Các bậc cha mẹ ơi! hãy cố gắng đừng chỉ trích con nơi công cộng, nếu con có lỗi lầm gì thì chúng ta nên đưa con vào một góc không có ai để nói chuyện nhé. Tôi thấy nhiều bà mẹ có trí tuệ cảm xúc vô cùng thấp, họ hay đánh đập, la mắng con mình ở nơi đông người, những hình ảnh này thật sự vô cùng phản cảm, và làm cho con bị tổn thương rất nhiều.
Cha mẹ nên hiểu được cảm xúc của chính mình để có thể dạy con một cách tốt hơn. Hãy giúp trẻ hiểu được những lỗi lầm để chúng có thể sửa chữa, chứ chúng ta không nên hạ thấp lòng tự trọng và nhân cách của trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ xả rác ở nơi công cộng, bạn nên giáo dục trẻ tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh và tác hại của việc mất vệ sinh, không nên nói “Mày là con lợn à?”. Đó chính là những lời nói vô cùng xúc phạm đối với con.
Khi cha mẹ có mâu thuẫn, giận dữ hay gay gắt đến đâu cũng đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con, vì làm như thế sẽ làm tổn thương con trẻ, hoặc trầm trọng hơn có thể ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho con và tạo ra sự oán giận đối với cha mẹ.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng con của những bậc cha mẹ thích cãi vã thường bi quan hơn về thế giới, cáu kỉnh và nổi loạn hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của con về tình yêu và hôn nhân, khiến tình yêu và hôn nhân của chúng không được như ý. Vì vậy, cha mẹ có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ không bao giờ cãi nhau trước mặt con, mà họ sẽ giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn, đây cũng là tấm gương tốt cho con có lý trí và nhạy bén hơn trong cuộc sống.
Cha mẹ có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ không truyền năng lượng tiêu cực cho con mình.
Ví dụ: khi bạn đi siêu thị và nói “khi nào con tiết kiệm được đủ tiền thì hãy mua nhé”, chứ không phải nói với con rằng: “Con không có tiền mà đòi mua những thứ vô dụng này à”.
Suốt ngày chúng ta chỉ biết dùng những ngôn ngữ tiêu cực, giống như một con dao găm làm tổn thương người khác, mà những lời nói tiêu cực đó sẽ khiến cho trẻ sau này sẽ không có tình thương với cha mẹ và cũng làm cho chúng trở nên không nghe lời bạn nữa.
Hoặc những lời nói tương tự khác như “Bố của con không kiếm được nhiều tiền trong tháng này” và “Con có biết bà của con đã chi bao nhiêu để đi khám bác sĩ không?”. Cha mẹ thông minh về mặt cảm xúc sẽ không mang sự tiêu cực của mình về nhà chứ đừng nói đến việc thể hiện nó trước mặt con trẻ. Họ hiểu rằng trẻ cần có thái độ vui vẻ và tích cực để đối mặt với cuộc sống nên họ luôn luôn biết kiềm chế những cảm xúc không tốt của mình.
Có nhiều bậc cha mẹ luôn nói những lời mỉa mai để làm tổn thương con mình.
Ví dụ, khi ai đó khen con bạn “Bài kiểm tra lần này con của bạn đạt được 90 điểm, thật tuyệt vời”, nhưng bạn lại nói “Không, không, con tôi ngu lắm”. Câu trả lời như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy không được cha mẹ tôn trọng, vì thế dần dần trẻ trở nên tự ti và tiêu cực.
Cha mẹ có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ hướng dẫn con mình theo hướng tích cực, bày tỏ lòng biết ơn với con, đồng thời nói với con rằng điểm số không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá một con người và con không nên tự mãn vì điều đó.
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao hay không thì cũng cần được cha mẹ bồi dưỡng. Cha mẹ hãy dạy con học cách thể hiện cảm xúc, nhận biết cảm xúc và đối phó với những cảm xúc xấu. Trước 6 tuổi là thời điểm tốt nhất để trau dồi trí tuệ cảm xúc của trẻ. Tôi hy vọng cha mẹ hãy đào tạo và dạy dỗ con mình đúng cách để các con đều có thể trở thành những học sinh ngoan ngoãn, thông minh và lễ phép.
Á Hiên biên tập
Nguồn: Aboluowang