Cần lưu ý gì khi sử dụng thạch đen?

unnamed-1718507926471428708899-13-0-333-512-crop-1718507930618580106555
Cây thạch đen vị ngọt, tính mát. Thân và lá cây thường được sử dụng để nấu thạch, làm thức uống giải khát trong những ngày hè nắng nóng nhưng không nên bỏ qua một số lưu ý cần thiết.

SKĐS – Cây thạch đen vị ngọt, tính mát. Thân và lá cây thường được sử dụng để nấu thạch, làm thức uống giải khát trong những ngày hè nắng nóng nhưng không nên bỏ qua một số lưu ý cần thiết.

Đặc điểm cây thạch đen

Cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo, lương phấn thảo) có tên khoa học Mesona chinensis Benth, thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Cây nhỏ cao 40 – 60cm, lá mọc đối, hai mặt lá đều có lông, mép lá có răng cưa, dài 2 – 4cm.

Hoa màu hồng nhạt, quả nhỏ hình trứng. Cây mọc hoang dại và được trồng nhiều ở vùng An Giang (Châu Đốc). Cây có thể thu hái quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa, sau khi thu hái, thân và lá cây sẽ được rửa sạch, sau đó phơi khô.

Công dụng và liều dùng

Cây thạch đen vị ngọt, tính mát. Thân và lá cây thường được sử dụng để nấu thạch, làm thức uống giải khát trong những ngày hè nắng nóng.

Cách chế biến: Thân lá thạch đen xay thành bột, thêm nước vào nấu kỹ, lọc lấy nước. Thêm ít bột sắn hay bột gạo vào, nấu cho sôi lại, để nguội được một thứ keo đặc nhưng mềm, màu đen gọi là lương phấn để cho mau đông và giòn có khi người nấu còn thêm một ít nước tro (cacbonat kali).

Ngoài ra, cây còn được dùng làm thuốc chữa bệnh, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Nghiên cứu đã chứng minh cây thạch đen có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa da, tăng hiệu quả quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, hỗ trợ chữa đau nhức xương khớp, viêm khớp cấp tính, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp, đái tháo đường, cảm mạo, tăng huyết áp. Ngày dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc.

Một số bài thuốc từ cây thạch đen

Hỗ trợ điều trị đáo tháo đường

Nguyên liệu: 30g rau đắng đất khô, 30g thân và lá cây thạch đen khô, 50g cây rung rúc.

Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, cho vào ấm và sắc cùng với 500ml nước lọc, sắc đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

Thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan

Nguyên liệu: 20g lá thạch đen khô, 20g cây thù lù (cây tầm bóp), 20g râu bắp, 10g lá dứa.

Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch, cho vào ấm, sắc cùng với 500ml nước lọc trong vòng 20 phút.

Trị bệnh cảm do thời tiết

Nguyên liệu: 10 – 15g lá thạch đen khô.

Cách làm: Rửa sạch, sắc cùng với 200ml nước lọc, uống hết 1 lần. Mỗi ngày 1 thang, liên tục trong vòng 3 ngày.

Lưu ý khi sử dụng cây thạch đen

Chỉ nên ăn 1 phần thạch đen vừa phải mỗi ngày. Ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu và đầy bụng. Trẻ em sẽ mất đi cảm giác thèm ăn nếu tiêu thụ quá nhiều thạch đen.

Người có thể trạng hư yếu (khí hư, dương hư, âm hư), người có hệ tiêu hóa yếu, dễ bị tiêu chảy không nên sử dụng thạch đen.

Không nên ăn thạch đen trước khi đi ngủ vì có thể gây khó tiêu.

Mời bạn xem tiếp video:

Chia sẻ bài viết: