Cao tăng đắc Đạo đúc chuông đuổi ôn dịch, xuất hiện một sự việc kỳ lạ

untitled-2-2

Vào thời Vạn Lịch của nhà Minh, một trận dịch hạch bùng phát ở Ngữ Trấn, khiến nhiều người thiệt mạng, khắp nơi đầy cỏ dại và những bức tường đổ nát, cảnh vật hoang tàn, khiến cho không khí thật ảm đạm, thê lương.

Cao tăng Cự Nhiên, trụ trì chùa Tế Ninh là một vị cao tăng đắc Đạo, nhìn thấy cảnh tượng bi thảm này, ông vô cùng đau buồn nên đã phát nguyện tạo ra một chiếc chuông khổng lồ, dùng âm thanh tiếng chuông xua đuổi bệnh dịch, cho tất cả chúng sinh có một cuộc sống tươi sáng hơn.

Trước khi trụ trì đi khất thực, ngài đã gọi nhà sư Tăng Trực lại và dặn: “Nếu có ai đến cúng dường thì tất cả số tiền quyên góp phải được dùng để làm chuông và không được sử dụng vào việc khác”. Nhà sư Tăng Trực đồng ý.

Ở một ngôi làng nọ có một góa phụ tên là Lộc Nương, chồng bà cũng chết trong trận dịch. Khi còn sống, chồng bà là một thợ mộc lành nghề và từng tặng bà một cây trâm gỗ. Cây trâm làm bằng gỗ rất tinh xảo, trên đó có chạm khắc một đôi chim uyên ương trông rất sống động. Đây là món quà cưới được chồng cô tặng. Vì chiếc trâm gỗ là kỷ vật duy nhất còn lại của chồng, nên Lộc nương luôn mang nó theo mình như một báu vật vô giá.

Lộc Nương có một cậu con trai vừa tròn một tuổi, khuôn mặt khôi ngô, mũm mĩm được mọi người yêu quý. Tuy nhiên, đứa trẻ cũng bị bệnh nặng, sốt cao khắp người, miệng há hốc như đang khóc nhưng không phát ra được âm thanh.

Khi mẹ Lộc Nương nhìn thấy con trai như vậy, trái tim cô tan nát. Cô ước mình có thể ghánh chịu bệnh tật thay con. Cô bế đứa trẻ trên tay và đị đến chùa Tế Ninh để cầu xin Thần Phật phù hộ. Đây là tia hy vọng cuối cùng của cô.

Ngôi làng nơi Lộc Nương sống cách chùa Tế Ninh hơn 40 dặm. Cô ôm con trong tay, cứ một chặng cô lại lạy ba cái. Cô đi lại rất khó khăn, đôi giày vải đã rách, máu từ gót chân chảy ra đã thấm vào đôi giày.

Cuối cùng hai mẹ con cô đã đến được chùa Tế Ninh, cô thấy rất nhiều người quyên góp tiền để làm chuông. Cô cũng muốn góp một chút lòng thành của mình để làm chuông nhưng cô lại không tìm thấy một đồng tiền nào trên người. Cô không có vật gì đáng giá ngoài cây trâm bằng gỗ. Đây là món quà quý giá mà chồng cô đã tặng, nên cô đã do dự một lúc, cuối cùng cô mỉm cười và thả cây trâm gỗ vào trong thùng quyên góp.

Vào buổi tối, khi nhà sư đang đếm số tiền bạc được quyên góp, ông nhìn thấy một cây trâm bằng gỗ, ông không hề suy nghĩ mà ném cây trâm gỗ đi.

Chẳng bao lâu, vị trụ trì trở về, ông dùng số tiền ông đi quyên góp được cộng với tiền quyên góp trong chùa để làm một chiếc chuông. Chiếc chuông nhanh chóng được chế tạo nhưng có điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra.

untitled 2 3
Ông dùng số tiền ông đi quyên góp được cộng với tiền quyên góp trong chùa để làm một chiếc chuông. (Nguồn hình ảnh: Adobe Stock)

Chính giữa thân chuông lại có một lỗ hổng nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy nó rất giống hình dạng của cây trâm cài tóc, đồ trang sức mà phụ nữ vẫn hay dùng. Ông dùng gậy đánh chuông, chuông phát ra tiếng “beng, beng, beng” như mất hồn. Làm sao chiếc chuông như vậy có thể xua đuổi được thần dịch?

Vị trụ trì kiên quyết nói: “Hãy gỡ chiếc chuông này xuống rồi đúc lại!”, nhưng chiếc chuông đúc xong vẫn kêu “beng, beng, beng”, việc đúc chuông lại như thế này xảy ra ba lần liên tiếp. Mặt ông tối sầm lại, ông nghĩ: Nhất định phải có nguyên nhân.

Tăng Trực cúi đầu xuống thấp, ông cũng đang nghĩ: Chuyện gì đang xảy ra vậy? Vị trụ trì vừa lần tràng hạt trong tay vừa nhìn Tăng Trực.

Lúc này Tăng Trực đột nhiên tỉnh ngộ và nói: “Một nữ thí chủ đã đưa cho con một cây kẹp tóc bằng gỗ, nhưng con đã ném nó đi”.

Trụ trì Cự Nhiên giật nảy mình, ông lần lần tràng hạt niệm Phật rồi nói liên hồi rằng: “Tội lỗi, tội lỗi, thứ mà con vứt đi chính là thiện tâm của người ta đó!”. 

Sau đó, ông bảo Tăng Trực bằng mọi cách hãy tìm lại cây trâm kẹp tóc bằng gỗ. Tăng Trực đã tìm kiếm mọi ngóc ngách trong chùa nhưng không thấy dấu vết của cây trâm.

Tăng Trực tìm mãi không tìm thấy, mệt quá nên ngủ quên dưới chân tượng Phật. Sau khi tỉnh dậy, ông thấy trong bóng tối có thứ gì đó tỏa ánh sáng rực rỡ, khi chạm vào thì hóa ra đó chính là cây trâm kẹp tóc bằng gỗ!

Ngày hôm sau, phương trượng Cự Nhiên lập đàn sám hối trước tượng Phật. Khi bước ra ngoài đại điện nơi đặt quả chuông, ông vô cùng kinh ngạc phát hiện rằng lỗ hổng hình cây trâm cài đầu đã được vá lại tự lúc nào. Lại gõ vào chuông một hồi, “boong…boong… boong”, một thứ âm thanh thật mạnh mẽ, uy nghiêm lạ thường.

Tiếng chuông vang vẳng trên không trung làm chấn động khắp vùng Ngữ Trấn. Trong phút chốc, ánh bình minh dâng lên xua tan bầu trời u ám. Chẳng bao lâu, bệnh dịch biến mất.

Một cái tâm chân thành có thể cảm động đến Trời xanh, một thiện tâm có thể biến bạo lực thành hòa bình. Chỉ cần có tấm lòng chân thành và nhân hậu thì vùng đất đó sẽ bình yên vô sự.

Đăng Dũng biên dịch

Nguồn: secretchina (Trần Cương)

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: