Bóng gió đoán mò, đơm đặt thêu dệt hại người hại mình
“Khi ngồi thường suy nghĩ lỗi lầm của mình, trò chuyện chớ bàn luận cái sai của người”, đó chính là đạo xử thế của người quân tử. Tuy nhiên, cũng có những người hành xử hoàn toàn trái với đạo lý này. Dưới đây là câu chuyện về một người bóng gió đoán mò, đơm đặt thêu dệt hại người hại mình.
Thời triều Thanh ở Trung Quốc, có một thư sinh gọi là Khang Sinh, xưa nay nổi tiếng tài mạo song toàn. Khi mới 22 tuổi, anh đã dạy học ở nhà một vị quan lớn họ Đơn. Họ Đơn 3 đời làm quan, là người giàu nhất huyện, trong nhà có mấy trăm người hầu kẻ hạ cả nam lẫn nữ. Thế nhưng, họ Đơn tính tình tàn bạo, gia quy nghiêm khắc. Kẻ dưới hễ bất cẩn là bị đánh đòn roi, thậm chí bị đánh đập tra hỏi, chịu nhục hình hành hạ, thường có những kẻ hầu bị hành hạ đến chết, nhưng ông ta vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Quan phủ cũng bất lực không dám động đến ông ta.
Khang Sinh giỏi xu nịnh, do đó quan hệ với chủ nhân rất tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên Khang Sinh tuổi trẻ hay gây chuyện, thường đơm đặt, bóng gió đoán mò.
Khang Sinh có 5 học trò: 4 người là con họ Đơn, là Đơn Tu, Đơn Bảo, Đơn Kiệt và Đơn Tư; ngoài ra còn một người là em cùng cha khác mẹ của họ Đơn, tên là Văn Bỉnh. Văn Bỉnh mới 17 tuổi nhưng vô cùng thông minh. Những bài thơ văn của cậu thường không bao giờ khiến Khang Sinh phải sửa. Về bề ngoài, Khang Sinh rất tán thưởng Văn Bỉnh, trên thực tế lại rất rất đố kỵ. Trong 5 học trò, chỉ có Đơn Bảo là hợp với Khang Sinh nhất. Hễ có chuyện là Đơn Bảo đi nghe ngóng, sau đó trở về nói với Khang Sinh. Khang Sinh nhìn thấy người lạ nào thì cũng tìm đến Đơn Bảo hỏi. Quan hệ hai người quả thực giống như bạn bè vậy.
Một ngày nọ, nhà họ Đơn mở tiệc mời họ hàng của phu nhân, xẩm tối, mọi người dần dần ra về. mấy cô gái tiễn khách ra về rồi trở lại, trên đường họ cười nói, và đi qua cửa lớp học. Khang Sinh nhìn qua khe cửa, thấy một cô a hoàn mặc áo xanh váy trắng, xinh đẹp diễm lệ, phong thái diện mạo khiến người ta rung động, Khang Sinh bỗng cảm thấy tâm thần bất định.
Đang lúc Khang Sinh bần thần thì thư đồng cầm đèn đem rượu và thức ăn đến. Khang Sinh hỏi: “Các công tử đang làm gì?”
Thư đồng nói: “Có người họ hàng ở lại, các công tử đang bận trang hoàng. Một lát nữa, Nhị công tử sẽ đến hầu tiên sinh uống rượu”.
Khang Sinh gật đầu. Một lúc sau, Đơn Bảo đến. Hai thầy trò vui mừng đối ẩm. Khang Sinh hỏi về cô a hoàn mà vừa rồi anh nhìn thấy, Đơn Bảo nói: “Người mà thầy hỏi đó có phải là cô a hoàn có làn da trắng, mắt to, răng trắng, tóc dày đen bóng đó không ạ?”
Khang Sinh nói: “Đúng thế”.
Đơn Bảo nói: “Đó là Tiểu Huệ, a hoàn thân cận của cô Ba. Cô a hoàn này thông minh lanh lợi, giỏi thêu thùa vá may, cả nhà đều yêu thích cô ấy. Cô ấy năm nay mới 19 tuổi, vẫn chưa tìm được gia đình để gả”.
Khang Sinh nâng chén vui vẻ nói: “Nhan sắc thế này, ngày ngày ở ngay trước mắt, mấy huynh đệ các trò không ai chú ý đến cô ấy sao?”
Đơn Bảo mỉm cười và nói: “Ai mà chẳng thử qua? Chỉ là cô a hoàn này luôn có cách né tránh, xem ra đến tay rồi lại tuột mất. Chỉ có Văn Bỉnh trước nay vẫn luôn thân với cô ấy”.
Khang Sinh đắc ý nói: “Ái chà! Văn Bỉnh xưa nay luôn tự cho mình thanh cao, lại làm bại hoại danh danh của người khác, chẳng phải nơi sáng thì một kiểu, nơi tối lại một kiểu khác đó sao? Ta nghĩ Tiểu Huệ là người trang trọng, e rằng Văn Bỉnh cũng chưa chắc có thể làm vấy bẩn cô ấy được. Những điều trò nói, e rằng là đoán độ mà thôi”.
Đơn Bảo nói: “Không phải, hai người qua lại, chính trò và Đơn Tư tận mắt chứng kiến”.
Khang Sinh lại gần Đơn Bảo và hỏi: “Các trò trông thấy những gì?”
Đơn Bảo nói: “Hai người trò chuyện, Đơn Tư ở phòng trong nhìn thấy. Còn trò thì ngẫu nhiên gặp ở trong vườn hoa”.
Khang Sinh nghe vậy thì cười lớn.
Một ngày nọ, Đơn Kiệt xin Khang Sinh giải thích về câu chuyện “Man Xúc tương tranh” (1) trong sách “Trang Tử”. Khang Sinh không trả lời được. Văn Bỉnh ở bên bèn giải thích, Khang Sinh vô cùng bối rối, nhưng lại dùng khẩu khí dạy bảo nói rằng: “Việc học tập cần lấy “13 bộ kinh” làm căn bản, “24 bộ sử” làm học vấn. Những sách hoang đường đó, đọc vào cũng giống như thu được một đống rác mà thôi”.
Văn Bỉnh nói: “Có một việc không biết thì cũng là nỗi sỉ nhục của Nho sinh rồi. Tể tướng cần người có học để gánh vác. Bởi vì kẻ sĩ có học thức rộng, nên mới có tác dụng lớn”.
Khang Sinh nói: “Đọc sách có thể thay đổi khí chất của con người. Khí chất của trò như thế này mà cũng xứng danh là Nho sinh sao? Ta tuy chỉ hơn trò vài tuổi, nhưng cũng là thầy của trò, trò là học trò, khi học trò cưỡi lên đầu thầy, thì đọc sách còn có tác dụng gì? Hơn nữa, trò tự cho rằng mình tinh thông Nho thuật, mà lại tư thông với a hoàn, phá hoại quy tắc khuê phòng. Thiên hạ có loại Nho sinh này không?”.
Văn Bỉnh nghe thế thì mặt biến sắc, không dám nói năng gì. Mấy anh em Đơn Tu dốc hết sức khuyên giải, Khang SInh mới dần dần nguôi cơn giận, nhưng không còn nói năng gì với Văn Bỉnh nữa.
Chủ nhà họ Đơn nghe tin, liền đánh Văn Bỉnh hơn chục roi. Gia chủ còn mở tiệc rượu biểu thị xin lỗi Khang Sinh: “Đại trượng phu mượn rượu để nói nên nỗi bất bình, hơn nữa tiên sinh là thầy, đối xử với học trò càng phải nghiêm. Tôi xin lỗi vì tiểu đệ quá ngu muội, tiên sinh không cần phải tính toán với hắn”.
Khang Sinh liên tiếp vâng dạ. Hai người vui vẻ uống rượu đến đêm.
Họ Đơn uống đã ngà ngà say, càng hứng chí, kể những chuyện đắc ý của cuộc đời mình, nói ào ào không ngừng. Khang Sinh thừa cơ nói khích: “Lão tiên sinh làm chính trị, làm văn đều trác việt siêu quần, đủ để truyền đời, chỉ là gia pháp không đủ nghiêm, người ngoài có lan truyền đồn đại, quả thực quá đáng tiếc”.
Họ Đơn không vui, nói rằng: “Việc lão phu trị gia, xưa nay vốn tự cho rằng không có điều gì hổ thẹn. Tiên sinh nói những lời này, phải chăng là nghe được những điều gì?”.
Khang Sinh nói: “Được lão tiên sinh yêu thương, nên kẻ hậu sinh này không dám giấu điều gì. Nhưng việc này liên quan đến chuyện riêng của người khác, nên không tiện nói”.
Họ Đơn nổi lòng nghi ngờ, liền lệnh mọi người lui đi, sau đó truy vấn. Khang Sinh đem chuyện Văn Bỉnh tư thông với Tiểu Huệ ra, thêm mắm thêm muối kể một hồi, còn nói: “Việc này công tử nhà lão tiên sinh đều tận mắt nhìn thấy. Lão tiên sinh là mẫu mực của toàn làng, sao có thể vì sự vui vẻ nhất thời của con cháu mà để danh tiếng của ngài bị vấy bẩn được?”
Họ Đơn xưa nay luôn tự hào về gia pháp nghiêm khắc, nay bị người ta ở ngay trước mặt vạch ra cái xấu trong nhà thì tức giận gầm thét như sấm, đùng đùng quăng chén rượu đi rồi vào nhà trong, vừa đi vừa lớn tiếng gọi Tiểu Huệ ra, dốc sức đánh đập và thẩm vấn. Tiểu Huệ không chịu nổi, đàng phải nhận bừa.
Họ Đơn tức giận lên đến cực điểm, trói cô vào chiếc cột, và gọi Văn Bỉnh đến xem. Văn Bỉnh lấy tay che mặt, bò trên mặt đất, khóc lớn. Họ Đơn vừa mắng chửi vừa dùng roi đánh, nét mặt hầm hầm. Phu nhân cầu xin mãi, họ Đơn vẫn chưa hết tức giận, giam Văn Bỉnh vào nhà xí, sau đó mới quay về phòng.
Phu Nhân lặng lẽ cởi trói cho Tiểu Huệ, khiêng cô vào trong phòng. Tiểu Huệ chỉ còn thoi thóp, máu tươi ướt đẫm giường. Những người hầu không ai là không rơi lệ thương xót cô. Đến nửa đêm, Tiểu Huệ bỗng nhiên duỗi thẳng người, nói lớn: “Nếu sau khi chết mà biết chuyện, tôi nhất định sẽ tìm lại sự công bằng”.
Nói xong, cô kêu lên mấy tiếng rồi chết. Mọi người trong nhà, từ trên xuống dưới đều thương xót cô.
Khang Sinh nghe tin thì trong tâm vô cùng bất an, tìm lý do từ chức trở về nhà. Mỗi lần nghĩ đến chuyện của Tiểu Huệ thì sợ hãi, mồ hôi ướt lưng. Khi đó cũng gần đến kỳ thi hương, đêm đêm Khang Sinh chong đèn đọc sách, chuẩn bị dự thi.
Một đêm, mẫu thân của Khang Sinh là Lý thị đích thân nấu ăn, đem đến thư phòng Khang Sinh, thì nhìn thấy một cô gái đứng trước cửa sổ, người lõa lồ, toàn thân đầm đìa máu. Lý thị sợ quá thét lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất. Trong nháy mắt, không thấy cô gái đó nữa.
Khang Sinh vội vàng chạy ra, dìu mẹ trở về phòng nghỉ ngơi, rồi hỏi mẹ việc gì khiến bà kinh sợ ngã ra. Người mẹ kể lại những gì bà nhìn thấy, Khang Sinh kinh hoàng thất sắc. Lý thị hỏi: “Xem ra căn phòng này là hung trạch, không nên cư trú. Hơn nữa cũng sắp đến kỳ thi hương rồi, chi bằng con hãy vào tỉnh thành tạm trú ở nhà cậu. Nếu con thi đỗ thì chúng ta sẽ chuyển đến nơi khác cư trú”.
Khang Sinh cảm thấy mẹ nói có lý, liền vội vàng lên thuyền vào tỉnh thành, ở nhờ nhà người cậu.
Ngày thi hương đã đến, những học trò từ các nơi lục tục đến trường thi. Tối hôm đó, mọi người trong trường thi nghe thấy tiếng khóc của một cô gái, họ đều cảm thấy rất kỳ lạ, chỉ riêng Khang Sinh là mặt tái mét ủ rũ, không muốn ăn uống gì hết. Canh 3 đêm hôm sau, bỗng thấy tiếng người ồn ào bên ngoài, mọi người đều lấy làm kỳ lạ.
Các thí sinh vén rèm cửa đi ra ngoài xem, chỉ thấy trước phòng của Khang SInh là một đám đông người vây quanh. Mọi người biết nhất định là đã xảy ra chuyện gì đó, bèn chen nhau chạy ra ngoài xem. Chỉ thấy Khang Sinh trần trụi ngồi dưới mái hiên, hai mắt trừng trừng, nói lớn: “Đơn Đình Hiến (họ tên của viên quan họ Đơn kia) vẫn chưa đến thời gian, tạm thời tha cho ngươi một lần. Bây giờ sẽ lấy lưỡi kẻ xấu xa này, rồi đi đối chất”.
Nói xong, Khang Sinh móc lưỡi, ra sức giật. kéo chiếc lưỡi thè ra ngoài đến 4, 5 thốn, hai bên miệng chảy đầy máu. Những người đứng xem sợ hãi tột độ, muốn giúp anh ta giải trừ ách nạn, nhưng những ngón tay của anh ta cứ nắm chặt lấy cái lưỡi, không thể nào gỡ ra được. Đến khi quan phủ sai người đến thì anh ta đã nhổ cả cái lưỡi ra ngoài, đau đớn ngất đi, một lúc sau thì chết.
Sau khi Văn Bỉnh nghe được tin này, nửa năm sau cũng qua đời. Phải chăng là anh và Tiểu Huệ ở dương gian chưa kết thành mối lương duyên, nên xuống âm phủ hoàn thành nguyện ước?
***
Ghi chú (1) “Man Xúc tương tranh”: Man thị là quốc gia trên râu phải con ốc sên, Xúc thị là quốc gia trên râu trai con ốc sên. Hai quốc gia này tranh giành đất đai, nên cứ 15 ngày thì đánh nhau một lần, tử thương lên đến trên vạn người. Câu chuyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử, ngụ ý tranh chấp chỉ vì những cái lợi nhỏ bé.
Nguồn: ntdvn (Trung Hòa biên dịch)