Blog
Câu chuyện về người mẹ kế nhân từ: Các con riêng của chồng đều ‘công thành danh toại’ nhờ sự dạy dỗ của mẹ kế
Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Tuy nhiên, trong lịch sử xác thực có những dì ghẻ đã làm được như vậy, khiến quốc vương ngưỡng mộ, các con chồng tâm phục.
Trong dân gian, từ mẹ kế thường được gọi là mẹ ghẻ, dì ghẻ. Từ xưa tới nay, người ta thường nói rằng, làm mẹ kế không phải việc dễ dàng, và quả thực như vậy. Mẹ kế không có quan hệ huyết thống với các con riêng của chồng, nói nặng không được, nhẹ cũng không được, đôi bên đều khó tiếp nhận nhau.
Vậy thời cổ đại có người mẹ kế nào thực sự tốt và đáng ngưỡng mộ không, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện nhỏ trong “Thái thượng cảm ứng thiên hối biên” sau đây.
Đối xử với con chồng tử tế hơn con ruột nhưng vẫn không được chấp nhận
Vào thời nhà Chu, ở nước Ngụy có một vị từ mẫu. Bà là con gái của Mạnh Dương và vợ kế của Mang Mão, bà có ba người con trai. Người vợ trước của Mang Mão để lại năm người con trai, và không ai trong số họ thích người mẹ kế. Mặc dù mẹ kế đối xử rất khoan hậu đối với họ, nhưng họ vẫn không thích bà.
Sau đó người mẹ kế yêu cầu ba người con đẻ của mình không được hưởng những đối xử giống với năm người con riêng, bất kể quần áo, thức ăn hay các việc trong cuộc sống hàng ngày, họ đều phải kém xa năm người con. Dù vậy, 5 người con trai của vợ cũ Mang Mão vẫn không ưa người mẹ kế.
Không thể đi ngược với hai chữ ‘từ’ và ‘nghĩa’
Không lâu sau, con trai thứ ba của vợ cũ Mang Mão đã vi phạm lệnh của vua Ngụy và theo pháp luật bị kết án. Vì điều này mà người mẹ kế lo âu, ưu phiền, tối ngày chạy vạy nghĩ cách cứu anh ta. Có người nói với bà: “Những người con trai này không thích bà, tại sao bà lại phải ra sức cứu giúp mà khổ sở thế này?”.
Bà mẹ kế nói: “Con ruột của tôi, cho dù nó không thích tôi, tôi cũng nhất định sẽ tìm cách để cứu nó, giúp nó tránh khỏi tai họa. Bây giờ, khi con trai của người vợ trước của chồng mình gặp phải tai hoạ, nếu tôi không cố gắng hết sức để giải cứu, thế thì có khác gì là chúng không có mẹ?
Cha chúng sợ chúng mồ côi nên lấy tôi làm mẹ kế của chúng. Mẹ kế cũng là mẹ, nếu mẹ không thương con thì có gọi là ‘từ’ (mẹ hiền) được không? Nếu chỉ yêu con đẻ của mình mà bỏ rơi con của vợ trước, có xứng được gọi là ‘nghĩa’ (chính nghĩa) không? Bất ‘từ’ bất ‘nghĩa’ làm sao có thể sống ở trên đời? Mặc dù chúng không thích tôi, nhưng làm sao tôi dám quên đi lễ nghĩa?”
Vì vậy, người mẹ kế đã đến thuyết phục vua Ngụy. Cảm phục trước hành động nhân hậu và chính nghĩa của bà, vua Nguỵ đã tha tội cho con trai thứ ba của người vợ trước của Mang Mão, thả cho anh ta về nhà.
Kể từ đó, 5 người con trai của vợ cũ Mang Mão đều đối xử với mẹ kế như mẹ ruột của mình, gia đình hòa thuận êm ấm. Tám người con trai đều nhận được sự dạy bảo lễ nghĩa của mẹ kế, và sau này họ đều trở thành các đại phu, quan đại thần hay những bậc sĩ của nước Ngụy.
Coi trọng đạo đức và luân lý
Qua câu chuyện trên có thể thấy, người mẹ kế thời xưa nhờ dựa vào chữ “từ” và “nghĩa” mà đã làm thay đổi cách nhìn và tâm ý của 5 người con trai riêng của chồng, đồng thời khiến họ chân thành coi bà như mẹ ruột và nghe theo lời dạy của bà.
“Từ” và “nghĩa” thuộc phạm trù luân thường đạo lý trong văn hóa truyền thống, lấy đạo đức để cảm hoá con người mới có thể khiến người thực lòng bái phục.
Trong xã hội ngày nay, văn hóa truyền thống ngày càng ít được biết đến và xem trọng, đạo đức và luân lý ngày càng phai nhạt. Con người ngày nay chú trọng tới kim tiền vật chất và lợi ích hơn cả, khi đối đãi với mối quan hệ mẹ con, họ không thể xuất phát từ ‘từ’ và ‘nghĩa’, càng không nói tới sự nhẫn nại.
Những lý niệm biến dạng, mối quan hệ giữa người với người giải quyết bằng sự giả tạo, dẫn đến những vấn đề gia đình xảy ra liên tiếp, không chỉ là mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng, mà còn mối quan hệ giữa mẹ đẻ và con ruột cũng không thể hòa thuận.
Những lý niệm biến dạng, mối quan hệ giữa người với người giải quyết bằng sự giả tạo, dẫn đến những vấn đề gia đình xảy ra liên tiếp, không chỉ là mối quan hệ mẹ kế và con chồng, mà còn mối quan hệ giữa mẹ đẻ và con ruột cũng không thể hòa thuận.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Sound Of Hope (Mục San)