Câu chuyện cuộc sống

Bắt nạt trẻ con – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Năm lên sáu, tôi được đi từ Vinh ra Hà Nội để dự lễ tốt nghiệp thạc sỹ của ba. Đó là chuyến đi xa đầu đời, đến một thành phố khác, khung cảnh xa lạ, gặp những người xa lạ. Giọng nói cũng khác với miền Trung “mô, tê, răng, rứa” thân thuộc của tôi.

Sau buổi lễ, ba cho tôi xem bức ảnh tập thể chụp chung với các cô chú cùng lớp. Mọi người hùa vào trêu tôi rằng cô ngồi cạnh là bồ của ba, cô ấy vừa trẻ lại vừa xinh hơn mẹ tôi. Tôi lẳng lặng không nói gì, lát sau mượn ba bức ảnh, trốn ra một góc, nhằm vào chính chỗ giữa ba và cô kia xé đôi.

 

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

 

Tôi tự thấy đó là hành động liều lĩnh, vì từ bé tôi vốn cực kỳ ngoan, biết vâng lời và chưa bao giờ gây ra phiền toái cho ba mẹ. Nhưng lúc đó tôi vừa sợ hãi vừa tức giận, hoàn toàn tin vào lời người lớn. Tôi rất sợ, nếu như ba tôi yêu cô đó thật, và ba sẽ bỏ mẹ con tôi.

Sau khi phát hiện ra chuyện, một số cô chú dỗ dành và xin lỗi tôi. Một số khác khoái chí đem phản ứng của tôi ra làm chuyện cười. Số còn lại lắc đầu, chép miệng: “con bé này ghê gớm thật”.

Ba mẹ tôi vẫn giữ bức ảnh đó trong album gia đình, lâu lâu lại mang ra kể lại như một kỷ niệm vui. Còn tôi chẳng lấy làm vui vẻ gì về trải nghiệm tuổi thơ đó. Mãi sau này, khi đã lớn, đi học và sinh sống ở nước ngoài, tôi mới hiểu rằng đó là một hình thức bắt nạt con trẻ, một thói quen rất phổ biến ở Việt Nam.

Bởi không chỉ một lần, tuổi thơ tôi đã trải qua không ít lần bị người lớn “bắt nạt” bằng ngôn từ, hành xử.

Nào là sẽ bị ba mẹ cho ra rìa khi em trai chào đời, nào là “ba mẹ không yêu đâu, ba mẹ đi nơi khác sống rồi” khi ba mẹ tôi vắng nhà. Gần đây tôi thấy có người còn liệt kê ra những câu nói họ nhớ nhất từ hồi nhỏ:

Bố cháu đi với cô khác rồi, mẹ nhặt mày ở bãi rác về, bố mẹ xin mày về nuôi, lười như mày thì chó nó lấy, nhìn con nhà người ta kìa, hồi bằng tuổi mày thì bố, mẹ đã…

Tới tận 30 năm sau, khi đã là người mẹ của những đứa con, tôi vẫn thấy người lớn không ngừng bắt nạt bọn trẻ. Họ lôi trẻ con ra làm trò đùa, trêu ghẹo chúng, áp đặt quyền lực lên chúng, thử phản ứng của chúng.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh cháu tôi ba tuổi đang ngồi chơi, tay cầm chiếc kẹo mút, hàng xóm sang chơi, lấy kẹo của cháu rồi bảo “vòng tay xin đi bác sẽ trả lại”.

Tất nhiên đứa bé không xin, và người đó bảo rằng đứa bé này hư, không biết nghe lời. Quá bất bình, tôi nói rằng bác mới là người sai, kẹo của cháu, bác lấy của cháu là đã sai rồi, tại sao còn bắt cháu phải vòng tay xin lại chính cái kẹo của nó.

“Bác mới là người cần xin lỗi nó”, nghe tôi nói, họ tất nhiên không vui với tôi, lẩm bẩm “đùa một tí thôi làm gì mà ghê gớm thế”.

Đó chỉ là một trong muôn vàn ví dụ về thói quen không tôn trọng trẻ, bắt nạt trẻ ở Việt Nam. Chúng có thể bị những người lớn mới gặp đã bẹo má, cắn má, thơm thít sỗ sàng mà không hề được xin phép, chỉ vì chúng nó “ôi sao mà xinh quá, đáng yêu quá”. Thậm chí các bé trai còn bị sờ mó bộ phận sinh dục, rồi bình luận oang oang, cười đùa về việc đó.

Những câu nói vô duyên, những trò đùa tưởng như vô thưởng vô phạt của người lớn có thể để lại hậu quả khôn lường như việc đau lòng ở Tuyên Quang do TS Nguyễn Thị Kim Quý kể lại.

Bé trai hơn một tuổi bị chính chị gái cầm dao lấy đi sinh mạng chỉ vì những lời nói đùa của hàng xóm, cô bé cảm thấy bố mẹ yêu em hơn. Và quan trọng hơn, nó để lại những cảm xúc xấu, ám ảnh, đầu độc tâm hồn đứa trẻ lâu dài. Đó là những tổn thương vô hình như chính tôi giờ đây mỗi khi nhìn thấy bức ảnh bị xé đôi trong album gia đình.

Các con tôi lớn lên ở Pháp, may thay chưa phải chịu tổn thương từ những câu đùa vô ý và vô lý của người lớn. Khi gặp nhau, người lớn thường chủ động chào các cháu trước chứ không giống ở Việt Nam, tôi thấy bố mẹ hay nhắc “Con đã chào bác chưa?”,

“Sao chưa chào cô?”. Ở Pháp, người lớn không chủ động thơm má trẻ nếu không phải là những người thực sự rất thân quen mặc dù đây là một nghi thức xã giao trong văn hóa của họ. Họ thường chìa má ra để các cháu quyết định có thơm hay không.

Các tiệm cắt tóc thường bày một đĩa kẹo để mời khách, nhưng họ không tùy tiện cho trẻ kẹo. Nhân viên sẽ hỏi ý kiến của phụ huynh, sau đó mới đưa đĩa kẹo xuống tầm thấp của trẻ và thường nói:

“Nếu cháu muốn, cháu có thể lấy một cái”. Đặc biệt, người Pháp không ngại khi nói cảm ơn và xin lỗi với trẻ con.

Gia đình chúng tôi sống gần bờ biển và thường đi dạo vào buổi chiều. Một lần, con tôi thấy một bà cụ dắt chó xuống bờ biển, cháu thẳng thắn nói với bà cụ là không nên làm như thế, bởi vì ở đây có lệnh cấm chó.

Bà cụ có vẻ hơi ngại, vội vàng nói xin lỗi và dắt chó đi dạo chỗ khác. Lần đó, tôi thầm cảm ơn bà cụ, vì nếu bà phản ứng giận dữ thì cháu sẽ sợ hãi và có thể sau này không còn can đảm lên tiếng nữa.

Còn ở Việt Nam, ý kiến của bọn trẻ ít khi được tôn trọng. Có phải chăng trong mắt người lớn, trẻ con đều là lũ nít ranh vắt mũi chưa sạch, chả biết gì. Vì thế, một mặt, họ ra sức bao bọc lũ trẻ, quyết định hộ lũ trẻ, thậm chí sống hộ, vì sợ rằng chúng nó sẽ làm sai; mặt khác, lại đem trẻ ra làm trò đùa để thử xem phản ứng của chúng thế nào.

Cứ như thế trong quãng đời trước khi trở thành người lớn, bọn trẻ hầu như không được phép có ý kiến, càng không được phép phản biện lại người lớn. Nếu không, đương nhiên chúng sẽ bị dán nhãn là những đứa trẻ hư.

Đây thực chất là một kiểu áp đặt quyền lực và vô tình hình thành một tư tưởng lệch lạc trong đầu óc non nớt của bọn trẻ, rằng người mạnh hơn sẽ thao túng được kẻ yếu hơn, người lớn tuổi hơn luôn đúng.

Đây cũng là một nguyên nhân tạo nên thói bắt nạt ở trường học, bắt nạt nơi công sở, bắt nạt ngoài xã hội.

Một trong những quyền cơ bản trong Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc là “quyền được lắng nghe và tôn trọng”, nhưng nếu như quyền cơ bản nhất của trẻ em đang còn bị lơ là thì liệu ta có đang thực sự “dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em” như các khẩu hiệu nhân ngày của trẻ?

Ngô Thị Phương Lê

Nguồn: Trương Văn Tân

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *