Bạch Cốt Tinh trong Tây Du Ký và ẩn dụ đau xót cho đời người
Tây Du Ký là một bộ truyện, bộ phim bất hủ trong ký ức của nhiều người, trong đó câu chuyện Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh là hấp dẫn và kinh điển bậc nhất. Bạn có bao giờ tự hỏi Bạch Cốt Tinh thực tế là ai? Và cái mất, cái được của Ngộ Không trong câu chuyện này là gì?
Hành trình đi Tây Trúc nguy hiểm nghìn trùng, có những yêu quái trực diện xông ra mà đánh, nhưng con yêu quái Bạch Cốt Tinh này thì mưu mô quỷ quyệt vô cùng. Bạch Cốt Tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, Tôn Ngộ Không là trở ngại lớn nhất của nó. Để ăn thịt được Đường Tăng, Bạch Cốt Tinh tìm trăm phương ngàn kế tách rời Ngộ Không và sư phụ.
Lần thứ nhất, Bạch Cốt Tinh hóa thành một cô thôn nữ đi đưa cơm cho chồng, bị Ngộ Không nhận ra và đánh chết. Lần thứ hai, nó biến thành một bà lão, dùng tình cảm mẹ con để làm Đường Tăng động lòng, Tôn Ngộ Không với mắt Thần vẫn nhận ra chân tướng. Cuối cùng, Bạch Cốt Tinh hoá thành ông lão, lại dùng tình cảm bố con, vợ chồng để làm lay động lòng người. Đến lúc này, chính niệm của Đường Tăng đã bị mê muội, quyết đuổi Ngộ Không đi, thế là kế hoạch của Bạch Cốt Tinh đã thành công.
Sau khi bị yêu quái bắt đi, Đường Tăng mới nhận ra được bộ mặt thật của Bạch Cốt Tinh, mới biết rằng mình đã mắc lừa nó. Lúc này Đường Tăng phải nhờ Trư Bát Giới đi gọi Tôn Ngộ Không đến giải cứu. Thầy trò Đường Tăng từ đó đã vượt qua được kiếp nạn này.
Chúng ta tự hỏi: Đường Tăng vô cùng tin tưởng Ngộ Không, trên đường đi lấy kinh gian hiểm trập trùng, nhờ có Ngộ Không nên Đường Tăng mới bình an vượt qua bao hoạn nạn, vậy mà sao lại bị Bạch Cốt Tinh lừa đến mức mê muội đuổi Ngộ Không đi? Lần đó, vì không có Ngộ Không nên đã suýt mất mạng.
Vấn đề này giống như những người tu luyện được Phật Pháp từ bi cứu độ, nhận ra ý nghĩa của đời người là phản bổn quy chân, buông bỏ danh – lợi – tình để tìm về bản tính thiện lương chân thật, thế mà sao vẫn có bao người bị ma tình lôi xuống vực! Người đã có gia đình thì dính mắc trong tình cảm mẹ con, bố con; người chưa kết hôn thì mê lụy trong tình yêu nam nữ.
Ở đây, không phải nói là chúng ta không được yêu thương người khác, mà là không nên bị các chủng các dạng tình cảm cảm xúc của bản thân lôi kéo đến mức mê mờ lý trí, làm ra những việc trái đạo lý. Bản chất vấn đề chính là chúng ta chưa thể thoát khỏi sự mê hoặc của tình cảm, của Bạch Cốt Tinh.
Con người sống vì tình, cả đời từ khi sinh ra cho tới khi thành nắm xương trắng (bạch cốt) vẫn cứ vì một chữ tình. Bạch Cốt Tinh chính là một con yêu quái, lợi dụng tình cảm của con người để lừa và ăn thịt họ. Con người cả đời đều vì tình mà rơi vào bẫy của Bạch Cốt Tinh, bị bó buộc bởi chữ tình, nghiệp tăng cũng vì nó, sáu nẻo luân hồi cũng liên quan đến nó, chỉ đến khi người tu thành Thần Phật thì nó mới hoàn toàn bị tiêu diệt. Thần Phật không có tình, chỉ có từ bi, là một trạng thái tốt đẹp và vĩ đại hơn.
Nhân đây bàn thêm một chút: Ngộ Không vì cứu Sư Phụ đã phải chiến đấu với Bạch Cốt Tinh 3 lần, và cũng vì thế mà mất đi sự tin tưởng của Sư Phụ, quá trình này cho chúng ta bài học lớn nhất là gì?
Việc Ngộ Không cứu người đương nhiên là tốt, nhưng khi cứu người cũng phải biết suy xét đến khả năng lĩnh ngộ của họ. Thời điểm đó, Đường Tăng vẫn mang nặng nhân tâm, Trư Bát Giới và Sa Tăng tuy là Thần hạ thế nhưng nhìn nhận mọi việc vẫn như người phàm. Ngộ Không không hiểu hết suy nghĩ, khả năng chịu đựng của Đường Tăng và các sư đệ mà cứ cố chấp, đây chỉ là chứng thực bản thân mà chưa phải là xả thân duy hộ Phật Pháp. Đây chính là mấu chốt làm cho Ngộ Không bị mắc mưu Bạch Cốt tinh và bị những người thân của mình xua đuổi.
Nếu như Ngộ Không có thể lựa theo tâm tính của sư phụ và các sư đệ, kiên nhẫn chờ thời chứ không vội đánh chết yêu quái, tương kế tựu kế vạch trần bản chất của nó, ví như tìm cách vời Bồ Tát đến giúp… thì có thể đã không dẫn đến cảnh sư đệ tương tàn. Phải tu từ trong tâm tính của mình thì mới cứu được Đường Tăng, phải nâng cao bản thân về mọi mặt thì mới thực sự là có phát triển!
Nguồn: DKN (Quỳnh Chi – Thanh Ngọc)