Chuyện cổ “Cô bé Lọ Lem” đầu tiên của Trung Quốc truyền tải thông điệp ý nghĩa gì?
Thưở xa xưa, vào khoảng thời gian giữa triều đại nhà Tần và nhà Hán (221-206 trước Công nguyên và 206-220 sau Công nguyên), có một người con gái tên là “Diệp Hạn”. Nàng là nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích cùng tên – được ghi chép theo mô tuýp “cô bé lọ lem” đầu tiên của Trung Quốc, sau đó câu chuyện về nàng lan ra khắp châu Âu và toàn thế giới.
Vào thời Tần – Hán, ở sơn động nọ có một vị tù trưởng, người bản địa gọi ông ta là Ngô động chủ. Ông có hai người vợ, người vợ cả qua đời để lại cho ông một cô con gái nhỏ tên là Diệp Hạn. Diệp Hạn thông minh, lanh lợi, giỏi thêu thùa may vá nên được cha hết mực thương yêu.
Một thời gian sau, Ngô động chủ lâm bệnh mất, Diệp Hạn ở với mẹ kế. Người đàn bà này tâm địa độc ác, sinh lòng tật đố với Diệp Hạn vì cô xinh đẹp và đảm đang hơn con gái của mình. Vì vậy, bà ta đối xử với cô rất ngược đãi, thường bắt cô bé phải làm những việc rất nặng nhọc như bổ củi hoặc đến những nơi nguy hiểm như nơi giếng sâu, vực thẳm để gánh nước.
Ngày nọ, Diệp Hạn bắt được một con cá vây hồng, mắt vàng rất lạ. Cô bé đem về thả vào bồn nước để nuôi, mỗi ngày đều mang cơm đến cho cá. Chú cá lớn nhanh như thổi, đến nỗi bồn nước càng ngày càng chật hẹp rồi không chứa nỗi chú nữa. Diệp Hạn bèn thả cá vào cái ao sau phòng mình.
Thấy Diệp Hạn mỗi ngày đều có những hành động lạ, người mẹ kế sinh nghi nên rình theo dõi. Cuối cùng, bà ta đã phát hiện sự tình. Tâm tính thâm độc lại trỗi dậy, người mẹ kế âm mưu rình bắt chú cá này.
Nhưng kỳ lạ thay, thấy bà đến gọi thì cá lại nhất quyết không ngoi lên. Bà ta liền nảy ra một kế là sai Diệp Hạn đi gánh nước ở một con suối rất xa. Sau đó, lấy quần áo của cô mặc vào rồi đóng giả đến cho cá ăn. Chú cá thấy chiếc áo thân quen thì tung tăng bơi đến và ngoi lên. Nhanh như chớp, người mẹ kế vung dao chém một phát sắc lẹm, chú cá chết tươi. Thời điểm ấy, cá đã phát triển dài đến một trượng.
Người mẹ kế đem chú cá về nướng ăn, thịt con cá này thơm ngon hơn hẳn những con cá bình thường khác. Ăn xong, bà ta vùi xương xuống một đống tro.
Diệp Hạn đi gánh nước về mang cơm ra cho cá ăn, không thấy chú cá ngoi lên đón mừng mình như mọi lần, cô suy sụp và bật khóc nức nở bên mép ao. Đột nhiên, trên không xuất hiện những tầng mây ngũ sắc, một vị tiên từ Thiên thượng bước xuống và nói với Diệp Hạn rằng:
– “Nín đi con! Mẹ kế của con đã ăn thịt con cá mất rồi, xương đầu cá còn bị vùi ở đống tro đó. Con hãy về nhà tìm xương cá, nhớ giấu kỹ nó vào trong phòng. Sau này nếu mong nguyện điều gì, con hãy cầu khấn bộ xương tất sẽ được toại nguyện”.
Về nhà, quả nhiên Diệp Hạ tìm được xương cá dưới đống tro, cô đem về cất giấu trong thư phòng.
Thời gian trôi đi rất mau, thoắt một cái mùa xuân đã về. Dân làng tưng bừng tổ chức lễ hội mừng xuân. Ai ai cũng nô nức sắm sửa lụa là, váy vóc để trẩy hội. Người mẹ kế ích kỉ cấm tiệt Diệp Hạn không được tham gia chung vui và phải ở nhà làm việc.
Sau khi bà ta và cô em gái đi khỏi nhà, Diệp Hạn đã bới đống xương cá lên và ước nguyện sẽ có quần áo đẹp để đến chung vui cùng dân làng. Thật kỳ diệu! Trước mắt cô bé hiện ra một tấm áo choàng, một tấm váy lụa và một đôi giày nạm ngọc xinh xinh có hình vẩy cá. Cô vui sướng thay y phục và đi đến lễ hội.
Trong biển người chen chúc, tiếng cười nói khắp nơi, Diệp Hạn xinh đẹp như tiên hạ trần khiến ai ai cũng trầm trồ chú ý. Người mẹ kế trông thấy liền sinh nghi. Sợ bị phát hiện, cô chạy một mạch bỏ trốn và vô tình đánh rơi một chiếc giày.
Về đến nhà, Diệp Hạn mau chóng đổi y phục và cất giấu chiếc giày còn lại trên giường. Mẹ kế đi về thấy cô đang ôm gốc cây ngủ nên trong lòng cũng xua tan những ngờ vực.
Một thời gian sau, có một vị thương gia đã nhặt được chiếc giày đánh rơi của Diệp Hạn. Nhận thấy giá trị của nó không hề nhỏ nên đã có ý dâng bán cho nhà vua. Vua muốn truy tìm chủ nhân của chiếc giày xinh đẹp này nên đã hạ lệnh quân lính đi khắp nơi để xem nữ nhân nào mang vừa chiếc giày này.
Nhưng tuyệt nhiên, không có ai trong thiên hạ mang vừa cả. Nhà vua đành đem giày trưng bày rộng rãi tại nơi nó bị đánh rơi cốt để tìm cho được chủ nhân thật sự. Hàng ngàn nữ nhân tứ phương đến ướm thử vẫn không mang lại kết quả gì.
Một hôm, Diệp Hạn vô tình đi ngang qua, nhận ra chiếc giày mà mình đánh mất nên cô mạn phép đến xin lại. Binh lính nghĩ cô có ý định chiếm đoạt nên xông ra bắt giữ và đưa cô về cung diện kiến vua.
Nhà vua nghe kể sự tình thì rất tức giận vì nghĩ Diệp Hạn lừa mình; ông không tin rằng một cô gái ăn mặc rách rưới, nghèo hèn thế kia lại là chủ nhân của chiếc giày cao quý ấy. Diệp Hạn mỉm cười rồi ướm thử, quả nhiên vừa như in. Cô ôn tồn giải thích với nhà vua mọi chân tướng của sự việc.
Sau khi hiểu ra, nhà vua đã rất thương cảm cho hoàn cảnh của cô gái trẻ và đặc biệt ấn tượng về sự hiền lành, đoan trang, ngay chính của nàng Diệp Hạn. Ông ra lệnh thả người và trả lại chiếc giày cho chủ nhân của nó.
Ngày hôm sau, đích thân vua đến tận nhà cô để tìm hiểu hoàn cảnh. Diệp Hạn xuất hiện xinh đẹp tuyệt trần trong chiếc áo choàng xanh màu đại dương cùng tấm váy lụa thướt tha, chân đi giày vẩy cá nạm ngọc. Nhà vua nhận ra đấy chính là ý trung nhân định mệnh mà bấy lâu ông đã tìm kiếm. Ông sai người đưa kiệu rước nàng về triều, tấn phong nàng làm Hoàng hậu chánh cung.
Sau khi Diệp Hạn làm vợ vua, người mẹ kế và cô em gái bị cấm chỉ không được vào cung. Hai mẹ con lủi thùi sống trong sơn động rồi bị đá đè chết trong một ngày trời mưa như trút nước.
Dân bản địa thương tình hai mẹ con nên đem chôn cất tử tế. Trên mộ dựng tấm bia đá khắc chữ “Hận Phụ Chủng”. Trong các câu chuyện thần thoại có kể rằng, sau khi bị đá đè chịu nhiều thống khổ, hai người phụ nữ này xem như đã trả xong nghiệp chướng. Các vị thần tiên tôn họ là thần Hôn Nhân để ban phúc cho dân lành, ai có lòng thành đến xin ân điển về hạnh phúc gia đình cũng đều linh ứng.
Thông điệp đạo đức phía sau câu chuyện cổ
Cổ nhân quan niệm, ông Trời có đức hiếu sinh nên không vô duyên vô cớ giết hại vạn vật. Người mẹ kế vì lòng đố kỵ với Diệp Hạn mà ra tay tàn sát sinh mệnh, đối xử ác nghiệt với con chồng. Chính vì thế nên phải chịu nghiệp báo đoạ đày, mất đi phúc báo và sự may mắn.
“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” mãi mãi là đạo lý của Thiên thượng. Vì vậy, hãy sống hiền lành và nhân hậu, dù có trải qua nhiều khổ cực thì cũng tích được phúc đức dày dặn, rồi sẽ có ngày được đền đáp xứng đáng.
Ngoài ra, trong truyện còn có hình tượng chú cá vàng. Cá là biểu tượng may mắn của văn hoá Trung Quốc. Từ ngôn ngữ mà xét thì phát âm của từ “Cá” đồng âm với từ “thặng dư” 餘, nên cá thường được xem như một dấu hiệu của sự giàu có hoặc dư dả.
Vào thời khắc của năm mới, các gia đình ở Trung Quốc luôn chuẩn bị món cá cho bữa ăn tất niên và trang trí nhà cửa bằng hình cá để cầu mong một năm mới an lành và cát tường.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: Visiontimes