Bức thư “tầm nhìn xa” của bố: Con hãy cố thi vào trường tốt, học với mấy đứa giỏi mình cũng sẽ giỏi

new-project-19

Rút kinh nghiệm từ bản thân, bố nhắn nhủ con bài học thâm thúy, ở với người giỏi người siêng thì mình cũng được hưởng nhờ tính tốt.

Ông bà ngày xưa có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nay em đọc trên sohu, thấy có ông bố bảo con thi đại học vào trường tốt mà học. Theo ý ông bố, con vào đó học với mấy đứa giỏi thì mình cũng sẽ giỏi theo. Em sẽ chia sẻ bức thư của ông bố đó ngay dưới đây cho các phụ huynh xem.

Thời gian trôi nhanh quá, đã tháng 8 rồi, con sẽ vào năm cuối cấp trung học. Chắc hẳn lúc này tâm trạng con đang phức tạp. Dù là lo lắng hay hồi hộp, bố đều rất hiểu. Trở thành học sinh cuối cấp ba đồng nghĩa phải đối mặt với kỳ thi tuyển sinh đại học.

Vào thời điểm quan trọng này của cuộc đời, có rất nhiều điều bố muốn nói với con. Thi đại học không phải là kết thúc cuộc đời mà là mở ra cuộc sống hạnh phúc. Dù mỗi ngày con phải học vô số môn từ toán, lý, hóa, sử, địa lý, nhưng đây là trở ngại con phải vượt qua.

Hãy để bố kể con nghe kinh nghiệm của bố. Ngày xưa bố cũng là tên lông bông, nghịch ngợm, vào lớp không nghe giảng, lười làm bài, gian lận thi cử. Suốt ngày chỉ đọc tiểu thuyết võ hiệp nên điểm rất kém. Năm 11, bố phải lòng cô gái có điểm xuất sắc trong lớp. Bố lấy hết can đảm tỏ tình với cô ấy.

Nhưng cô ấy dứt khoát từ chối còn khinh bố “học hành như bạn, về sau chỉ là kẻ vô dụng”. Sau sự cố mất mặt này, bố quyết chăm chỉ học tập, lấy lại sĩ diện. Học ngày học đêm, sáng dậy từ sớm để luyện đề thi. Bây giờ nghĩ lại, bố cảm ơn khoảng thời gian chăm chỉ đó.

Cũng cảm ơn cô gái học giỏi kia, khiến bố từ thằng chán học trở thành học sinh giỏi, thậm chí đậu đại học top đầu. Khi vào đại học, cứ tưởng như cô giáo nói sẽ dễ dàng hơn, cứ yên tâm sống. Nhưng không, đại học top đầu toàn học bá. Ở lớp người ta chủ động giơ tay phát biểu, hỏi bài, chẳng ai ngủ hay trốn tiết.

Thư viện trường sáng đèn đến đêm. Bạn cùng phòng với bố là người học rất nghiêm túc. 6 giờ sáng dậy đọc tin nước ngoài trên The Economist và The Wall Street Journal. Sau đó đi học, tối thì hoàn thiện bản thân bằng việc đọc sách. Tốt nghiệp, anh được Viện Công nghệ Massachusetts trao học bổng toàn phần và bay sang bên kia bờ đại dương để học cao học.

Ảnh hưởng từ người bạn này, bố cũng bắt đầu học, tâm lý hưởng thụ đại học biến mất. Học tập và trưởng thành trong một môi trường như vậy, bố vô thức muốn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Bố bắt đầu đi thư viện, ở đây bố lại gặp một cô gái vô cùng cuốn hút với dáng vẻ đọc sách.

Cô ấy ăn nói thanh lịch, trí tuệ và hào phóng. Động lực từ cô ấy truyền cảm hứng cho bố, mỗi ngày bố đều cùng cô ấy đi thư viện. Sau này, cô ấy trở thành mẹ của con và bố tự hào vì xứng đôi với mẹ con, về cả tài năng và sắc đẹp.

Từ đó, bố tin rằng chỉ khi ở cùng những người tốt, mình mới có thể tốt hơn, học với mấy đứa giỏi thì mình cũng sẽ giỏi.

Có người nói rằng thành công trong cuộc sống không phải lúc bắt đầu, không phải lúc kết thúc mà là ở những bước ngoặt. Đối với bố, bước ngoặt cuộc đời là những năm trước kỳ thi tuyển sinh đại học, khi bố buộc mình phải vào một trường tốt.

Khi bước chân vào xã hội, con sẽ hiểu rằng chỉ khi ép mình vào một ngôi trường tốt thì con mới có cơ hội sánh bước cùng những người xuất sắc.

Không biết các vị phụ huynh thấy thế nào chứ với em, bức thư bố động viên con thi đại học trường tốt thật sự rất ấn tượng. Vừa hài hước, không nặng nề lại rất thực tế, dễ hiểu. Đây là cách nói chuyện gần gũi với con ở tuổi mới lớn rất hay, phụ huynh nên tham khảo.

Nguồn: Webtretho

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: