Blog
Biển lớn vì thu nạp nước trăm sông, người cao thượng khoan dung ngay cả kẻ thù
Nếu chưa thể khoan dung trước những lỗi lầm của người khác và tha thứ cho họ, có lẽ đã đến lúc bạn nên đọc bài viết này.
Đức Phật từ bi đã dành cho con người một báu vật cao quý, đáng giá nhất trên đời khi Ngài truyền dạy rằng: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Cổ nhân cũng từng khuyên con cháu: “Đấng trượng phu không thù mới đáng. Người quân tử không oán mới nên”, để chúng ta thêm thấm thía về lòng bao dung có sức lớn mạnh đến thế nào.
Trong văn hóa truyền thống tự bao đời của người Á Đông, bao dung là một loại khí độ vô tư, thể hiện tấm lòng bao la rộng lớn. Đó cũng là một loại trí tuệ và cảnh giới của việc tu dưỡng đạo đức, bắt nguồn từ nội tâm “thiện lương, từ bi và nhân nghĩa” của con người.
Lời dạy của bậc Thánh hiền
Xưa kia, các bậc Thánh hiền rất coi trọng lòng bao dung. Rất nhiều ví dụ như vậy đã được lưu trong các tích cổ của Phật gia, Đạo gia và Nho gia. Lão Tử giảng rằng: “Khổng đức chi dung, duy đạo thị tùng“, ý là Đạo lớn bao nhiêu thì sức bao dung, chứa đựng bao trùm vạn vật của Đức cũng lớn bấy nhiêu.
Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!
Lẵng Tài Lộc Buôn May Bán Đắt
Tháp Tỏi Ngũ Hạt Hút Tài Lộc
Vòng Tỏi May Mắn Chiêu Tài Hút Lộc
Lão Tử còn giảng: “Giang hải chi sở dĩ vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi, thị dĩ năng vi bách cốc vương“. Đại ý là sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm hang suối. Lão Tử dạy làm người cần phải hạ mình khiêm cung. Ngài cho rằng nếu người bề trên khiêm cung sẽ làm cho lòng muôn dân quy tụ, cũng như sông biển vì ở chỗ thấp nên nước muôn khe đều đổ xuống.
Khổng Tử nói: “Khoan tắc đắc chúng” với hàm ý rằng, nếu ta đối xử với mọi người bằng tấm lòng bao dung rộng lượng thì chắc chắn sẽ được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ. Trong “Thượng thư”, Chu Thành Vương khuyên bảo quân rằng: “Hữu dung, đức nãi đại”, nếu ta có thể khoan dung với người thì đạo đức tu dưỡng mới có thể nâng cao lên được.
Phật gia lại giảng rằng: “Nhất niệm cảnh chuyển“, một niệm khiến hoàn cảnh đổi thay. Trong tâm của con người thường tồn tại “ác niệm”, “thiện giải”, “bao dung”, nhưng chỉ có tấm lòng từ bi mới có khả năng bao dung vạn vật. Tấm lòng càng độ lượng bao nhiêu thì thế giới mà bạn có thể bao dung rộng lớn bấy nhiêu.
Bao dung là khiêm tốn, luôn tôn trọng ý kiến người khác
Mỗi từng con người trên thế giới này đều là duy nhất và đặc biệt, có cá tính và quan điểm về thế giới quan, với vạn vật đều khác nhau. Các bậc Thánh hiền thời xưa rất tôn trọng quan điểm của người khác, trong mọi việc đều đặt lợi ích của người khác lên trước, vui vẻ chấp nhận ý kiến của họ, để lại những tấm gương sáng cho hậu thế.
Thời Tây Chu, tiêu biểu cho tấm lòng trung quân, phò chúa, không sinh dị tâm chính là Chu Công khi phò tá Thành Vương. Ông là người tài đức, một lòng dốc sức cai quản đất nước nên có rất nhiều người đến nương nhờ nịnh hót. Đôi khi lúc gội đầu, ông cầm theo vài sợi tóc rụng đi gặp khách, có khi ăn cơm ông nhổ thức ăn trong miệng ra vừa tiếp đón khách, cách đối đãi có phần không “nể nang” ấy khiến những kẻ xu nịnh e dè, dần dần không còn đến quấy rầy nương nhờ ông nữa. Chu Công dùng tinh thần “ác phát thổ bộ” (nắm tóc rụng, nhổ cơm trong miệng ra) để đối đãi với những kẻ xu nịnh khiến cho thiên hạ đều hướng về, đem lòng kính phục sâu sắc.
Chu Công dạy con trai Bá Cầm của mình rằng: “Thánh Vương để cho con trị nước Lỗ, con nhất định phải giữ đức hạnh, khiêm tốn, và tuân hành. Con nên biết Đạo lý của Trời truyền rằng, bất cứ ai kiêu ngạo, tự mãn sẽ phải chịu khó khăn, thiệt thòi, còn người khiêm nhường, thiện lương sẽ được nhiều lợi ích. Đạo lý của Đất cũng vậy, sẽ khiến cho những kẻ kiêu ngạo, tự mãn phải thay đổi, và giúp người khiêm tốn có cơ hội phát huy thuận lợi. Như nước chảy vào chỗ lõm sẽ tạo thành vũng nước đầy. Thế nhân không coi trọng kẻ kiêu ngạo tự mãn mà tôn trọng người khiêm nhường, thật thà“.
Như vua Đường Thái Tông không những khiêm tốn nghe theo lời khuyên can, mà còn yêu cầu bề tôi chỉ ra chỗ sai của ngài và tiếp thu bằng một thái độ khiêm nhường, vui vẻ. Ngài bao dung Ngụy Trưng, một Gián nghị đại phu nổi tiếng và những người từng mạo phạm mình bằng những lần can gián thẳng thắn.
Biết trọng dụng nhân tài, tuyên dương thiện ý của người khác, và tiếp thu những lời can gián của các đại thần, Đường Thái Tông thật sự là một bậc quân vương nhìn xa trong rộng, nên thời kỳ này xuất hiện một xã hội Đại Đường phồn vinh với nền văn hóa phát triển rực rỡ. Lịch sử gọi thời kỳ này là “Trịnh Quan chi trị” (Nền thịnh trị dưới thời Quan chi).
Bao dung là biết khoan thứ với người khác
Bao dung còn là mở rộng tấm lòng, tha thứ những sai lầm của ai đó, là chấp nhận lỗi lầm người khác từng phạm phải. Nhưng không có nghĩa là không phân biệt đúng sai, mà là để cảm hóa họ, cho họ thêm cơ hội để sửa chữa, ăn năn. Đó là động lực lớn nhất để họ hối cải tìm con đường đi đúng đắn.
Vào thời Chiến Quốc, sự bao dung nhẫn nhịn mà Lạn Tương Như của nước Triệu đối với Liêm Pha đã làm nên giai thoại lưu truyền trong nhân gian. Liêm Pha là một vị danh tướng của nước Triệu, đã từng lập rất nhiều công lao to lớn và được dân chúng tôn kính. Liêm Pha rất không phục, bất bình khi Lạn Tương Như được phong tước cao hơn mình và công khai thách thức Tương Như. Chính vì vậy mà Lạn Tương Như thường xuyên tránh mặt Liêm Pha, thậm chí ngay cả trong những buổi thiết triều.
Điều này khiến nhiều người trong đoàn tùy tùng của ông tức giận, họ cho rằng ông nhu nhược và muốn rời bỏ ông. Lạn Tương Như biết chuyện bèn nói với họ: “Ta nghĩ rằng nước Tần hùng mạnh nhưng lại không đem binh đánh nước Triệu vì văn thần có ta, võ tướng có Liêm Pha. Nếu như hai hổ tranh đấu tất sẽ có một con bị thương, Tần quốc biết được sẽ nhân cơ hội này mà mang quân đến xâm lược. Quốc gia mất, nếu so với đắc thất của cá nhân ta thì còn quan trọng hơn nhiều, do đó ta không nhẫn không được”.
Liêm Pha khi nghe được chuyện này thì vô cùng xấu hổ, nên tự cầm theo roi đến quỳ tạ tội trước Lạn Tương Như, nói rằng: “Ta thô lỗ, tấm lòng nhỏ hẹp, ánh mắt thiển cận, không nghĩ đến ngài có thể khoan dung ta đến bước này”. Lạn Tương Như vội vã nâng Liêm Pha đứng lên: “Không dám nhận. Chúng ta đều là trọng thần của quốc gia, cùng nhau đem sức lực phục vụ cho tổ quốc, lão tướng quân có thể lượng thứ cho ta đã quá đủ rồi, làm sao có thể để ngài quỳ trước ta được?“. Từ đó hai người trở thành đôi bạn tri kỷ, sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên vững mạnh, khiến nước Tần không dám lấn chiếm.
Bao dung để cảm hóa người khác
Bao dung cũng thể hiện ra một loại lượng thứ, là nghiêm khắc với bản thân nhưng khoan dung với người khác. Giống như Dương Chứ của nhà Minh một đêm nằm mơ, thấy mình đang đi dạo trong một khu vườn, thuận tay hái hai quả mận trên cây xuống ăn. Sau khi tỉnh mộng, ông tự vấn bản thân: “Là ta không phân biệt rõ đạo nghĩa và tư lợi, nên trong mộng mới nhìn thấy bản thân đi trộm quả trong vườn của nhà người khác“. Từ đó ông càng thêm nghiêm khắc, tu thân dưỡng tính.
Một người hàng xóm mỗi khi trời mưa đều cho nước đọng trong sân nhà họ chảy qua sân nhà Dương Chứ, không ngờ ông lại nói: “Có nhiều ngày trời đẹp hơn trời mưa“. Người hàng xóm biết được đã thấu hiểu và cảm động trước sự nhẫn nhịn của ông.
Lúc Dương Chứ nhậm chức Lễ Bộ Thượng Thư, có một lần vườn nhà ông bị hàng xóm lấn ép ba thước. Vì việc này mà người nhà ông cùng hàng xóm tranh chấp, hy vọng Dương Chứ ra can thiệp lấy lại công đạo. Nhưng Dương Chứ chỉ cười, rồi viết một phong thư trả lời: “Dư địa vô đa mạc giác lượng. Nhất điều phân thành lưỡng gia tường. Phổ thiên chi hạ giai vương thổ. Tái nhượng tam xích hựu hà phương“. (Đất đai dưới trời đất này không phải của riêng mà đều là của vương tử, cho nên nhường cho hàng xóm ba thước cũng không có vấn đề gì).
Sự nhường nhịn, khí độ và khiêm tốn của Dương Chứ đã cảm hóa được người hàng xóm, họ không những không tranh giành đất nữa mà ngược lại còn chủ động nhường ba thước, trở thành giai thoại “Lục Xích Hạng” được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Bao dung là sức mạnh của cái thiện
Cổ ngữ có câu “Hậu đức tái vật“, bởi vì “đức” là vô tư, đáng tin cậy, bao trùm vạn vật. “Đức” càng nhiều, càng dày thì sức chịu đựng càng cao và lòng bao dung càng rộng lớn. Như nhà triết học Pháp Voltaire (1694-1778) từng nhận định: “Sự khoan dung là vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người trong khắp vũ trụ”.
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, lòng bao dung độ lượng chính là báu vật xuyên suốt mọi mối quan hệ giữa con người. Nhờ nó, ta trở nên giàu có hơn về sự bình yên trong tâm hồn. Nhờ nó, ta biết được sự vị tha vĩ đại như thế nào. Lòng khoan dung tắm táp cho tâm hồn ta khỏi những toan tính, đố kỵ, hẹp hòi, bồi dưỡng thêm đức cao thượng.
Vì vậy, những người có đạo đức cao thượng sẽ không coi trọng lợi ích, biết cho đi mà không cần nhận lại, luôn yêu thương và sẵn lòng bao dung. Đó là cội nguồn của hạnh phúc.
Như tấm lòng bao dung đức độ của vị cha xứ trao cho kẻ vô gia cư Jean Valjean một cơ hội đổi thay số phận, tìm lại được bản ngã của mình. Con người khốn khổ, hiền lành ấy trong cơn đói cồn cào đã nỡ lấy cắp một chiếc bánh mỳ và phải trả giá cho 19 năm tự do. Để khi ra tù, Jean Valjean đã trở thành một con người căm hận cuộc đời.
Tuy nhiên vị cha xứ đã cưu mang Jean Valjean bất chấp lời cảnh báo của mọi người nên tránh xa “tù nhân nguy hiểm”, cũng như không màng tới sự bội ân của Jean Valjean, mà tha thứ tiếp cho anh ta. Cho đến khi Jean Valjean hỏi vì sao vị cha xứ lại cư xử như vậy, câu trả lời đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh ta, khiến Jean Valjean đã dành toàn bộ cuộc đời còn lại của mình làm bao điều thiện, giúp đỡ những phận người nghèo khổ, cơ cực. Vị cha xứ trả lời rằng: “Ta mua cho con niềm tin vào Chúa. Ta chuộc lại cho con sự hận thù, căm ghét cuộc sống”. Lòng bao dung rộng lớn ấy đã đánh thức, dẫn lối người khác cùng hành thiện.