Blog
Cha mẹ hãy nhớ: Thay vì khiến con trở nên “giàu có”, hãy khiến con trở thành người “có giá trị”
Nhiều người có hai mục tiêu lớn để theo đuổi trong đời, một là trở nên “giàu có”, hai là trở thành người “có giá trị”. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, bởi vì người ‘có tiền’ không nhất định là người ‘có giá’, do đó cần phải nỗ lực để khiến bản thân trở thành một người có ‘giá trị’.
Kiếm tiền, chưa bao giờ là một việc dễ dàng, do vậy người giỏi kiếm tiền ngoài bản năng kiếm tiền ra, còn có khả năng kiên trì, phấn đấu bền bỉ, cuối cùng cũng trở thành người có ‘giá trị’. Xã hội hiện nay có rất nhiều bậc cha mẹ yêu thương, hết mực cưng chiều con cái, nhưng kì thực họ đang ‘tước đi’ cơ hội trưởng thành, phấn đấu cũng như tự tạo nên giá trị của riêng chúng.
Vì vậy, nếu bạn muốn con cái trở thành người “có giá trị” hơn, hãy khuyến khích chúng làm việc chăm chỉ. Trong quá trình này, cũng là mở ra cho con một điểm “chuyển mình” để trở nên có giá trị: Trước đây là bản thân cần người khác, bây giờ chuyển thành người khác cần mình.
Một số người may mắn và được sinh ra trong gia đình giàu có, từ nhỏ đã được sống trong nhung lụa, sung sướng. Đương nhiên, có nhiều tiền hay không không phải là vấn đề, nhưng người có tiền không đồng nghĩa với việc họ là người có giá trị. Muốn xem một người có giá trị hay không, cần phải xem phẩm chất, năng lực và những sản phẩm mà họ làm ra.
“Người có giá” là sự thể hiện giá trị cá nhân, ví như khi chúng ta làm việc, nếu ai đó có thể đưa ra mức lương hàng triệu đô la hàng năm để mời bạn về, điều đó chứng tỏ rằng bạn rất có giá trị.
Người có tiền không nhất định là người có giá, ví như một người có rất nhiều tiền, từ nhỏ đến lớn được cha mẹ cưng chiều, nhưng bản thân không làm việc gì khác ngoài việc phung phí tiêu pha, “vung tiền” qua cửa sổ, tiêu tiền một cách vô tội vạ. Họ là những người nhiều tiền, nhưng ‘không có giá trị’.
Những người có giá trị thì khác, có tiền hay không đối với họ chỉ là vấn đề sớm muộn, bởi vì những người có giá trị đều có những kỹ năng nhất định mà họ có thể tự hào.
Họ thường có thể dựa vào khả năng nào đó để nhanh chóng tích lũy tài sản. Vì vậy, người ta thường nói, đừng biến mình thành “cái hòm đựng tiền”, bởi không ai có thể giàu lên nhờ tiết kiệm hay tài sản của gia đình, mà phải biến mình thành “cỗ máy in tiền” có giá trị, để khi cần tiền, bạn có thể dựa vào nó bất cứ lúc nào. Những đồng tiền được làm ra từ chính sức lực của mình, mới là những đồng tiền có giá trị.
Một người có giá trị có thể trải nghiệm cảm giác thành tựu thực sự. Nếu tiền của một người được cha mẹ cấp cho, dù có bao nhiêu tiền cũng không có cảm giác thành tựu. Nếu một người tự kiếm được tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình, thì dù kiếm được bao nhiêu cũng sẽ thấy xứng đáng, đầy đủ và hiểu được ý nghĩa của sự thành tựu.
Thật đáng tiếc khi nhiều bậc cha mẹ hiện nay vì quá cưng chiều con cái, họ chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống tương lai của con, cùng với những mục đích tốt đẹp nhưng trên thực tế lại ‘tước đi’ không gian, không cho trẻ cơ hội tự do phấn đấu, tước đi cảm giác hạnh phúc khi đạt được mục tiêu của bản thân mình.
Để thành tựu một người “có giá”, thường sẽ có một bước ngoặt. Ví dụ, khi tốt nghiệp đại học, chúng ta có thể háo hức, nóng lòng đi tìm việc làm, đi khắp nơi cầu người chỉ giáo, và sẵn sàng làm bất cứ công việc gì cho dù được trả bao nhiêu thù lao. Ở giai đoạn này, chúng ta tìm cầu người khác giúp đỡ, bởi vì luc này giá trị bản thân của chúng ta chưa được phản ánh, công việc còn chưa bắt đầu, và chúng ta cần người khác chỉ bảo cho chúng ta, lúc này, chúng ta đương nhiên ‘vô giá trị’ trong mắt người khác.
Quá trình nỗ lực của một người là quá trình không ngừng khiến bản thân ngày càng trở nên có giá trị trong mắt mọi người xung quanh: Trước khi bạn có giá trị thì bạn “học hỏi” người khác, sau khi bạn có giá trị thì người khác lại đến “học hỏi” bạn. “Học hỏi” ở đây là “học hỏi” năng lực, những kinh nghiệm quý báu, chứ không phải vì bạn có quyền có chức vị cao.
Nếu lúc này, bạn là người có năng lực và quyền lực to lớn, dù bạn có giá đến đâu, bạn cũng cần học cách tránh xa ‘lạm dụng’ tiền bạc hết mức có thể. Vì ‘lạm dụng’ tiền bạc sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên rối ren, thậm chí mất phương hướng, khiến mọi sự phấn đấu của bạn trở nên lãng phí, mất giá trị chri vì đồng tiền, cuối cùng sẽ phải hối hận suốt đời.
Bởi vậy, cha mẹ thông thái nhất định phải nhớ: Thay vì làm khiến con trở nên “giàu có”, hãy khiến con trở thành người “có giá”. Đó mới chính là hành trang và tài sản quý giá mà cha mẹ dành tặng cho con cái khi bước vào đời.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Sound Of Hope – Trần Thanh Trúc