Bà Triệu đại chiến Đông Ngô trên đất Việt, khiến Tôn Quyền phải nể phục ra sao?
Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán, hơn hai trăm năm sau, vào thế kỷ thứ II, có một người phụ nữ không chịu cam tâm cúi đầu làm nô lệ phương Bắc, mà chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi giặc Ngô. Người phụ nữ anh hùng đó là Triệu Thị Trinh.
Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 khiến Tôn Quyền nhà Đông Ngô ( thời Tam Quốc) phải nể phục vì nó đã thực sự gây chấn động toàn cõi nước Ngô.
Nữ tướng yêu kiều như nhuỵ hoa
Triệu Thị Trinh (còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại vùng núi Nưa thuộc đất Trung Sơn, quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa), trong một gia đình hào trưởng.
Quê hương của Bà Triệu cũng chính là quê hương của hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục, những người đã có công khai mạch đại khoa Nho học cho Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung (Họ đã dốc chí học tập rồi thi đỗ tiến sĩ dưới thời Đường Đức Tông, 779-805). Bà Triệu mất năm 248, lúc mới 22 tuổi.
Đến nay, câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu từ thế kỷ thứ II vẫn còn in đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Bà được phong là “Bột chính anh liệt hùng tài Trinh nhất phu nhân” qua nhiều thời đại.
Đền thờ Bà hiện nằm trên đỉnh núi Tùng thuộc thôn Phú Điền, nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia như một bằng chứng về niềm tự hào và tôn vinh người phụ nữ oanh liệt, trung dũng của dân tộc Việt Nam.
Bấy giờ nước ta nội thuộc nhà Ngô. Khi Bà Triệu bước vào tuổi thanh xuân thì cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Ngụy) cũng đang ở hồi quyết liệt nhất.
Lúc ấy nhà Ngô đang tìm mọi cách vơ vét sức người và sức của, khiến mâu thuẫn xã hội càng trở nên gay gắt, lòng dân càng thêm căm phẫn, trung tâm phong trào đấu tranh chống nhà Hán cũng chuyển dịch dần ra Cửu Chân.
Từ đất quê hương của mình, năm 248, Triệu Quốc Đạt – anh trai Triệu Thị Trinh – đã đứng lên tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Triệu quốc Đạt không muốn em gái mới 19 tuổi của mình tham gia, bèn khuyên em ở nhà lấy chồng.
Bà Triệu cứng cỏi đáp: “Em muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”. Câu trả lời ấy đã thể hiện một khí phách anh hùng, một nhân cách ngạo nghễ hiếm có ở một người con gái.
Triệu Thị Trinh đã cùng anh tập hợp nghĩa quân trên núi Nưa rồi kéo quân đánh hãm thành ấp khiến châu quận rối động. Quan quân đô hộ nhiều lần tìm cách đánh dẹp nhưng không dẹp nổi. Đúng lúc nghĩa quân đang hừng hực khí thế thì Triệu Quốc Đạt bất ngờ qua đời.
Không để quân sĩ mất tinh thần, Triệu Thị Trinh thay anh tiếp tục ngồi trên đầu voi chỉ huy nghĩa quân. Từ đó Bà được quân sĩ tôn gọi là Vua Bà.
Hình ảnh Vua Bà là Nhuỵ Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa), mặc áo ngắn giáp vàng, chắt khăn vàng, đi giày mũi cong, dũng mãnh cưỡi voi một ngà phất cờ vàng chỉ huy quân sĩ chiến đấu đã trở thành nỗi kinh hoàng của giặc.
Quân Bà Triệu đi đến đâu cũng được dân chúng hưởng ứng, khiến quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Vua Bà đánh giặc. Để chia rẽ nghĩa quân, giặc đã xảo quyệt phong cho Bà Triệu đến chức Lệ Hải Bà Vương (nữ vương xinh đẹp của vùng ven biển), song Bà không một chút xao động.
Để tiếp tục mua chuộc Bà Triệu, giặc bí mật sai tay chân thân tín tới gặp và hứa sẽ cung cấp cho Bà thật nhiều tiền bạc, song, Bà cũng chẳng chút tơ hào.
Sau hơn nửa năm trời trực tiếp đối địch và cũng là hơn nửa năm trời liên tiếp chịu nhiều thất bại đau đớn, hễ nghe tới việc phải đi đàn áp Bà Triệu là binh lính giặc lại lo lắng đến bạt vía kinh hồn. Bởi vậy, đương thời mới có thơ rằng:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan.
Nghĩa là:
Vung gươm đánh cọp xem còn dễ.
Đối mặt Vua Bà mới khó sao.
Sống làm tướng, chết làm Thần
Vùng huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hoá) lưu lại truyền thuyết dân gian về núi đá biết nói khá độc đáo. Theo đó thì vào một đêm thanh vắng nọ, trên triền đá của núi Tùng ở Phú Điền bỗng có tiếng nói dõng dạc cất lên rằng:
Có Bà Triệu tướng.
Vâng mệnh trời ta.
Trị voi một ngà.
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước.
Theo gót Bà Vương.
Người người nghe lời ấy, ai cũng tin chắc rằng đá trên núi Tùng biết nói. Lời của đá núi được coi là lời sấm ngôn, lời thiêng liêng chuyển tải mệnh trời rằng: Bà Triệu là Thiên tướng giáng trần, là người sẽ ra tay chỉ huy trăm họ vùng dậy cứu nước cứu dân. Bởi niềm tin sâu sắc ấy, nhân dân khắp nơi đã nườm nượp kéo nhau theo về với Bà Triệu.
Lực lượng nghĩa quân của Bà Triệu vì thế mà phát triển rất nhanh chóng, núi Tùng từ đó trở thành nơi tụ nghĩa. Mãi đến sau này thiên hạ mới vỡ lẽ ra rằng, trước khi chính thức phát động khởi nghĩa, Bà Triệu đã bí mật sai người thân tín leo lên núi Tùng, khoét đá thành hang rồi nhân đêm tối, nấp kín trong hang đá mà đọc thật to mấy câu sấm ngôn nói trên.
Tất nhiên, cơ mưu tạo ra các sự kiện đầy vẻ huyền bí, dù hoàn hảo và đầy sức thuyết phục đến đâu cũng không thể thay thế cho quá trình xây dựng uy tín tự thân và hoàn toàn thực tại của Bà Triệu.
Tương truyền, trước khi qua đời, Bà từng quỳ xuống vái Trời đất rằng: “Sinh vi tướng, tử vi Thần” (Sống làm tướng, chết làm Thần) (Đại Nam nhất thống chí, Thanh Hoá tỉnh, tập hạ).
Sau khi bà mất, dân vùng Bồ Điền, Phú Điền vẫn nghe trên không trung tiếng cồng thúc quân, voi gầm, ngựa hí. Bà còn phù hộ cho nhiều thủ lĩnh sau này đánh tan quân xâm lược. Có người sau này lên làm ngôi vua, như Lý Bôn, đã xây đền, lăng mộ để ghi nhớ công ơn của Bà.
Nguyệt Hòa
Theo todayctimes