SKĐS – Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng. Ngoài việc dùng thuốc, chăm sóc vết thương, chăm sóc hô hấp… bệnh nhân uốn ván cần được hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng tốt giúp đáp ứng hiệu quả các phương pháp điều trị, nhanh hồi phục, giảm thời gian nằm viện.
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với người bệnh uốn ván
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh uốn ván mắc phải do nhiễm trùng vết cắt hoặc vết thương có bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani và hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhiễm trùng.
Uốn ván ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển cơ bắp, có thể bị co thắt, cứng khớp ở nhiều cơ khác nhau, đặc biệt là các cơ ở hàm, bụng, ngực, lưng và cổ dẫn đến khó nuốt…
Nhiễm trùng uốn ván cần được chăm sóc khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài trong khi bệnh tiến triển, thường là ở phòng chăm sóc đặc biệt. Mọi vết thương đều được bác sĩ, điều dưỡng thăm khám và chăm sóc tỉ mỉ. Thuốc điều trị giảm các triệu chứng, nhắm vào vi khuẩn, nhắm vào độc tố do vi khuẩn tạo ra và tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch. Các liệu pháp hỗ trợ bao gồm các phương pháp điều trị để đảm bảo đường thở của bệnh nhân uốn ván thông thoáng và hỗ trợ hô hấp.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh uốn ván, cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể:
Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch đóng vai trò then chốt trong việc chống lại vi khuẩn uốn ván và đẩy lùi bệnh tật. Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Cung cấp năng lượng: Bệnh uốn ván khiến cơ thể co cứng cơ liên tục. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ calo và chất dinh dưỡng giúp bù đắp lượng năng lượng đã mất, duy trì hoạt động của các cơ quan chức năng.
Hỗ trợ phục hồi cơ bắp: Cơn co cứng cơ do uốn ván có thể gây tổn thương cơ bắp. Chế độ dinh dưỡng giàu protein và các dưỡng chất thiết yếu khác giúp phục hồi, tái tạo cơ bắp, cải thiện tình trạng co cứng.
Giảm nguy cơ biến chứng: Bệnh uốn ván dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim mạch, loét áp lực. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp giảm nguy cơ biến chứng, hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh uốn ván cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh, khả năng ăn uống của bệnh nhân để đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.
Mặc dù không có chế độ ăn uống cụ thể nào có thể chữa khỏi bệnh uốn ván nhưng việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh uốn ván. Điều trị y tế kịp thời cùng với chế độ dinh dưỡng tốt giúp người bệnh uốn ván sớm hồi phục sức khỏe.
2. Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh uốn ván
Đối với bệnh nhi bị uốn ván
Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Khoa học Sức khỏe TPHCM, bệnh nhi bị uốn ván cho ăn như sau:
+ Thức ăn: Sữa mẹ hoặc sữa bột (nếu mẹ không có sữa).
+ Ăn nhỏ giọt dạ dày: nhỏ giọt dạ dày để tránh ứ đọng và trào ngược sữa sau mỗi cơn giật trong 10-15 ngày đầu phải dùng phương pháp nhỏ giọt dạ dày 7-8 lần một ngày với số lượng bảo đảm theo nhu cầu trên 1 kg/24 giờ. Tùy thuộc vào tình trạng trẻ đẻ non hay trẻ đủ tháng, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ tính toán lượng sữa và thời gian cho ăn. Ông thông đặt dạ dày phải thay hàng ngày. Chai đựng sữa và dây truyền phải được thay từng bữa.
+ Ăn bằng ống thông: Khi bệnh nhi hết giật chỉ còn co cứng, bơm sữa từ từ qua ống thông trong vòng 15 phút.
Khi trẻ khóc miệng há còn hạn chế có thể cho trẻ ăn bằng thìa. Chỉ bú mẹ khi trẻ há miệng và khóc to. Lưu ý vệ sinh các dụng cụ cho ăn sau từng bữa.
Hỗ trợ dinh dưỡng sớm cho người bệnh uốn ván
Theo các chuyên gia, nhu cầu năng lượng ở người bệnh uốn ván có thể rất cao nên việc hỗ trợ dinh dưỡng sớm là bắt buộc.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân uốn ván bị sụt cân do một số yếu tố như không có khả năng nuốt, thay đổi hệ thần kinh tự chủ trong chức năng đường tiêu hóa, tăng tốc độ trao đổi chất do sốt và hoạt động cơ bắp do co giật… Vì vậy, chăm nuôi hỗ trợ dinh dưỡng nên được thiết lập càng sớm càng tốt. Do chứng khít hàm không thể cho ăn bằng đường miệng nên đặt ống thông mũi dạ dày càng sớm càng tốt để bắt đầu cho ăn. Cần bổ sung dinh dưỡng có hàm lượng calo cao để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất cao của bệnh uốn ván.
Bệnh nhân uốn ván có thể bị co thắt vùng khí quản gây khó thở, cần phải mở khí quản. Trường hợp bệnh nhân uốn ván không thể tự ăn uống được do thực quản bị co thắt gây khó nuốt, nuốt nghẹn và nuốt sặc cần phải đặt ống thông dạ dày nuôi ăn, nhiều trường hợp cần phải nuôi ăn bằng thuốc truyền tĩnh mạch. Giai đoạn người bệnh uốn ván đáp ứng điều trị hiệu quả, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể ăn qua đường miệng.
CN Ngô Thị Kim Phượng, BVĐK Quảng Nam cho biết, với bệnh nhân uốn ván việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và qua sonde dạ dày đảm bảo năng lượng và đủ chất, chú ý cho ăn qua sonde dạ dày phải nhỏ giọt tránh trào ngược khi co giật.
Tính toán nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân uốn ván
BS.CKI Lê Thị Thành, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, với bệnh nhân uốn ván, cụ thể như trường hợp một người bệnh điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bị co cứng cơ toàn thân, cứng hàm nặng, thức ăn phải đưa vào qua đường sonde. Người bệnh uốn ván bị suy dinh dưỡng, protein và albumin máu giảm nhiều.
Đứng trước bài toán dinh dưỡng phức tạp này, khoa Dinh dưỡng đã tính toán rất kỹ năng lượng cần bổ sung theo từng giai đoạn bệnh để giúp người bệnh nâng cao thể trạng.
Với 6 bữa mỗi ngày từ 300 – 500ml/bữa, năng lượng từ 1800- 2000Kcal/ ngày và tăng dần lên với thực đơn trên 3000 kcal/ngày và được hóa lỏng hoàn toàn giúp ăn qua sonde, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt sau một tuần nuôi ăn đặc biệt. Cơ thể người bệnh cải thiện, các cơ dần nhìn thấy và tay có cử động nhẹ, cai dần được máy thở. Sức khỏe tốt giúp người bệnh đáp ứng điều trị, bỏ ống thở để tập thở xen kẽ, người bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt và nhận biết được xung quanh. Sau đó, người bệnh bắt đầu tập ăn được bằng đường miệng.
Về vai trò của dinh dưỡng, bác sĩ Thành chia sẻ, đối với một số bệnh nếu ăn uống không đúng sẽ làm cho bệnh nặng thêm đặc biệt là nhóm bệnh lý mạn tính không lây. Chính vì vậy, khi sử dụng dinh dưỡng trong điều trị tùy từng trường hợp bệnh lý, tùy từng vị trí cơ quan bị bệnh, tùy từng giai đoạn bệnh… mà người bệnh được chỉ định can thiệp dinh dưỡng phù hợp là đường tĩnh mạch hay đường tiêu hóa (đường nuôi ăn qua sonde hay đường miệng).
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong điều trị và phòng tránh bệnh tật. Hiện nay, chế độ ăn uống đã được sử dụng đồng thời với biện pháp dùng thuốc trong điều trị. Do đó, trong điều trị, ngoài việc sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác cần phải thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp. Phải chú trọng việc phối hợp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý với việc sử dụng thuốc ngay cả khi người bệnh điều trị ngoại trú chứ không chỉ thực hiện khi nằm bệnh viện.
3. Một số lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh uốn ván
Dễ tiêu hóa: Do các triệu chứng như co cứng cơ hàm, khó nuốt, người bệnh uốn ván thường gặp khó khăn trong việc ăn uống. Do đó, cần lựa chọn thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ tiêu hóa để tránh làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất: Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường, người bệnh uốn ván nên ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày để dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Bổ sung nước đầy đủ: Nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng cơ thể và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Người bệnh uốn ván cần bổ sung đủ nước mỗi ngày, khoảng 2-3 lít, tùy theo tình trạng sức khỏe.
Sử dụng thực phẩm bổ sung: Nếu chế độ ăn uống không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, người bệnh có thể sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: