối diện.

May mắn là thân sau của JAL123 đã bị tách ra khỏi trung tâm do va chạm trong tai nạn và rơi vào khu rừng rập rạp. Việc này khiến phần nào đó giảm thiểu tác động và một số hành khách đã sống sốt một cách kỳ diệu 

Người sống sót đầu tiên được tìm thấy là nữ tiếp viên hàng không Yumi Ochiai. Tiếp theo, họ tìm thấy bé gái tên Keiko Kawakami (lúc đó 12t) bị mắc trên một nhành cây, cô bé vẫn còn sống và trong tay vẫn ôm chặt con thú bông của mình, 2 nạn nhân còn sống cuối cùng được tìm thấy là cô Hiroko Yoshizaki (lúc đó 34t) và con gái của cô: Mikiko Yoshizaki (lúc đó 8t). Họ thoát chết một cách may mắn bởi cả 4 người đều ngồi ở những hãng ghế cuối cùng – khu vực ít bị tác động nhất khi máy bay rơi.

Yumi Ochiai bị mắc kẹt giữa rất nhiều ghế, cô ngồi ở hàng ghế 54-60. Trong khi đó, 2 mẹ con Yoshizaki bị mắc kẹt trong một khoang gần như còn nguyên vẹn của cabin. Bé gái Keiko Kawakami may mắn rơi trên một cành cây khi máy bay vỡ ra thành từng mảnh, 4 nạn nhân sống sót được đưa đi cấp cứu tại một bệnh ở thành phố Fujioka.

Yumi Ochiai bị vỡ xương chậu và gãy tay. Sau khi bình phục, cô đã kể lại những gì mình nghe và thấy khi nằm trên sườn núi. “Sau khi máy bay rơi, tôi đã nghe thấy tiếng rên rỉ đau đớn từ nhiều người xung quanh. Âm thanh này có ở mọi nơi, suốt cả đêm đó. Tôi nghe tiếng một bé trai khóc bên xác mẹ và tiếng của một người phụ nữ trẻ nói rằng ‘hãy đến đây nhanh lên’. Ngay lúc đó, cậu bé trả lời rằng ‘được, được, em đang đến đây’. Cậu bé đó dường như chỉ là học sinh tiểu học. Trong bóng tối, tôi có thể nghe thấy tiếng của máy bay trực thăng. Tôi không nhìn thấy gì nhưng tôi nghe thấy tiếng máy bay đang đến rất gần. Tôi la lên ‘chúng ta sẽ được cứu’ và cùng mọi người chờ đợi. Nhưng chiếc máy bay lại bay đi xa, tôi cố gắng đưa tay ra vẫy tay và la lớn ‘đừng đi’ nhưng chiếc trực thăng đó cứ đi xa dần. Sau đó, tôi không nghe thấy tiếng rên của người phụ nữ trẻ và cậu bé đó nữa.” Vậy là đã rõ, rất nhiều người đã không thể sống sót trong màn đêm lạnh giá.

Công cuộc điều tra

Vụ tai nạn của JAL123 không chỉ gây xôn xao trong nước mà còn thu hút cả quốc tế. Bởi trước đó 1 tuần, một chiếc Boeing 747 khác của Air India đã rơi xuống Đại Tây Dương khiến 329 người tử nạn, tiếp theo là Boeing 747 của Japan Airlines với 520 người chết. Điều gì đã xảy ra với Boeing 747 – chiếc máy bay được coi là an toàn nhất lúc bấy giờ?

photo 11 15661498509411079074009photo 11 15661498509411079074009
Hiện trường vụ rơi máy bay thảm khốc ở Nhật Bản năm 1985. Nguồn ảnh: Kenh14

Boeing 747 là máy bay do Mỹ sản xuất, do đó Cục hàng không Nhật Bản buộc phải mời Cơ quan an toàn vận tải quốc gia Hoa Kì tham gia điều tra vụ việc. Lãnh đạo nhóm điều tra là chuyên viên kì cựu của NTSB – ông Ron Schleede. Schleede là người từng tham gia điều tra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xuyên quốc gia và cũng đã quen với mức độ nhạy cảm khi làm việc với chính phủ nước ngoài.

Ông cùng với 1 đại diện của Boeing và 1 kỹ sư đến từ cục hàng không liên bang Mỹ đến Nhật Bản để gặp nhóm điều tra. Ông kể lại: “Khi tôi đến Nhật, bầu không khí ở đây rất căng thẳng. Các kênh tin tức báo đài có mặt ở khắp mọi nơi, họ tỏ thái độ giận dữ vô cùng.” Khi được đưa đến hiện trường, Schleede nhận thấy bên phía cảnh sát Nhật giám sát nhóm điều tra của ông rất nghiêm ngặt. Họ coi hiện trường như một vụ khủng bố và  nhất cử nhất động của mỗi người đều được theo dõi.

Schleede nói: “Cả 2 bên: Japan Airlines và Boeing đều tỏ thái độ ngờ vực đối với phía cảnh sát Nhật Bản. Họ thậm chí còn không được đến gần khu vực máy bay rơi.” Nhóm của Schleede cũng phải chờ hơn 2 ngày trước mới được phép tiếp cận hiện trường. Ông nói “Tôi đã năn nỉ chính quyền Nhật cho phép chúng tôi đưa những nhân viên của Boeing đến hiện trường. Họ cho phép nhưng với điều kiện chúng tôi phải giám sát người của Boeing và không được tự tiện làm điều gì.”

Tại hiện trường, quân đội Nhật Bản đã xây dựng một bãi đáp trực thăng và cứ mỗi vài phút lại có 1 chuyến trực thăng đưa người thân của nạn nhân đến thăm viếng. Schleede kể lại: “1 điều mà chúng tôi phát hiện ra khi khảo sát hiện trường vụ tai nạn là rất nhiều hành khách vẫn có đủ thời gian để nghĩ đến cái chết. Chúng tôi đã tìm được rất nhiều rất nhiều mảnh giấy nhỏ ghi những dòng tuyệt mệnh.

Họ đều biết máy bay đã mất kiểm soát. Họ ghi chú nguệch ngoạc và nhét vào sau ghế hoặc bỏ vào ví.” 

Một người đàn ông đã nhắn cho vợ rằng: “Vợ yêu dấu, được sống với em là một điều tuyệt vời. Con của chúng ta đã lớn và trưởng thành như những gì anh kỳ vọng. Anh không bao giờ nghĩ rằng bữa cơm tối qua là giây phút cuối cùng của chúng ta.”

Một bức thư khác cũng rất xúc động của 1 ông bố Nhật Bản gửi cho gia đình được tìm thấy tại hiện trường. Nội dung của nó như sau: 

“Makiko, Tsuo, Chiyoko, hãy hòa thuận, chăm chỉ và giúp đỡ mẹ. Bố thực sự rất tiếc khi ở trong tình thế này, và có lẽ bố sẽ không qua được. Sự cố đã xảy ra được 5 phút, và bố không biết nguyên nhân là gì. Bố không muốn đi máy bay nữa. Xin chúa hãy giúp tôi. Có gì đó phát nổ và khói bốc ra từ cabin. Máy bay đang rơi và không biết là nó sẽ bị vỡ ở đâu nữa. Tsuo, hãy giúp đỡ mọi người trong gia đình. Anh tạm biệt em, hãy chăm sóc những đứa trẻ thật tốt nhé. Hiện tại là6:30, máy bay đang mất kiểm soát và rơi rất nhanh. Anh đã có một cuộc đời mãn nguyện. Và anh rất cảm kích vì điều đó.”

Những mảnh vỡ của Boeing 747 thu thập được vẫn chưa thể mang lại kết luận nào. Qua phân tích hộp đen, kỹ sư Fukuda thông báo cửa số 5 của máy bay đã bị hỏng và nhóm điều tra tin rằng, vì một lý do nào đó, cánh cửa đã rơi ra, va vào đuôi máy bay, phá hỏng bộ thăng bằng ngang khiến máy bay lao lên/bổ xuống và không thể chuyển hướng.

Tuy nhiên, không có cánh cửa nào rơi khỏi máy bay, tất cả các cánh cửa đều được tìm thấy tại hiện trường. Kỹ sư Fukuda đã sai lầm khi dựa vào đèn báo hiệu cửa R-5 và cho rằng cánh cửa này đã rơi ra ngoài. Thực ra chính vụ nổ đã gây chập mạch dẫn đến đèn báo hiệu sai lệch. Vì vậy, nhóm điều tra phải chuyển hướng tìm kiếm một nguyên nhân khác.

Thật tình cờ là có một nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh của JAL123 khi nó đang bay trên bầu trời. Bức ảnh đã cung cấp cho nhóm điều tra những manh mối đầu tiên, giải thích nguyên nhân khiến máy bay không thể kiểm soát. Nhận thấy có điểm gì đó bất thường, các kỹ thuật viên đã đưa bức ảnh vào máy tính và cố gắng tối ưu hóa độ nét. Hoá ra chiếc Boeing 747 trong bức ảnh lúc này đã mất gần như toàn bộ phần đuôi! Toàn bộ hệ thống điều khiển thủy lực đều nằm ở phần đuôi và họ đã hiểu ra lý do khiến máy bay bị mất kiểm soát.

Ngay sau đó, một tàu tuần tra hải quân Nhật đã phát hiện những mảnh vỡ thuộc phần đuôi của máy bay đang trôi dạt trên vùng biển phía nam vịnh Tokyo. Giờ chúng ta đã có được những dữ kiện về nguyên nhân như: một vụ nổ, mất áp suất cabin, toàn bộ phần đuôi bị thổi bay và hệ thống điều khiển thủy lực bị hư hại hoàn toàn. Vậy vụ nổ này bắt nguồn từ đâu?

Nhóm nghiên cứu tiếp tục lục lại lịch sử của chiếc máy bay này. Kết quả cho thấy 7 năm trước đó (ngày 2 tháng 6 năm 1978), chiếc Boeing 747-146SR đã gặp phải một tai nạn. Phi công đã đáp máy bay với phần đầu quá cao, đuôi máy bay đập xuống mặt đường băng. Đây là một lỗi khá phổ biến khi đáp máy bay và còn gọi là lỗi “dập đuôi” – Tail Strike (tương tự như vụ China Airlines 611 năm 2002).

Schleede cho biết: “Lỗi này thường gây hư hỏng cho vách ngăn áp suất sau. Đối với tất cả máy bay phản lực hiện đại, khi cất cánh thì áp suất sẽ được nén ở mức độ phù hợp để hành khách cảm thấy dễ chịu.” Vách ngăn áp suất sau này giống như một chiếc ô bằng kim loại khổng lồ và nằm ở sau cùng trên thân máy bay. Chức năng của nó là ngăn áp suất thoát khỏi cabin ra sau đuôi. Sau sự cố dập đuôi, Japan Airlines đã yêu cầu Boeing sửa chữa vách ngăn áp suất.

Các kỹ sư của Boeing đã ghép 2 miếng kim loại mới vào phần bị thủng của vách ngăn và dường như sự cố đã được khắc phục. Phát hiện này của Schleede đã làm chấn động toàn thể ngành công nghiệp hàng không, ông nói: “Quy trình sửa chữa đã không được thực hiện đúng cách, 2 miếng kim loại chỉ được ghép nối bằng một hàng đinh tán rivet. Nhưng đúng ra, chúng phải được nối bằng 2 hàng đinh tán.”

Hàng đinh tán đã chịu gấp đôi lực nén so với mức độ thông thường. Schleede đã yêu cầu cục hàng không liên bang Mỹ thử nghiệm khả năng chịu áp suất khi 2 miếng kim loại được ghép bằng 1 hàng đinh tán so với thiết kế tiêu chuẩn là 2 hàng đinh tán. Kết quả cho thấy, 2 miếng kim loại đã bị xé toạc rất nhanh.

Chiều tối ngày 12 tháng 8, JAL123 cất cánh từ sân bay Haneda. Kể từ khi được sửa chữa, chiếc máy bay Boeing 747-146SR đã cất cánh tổng cộng 20.319 lần. Khi máy bay đạt được độ cao 7300m, không khí bên ngoài bắt đầu loãng dần nhưng không khí bên trong cabin đã được áp suất hóa để hành khách cảm thấy dễ chịu. Sự chênh lệch giữa áp suất bên trong cabin (trong lòng vách ngăn áp suất) và không khí không bị nén (bên ngoài vách ngăn áp suất) đã kéo căng vách ngăn và vị trí ghép nối của 2 miếng kim loại trở thành điểm dễ rạn nứt nhất.

Một thí nghiệm mô phỏng cho thấy, những vết nứt bắt đầu xuất hiện xung quanh lỗ đinh tán và cuối cùng 2 miếng kim loại bị tách rời ra khỏi nhau. Tương tự với chiếc Boeing 747, vụ nổ chính là do áp suất lớn đã xé toạc vách ngăn, tràn vào phía sau đuôi và thổi bay một mảng lớn của đuôi máy bay gồm bánh lái và hệ thống điều khiển thủy lực. Phi công đã không biết và không bao giờ biết được rằng gần như toàn bộ phần đuôi của máy bay đã biến mất.

Hệ thống thủy lực bị đứt gãy khiến áp lực dầu giảm rất nhanh và tất nhiên là phi công không thể điều khiển bánh lái cũng như cánh nâng. Chiếc máy bay khổng lồ bắt đầu chuyển động theo một trạng thái lên xuống được gọi là Fugoid cycle. Khi máy bay bổ xuống, tốc độ máy bay tăng lên tạo lực nâng. Ngược lại, khi lao lên, máy bay mất tốc độ và lại đâm bổ xuống. Chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục.

Schleede nói: “Thật đáng kinh ngạc là các phi công đã có thể giữ cho máy bay bay trong trạng thái mất toàn bộ hệ thống thủy lực lâu đến như vậy. Thực tế thì họ không thể nào hạ cánh được khi máy bay lâm vào tình trạng chuyển động fugoid cycle. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ việc kéo dài thời gian bay đến mức có thể.” Để kiểm tra, một nhóm phi công đã được thử nghiệm với mô hình ảo tương tự và không ai trong số họ có thể hạ cánh. Vì vậy, có thể nói cơ trưởng Takaham và cơ phó Sasaki đã làm hết sức có thể dù chỉ với hy vọng nhỏ nhoi là hạ được độ cao máy bay.

Bản báo cáo của Ron Schleede về nguyên nhân của sự cố đã khiến các nhân viên cũng như kỹ sư thiết kế Boeing 747 thật sự suy sụp hoàn toàn bởi họ không ngờ rằng chính họ đã gián tiếp gây nên cái chết của 520 con người. Ngay sau đó, kỹ sư chịu trách nhiệm sửa chữa vách ngăn áp suất sau sự cố năm 1978 đã bất ngờ tự tử và chủ tịch tập đoàn hàng không Nhật Bản Japan Airlines cũng tuyên bố từ chức. 

photo 13 156614985094660362923photo 13 156614985094660362923
Đài tưởng niệm 520 nạn nhân trong thảm kịch máy bay.

Lời kết

Danh tiếng của hãng chế tạo máy bay số 1 Hoa Kỳ Boeing đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Còn JAL123 thì trở thành một trong những tai nạn hàng không ám ảnh và bi thương nhất trong lịch sử thế giới.

Nhiều năm đã trôi qua, nỗi thương tâm người Nhật Bản dành cho JAL123 đã được xoa dịu rất nhiều. Hy vọng rằng chúng ta sẽ còn không phải chứng kiến thêm thêm sự mất mát lớn lao nào như vậy nữa.

An Nhiên biên tập

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: