Cao tăng để lại lời cảnh tỉnh nghìn năm: Tượng Phật nếu không vẹn toàn, thiên hạ ắt sẽ đại loạn
Lưu Tát Kha – pháp danh Thích Tuệ Đạt là nhà sư nổi tiếng vào triều đại Đông Tấn. Tương truyền rằng, Lưu Tát Kha có khả năng tiên đoán chính xác phi thường, được lan truyền rộng rãi nhất là lời tiên đoán của ông về tượng Phật đá trên núi Ngự Dung.
Ông là một số những tăng nhân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc sang Ấn Độ thỉnh kinh, sớm hơn Đường Huyền Trang 230 năm.
Theo ghi chép trong “Minh Tường Ký” và “Tục Cao Tăng Truyện”, vào thời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thái Diên Nguyên (năm 435), Lưu Tát Kha đi đến quận Phiên Hòa, Lương Châu (nay thuộc huyện Vĩnh Xương cách 170 km về phía tây của Vũ Uy, Cam Túc), hướng núi Ngự Dung để lễ bái.
Người qua đường cảm thấy khó hiểu nên thỉnh giáo ông, Lưu Tát Kha đưa ra tiên đoán: “Trên vách đá này sẽ có một bức tượng Phật khổng lồ. Nếu tượng Phật được đầy đủ trọn vẹn thì thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm, nếu không đầy đủ trọn vẹn thì dân chúng lầm than, thiên hạ đại loạn.” Dứt lời, Lưu Tát Kha tiếp tục đi về phía Tây, và qua đời tại Tây Thất Lý Giản ở thành phố Tửu Tuyền vào năm 436.
Lời tiên đoán của Lưu Tát Kha lúc ấy lưu truyền rộng rãi, mặc dù mọi người đối với lời của ông vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng tất cả đều đang đợi ngày chân tướng đại hiển.
Lời cảnh báo ứng nghiệm
Hơn 80 năm sau, vào năm Hoàng đế đầu tiên của triều đại Bắc Ngụy (năm 520), một ngày sấm sét vang dội, vách đá rung chuyển, chỉ nghe thấy tiếng động rất lớn, một bức tượng Phật không đầu bỗng nhiên lao ra khỏi khe núi bị nứt.
Lúc này, người ta mới nhớ đến lời tiên tri của Lưu Tát Kha: Tượng Phật không toàn vẹn, báo trước thiên hạ suy bại đại loạn. Người dân địa phương hoảng sợ, lập tức triệu tập những người thợ để chạm khắc đầu của pho tượng Phật.
Nhưng có một điều kỳ lạ, là ngay khi vừa đặt vào vị trí thì đầu của tượng Phật liền rơi ra, dù thử đặt lại bao nhiêu lần cũng không được. Mọi người hiểu rằng đây là ý trời không thay đổi được, nên đành phải bỏ qua chuyện này.
Trong khoảng 40 năm sau đó, thiên tai nhân họa liên tục, chính quyền Hoàng đế Bắc Ngụy mục nát, sưu cao thuế nặng, thiên hạ đại loạn, bách tính khổ không thể tả. Trong hậu cung Bắc Ngụy, sau cái chết đột ngột của Hoàng đế Hiểu Minh, đã phát sinh “biến cố Hà Âm” kinh hoàng, Nguyên Vương Nhĩ Chu Vinh đã lạm quyền dẫn quân bức vua thoái vị, đem dòng dõi tôn thất của vua cùng hơn hai ngàn quan viên đuổi cùng giết tận.
Cuối cùng Bắc Ngụy phân thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, ngai vàng được “nhường lại” cho chính quyền Bắc Tề, Bắc Chu. Vừa vặn ứng nghiệm tiên đoán của cao tăng Lưu Tát Kha khi còn tại thế.
Tượng Phật hoàn chỉnh, Thiên hạ thái bình
Sau hơn 30 năm, một đêm vào năm đầu tiên của Bắc Chu Minh Đế Vũ Văn Dục (năm 557), chợt có Thần quang thoáng hiện ở Thất Lý Giản, Lương Châu (nơi Lưu Tát Kha nhập Niết Bàn), nhiều người hiếu kỳ đã đến tìm hiểu hư thực. Rốt cuộc, một đầu Phật bằng đá khổng lồ đã được tìm thấy trong núi.
Sự kiện lập tức chấn động toàn bộ Hà Tây, đầu tượng Phật được đưa vào chùa để thờ cúng, và sau đó đưa đến núi Ngự Dung cách hai trăm dặm. Khi các nhà sư lắp đầu tượng Phật vào thân thì một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi đầu tượng Phật kề đến vai thì nó tựa như vật sống, tự động bay đến trên cổ, mà lại vừa khớp, không sai chút nào. Từ đó về sau thiên hạ thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp.
Sau đó, Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung biết được điều này đã cử các quan chức đến kiểm tra, và vào năm Bảo Định thứ nhất (năm 561), ông ra lệnh cho người dân Lương Châu, Cam Châu, Túc Châu xây dựng đền thờ Phật, ngôi đền được hoàn thành trong ba năm và được chia thành ba khu. Chùa được hoàng đế đặt tên là “Chùa Thụy Tượng”, từ đó hương hỏa cường thịnh, tăng lữ đông đảo.
Đầu tượng Phật lần nữa rơi ra báo trước Bắc Chu diệt vong
Mười năm sau, vào một đêm đầu năm Kiến Đức (năm 572), đầu tượng Phật đột nhiên rơi xuống khiến tăng lữ và các quan viên địa phương kinh ngạc, sự việc lập tức được bẩm báo với triều đình. Hoàng đế đã cử các trọng thần đến kiểm tra, đồng thời một lần nữa tổ chức nghi lễ đặt lại đầu cho tượng Phật. Tuy nhiên, Thụy Tượng ban ngày vẫn còn nguyên vẹn, nhưng ban đêm lại tự rơi xuống, sau hơn mười lần vẫn như vậy.
Không lâu sau, vào năm Kiến Đức thứ ba (năm 574), Bắc Chu Vũ Đế hạ chiếu diệt Phật, cả nước chùa chiền đều bị thiêu huỷ, chùa Thụy Tượng cũng không may mắn thoát khỏi. Nhưng sau đó Bắc Chu cũng diệt vong. Mọi người đối với tiên đoán của ca tăng Lưu Tát Kha càng thêm vững tin.
Sau khi triều đại nhà Tùy được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tùy Văn Đế vồn là người tín Phật, Phật Pháp lại được chấn hưng, chùa Thụy Tượng nhanh chóng được trùng tu , Thụy Tượng chẳng biết lúc nào đã lại đầu thân tái hợp một thể. Dưới thời Tùy Văn Đế trị vì, thì quốc gia, sơn hà thống nhất, tiến vào thời thịnh trị, bách tính lần nữa an cư lạc nghiệp.
Vào năm thứ năm của triều đại nhà Tùy (năm 609), Tùy Dương Đế đã đến thị sát Hà Tây thăm chùa Thụy Tượng, và tự tay viết lên bảng đổi tên chùa Thụy Tượng thành “chùa Cảm Thông”. Từ đó chùa Cảm Thông nổi danh khắp thiên hạ.
Vào năm Trinh Quán thứ 10 của triều đại nhà Đường (năm 644), gần chùa Cảm Thông xuất hiện điềm lành “phượng điểu tế nhật” (phượng hoàng che mặt trời), Đường Thái Tông liền cử sứ giả đến chùa Cảm Thông để cúng dường. Sau đó, pháp sư Tam Tạng khi thỉnh kinh trở về, đi qua chùa Cảm Thông, ông đã ở đây bái Phật giảng kinh; Đường Trung Tông cũng nhiều lần cử sứ giả đến chùa để cúng dường bảo vật.
Sau giữa triều đại nhà Đường, Hà Tây bị Thổ Phiên chiếm đóng, chùa Cảm Thông được đổi tên thành “chùa Thánh Dung”, hương hỏa vẫn như xưa. Đến thời nhà Nguyên và nhà Minh, theo con đường tơ lụa mà chùa Thánh Dung đã bị vứt bỏ, từ đó dần dần tiêu điều.
Năm 1953, chùa Thánh Dung bị phá bỏ. Vậy tình hình của bức tượng này ở Trung Quốc Đại lục ra sao?
Ngày nay, diện mạo ban đầu của chùa Thánh Dung đã không thể nhìn thấy nữa, trong chính điện của chùa mới được xây dựng, một bức tượng Phật bằng đá được thờ cúng, còn đầu tượng Phật được trưng bày trong viện bảo tàng địa phương.
Thụy Tượng một lần nữa không hoàn thiện, cho thấy rằng mọi người đang ở trong một thế giới hỗn loạn và tăm tối. Và khi Phật Pháp hưng thịnh trở lại trên mảnh đất Trung Hoa, thì thân và đầu của bức tượng nhất định sẽ lần nữa hiển linh hợp nhất.
Nguồn: Tinhhoa