Câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật: Bị đâm mù 2 mắt và lời thề ‘độc’
Xưa kia, rất lâu lắm rồi, vào một ngày nọ, một cậu bé chăn bò đang hò hét để đàn bò đi nhanh, bỗng nhiên con bò đầu đàn dừng lại, mặc cho những con bò khác kêu ò ò và đi qua, nó vẫn không cất bước. Cậu bé nhìn thì phát hiện ra, dưới 4 chân bò có một thiếu niên mù với áo quần rách rưới, mặt đầy bùn đất. Cậu không ngờ tới là, thiếu niên rách rưới thảm hại này lại là một vị Thái tử. Vị Thái tử này tại sao lại rơi vào cảnh thê thảm như thế này?
Thái tử Thiện Hữu và người em Ác Hữu
Vào thời viễn cổ, một vương quốc rộng lớn và giàu có nằm ở phương Đông. Vị quốc vương tôn quý này nắm trong tay vận mệnh của 60 tiểu quốc. Quốc gia này tên là Ba La Sấn.
Một ngày nọ, cả nước Ba La Sấn vui mừng vì cuối cùng Quốc vương và Hoàng hậu đã chào đón người con trai đầu tiên của họ. Vị tiểu vương tử đẹp trai này chính là báu vật mà quốc vương đã thành kính ngày ngày cầu nguyện Thần trong suốt 12 năm trời mới có được. Không lâu sau, một vị quý phi cũng sinh ra nhị công tử cho quốc vương.
Quốc vương mời một đại sư đến xem tướng và đặt tên cho 2 tiểu vương tử. Đại sư hỏi quốc vương: “Khi Thái tử chào đời có điềm lành nào không?”
Quốc vương nói: “Trước đây Hoàng hậu tính tình nóng nảy, hay ghen, kiêu ngạo tự đại, từ khi có mang Thái tử, Hoàng hậu trở nên dịu dàng thiện lương, vui thích hành thiện bố thí”.
Đại sư nói: “Đây đều là phúc đức của Thái tử mới khiến bà mẹ trở nên tốt đẹp như thế này. Đặt tên cho đứa bé này là Thiện Hữu đi”.
Đại sư lại hỏi về tình hình người con trai thứ 2, Quốc vương nói: “Quý phi vốn là người rất dịu dàng, quan hệ với mọi người cũng rất tốt, nhưng sau khi có thai, thì trở nên thô lỗ cục cằn, thích gây chuyện với người khác”.
Đại sư nói: “Đây là nghiệp đời trước mà đứa trẻ tạo ra gây nên, mới khiến người mẹ trở nên như thế này. Đặt tên cho nó là Ác Hữu đi”.
2 đứa trẻ dần dần lớn đến năm 14 tuổi, Thái tử Thiện Hữu tài trí xuất chúng, tâm địa nhân từ, cha mẹ càng yêu thương muôn phần, coi cậu là báu vật, giữ gìn như giữ con mắt mình. Ác Hữu thì tính tình ngang ngược, không ai muốn gần. Ác Hữu ghen ghét Thiện Hữu, luôn nghĩ mọi cách để hại Thái tử. Thiện Hữu luôn nhẫn nại khuyên bảo Ác Hữu nhưng Ác Hữu không bao giờ nghe mà còn càng ôm lòng căm hận.
Bình thường Thái tử Thiện Hữu ở trong thâm cung. Hôm đó, lần đầu tiên Thái tử được phép ra ngoài cung thành dạo chơi. Cậu thấy những nông dân làm ruộng, thấy những con côn trùng từ dưới đất bị xới lên và bị cóc đớp, sau đó lại có rắn độc ăn thịt cóc, sau đó lại thấy khổng tước ăn thịt rắn độc. Sau đó Thái tử lại thấy đồ tể giết bò, lợn, dê, còn nhìn thấy thợ săn bắt hươu, ngư dân bắt cá… Thái tử vô cùng u sầu, vô cùng thương cảm, lòng thầm nghĩ: “Làm thế nào mới khiến người dân được ăn no mặc ấm, mà lại không giết hại sinh linh đây?”.
Sau khi hồi cung, Thái tử thỉnh cầu Quốc vương đem của cải và lương thực trong kho ra bố thí người dân, giải cứu sinh linh. Quốc vương luôn nghe theo lời của Thiện Hữu, và lần này cũng vậy. Thế là, sau một thời gian ngắn, của cải trong kho của nhà vua đã giảm 2 phần 3. Quần thần lo lắng quốc khố sẽ bị trống rỗng. Quốc vương nói: “Không được làm tổn hại đến tâm nguyện của Thái tử, cố gắng hết sức kéo dài ra đi”.
Sau đó Thái tử lại đến kho nhà vua thì được báo cáo rằng, đại thần giữ kho đi vắng rồi”.
Thiện Hữu nghĩ đi nghĩ lại: “Chao ôi, nếu lấy hết của cải trong kho của phụ vương thì cũng không phải là cách hay”.
Thái tử nghe nói, ở ngoài biển có một hòn đảo đầy châu báu, và ở Long Cung có viên ngọc như ý vô giá. Chỉ cần có được nó thì sẽ khiến những thứ mà người dân cần sẽ rơi xuống như mưa vậy. Thái tử Thiện Hữu quyết tâm đích thân ra biển thu lượm châu báu, và lấy được viên ngọc quý này.
Quốc vương và Hoàng hậu nghe thấy tin này thì hoảng hốt, hon không nỡ để người con trai quý báu này ra đi, mạo hiểm lớn như thế này. Thế là Thái tử không ăn không uống, quỳ 7 ngày 7 đêm. Quốc vương và hoàng hậu sợ Thái tử chết đói, đành phải đồng ý.
Ác Hữu sợ Thiện Hữu đem được báu vật về sẽ càng được sủng ái, khi đó Ác Hữu sẽ không là cái gì cả, thế nên ÁC Hữu yêu cầu cùng đi. Quốc vương đồng ý.
Thế là hai vương tử đem theo một vị đạo sư già và 500 người dân tình nguyện đi theo, cùng nhau lên đường. Đoàn người thuận lợi đến được đảo châu báu. Thiện Hữu để Ác Hữu và 500 người dân ở trên đảo thu lượm châu báu, còn Thái tử và đạo sư tiếp tục đi tiếp, đi tìm ngọc như ý.
Trên đường đi, đảo sư qua đời, một mình Thái tử trả qua muôn vàn gian khổ, cuối cùng cũng gặp được Long Vương. Long Vương vô cùng tán thưởng Thiện Hữu, cuối cùng đã tặng ngọc như ý cho Thái tử.
Hôm đó, Thiện Hữu được Long Vương đưa lên bờ, chỉ thấy một mình Ác Hữu đang ngồi ngây ra bên bờ biển. Nhìn thấy Thiện Hữu, Ác Hữu khóc lớn, nói rằng: “Thuyền chìm rồi, tất cả mọi người bị chết đuối rồi, chỉ còn mình đệ trôi vào bờ. Châu báu thu lượm được đều bị chìm xuống biển rồi”.
Thiện Hữu vội vàng an ủi hoàng đệ: “Đệ sống là tốt rồi, huynh đã có được viên ngọc như ý từ chỗ Long Vương rồi”.
Ác Hữu vừa nghe được lời này thì lòng ghen ăn tức ở nổi lên. Thiện Hữu không phát hiện ra sự đố kỵ của Ác Hữu, Thái tử tháo viên ngọc như ý từ bối tóc xuống, đưa cho Ác Hữu và nói: “Khi huynh ngủ, đệ sẽ chịu trách nhiệm giữ gìn viên ngọc quý, khi đệ ngủ thì huynh sẽ giữ”.
Nói xong, Thiện Hữu yên tâm nằm xuống ngủ ngay. Ác Hữu quả là quá xấu xa, hắn tìm 2 cái gai tre sắc nhọn đâm mù 2 mắt Thiện Hữu, sau đó đem theo viên ngọc như ý trốn chạy.
Thiện Hữu đau đớn tỉnh dậy, gọi lớn: “Ác Hữu, có kẻ cướp đâm mù mắt huynh rồi, mau đến cứu huynh đi, huynh ở đây!”.
“Ôi, lẽ nào đệ bị kẻ cướp hại chết rồi sao. Hoàng đệ đáng thương của ta…”
Thiện Hữu đau đớn khóc lóc kêu gào khiến một vị Thần cây nghe thấy tìm đến. Thần cây nói với Thiện Hữu rằng: “Hoàng đệ của Thái tử đã đâm mù mắt Thái tử và lấy ngọc như ý chạy đi rồi. Thái tử còn gọi hắn làm gì?”.
Thiện Hữu vô cùng đau buồn và phẫn uất. Ác Hữu trở về, nói với cha mẹ rằng, Thiện Hữu đã bị chết đuối dưới biển rồi.
Quốc vương và Hoàng hậu như vạn mũi tên xuyên tim, ngã xuống ngất đi. Sau khi tỉnh lại, họ bi thương và phẫn nộ nói với Ác Hữu rằng: “Anh trai con chết rồi, một mình con trốn về, còn mặt mũi nào nhìn chúng ta nữa?”
Lúc này Ác Hữu không dám đem viên ngọc như ý ra, bèn chôn xuống đất giấu đi.
Thiện Hữu lúc này ra sao?
Lưu lạc nước khác, gảy đàn mưu sinh
Thiện Hữu bị đâm mù 2 mắt, đau đớn khó chịu nổi, cầu sống cũng không được, cầu chết cũng chẳng xong, chỉ biết bò loạn khắp nơi. Sau đó, Thiện Hữu bò đến một thuộc quốc – nước Lợi Sư Bạt.
Quốc vương Lợi Sư Bạt có một con gái, trước đó đã hứa hôn với Thái tử Thiện Hữu, nhưng 2 người chưa từng gặp mặt nhau.
Lúc này, một cậu bé chăn bò dẫn đàn bò đi qua, đúng lúc đàn bò sắp giẫm đạp lên Thiện Hữu thì một con bò già cao lớn dùng 4 chân đứng 4 bên thân để bảo vệ Thiện Hữu, sau đó dùng lưỡi liếm nhổ 2 cái gai tre trong mắt Thái tử. Cậu bé chăn bò hỏi: “Anh là ai?”
Thiện Hữu nghĩ, mình không thể kể chuyện mình bị hại với cậu ấy được, nếu việc này truyền ra thì Hoàng đệ sẽ không còn mặt mũi nào gặp người khác nữa. Thế là Thiện Hữu nói: “Tôi là một người ăn mày bị mù”.
Cậu bé chăn bò dìu Thiện Hữu về nhà chăm sóc, sau một tháng, người nhà cậu bé không nhẫn chịu được nữa, thế là Thiện Hữu cáo từ cậu bé chăn bò. Cậu bé chăn bò thiện lương tặng Thiện Hữu một cây đàn và đưa Thiện Hữu đến kinh thành phồn hoa tấp nập.
Thiện Hữu tinh thông nghệ thuật chơi đàn, người đi đường bị tiếng đàn của anh làm cho say mê, tới tấp đến nghe và tặng anh rất nhiều đồ ăn. Anh chia cho cả những người ăn xin khác trên phố, mọi người đều được ăn no. Nhưng đối với Thái tử – người rơi vào hoàn cảnh phải đàn ca kiếm ăn, mà nói, những ngày này dài dằng dặc, không biết đến bao giờ mới kết thúc?
Trong những người hâm mộ tiếng đàn của Thiện Hữu có một người canh giữ vườn cây ăn trái của Hoàng gia. Bởi vì trái cây thường bị chim sẻ ăn nên ông ta mời Thiện Hữu đến chơi đàn, để giúp ông ấy đuổi đàn chim sẻ đi khỏi vườn cây.
Một hôm, Công chúa đến vườn cây ăn trái du ngoạn, trông thấy Thiện Hữu chơi đàn dưới gốc cây, nghe thấy những tiếng nhạc như chảy ra từ ngón tay anh, liền yêu thương anh. Công chúa không do dự, bày tỏ tình yêu với Thiện Hữu.
Công chúa trở về cung khẩn cầu phụ vương, nếu không được lấy Thiện Hữu thì sẽ quyết không lấy ai nữa. Quốc vương mắng: “Con điên rồi sao? Lẽ nào con không biết con và Thái tử Thiện Hữu nước Ba La Sấn đã có hôn ước rồi sao? Hiện nay Thái tử Thiện Hữu ra biển tìm ngọc quý vẫn chưa trở về, sao con có thể lấy một người ăn mày mù làm vợ anh ta được?”
Công chúa đã quyết, chết cũng phải lấy người ấy. Quốc vương không còn cách nào, đành phải cho người đưa Thiện Hữu vào cung, giam vào một căn phòng tĩnh mịch trong cung. Hai người như hình với bóng không rời nhau, sống những ngày hạnh phúc.
Thế nhưng, Thái tử mù hai mắt, còn có ngày trông thấy mặt trời không?
Lời thề ‘độc’
Thoáng chốc đã 3 tháng trôi qua. Hôm đó, Công chúa có việc gấp phải ra ngoài, không kịp nói với Thiện Hữu, rất lâu sau mới trở về. Một mình Thiện Hữu ở nhà suy nghĩ lung tung, mãi mới thấy Công chúa trở về. Thiện Hữu bỗng tức giận hỏi: “Cô đi đâu đấy? Sao đến giờ mới trở về? Có phải đi gặp người khác không?”.
Công chúa rất đau lòng, khóc lóc phủ nhận. Thiện Hữu không tin nói: “Có hay không thì ai biết?”
Công chúa thề: “Nếu thiếp có người đàn ông khác, thì sẽ khiến mắt chàng vĩnh viễn mù, nếu thiếp không có, thì sẽ khiến một con mắt chàng lập tức sáng trở lại”.
Lời thề này quả là ‘độc’, thường người ta thề đều là: Nếu tôi làm việc gì thất đức, thì sẽ khiến tôi chết thảm, bị sét đánh chết… đều là những lời trừng phạt. Nhưng lời thề của Công chúa, không chỉ có sự trừng phạt đối với việc làm điều xấu, mà lại có phần thưởng đối với việc không làm điều xấu. Khi nàng bị hiểu lầm oan ức, vẫn nghĩ đến việc dùng sức mạnh của lời thề để người mình yêu thương thoát khỏi nỗi thống khổ.
Lời thề vừa dứt, một con mắt Thái tử Thiện Hữu bỗng lại nhìn thấy được ánh sáng, con mắt sáng như ánh sao, chàng nhìn thấy Công chúa xinh đẹp thì vô cùng vui mừng kinh ngạc. Công chúa nói với Thiện Hữu rằng: “Bây giờ chàng đã tin thiếp chưa?”
Lúc này Thiện Hữu cười ngượng nghịu không biết nói gì. Công chúa ấm ức nói: “Thiếp là Công chúa, chàng vừa bị mù vừa nghèo, thiếp toàn tâm toàn ý với chàng, vận mà chàng lại không tin thiếp”.
Thiện Hữu nói: “Thực ra tôi cũng không phải là người nghèo, tôi là Thái tử Thiện Hữu nước Ba La Sấn”.
“Làm sao như thế được?” – Công chúa thốt lên.
Thiện Hữu nói: “Nếu tôi lừa nàng, thì sẽ khiến con mắt kia của tôi vĩnh viễn mù. Nếu lời tôi nói là đúng, thì sẽ khiến nó lập tức sáng trở lại”.
Lời thề này cũng giống như lời thề của Công chúa, vừa mới dứt lời thì con mắt còn lại của Thái tử lại sáng trở lại.
Thái tử Thiện Hữu anh tuấn, quả là thiên hạ vô song, Công chúa ngây người ra nhìn, nàng sung sướng chạy đi tìm phụ vương: “Phụ vương, chồng con chính là Thái tử Thiện Hữu đó”.
Phụ vương còn cho là cô bị điên, nhưng ông vẫn đích thân đi xem, xác nhận đúng là Thái tử Thiện Hữu, ông vội vàng xin lỗi Thái tử.
Lúc đó, một con nhạn lớn màu trắng do cha mẹ Thái tử Thiện Hữu sai đi tìm Thái tử, trải qua muôn vàn gian nan, cuối cùng nó cũng đáp xuống chân Thái tử kêu lên vừa bi thiết vừa vui mừng.
Thái tử vô cùng mừng rỡ, lấy bức thư từ trên thân chim nhạn ra. Khi biết cha mẹ ngày đêm khóc thương chàng, khiến 2 mắt mù lòa rồi, chàng vội vàng viết thư trả lời, sai chim nhạn đem trở về.
Ngày đoàn tụ dường như đã ở trước mắt rồi, thế thì Thiện Hữu và Ác Hữu lại lần nữa gặp nhau thì sẽ xảy ra cảnh tượng như thế nào?
Thiện Hữu gặp lại Ác Hữu
Quốc vương và Hoàng hậu nhận được thư Thái tử thì vui mừng lắm, và biết được việc ác của Ác Hữu, lập tức giam Ác Hữu trong nhà lao và sai người đi nghênh đón Thái tử.
Quốc vương nước Lợi Sư Bạt cũng cử hành hôn lễ trọng đại cho Thái tử và Công chúa, sau đó đưa họ trở về nước.
Hôm đó, cả nhà đoàn tụ, vô cùng xúc động, cứ như đã xa cách cả một đời rồi. Thiện Hữu thỉnh cầu mãi, cha mẹ chàng mới đồng ý thả Ác Hữu ra. Thiện Hữu bước lên trước dịu dàng nói: “Huynh không ở nhà, khiến đệ phải chịu oan ức rồi. Ngọc như ý mà đệ đem về, hiện giờ để ở đâu?”
Những lời thiện lương của Thiện Hữu cuối cùng cũng cảm hóa được Ác Hữu. Ác Hữu nói: “Đệ chôn dưới đất”.
Mọi người cùng nhau đi đào lấy ngọc như ý. Thiện Hữu quỳ xuống cầu xin: “Ngọc quý, nếu ngươi đúng là ngọc như ý, thì hãy để 2 mắt của cha mẹ ta sáng trở lại đi”.
Lời cầu nguyện vừa dứt, hai mắt của Quốc vương và Hoàng hậu đều sáng trở lại. Trông thấy Thái tử Thiện Hữu, họ muôn phần vui sướng.
Sau đó, Thái tử Thiện Hữu chọn ngày lành tháng tốt, đội viên ngọc như ý trên đầu và cầu nguyện: “Xin ngọc quý hãy ban cho nhân gian hạnh phúc”.
Nói xong, bỗng một trận gió mát lành thổi tới, thối hết tất cả những ô uế cõi nhân gian, từ trên trời, thóc lúa, đồ ăn, quần áo, châu báu rơi xuống như mưa, cuối cùng còn rơi xuống vàng bạc và các loại nhạc cụ, đáp ứng tất cả những nhu cầu của mọi người.
Câu chuyện này có nguồn gốc từ “Ác Hữu phẩm” trong “Đại phương tiện Phật báo ân kinh”, đây là những lời thuật lại của Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi được tôn giả A Nan thỉnh cầu. Đức Phật nói tiếp:
Này A Nan, Quốc vương nước Ba La Sấn khi đó chính là phụ thân đời này của ta – Tịnh Phạn Vương; Hoàng hậu khi đó chính là mẫu thân đời này của ta – Ma Da phu nhân; Ác Hữu thời đó chính là Đề Bà Đạt Đa đời này; Thái tử Thiện Hữu khi đó chính là tiền thân của ta.
Đề Bà Đạt Đa là em họ của Đức Phật, và đã từng nghĩ mọi cách để sát hại Đức Phật, và cuối cùng ông ta bị đọa địa ngục.
Nguồn: ntdvn
Trung Hòa biên dịch