Blog
Các biểu hiện viêm phổi hay gặp khi giao mùa
Viêm phổi lây qua đường nào?
Phổi là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa hô hấp của con người. Khi lá phổi bị tổn thương, cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe của người bệnh sẽ bị suy yếu dần, thậm chí trong nhiều trường hợp mức độ tổn thương của phổi sẽ quyết định sự sống của người bệnh.
Điều quan trọng viêm phổi có khả năng lây lan cao trong cộng đồng. Các con đường lây nhiễm có thể là trực tiếp qua đường hô hấp: Giao tiếp, nói chuyện với người bệnh; Người bệnh ho, hắt hơi; Giọt bắn chứa virus từ người bệnh khi bám vào bề mặt các đồ vật sử dụng chung khiến bệnh có cơ hội lây truyền cho người khác.
Bên cạnh việc lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp, bệnh viêm phổi còn có thể lây truyền gián tiếp khi dùng chung các vật dụng cá nhân với người mắc bệnh.
Ai dễ mắc bệnh viêm phổi?
Bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi hơn bao gồm: Người từ 65 tuổi trở lên; Phụ nữ mang thai; Trẻ em; Có các bệnh lý nền mạn tính như: hen phế quản, tim mạch , đái tháo đường,…; Người vừa trải qua những cuộc phẫu thuật; Người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý hay thiếu dinh dưỡng; Người suy giảm miễn dịch; Người thường xuyên hút thuốc lá; Uống nhiều rượu, đồ uống có cồn.
Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn
Các loại viêm phổi thường gặp
Viêm phổi được chia ra 2 thể, thể lây nhiễm và thể không lây nhiễm.
Viêm phổi thể lây nhiễm bao gồm:
- Viêm phổi do vi khuẩn
Viêm phổi do vi khuẩn là loại viêm phổi phổ biến nhất trong các loại viêm phổi ở người trưởng thành. Đây là tình trạng bệnh lý do nhiễm khuẩn tại phổi gây ra, khiến các tổ chức tại phổi bị viêm, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của phổi. Viêm phổi do vi khuẩn có thể từ mức độ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Triệu chứng của viêm phổi do vi khuẩn thường biểu hiện rất nhanh và rầm rộ, kéo dài trong vòng vài ngày. Các triệu chứng thường gặp như: sốt cao (lên đến 40 độ); ho nhiều có đờm hoặc có thể lẫn chút máu; ớn lạnh rét run; khó thở; ăn không ngon; đau ngực; đổ mồ hôi; thở nhanh. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng lơ mơ, tím môi, tím đầu chi.
- Viêm phổi do virus
Sau viêm phổi do vi khuẩn, viêm phổi do virus là loại viêm phổi thường gặp thứ hai. Khi đó, virus khiến các tổ chức tại phổi bị viêm, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng phổi. Viêm phổi do virus cũng phân làm nhiều mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người bệnh. Viêm phổi do virus khó điều trị bởi kháng sinh do thuốc không có tác dụng với các chủng virus.
Triệu chứng của viêm phổi do virus nhìn chung không có quá nhiều khác biệt với viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: ho khan, sốt, ớn lạnh, rét run, khó thở, thở nhanh, đau ngực. Để chẩn đoán viêm phổi do virus, bác sĩ thường dựa vào thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chụp Xquang ngực.
Viêm phổi không lây nhiễm
- Viêm phổi do nấm
Nấm là một tác nhân gây viêm phổi ít phổ biến. Một người trưởng thành khỏe mạnh, nguy cơ mắc viêm phổi do nấm là rất thấp, ngược lại nếu suy giảm miễn dịch vì bất kỳ lý do nào, nguy cơ mắc viêm phổi do nấm sẽ cao hơn.
Người suy giảm miễn dịch gồm: các bệnh nhân sau ghép tạng, bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu điều trị ung thư, bệnh nhân đang điều trị bệnh tự miễn, bệnh nhân HIV.
Viêm phổi do nấm thường xảy ra khi người bệnh hít phải các bào tử của nấm. Do đó, một số nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc viêm phổi do nấm bao gồm: nông dân, người làm vườn, người tạo cảnh quan,… Các triệu chứng của viêm phổi do nấm cũng tương tự như triệu chứng của viêm phổi do các nguyên nhân khác.
- Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất là một loại viêm phổi đặc thù và ít gặp. Một số loại hóa chất ở dạng hơi, dạng lỏng có thể gây viêm phổi. Bên cạnh gây ra những tổn thương ở phổi, các hóa chất còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.
Lời khuyên thầy thuốc
Viêm phổi là vấn đề hay gặp và thường tăng cao ở thời điểm giao mùa. Để ngăn ngừa viêm phổi trước hết cần tuân thủ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Xây dựng thói quen sống khỏe mạnh gồm nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, ưu tiên thức ăn ấm nóng, tập thể dục thường xuyên, giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại…
Không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, bia, các đồ uống có cồn khác. Các chất độc hại trong khói thuốc lá, rượu… có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch của đường hô hấp nói riêng và cơ thể nói chung, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể khỏi các sinh vật gây bệnh.