Blog
Câu chuyện mẹ Đào Khản dạy con thành tài: Mẹ hiền tích đức, phúc con mặc sức hưởng
Đào mẫu, người được ca tụng là một trong “Tứ đại hiền mẫu” thời Trung Quốc cổ đại. Đào mẫu là Trạm Thị, mẹ của danh tướng Đào Khản thời Đông Tấn. Người đời sau ca ngợi bà là “Người làm mẹ trên thế gian có thể giáo dục con mình như Trạm thị, thì quốc gia lo gì không có người tài? Và còn lý do gì để dùng cái ác trên thế gian này?”
Chúng ta hãy cùng xem hai câu chuyện Đào mẫu dạy con sau đây:
Câu chuyện thứ nhất: Cắt tóc đãi khách
Có một lần, Phạm Quỳ và mấy người bạn thân ở cùng quận của Đào Khản đến bái phỏng hiền nhân, trên đường đi gặp tuyết rơi nhiều mà sắc trời sắp tối, bèn đến nhà Đào Khản xin ngủ lại. Tuy nhiên, Đào Khản từ nhỏ đã mất cha, gia cảnh vô cùng bần hàn, không có khả năng chiêu đãi khách nhân. Ngay khi Đào Khản đang trong tình thế bối rối, Đào mẫu nói với con trai rằng: “Trước tiên con cứ giữ khách ở lại, việc còn lại để mẹ nghĩ cách. Cho dù trong nhà không có thứ gì, làm người cũng không thể thất lễ”.
Trong nhà không có gạo, không có rượu và thức ăn thì làm sao bây giờ? Mẫu thân của Đào Khản liền không chút do dự cắt đi mái tóc dài của mình (thời xưa không thể tùy tiện cắt mái tóc), sau đó bán tóc cho nhà hàng xóm, lấy tiền để mua rượu và thức ăn. Trong nhà không có củi đốt sưởi ấm, bà mẹ liền chẻ cây cột trong góc nhà làm củi đốt sưởi ấm cho khách. Trong nhà không có thức ăn cho ngựa của khách, bà bèn gỡ chiếu rơm trải ở trên giường ra cắt cho ngựa ăn.
Thành ý tiếp đãi khách của Đào mẫu đã làm cho Phạm Quỳ vô cùng cảm động, thế là bèn tiến cử Đào Khản làm Huyện lại, và được phong làm Lang Trung.
Câu chuyện thứ hai: Trả lại nguyên hũ mắm cá
Đào Khản từng làm Huyện lại ở Hải Dương, tỉnh Chiết Giang, chủ yếu quản lý ngư nghiệp. Một hôm, cấp dưới của Đào Khản đi công vụ, trên đường phải đi ngang qua quê nhà của ông. Đào Khản nhớ đến người mẹ đang sống nghèo khó ở quê nhà, liền nhờ cấp dưới mang một hũ mắm cá (cá muối) mà các huyện lại thường hay ăn gửi cho mẹ.
Không ngờ rằng, mẹ của Đào Khản đã gửi trả lại hũ mắm cá còn y nguyên cho ông, đồng thời kèm lá thư viết cho con trai rằng: “Con vừa làm một chức quan nhỏ, liền dùng việc công làm việc tư, lấy những thứ trong quan nha gửi cho mẹ. Điều này không chỉ không khiến mẹ vui, mà ngược lại khiến cho mẹ lo lắng đó!”
Đào Khản nhận được hũ mắm cá trả lại và bức thư của mẹ, thì kinh ngạc mười phần mà xấu hổ vạn phần! Ông bèn quyết định vâng theo lời mẹ dạy bảo, suốt đời làm một vị quan tốt thanh bạch, thật thà liêm khiết.
Lời bàn
Thứ quý giá nhất trong cuộc đời con trẻ là gì? Không phải là cha mẹ để lại cho con bao nhiêu tiền của, mà là cha mẹ giáo dục con như thế nào để trở thành một người có học vấn tài năng và đạo đức cao thượng. Nếu như tư tưởng của cha mẹ hạn hẹp, chỉ mưu cầu lợi ích trước mắt, thì sẽ dưỡng thành một đứa trẻ tự tư tự lợi, thậm chí là nhân cách lệch lạc từ nhỏ.
Hãy nhìn lại Đào mẫu ngày xưa, trong nhà mặc dù rất nghèo khó, nhưng bà đã cố gắng hết sức để chiêu đãi bạn bè của Đào Khản, dạy cho con trai thành tâm đối nhân xử thế như thế nào. Sau khi Đào Khản làm quan, bà còn trả lại hũ cá mắm, dạy bảo ông làm một vị thanh quan vì nước vì dân ra sao. Trong quá trình giáo dục Đào Khản từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, Đào mẫu luôn luôn nhắc nhở ông làm một con người có tấm lòng khoan dung, vô tư chính trực, cuối cùng Đào Khản cũng đã lập nên những chiến tích và thành công được người đời ca ngợi. Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, dưới sự quản lý của Đào Khản thì “bách tính cần cù sản xuất nông nghiệp, cơm áo đều no ấm, không nhặt của rơi trên đường”.
Từ câu chuyện kể trên chúng ta có thể rút ra được bài học ý nghĩa:
Không thể giáo dục trẻ tự tư tự lợi, mà cần phải từ hành vi của cha mẹ để dạy cho con cách đối nhân xử thế, biết suy nghĩ cho người khác như thế nào.
Không thể coi nhẹ thói hư tật xấu của trẻ, cũng không thể một mực cưng chiều, cho dù một chút biểu hiện không tốt cũng phải kịp thời uốn nắn và giáo dục, để cho trẻ biết lỗi của mình mà đồng thời sửa đổi.
Cho dù trẻ bao nhiêu tuổi, hoàn cảnh sinh hoạt tốt bao nhiêu hay kém cỡ nào, đều không thể có chút lơ là trong quá trình giáo dục. Cha mẹ luôn mãi là người thầy của con trẻ.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: EpochtimesTV