Blog
Các cụ nói cấm có sai: Vợ chồng vô duyên thì không gặp, con cái không nợ thì không đến
Duyên phận, kỳ thực chính là một mối quan hệ nhân quả. Có nhân thì ắt sẽ có quả, gieo nhân gì thì sẽ gặt quả nấy. Người xưa thường nói: “Vợ chồng không duyên không gặp, con cái không nợ không đến”, câu nói này rốt cuộc mang hàm nghĩa như thế nào?
Vợ chồng là duyên, vô duyên không gặp
Hôn nhân là đích đến của tình yêu, muốn trở thành vợ chồng thì trước tiên phải đặt trên cơ sở của tình yêu đích thực. Duyên phận cũng phân ra thành thiện và ác, do vậy, cũng có cặp vợ chồng sẽ yêu thương nhau đến đầu bạc răng long, cũng có cặp vợ chồng suốt ngày cãi vả, cuối cùng dẫn đến cảnh lý tán.
Cũng có một câu tục ngữ rằng: “Vợ chồng là cặp chim rừng, đại nạn đến gần thì con nào con nấy bay riêng”, ý nói rằng, vợ chồng vốn là người bạn đời thân thiết nhất của chúng ta. Nhưng khi đại nạn, khó khăn đến, đó là cơ hội chăm sóc lẫn nhau. Nếu tai họa đến, vợ chồng không chăm sóc cho nhau mà rời xa nhau, vậy thì chính là nghiệt duyên (sự gặp gỡ mang đến sự đau khổ và bất hạnh cho cả hai người).
Thiện duyên: Vợ chồng thấu hiểu nhau, bao dung lẫn nhau, cùng nhau giúp đỡ dày công xây dựng một mái ấm gia đình tốt đẹp hơn. Sau khi có con, cả hai sẽ cùng nhau vun vén mọi thứ vì con. Vì hai người có cùng chí hướng, cùng tư tưởng và cùng nhau hướng tới mục tiêu.
Ác duyên: Không nguyện ý chung sống với nhau, đến với nhau cũng chỉ là vô tình và miễn cưỡng. Chung sống dưới một mái nhà nhưng không cùng chung chí hướng, ngủ chung gối với nhau nhưng không cùng một giấc mơ. Suy nghĩ không đồng điệu, ngày ngày tích tụ lại sẽ thành những ân oán thâm sâu, khó mà hóa giải,… đến một ngày kia, những oán hận này sẽ như ‘quả bom nổ chậm’, phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Vợ chồng suy cho cùng cũng là vì duyên nợ mà đến với nhau, không có duyên phận thì không thể đến được với nhau. Nhưng mối nhân duyên này cần phải được duy trì và gìn giữ từ hai phía, hai người cùng nhau nâng niu và duy trì. Nếu không thể như vậy, thì mối nhân duyên này khó có thể đi đến cuối con đường. Dù có yêu thương nhau nhiều đến mấy, nếu không trân trọng và vun đắp mối quan hệ vợ chồng này, cuối cùng sẽ khó có một cuộc hôn nhân viên mãn, tròn đầy.
Con cái không nợ thì không đến
Người xưa cho rằng, con cái là của nợ. Nếu không có nợ nần gì từ kiếp trước, thì kiếp này không thể tương phùng được.
Trường hợp con cái đến để trả nợ: Đứa trẻ đến để ‘trả nợ’ mà ông bà ta nói là chỉ những đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời, có hoài bão, khi lớn lên chúng sẽ trở thành người khiến cha mẹ tự hào.
Trường hợp con cái đến để đòi nợ: Nếu con cái khó nuôi, hoặc không thành tài, thường xuyên nghịch ngợm và không nghe lời,…. thì theo cách nói của tổ tiên chính là “đứa trẻ đến để đòi nợ”. Những đứa trẻ chuyển sinh đến để ‘đòi nợ’ thì sẽ khiến cho gia đình bạn bất hòa, không mấy hạnh phúc.
Cảm ngộ nhân sinh
Cha mẹ và con cái, không chỉ là mối quan hệ Duyên phận. Người xưa nói: “Thân thể, mái tóc, làn da,… đều là kết tinh từ tình yêu thương của cha mẹ”. Cha mẹ là người mang đến cuộc sống cho chúng ta, mỗi sợi tóc sợi lông trên cơ thể, bản thân chúng ta cũng không thể tùy tiện làm tổn hại, cần phải chăm sóc và bảo vệ một cách tỉ mỉ. Bởi vì đó là tất cả những gì cha mẹ đã mang lại cho chúng ta.
Mong con mình thành rồng, thành phượng – Đó là tâm nguyện của tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới. Phận làm con cần phải thấu hiểu tình yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ đã dành cho mình, sau đó dùng tận tâm mình để báo đáp công ơn dưỡng dục và sinh thành.
Suy cho cùng, dù mối nhân duyên giữa vợ chồng, con cái là thiện duyên hay ác duyên, chúng ta nhất định phải trân trọng và bao dung lẫn nhau, như vậy mới hóa giải được hết thảy những ân oán, từ đó không khí gia đình mới có thể hòa thuận, an vui. Nếu ai ai trong chúng ta đều hiểu rõ luật nhân quả giữa mối nhân duyên giữa người với người, chúng ta sẽ biết trân quý hơn nhân duyên tương phùng ở kiếp này.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Secretchina – Cam Cầm