Cha mẹ nhất định phải dạy con 8 nguyên tắc giao tiếp xã hội này
Cha mẹ cảm thán: Dạy con thời nay khó quá!. Trên thực tế, trẻ em ở mọi lứa tuổi đều cần học những nguyên tắc sống nhất định. Đặc biệt, trẻ thiếu sót trong việc xã giao càng cần hiểu một số nguyên tắc xã hội đơn giản. Cha mẹ có thể dạy con 8 nguyên tắc xã hội này để con hiểu ra và an tâm hơn.
Nguyên tắc xã hội 1: Tha thứ lỗi lầm của người khác
Cô con gái 5 tuổi Tây Tây đã vất vả khổ cực để xây một ngôi nhà đồ chơi nhưng không ngờ rằng cô em họ 2 tuổi của mình đã vô tình đánh đổ nó. Đối mặt với lời xin lỗi đẫm nước mắt của em họ, Tây Tây kiên quyết không tha thứ, mà còn lớn tiếng phàn nàn: “Đã quá muộn rồi!”
Lời khuyên: Hãy để con gái trút nỗi bất bình trước khi tha thứ cho người khác, sau đó mới bắt đầu nói rõ đạo lý với con.
“Mẹ biết rõ con xây được căn nhà này vất vả thế nào, nhưng sự việc này là điều ngoài ý muốn. Em họ của con vẫn còn rất nhỏ, em nó không thể giống như người lớn cẩn thận trong mọi việc được”. Nếu như con gái bạn vẫn nghĩ rằng em họ cố ý đánh đổ kiệt tác của mình, vậy thì hãy yêu cầu con nhớ lại những lần con vô tình làm sai, chẳng hạn như làm đổ sữa lên trên bàn của mẹ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cô em họ đó cố ý phá bỏ ngôi nhà mà con bạn đã xây? Tốt nhất bạn nên dùng kinh nghiệm của bản thân để minh họa lợi ích của việc tha thứ cho người khác: “Mẹ nhớ rằng khi chấp nhận lời xin lỗi của ai đó, mẹ cũng cảm thấy dễ chịu. Con có muốn thử không? Con có thể thuyết phục bản thân tha thứ cho em họ của mình, xem con bạn cảm thấy thế nào?”.
Nguyên tắc xã hội 2: Thành thật và nói sự thật với mọi người
Mẹ của Đào Đào tìm thấy một món đồ chơi mới trong túi quần của con mình và biết rằng đó không phải của con mình. Nhưng cậu con trai 6 tuổi Đào Đào lại lập luận rằng cậu đã tự tìm ra nó. Mặc dù bố mẹ rất hoài nghi, nhưng họ không tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Sau đó, người mẹ nhận được cuộc gọi từ mẹ của bạn học cùng lớp với con trai mình, bà khéo léo hỏi thăm xem liệu ngày hôm qua con mình có lấy nhầm đồ chơi về nhà hay không.
Lời khuyên: Ở độ tuổi này, trẻ đã hiểu rõ việc lấy đồ chơi của người khác là sai. Vì vậy, bạn có thể nói thẳng với con: “Mẹ vừa nhận được điện thoại của mẹ bạn này, mẹ của bạn con nói nhà bạn mất một món đồ chơi. Nghe giống như là con đã lấy đồ chơi đi mà không nói một lời. Con nghĩ sao?”. Bây giờ chính là thời điểm con phải nói thật với mẹ.
Nếu như con vẫn đang phủ định hoàn toàn, thì cha mẹ nên nghiêm khắc hơn một chút: “Trộm đồ sẽ làm tổn thương người khác. Con sẽ không vui. Con cũng có thể cảm thấy tồi tệ, vì chính con biết món đồ chơi này không thuộc về con. Hơn nữa, việc nói dối như vậy càng khiến con trở nên tồi tệ hơn”. Cuối cùng, hãy kiên trì yêu cầu con bạn trả lại đồ chơi càng sớm càng tốt.
Nguyên tắc xã hội 3: Tôn trọng, đối xử tôn kính với người khác
Mẹ Lý Linh đưa cô con gái 5 tuổi đi học ngoại ngữ vào cuối tuần. Ngẫu nhiên cô đến đón con vào giữa giờ học, cô vô tình nhìn thấy con gái mình chơi yo-yo trong giờ học mà hoàn toàn phớt lờ giáo viên.
Lời khuyên: Sau khi tan học, mẹ nên kéo bé ra ngoài và nói cho bé biết quyết định của mẹ: Sau này không được phép mang đồ chơi đến lớp vào cuối tuần. Sau đó tìm cách giúp trẻ hiểu sâu hơn về khái niệm “tôn trọng”. Mẹ có thể nói với con: “Việc chú ý đến người khác là một cách quan trọng để thể hiện rằng con tôn trọng họ. Con có thể sử dụng các phương pháp nào để cho giáo viên biết rằng con tôn trọng thầy không?”.
Nếu như con rất nhanh biết sai lầm của mình. Vậy để con hiểu sâu hơn, mẹ có thể nói với con: “Mẹ mừng vì con hiểu điều này là sai. Giờ con cũng biết tôn trọng người khác rồi. Điều này thật tuyệt!”.
Nguyên tắc xã hội 4: Tuân thủ luật lệ của trò chơi
Cha và cậu con trai 5 tuổi Lãng Lãng đang chơi trò súc sắc xem ai về đích trước nhưng không theo dõi số điểm, để giành chiến thắng, cậu con trai nhỏ của ông bố đã gian lận. Mặc dù ý định ban đầu của ông bố là để con mình thắng nhưng người bố không muốn khẳng định hành vi gian lận của con mình.
Lời khuyên: Đừng buộc tội con bạn bằng những từ như “ăn gian” và “chơi xấu”. Thay vào đó, hãy nói với con bạn rằng con nên công bằng và chính đáng khi chơi trò chơi, đồng thời chỉ cho con biết mình nên ở đâu. Đạo lý có thể nói như sau: “Đi như vậy không hợp lý, như thế là không hợp lý và không công bằng. Khi con chơi với bố, bố có thể cho con đi như thế này, nhưng khi con chơi với những bạn nhỏ khác, chúng sẽ rất tức giận, bởi vì con không tuân thủ luật chơi”. Hoặc nói với con: “Hãy nghĩ mà xem, nếu không ai chơi trò chơi theo luật thì kết quả sẽ ra sao?”.
Nguyên tắc xã hội 5: Đánh giá cao lòng tốt của người khác
Mẹ của Hùng mời bạn bè đến nhà chơi. Bằng hữu đã mang theo quà cho cậu con trai 4 tuổi. Cậu bé mở ra nhìn thoáng qua, rồi ném món quà sang một bên, cũng không nói “cảm ơn” rồi quay người đi chơi.
Lời khuyên: Còn hơi sớm để mong đợi một đứa trẻ 4 hoặc 5 tuổi biết ơn, và bạn bè của bố mẹ con có thể cũng hiểu điều này. Cho nên không cần chuyện bé xé ra to, đơn giản nói rõ đạo lý là được rồi. Nói cho con biết: “Con lại đây với mẹ rồi chơi sau, mẹ có chuyện muốn nói với con. Cô ấy tặng quà cho con, nhưng con lại quên nói lời ‘cảm ơn’ với cô ấy rồi”.
Nếu như bạn bằng lòng để con chơi trước rồi nói chuyện sau. Đưa ra chủ đề trước khi đi ngủ: “Trong gia đình chúng ta, bất cứ ai nhận được một món quà đều phải nói lời ‘cảm ơn’”. Nếu con trai bạn nói với bạn rằng nó không thích món quà đó, hãy nói với nó, “Cô ấy nguyên lai tưởng rằng con sẽ thích món quá này, cho nên mới mang món quà này đến tặng cho con. Hơn nữa, dù không thích món quà người khác tặng, chúng ta cũng nên nói lời ‘cảm ơn’ vì người khác đã nghĩ đến chúng ta”.
Nguyên tắc xã hội 6: Đối đãi thân thiện với những người xung quanh
Mẹ của Vi Vi tình cờ nghe được cô con gái 5 tuổi của mình và một số bạn bè của con bé nói về các bạn cùng lớp và những lời chúng nói không dễ nghe.
Lời khuyên: Hành vi này thường gây tổn thương cho người khác, cho nên cha mẹ phải can thiệp trực tiếp để không khiến con mình rơi vào tình huống xấu hổ. Mẹ có thể tiếp cận những đứa trẻ này, nói với chúng rằng bạn đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện của chúng, rồi dẫn dắt con mình vào vấn đề: “Để mẹ nói cho con một sự thật không thể thay đổi: Cách con đối xử với người khác thế nào, sẽ là cách người khác đối xử với con thế đó. Con có hiểu điều này nghĩa là gì không?”.
Hoặc là hỏi con trực tiếp: “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu có người trong lớp nói xấu con sau lưng?”.
Nguyên tắc xã hội 7: Biết giúp đỡ người khác
Sau bữa tối, mẹ của Vĩ Vĩ nhờ cậu con trai 6 tuổi giúp thu dọn bát đũa. Cậu bé nói mệt mỏi và không chịu giúp mẹ việc nhà.
Lời khuyên: Đầu tiên, mẹ có thể yêu cầu trẻ ngồi trên ghế và không cử động, sau đó nói với trẻ: “Mọi thành viên trong gia đình đều đang góp phần xây dựng nhà cửa và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp hơn. Bây giờ con đã lớn rồi, cũng có thể làm gì đó cho gia đình này. Nếu con không muốn dọn bàn, mẹ sẽ lập danh sách những việc nhà con có thể làm, sau đó con có thể chọn việc nào mà con muốn làm”.
Hoặc là có thể nói: “Giúp đỡ người khác có thể khiến cuộc sống của người khác được thoải mái hơn. Con có nhớ cảm giác khi mẹ giúp con cất đồ chơi của mình không? Nó chắc chắn không giống như khi con cất đồ chơi một mình phải không. Bây giờ, con có thể giúp mẹ một tay được chứ?”.
Nguyên tắc xã hội 8: Sẵn sàng chia sẻ với người khác
Cậu con trai 3 tuổi của mẹ Lý Duy vui vẻ cầm lọ kẹo bà ngoại tặng. Khi được yêu cầu lấy ra một viên kẹo sô-cô-la mà mình yêu thích, bé ôm chặt lọ kẹo hơn và nói một cách kiên quyết: “Không cho!”
Lời khuyên: Trẻ 3 tuổi không giỏi chia sẻ với người khác. Đặc biệt là kẹo, thì càng không muốn cho người khác. Vì vậy, cha mẹ cần dùng kinh nghiệm cá nhân của mình để giải thích lợi ích của sự hào phóng: “Con biết không? Khi mẹ không muốn chia sẻ với người khác, cuối cùng mẹ thực sự cảm thấy tồi tệ. Nhưng sau khi mẹ chia sẻ với người khác, mẹ cảm thấy vui vì mẹ biết mình đã làm cho người khác vui. Con có muốn thử xem liệu nó có làm con cảm thấy vui không?”.
Hoặc đơn giản là hạ tiêu chuẩn xuống và xin kẹo: “Vì cái gì mà con không chia sẻ kẹo của mình vậy? Nếu như con không muốn chia sẻ kẹo sô-cô-la kia, vậy con có thể cho mẹ cái kẹo khác nhé?”.
Kỳ Mai biên dịch
Đằng Tấn – secretchina