Blog
Câu chuyện cảm động của vị tài tử buông thế tục quy y cửa Phật, đời người cuối cùng rồi cũng không mang theo được gì
Nhiều năm về trước, khi tôi đọc đến đoạn Lý Thúc Đồng bỏ vợ con, xuất gia vào cửa Phật, trong tâm lại vô cùng căm giận, nghĩ ông thật tuyệt tình. Sau này, vô tình đọc được bức thư ông gửi vợ, tôi mới hiểu rõ được sự tình…
Hoằng Nhất Đại sư (1880 – 1942) tên thật là Lý Quảng Hầu, hiệu Thúc Đồng. Trước khi xuất gia, ông là một nhạc gia nổi tiếng, đồng thời là một người rất giỏi về thơ văn, từ phú, là một tay thư pháp có hạng, còn là chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình.
Hành trình quy y nơi cửa Phật của tài tử Lý Thúc Đồng
Lý Thúc Đồng vốn là giáo viên hạng nhất của trường sư phạm ở tỉnh Chiết Giang. Không lâu sau đã từ bỏ nghiệp dạy rời khỏi trường học, xuống tóc làm tăng ở nơi này khi 38 tuổi.
Mười năm trước đó, lúc ông du học ở Nhật Bản đã quen biết và kết duyên với một cô gái Nhật Bản, từ đó về sau giữa họ đã trải qua nhiều lần đoàn tụ chia ly, nhưng lần này là lần tiễn biệt sau cùng, người chồng quyết định rời xa thế giới phồn hoa, quy y cửa Phật.
Họ cùng nhau ăn một bữa cơm chay trong một quán ăn gần bờ hồ, suốt bữa cơm hai bên nhìn nhau không nói một lời nào. Cuối cùng, người chồng trao cho vợ chiếc đồng hồ đeo trên tay làm vật kỷ niệm, an ủi rằng: “Em là người có tay nghề, sau khi trở về Nhật Bản hẳn sẽ không thất nghiệp đâu”.
Người ở trên bờ khóc lóc nghẹn ngào nhìn theo con thuyền nhỏ cứ đi xa dần, người trên thuyền trước sau vẫn không ngoái đầu nhìn lại. Người phụ nữ Nhật Bản đáng thương này, có thể mãi cho đến khi chết cũng sẽ không hiểu được rằng chồng của mình sao lại bạc tình bạc nghĩa đến như vậy.
Đúng vậy, thử hỏi trên đời này còn có gì tàn nhẫn hơn, khiến người ta nhói lòng hơn tình cảnh này đây? Tôi đọc đến đây thì lớn tiếng khóc òa, nước mắt tuôn chảy như mưa.
Lúc đó, tôi vẫn còn rất trẻ, tôi căm giận Lý Thúc Đồng vô cùng, coi ông ta là người đàn ông nhẫn tâm ích kỷ, bạc tình bạc nghĩa nhất trên cõi đời này.
Kể từ đó, trên thế gian đã không còn tuyệt thế tài tử Lý Thúc Đồng biết làm thơ, tinh thông âm nhạc, hội họa, thư pháp, hí kịch, triện khắc kia nữa, mà chỉ có Hoằng Nhất Đại sư, một trong tứ đại cao tăng nổi tiếng một thời.
Thành Tử !
Về việc anh quyết định xuất gia, tất cả mọi việc anh đã cùng những người có liên quan bàn giao rõ ràng. Mấy lần trước anh đã nói qua với em, nghĩ rằng em cũng đã biết việc anh xuất gia là chuyện sớm muộn mà thôi. Trải qua một thời gian suy nghĩ, em đã hiểu rõ quyết định của anh chưa? Nếu em đã đồng ý, hãy gửi thư nói cho anh biết, đối với anh điều đó rất quan trọng.
Với em mà nói, phải đối diện việc mất đi người chồng nghĩa tình sâu đậm, quả thực là thống khổ và tuyệt vọng. Tâm tình em như vậy, anh hiểu rất rõ. Nhưng em là người không tầm thường, xin cố nuốt chén rượu đắng này, rồi chống đỡ đi qua ngày tháng. Nguyện Phật lực gia trì, có thể giúp em vượt qua tháng ngày gian khó.
Anh quyết định như vậy, không phải vì anh là kẻ bạc tình bạc nghĩa, mà bởi con đường tu Phật đặc biệt lâu dài, đặc biệt gian nan, anh cần phải buông bỏ mọi thứ. Anh buông bỏ em, cũng buông bỏ tầng tầng lớp lớp thanh danh và lợi lộc của thế gian. Những thứ này đều là mây khói thoáng qua, không đáng lưu luyến. Chúng ta phải kiến lập Phật quốc chói sáng tương lai, nơi Tây Thiên Vô Cực Lạc Độ, chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Vì không muốn tăng thêm thống khổ cho em, anh sẽ không trở về Thượng Hải nữa. Tất cả việc trong nhà, đều do em sắp đặt. Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, đại hạn sinh tử nhất định sẽ đến, hôm nay bất quá đem sinh tử giải quyết sớm, vì chúng ta trước sau gì cũng phải ly biệt. Mong em có thể nhìn thấu.
Trước Phật tiền, anh sẽ luôn cầu nguyện Phật quang gia hộ cho em. Mong em trân trọng.
Lý Thúc Đồng, mùng 1 tháng 7 năm Mậu Ngọ.
Ngày 15/1/1918, Lý Thúc Đồng chính thức quy y cửa Phật. Sau khi xuống tóc được mấy tuần, vợ của ông, người vợ quốc tịch Nhật Bản đã từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm với ông, đau đớn dẫn theo đứa con thơ, nghìn dặm xa xôi từ Thượng Hải đến Hàng Châu, ôm theo một tia hy vọng sau cùng, khuyên chồng đừng bỏ rơi cô mà xuất gia.
Nhưng Lý Thúc Đồng đã hạ quyết tâm, ngay cả cửa chùa cũng không để cho vợ và con đi vào. Người vợ đành phải rời khỏi, nước mắt tuôn trào hướng về phía cánh cửa lớn đã đóng chặt mà vặn hỏi trong đau đớn: “Anh có thể từ bi với người đời, vậy sao lại không thể từ bi với em chứ?”.
Vợ ông biết đã không thể vãn hồi lại trái tim của chồng được nữa, liền muốn cùng ông gặp mặt nhau một lần cuối cùng.
Người xuất gia, nói là vô tình nhưng lại hữu tình
Buổi sáng sớm, Tây Hồ sương mù dày đặc, hai chiếc thuyền đi về phía nhau.
Người vợ Nhật Bản gọi to: “Thúc Đồng…”
Lý Thúc Đồng: “Xin hãy gọi anh là Hoằng Nhất”.
Người vợ: “Hoằng Nhất Đại sư, xin hãy nói cho tôi biết cái gì là yêu?”.
Lý Thúc Đồng: “Yêu, chính là từ bi”.
Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn vì sau khi tôi đã tín Phật, học Phật rồi mới đọc được lá thư này. Nếu như đổi lại là trước đây, tôi tuyệt đối sẽ không thể lý giải được, cũng không thể tha thứ được. Giờ đây khi đọc lại nó, tuy mắt cũng ngấn lệ, nhưng trong lòng lại thấy ấm áp phần nào.
Sau bao nhiêu năm, cuối cùng tôi mới hiểu được “hữu tình” của Hoằng Nhất Đại sư. Ông nào phải là “vô tình”, rõ ràng “nói là vô tình nhưng lại hữu tình” đấy thôi?
Trong tiềm thức của tôi, Lý Thúc Đồng chính là hình tượng một tăng nhân dứt khoát, lạnh lùng hà khắc, nhìn thấu hồng trần, lòng như tro tàn nơi Hàng Châu ấy. Tôi cũng cứ mãi coi việc ông quy y cửa Phật là một loại chốn chạy không gánh trách nhiệm. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy.
Trước khi ông xuất gia đã từng để lại 3 tháng lương, chia nó thành 3 phần, một phần trong đó có kèm theo một túm râu mà chính tay ông tự cắt xuống, nhờ bạn cũ là ông Dương Bạch Dân giao lại cho người vợ Nhật Bản của mình, đồng thời nhờ bạn hộ tống vợ con về Nhật Bản. Từ tình tiết này có thể nhìn thấy được tình cảm tha thiết, nỗi day dứt và sự chu đáo trong việc giải quyết sự việc của Hoằng Nhất Đại sư.
Người xuất gia là theo đuổi cội nguồn của sinh mệnh, căn bản của vũ trụ, điều này mới có thể thỏa mãn “khát vọng nhân sinh” của họ.
Còn về Lý Thúc Đồng tại sao lại muốn xuất gia, lúc còn trẻ, tôi đã suy đi nghĩ lại vấn đề này cả trăm lần nhưng vẫn không tìm được đáp án, hơn nữa cứ mãi truy hỏi đến cùng. Bây giờ, đọc lá thư của ông gửi cho vợ, thì không còn gì rõ ràng hơn vậy nữa.
Học trò của ông là Phong Tử Khải đã từng nói: “Vì sao ông ấy lại từ nghệ thuật thăng hoa đến tôn giáo? Mọi người lúc bấy giờ đều vô cùng kinh ngạc, cho rằng Lý tiên sinh đã chịu cú sốc gì đó, vậy nên mới đột nhiên ‘độn nhập không môn’ như vậy”.
Tôi lại cho rằng bản thân mình có thể hiểu được nỗi lòng của ông, tôi cho rằng ông xuất gia là chuyện đương nhiên.
Theo tôi, nhân sinh của con người ta, có thể phân thành ba tầng: Một là đời sống vật chất, hai là đời sống tinh thần, ba là đời sống tâm linh. Đời sống vật chất chính là ăn mặc, đời sống tinh thần chính là văn nghệ học thuật, đời sống tâm linh chính là tôn giáo vậy.
Đời người chính là ba tầng lầu như vậy.
Lười biếng (hoặc không có sức lực) để leo thang, thì sống ở tầng thứ nhất, tức là chỉ việc chăm lo cho đời sống vật chất sao thật đầy đủ, cơm no áo ấm, giàu sang phú quý, con cháu ngoan hiền, như vậy thì đã mãn nguyện rồi.
Tiếp đó, hứng khởi (hoặc có sức lực) để leo thang, thì sẽ leo lên tầng thứ hai xem xem thế nào, hoặc là sẽ ở luôn nơi ấy. Đây chính là những người có hứng thú với văn nghệ học thuật. Họ đem toàn bộ tinh thần và sức lực để trau dồi nâng cao học vấn, toàn tâm toàn ý vào việc sáng tác và thưởng thức văn nghệ. Những người như vậy, trên thế gian cũng rất nhiều, cái gọi là “phần tử tri thức”, “học giả”, “nhà nghệ thuật” chính là tầng thứ hai này.
Còn một loại người nữa, nỗi khao khát nhân sinh rất mạnh, chân cũng rất khỏe. Đối với tầng thứ hai vẫn không thỏa mãn, liền muốn leo thang tiếp nữa, vậy nên đã leo lên đến tầng lầu thứ ba. Đây chính là các tín đồ trong tôn giáo.
Họ là người rất nghiêm túc, thỏa mãn vật chất vẫn không đủ, thỏa mãn tinh thần vẫn không đủ, nhất định cần phải đi tìm được ý nghĩa chân thật của đời người. Họ cho rằng tài sản con cái đều là vật ngoài thân, văn nghệ học thuật đều là cảnh đẹp tạm thời, ngay đến cả thân thể của bản thân đều là tồn tại hư ảo. Họ không muốn làm nô lệ của bản năng, nhất định cần phải theo đuổi cội nguồn của sinh mệnh, pháp lý căn bản của vũ trụ, như vậy mới có thể thỏa mãn “khát vọng nhân sinh” của họ.
Ông xuất gia vốn không phải để làm Tổ sư đời thứ 11 của Luật tông, càng không phải vì để có thể cùng với Hư Vân, Thái Hư, Ấn Quang được tôn xưng là “tứ đại cao tăng Dân quốc”.
Những hư danh đó, ông vốn không cần. Con người thật sự của ông, trong suốt 63 năm cuộc đời, đã ở nơi thế tục 39 năm và ở nơi cửa Phật 24 năm, nghiêm thủ giới luật, giữ tâm thanh tịnh, truyền kinh giảng thiền, phổ độ chúng sinh, chính để tìm về bản nguyên của sinh mệnh vĩnh hằng vậy.
Nguồn: Tinhhoa