Blog
Bị ngã, chấn thương, bong gân nên xoa dầu, dán cao hay chườm lạnh mới đúng?
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng do điều trị gãy xương sai cách.
Cụ thể, nam bệnh nhân (35 tuổi, ở Quảng Ninh) bị gãy xương cẳng chân phải nhưng không đến các cơ sở y tế điều trị mà nghe theo lời mách bôi dầu nóng để chữa gãy xương tại nhà.
Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng cẳng chân nóng rát, xuất hiện nhiều nốt phỏng nước, nhiễm trùng.
Điều đáng nói, theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, đây không phải là trường hợp hiếm gặp họa do điều trị vết thương sai cách.
Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn
Trước đó, đơn vị này cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị va quệt, ngã, chấn thương nhẹ nhưng người bệnh và người nhà đã xử lý sai cách như dùng dầu nóng xoa bóp, chườm nóng, bó thuốc, đắp lá… khiến vùng da bị hoại tử, nhiễm trùng. Thậm chí, có nhiều người bị rách, đứt dây chằng kéo dài khiến tổn thương trở nên nặng nề và điều trị phức tạp hơn.
Hay gần đây nhất, một bé trai 12 tuổi được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) trong tình trạng cổ bàn chân trái sưng nề, tấy đỏ, có nhiều phỏng nước.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân bị ngã gây sưng đau vùng cổ bàn chân trái, đi khám được bác sĩ cấp thuốc và tư vấn. Tuy nhiên, với hy vọng giúp con nhanh khỏi, gia đình đã dùng lá cây chữa bong gân để đắp vào vùng tổn thương. Sau 1 tuần, bệnh nhân đau nhức nhiều nên được đưa tới viện thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng cổ bàn chân trái và trích lấy ra khoảng 300ml dịch mủ trắng cho bệnh nhân.
Tuyệt đối không xoa dầu nóng, dán cao, đắp thuốc vào vùng bị tổn thương
Hiện nay, nhiều người có thói quen khi bị ngã, bong gân, sưng đau xoa dầu nóng, dán cao, bó thuốc cây cỏ… vào vết thương vì nghĩ rằng sẽ giúp hết sưng, giảm đau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về xương khớp, việc này là sai lầm nghiêm trọng và phản khoa học.
Nguyên nhân là do khi bị ngã, chấn thương hay bong gân thường sẽ xuất hiện tình trạng sưng, chảy máu dưới vùng da bị thương và vùng dây chằng bị đứt. Tùy mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng bị thương.
“Nếu xoa dầu nóng, dán cao nóng vào vết thương sẽ làm cho các mạch máu giãn nở, gây chảy máu nhiều hơn, khiến tình trạng sưng đau và bầm nơi vùng bị thương càng nặng. Bên cạnh đó, nếu bôi, đắp vào vết thương hở tiềm ẩn nguy cơ gây viêm da, hoại tử, nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong“, các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Bỏng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nhấn mạnh.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nếu gặp các chấn thương gãy xương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tùy từng trường hợp và mức độ tổn thương các bác sĩ sẽ có chỉ định như phẫu thuật, nẹp cố định.
Tuyệt đối, không được tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng như bôi dầu nóng, dán cao, xoa rượu thuốc vì có nguy cơ khiến việc điều trị bị chậm trễ, tiềm ẩn rất nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng về sau.
Phương pháp sơ cứu chấn thương phần mềm đúng cách tại nhà
Theo BS Nguyễn Việt Khoa, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày nay, chấn thương khi tập luyện thể dục, thể thao hoặc trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày gây tổn thương các mô mềm (gân, cơ và dây chằng) thường xảy ra khá phổ biến. Đối với các tổn thương mô mềm, người bệnh nên áp dụng phương pháp RICE để giúp giảm sưng, đau và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh.
Điều trị RICE (viết tắt của nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao) là một hình thức điều trị bảo tồn tuyệt vời cho các chấn thương nhẹ, có thể dễ dàng thực hiện tại nhà với các bước sau:
Nghỉ ngơi (REST): Nên để vùng bị thương nghỉ ngơi để ngăn ngừa tổn thương thêm, thúc đẩy quá trình chữa lành và phục hồi. Tuyệt đối tránh chơi thể thao hoặc nâng vật nặng vì có thể gây tăng áp lực và làm tăng cơn đau. Thời gian nghỉ ngơi này chỉ nên kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn để tránh bị cứng khớp, teo cơ, suy giảm chức năng vận động.
Chườm đá (ICE): Chườm lạnh (có thể là túi đá hay gói đá đông lạnh) lên vùng bị thương khoảng 15–20 phút mỗi 2-3 giờ để giảm đau, sưng, co thắt cơ và bầm tím. Lưu ý để tránh bị bỏng lạnh nên đặt 1 khăn hay vải lên da trước khi để túi đá lên.
Băng ép (COMPRESSION): Dùng băng co giãn hỗ trợ chấn thương quấn quanh vị trí bị chấn thương. Đảm bảo băng ép vừa khít, không được quấn quá chặt vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc máu lưu thông.
Nâng cao (ELEVATION): Hãy giữ tay hay chân bị chấn thương cao hơn tim để ngăn ngừa sưng, phù nề và bầm tím.
Sau khi sơ cứu, nếu thấy vùng bị thương sưng, đau nhiều, hạn chế vận động, di chuyển khó khăn cần đến cơ sở y tế để được xử trí nhanh chóng, kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.