‘Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư’

new-project-2022-11-06t101553674

Một số người trẻ, vì tâm cao khí ngạo, cho rằng mình đã đủ khôn ngoan, thậm chí còn hơn cả những “ông bà già cổ hủ lạc hậu” của thời đại cũ…

Chuyện kể rằng: có một nhà nọ một hôm bắt được hai con cá béo, mới nói:

– Hôm nay còn nhiều đồ ăn, tạm cho chúng mày vào nồi, ướp muối để chiều làm thịt.

Hai con cá nghe thấy vậy, lo lắng lắm. Một con bảo với con kia:

– Người ta nói: “Xót như xát muối”, sợ lắm, tôi chả tội gì mà phải vậy.

Con cá kia mới nói:

– Xót thật đấy, nhưng mình còn có ích, chứ không thì ươn thối, ươn tha ra đấy, người ta quẳng đi, lại chả làm mồi cho lũ kiến, thế thì còn đau đớn hơn nhiều.

Đang đứng ở góc bếp, vại muối cũng chêm vào:

– Đúng đấy, muốn để lâu được thì chịu khó xót một tí còn hơn là thối rũ xương ra, ai người ta thiết nữa.

Nói vậy nhưng con cá nọ cũng chẳng nghe ra. Nó quẫy đuôi một cái thật mạnh, văng mình ra khỏi nồi, tìm cách trốn.

Người nhà khi làm cá, chỉ thấy còn một con, mới đem mổ ướp muối. Còn con kia nhảy ra khỏi chậu, đến chiều tối thì nhớt khô cả lại, kiến bắt đầu bu đầy. Đến sáng hôm sau, nó đã chết ươn. Cho đến ngày hôm sau nữa thì bắt đầu thối rữa, người ta mới phát hiện ra nó, bèn xúc quẳng nó vào thùng phân. Vại muối thấy vậy nói:

– Đúng là đồ không biết nghe lời! Đồ cá không ăn muối, ươn thối ươn tha ra vậy, ai còn cần mày nữa!

Tự phụ, tự cao, cái bệnh ấy khác gì cá không ăn muối (ướp muối). Lắng nghe theo lời người trên, làm theo cái phải ấy mới là người biết lẽ. Bởi vậy tục ngữ dân gian mới nói:

Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Cha mẹ, hay những bậc trưởng bối, cao niên… là những người có bề dày kinh nghiệm, hiểu biết và tu dưỡng, có thể chỉ dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải. Những thăng trầm mà ta đang trải qua, trong quá khứ họ cũng từng trải qua rồi, họ đã sớm biết nên dùng tâm thái nào đối đãi, phương pháp nào giải quyết vấn đề. Lắng nghe họ, ta có thể làm đầy thêm vốn liếng trí tuệ của ta, tránh mắc phải những sai lầm không đáng có.

Thế nhưng một số người trẻ, vì tâm cao khí ngạo, cho rằng mình đã đủ khôn ngoan, thậm chí còn hơn cả những “ông bà già cổ hủ lạc hậu” của thời đại cũ. Họ lấy lý do “khoảng cách thế hệ” mà từ chối lắng nghe lời khuyên răn của ông bà, cha mẹ. Họ càng không màng động đến những túi khôn của cha ông trong lịch sử, những kinh điển của Thánh hiền và lời dạy bảo của Đấng Giác Ngộ.

Nếu so với các bậc hiền triết trong lịch sử mấy nghìn năm, con người chúng ta hôm nay đều là “con cháu”, là “người trẻ”. Con người hiện đại chế tạo ra máy tính, điện thoại, tên lửa, tàu ngầm… cảm thấy đã là tung hoành trên trời dưới biển, không gì không biết rồi. Vì thế, có một số người sinh lòng sùng bái khoa học kỹ thuật, mà lại coi thường, xem nhẹ những lời dạy bảo của người xưa.

Ví như cha ông ta thường căn dặn phải tôn kính Trời Đất, nhưng có một thời người ta lại thích “đấu Trời đấu Đất”, tham vọng “cải tạo tự nhiên”, khai thác và sử dụng tài nguyên một cách thô bạo để phục vụ phát triển kinh tế. Mãi đến khi sông ngòi ô nhiễm, đất đai cỗi cằn, thiên tai dồn dập, khí hậu đảo loạn… đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đám con cháu ngông cuồng mới nhận ra phải “bảo vệ môi trường”, phải làm “nông nghiệp sinh thái”, mới bi bô ‘đánh vần’ mấy chữ “Thuận theo Tự Nhiên” mà Lão Tử đã nói từ cách đây 2500 năm.

Ví như cha ông ta thường căn dặn phải ăn ở hiền lành, vì “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, “Ở lành Trời dành phúc cho”, nhưng nhiều người thường ham cái lợi trước mắt mà làm hại người khác. Sản xuất thực phẩm bẩn, thuốc giả, làm điểm giả, chạy bằng giả, bòn rút công trình phúc lợi, phỉ báng Thần Phật, vu khống người tu luyện… tất cả hành vi “hại người lợi mình” ấy đều xuất phát từ việc chỉ tin vào “trí khôn” non nớt của bản thân, mà không nghe lời khuyên răn của người đi trước. Khi ác báo đến, họ hối hận liệu có còn kịp chăng?

Nguồn: DKN

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: