Này bà con ơi! Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?
Làng mình mở hội hay chưa?
Đi xem múa rối ao chùa canh đêm
Tễu cười toét miệng ngoi lên
Trăng rằm rơi tõm in nền nước xanh.
“Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” – Ấy là lời chào mở màn dí dỏm của nhân vật chú Tễu. Nhắc đến chú Tễu, có lẽ những ai đã từng, hay thậm chí chưa từng một lần xem múa rối nước đều có cảm giác thân quen khó tả.
Chú Tễu xuất hiện trên sân khấu với thể hình to tròn vạm vỡ, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc trái đào giống tiên đồng, miệng luôn nở nụ cười tươi tắn, thân dưới đóng khố như đô vật, trông thật đáng yêu… Tễu thường xuất hiện với vai trò như một MC thứ thiệt: “Này bà con ơi! Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Ái chà, chú Tễu! Người hay kể chuyện vui, bình phẩm sự đời, chỉ trích quan tham, ai mà chẳng biết! Nói thì như vậy, nhưng không mấy ai thực sự tỏ tường lai lịch của chú Tễu nhà ta.
Sau đây xin được kể rõ lai lịch của nhân vật:
Chữ ‘Tễu’ trong Hán Nôm có nghĩa là tiếng cười. Nhân vật Tễu được khắc họa trong nghệ thuật múa rối nước với tính cách khá bạo dạn, hay giễu cợt, chế nhạo thói đời đa đoan, hay bình phẩm và chỉ trích quan tham ô lại cùng bè lũ bán nước hại dân, đôi khi lại kể những câu chuyện dí dỏm, gây cười để mua vui cho đời. Có thể nói chú Tễu là “thủy tổ của nghề MC” trong làng nghệ thuật sân khấu. Vậy nói về lai lịch thật sự của Tễu, các bạn cho rằng Tễu xuất thân từ đâu, và cha mẹ chú là ai?
Có bài thơ minh chứng rằng:
Cởi trần đóng khố múa chơi,
Hát rằng giữa đất và trời có ta.
Đất là mẹ, trời là cha
Chính danh là Tễu, tự là Thảo Dân.
Sự xuất hiện thường xuyên của ‘MC Tễu’ trên sân khấu cho thấy chú Tễu luôn đóng vai trò là nhân vật trung tâm, dẫn dắt khán giả hòa nhập với cốt truyện, tạo sự đồng cảm giữa người xem và các nhân vật trong vở diễn. Có khi Tễu hắng giọng, tự giới thiệu về nòi giống rồng tiên của mình một cách đầy tự hào và kiêu hãnh.
Thơ rằng:
Tễu tôi vốn dòng trên thiên thượng
Hái trộm đào bị trích xuống nhân gian
Thấy sự đời bối rối đa đoan,
Nên tôi phải lặn lội, lo toan sự ‘rối’...
Vậy đó, lai lịch của chú Tễu nhà ta thật rõ ràng chỉ trong vài dòng vỏn vẹn. Nhưng ngày hôm nay Tễu ra mắt mọi người, há lại chỉ tiết lộ dăm ba dòng cộc lốc hay sao? Thôi thì, nhân một chuyến ghé thăm nhà, Tễu xin được kể bạn nghe một câu chuyện dân gian như thế này:
Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nhà nọ, gia cảnh khốn khó, đi vay đi mượn được một quan tiền, đặng mua được con gà mái đem về nuôi. May thay, ít lâu sau con gà mái mơ đẻ ra được chục trứng. Hai vợ chồng vui như mở cờ trong bụng: Phen này trứng sẽ nở ra một đàn gà, cứ thế nhân rộng, lãi mẹ đẻ lãi con, mấy chốc mà giàu. Nhưng nào ngờ đâu ông Trời có lúc mưa, lúc nắng, vật đổi sao dời, ngày tháng trôi qua, giờ lành đã đến… Hai vợ chồng hí hửng ra thăm ổ trứng:
Hỡi ôi!
“Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
...
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng, nở ra ba con:
Con diều tha, con quạ bắt, con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
Thật là cơn vui chưa kịp tắt, nỗi buồn lại đã gieo. Anh chồng thở dài một hơi. Cô vợ liền bàn với chồng:
– Hay là còn ít vốn liếng, ta đi mua lấy đàn vịt con về nuôi? Mình quen cái thói ‘đếm gà trong trứng, đếm cua trong lỗ’ có ngày tay trắng chứ chả chơi.
Người chồng nghe xong, thấy phải lắm liền đồng ý ngay. Thế là họ lại đi mua 10 con vịt con về nuôi. Kể từ khi có lũ vịt nhà lại thêm công, thêm việc, vừa phải lo toan mùa vụ cho kịp thời, lại vừa sớm tối lùa vịt ra đồng. Cực chẳng đã anh chồng bực bội, trỏ tay lũ vịt con mà quát mắng:
– Đúng là cái giống vịt, chỉ biết đẻ mà không biết nuôi!
Mắng đoạn bỏ mặc cho lũ vịt con tha phương kiếm ăn ngoài nội, tới quá trưa mới lại ra đồng toan lùa về chuồng. Nhưng đếm đi, đếm lại chỉ thấy có ba con, bảy con đi đâu mất? Lần tìm khắp nơi, bụi kia hốc nọ, thì ra là lũ cáo gian manh nhân lúc vắng người đã vồ bắt mất vịt. Anh chồng vẻ mặt hằm hằm, vác gậy tầm vông toan lùa bắt cho kỳ được lũ cáo gian ác, nhưng chúng đã cao chạy xa bay…
Câu chuyện Tễu kể ra đây là để chia sẻ với bạn đọc xa gần thêm thấu hiểu nỗi thống khổ của người nông dân, chân lấm tay bùn một đời chân chất. Làm ra được mười phần, lại bị kẻ gian cướp mất bảy, hàm oan mà chẳng biết kêu ai.
Than ôi, cái thói ở đời kẻ thế cậy quyền, ỷ mạnh hiếp yếu xưa nay đã thành thông lệ, thì hỏi làm sao không xót xa thương lòng cho được?
Video: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt
videoinfo__video3.dkn.tv||579c092a8__
Có thể bạn quan tâm:
- Tâm thái người thành công: Tâm đại nhẫn
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.10): Khảm Vi Thuỷ – lời dạy của Thần dành cho con người
- Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp giúp cháu trở thành một đóa sen nhỏ không bị nhiễm bùn lầy
- Đây là cách Thần linh giáng tội và ban phước cho người vừa hiếu thuận vừa tà dâm