Bỏ rơi cha dượng đang nằm bệnh viện, tôi nhận được bài học khắc cốt ghi tầm
Sau khi cha tôi mất được 3 năm, mẹ tôi kết hôn với ông. Quả thực, so với người cha đã quá cố của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có gì đáng nói. Nhưng mà, mẹ tôi cần một người bầu bạn lúc về già, mà yêu cầu của phụ nữ đã ngoài 50 đối với một nửa kia thì chỉ cần nhân cách tốt là được.
Về điểm này ông ấy có đủ điều kiện. Ông nổi tiếng xa gần là người tốt bụng và thật thà, chất phác. Lần đầu tiên gặp mẹ tôi, ông rất bối rối. Ông biết rất rõ mọi phương diện của mình đều không thể sánh được với bà: nhà chật hẹp, tiền lương hưu ít ỏi. Ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, mà lại còn phải giúp đỡ cậu con trai mới kết hôn không có điều kiện kinh tế.
Ông nó với mẹ tôi:
– Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem sao. Chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối. Ông không để bà động tay vào việc gì, thoáng chốc đã làm xong bữa cơm ngon đủ cả 4 món.
Mẹ tôi là người thực tế, nhưng bữa ăn ấy đã khiến bà có thiện cảm với ông. Về sau, mẹ cũng có gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện đều tốt hơn, nhưng cuối cùng mẹ vẫn chọn ông. Lý do thực ra cũng được xem là ích kỷ, mẹ tôi đã phục vụ và chăm sóc ba hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.
Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau.
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, gia đình tôi và người con trai của ông dùng một bữa cơm với nhau. Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, với lý do là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, nhưng thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi:
– Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau, sau này nếu gia đình cùng ăn cơm thì đến nhà bố nấu là được rồi. Đến nơi sang trọng như này, bố không quen, mà lại cảm thấy tiếc tiền. Dù sao ta cũng không giúp con được gì, cũng không muốn con lãng phí tiền bạc vì ta.
Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh của tôi, nhưng cũng khiến tôi cảm động phần nào. Quả thực, ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt. Mỗi lần gặp tôi bà đều cười rất hạnh phúc.
Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon.
Một lần nọ, khi đang cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ:
– Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút.
Sắc mặt vợ tôi bỗng khó coi, ông ấy vội vàng đứng ra giải vây:
– Bố không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn. Các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta. Nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây bất cứ lúc nào cũng được. Ta cũng chỉ mong có thế.
Sau khi chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm, vừa cầm lấy tay tôi và nói:
– Con đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa nhé. Nói thật lòng, hễ có người nói đến thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn lại thì không làm được trò trống gì.
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói:
– Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta. Trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi lại được làm Hoàng thái hậu.
Tôi liếc mắt nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của cô ấy đối với ông, trong lòng có chút khó chịu nhưng lại không biết phải nói gì. Rốt cuộc, ông ấy trước sau vẫn là một người ngoài mà.
Hôm giỗ bố tôi, ông ấy và mẹ đã đến. Ông vào bếp chuẩn bị mọi thứ tươm tất, nhưng đến lúc ăn cơm thì lại không thấy đâu, tìm khắp nơi đều không thấy, gọi điện thoại cũng không được. Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn. Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, nhưng bà cũng không biết nói gì. Chứng kiến sự việc ấy, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.
Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi…
Không ngờ một ngày, ông ngã bệnh…
Trên đường ông ấy đưa con tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não. Tôi và con trai ông ấy, ban đầu đều rất tích cực điều trị cho ông, nhưng mà, ông không có chút dấu hiệu hồi phục nào. Tôi biết ông rất ái ngại khi thấy mọi người phải chăm sóc cho mình. Từ ngày nhập viên, ông đã khóc rất nhiều.
Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi và tuyệt vọng. Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ rơi ông lại chính là cậu con trai ruột. Từ sau lần ấy, cậu ta chỉ đến thăm ông một lần rồi không thấy đâu nữa, gọi điện thì liên tục nói là phải đi công tác.
Và điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi đề xuất rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là sống cùng nhau như vậy. Mẹ nói với tôi:
– Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được.
Tôi không muốn để mẹ phải nói những lời tàn nhẫn với ông, nên đành thay mẹ đến bệnh viện nói ra chuyện chia tay này. Nước mắt của ông tuôn trào ra như mưa, nhưng vẫn gật đầu đồng ý. Tôi thuê một bảo mẫu, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông, thuê công nhân tu sửa lại một chút. Cố gắng trọn nhân trọn nghĩa…
Ngày ông xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông. Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng:
– Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy.
Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi. Ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lòng ai cũng thấy nguội ngắt. Con trai tôi bỗng khóc:
– Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm.
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng thằng bé lại càng dữ dội hơn:
– Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết. Mọi người thật đúng là xấu xa mà!
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy. Tôi nhìn qua mẹ, thấy đôi mắt của bà đỏ hoe. Ngày 30 Tết ấy buồn biết mấy. Tôi nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.
Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ. Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, tôi bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt cho ông. Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn đồ ăn đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15. Trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ, tại sao bà có thể nhẫn tâm với một người từng đối xử tốt với mình như vậy.
Tôi ở lại ăn cơm cùng ông. Cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã. Tôi là kiểu người gì đây? Tại sao tôi có thể đối xử với một người đàn ông đang bệnh tật như vậy. Trong khi ông lại xem tôi như con trai của mình.
Tôi không chút do dự, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài.
Ông giãy giụa, hỏi tôi:
– Con làm vậy là sao?
– Con đưa chú về nhà.
Cuối cùng ông cũng trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi:
– Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy:
– Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta. Chúng ta không nên lấy đó làm cái cớ để bỏ rơi ông ấy. Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà. Trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi.
Mẹ tôi thì khóc như mưa, bà nắm chặt lấy tay tôi nói rằng:
– Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy.
Tôi nói:
– Mẹ yên tâm. Cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời. Với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy không phải chuyện khó. Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi:
– Bố ơi, đừng có gửi ông nội về đâu nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!
Tôi ôm con trai vào lòng. Thật may là vẫn chưa quá muộn để tôi làm một người tốt trong lòng của con.
– Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!