Chuyện Tào Phi muốn ‘di’ Tào Thực: lời cảnh tỉnh ‘nồi da nấu thịt’ còn lưu truyền hậu thế
Thời Tam Quốc (220-280), có nhân vật tên Tào Thực, tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ rất hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần – Hán nhưng tính tình lại phóng túng. Sinh thời, Tào Tháo thương Tào Thực lắm nhưng không thể truyền ngôi cho chàng công tử giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được…
Chuyện Tào Phi muốn ‘di’ Tào Thực
Tào Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Khi ấy, Tào Thực vốn vẫn giữ bản tính tài hoa lãng tử, không quen thói nịnh bợ. Tào Phi thấy thế bèn cho rằng em trai mình có ý bất phục, muốn chống lại Đế huynh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định khép tội. Nhưng vì yêu mến tài năng của Thực nên Phi bảo:
“Ta với ngươi tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao ngươi dám cậy tài miệt lễ? Ngày Tiên đế còn, ngươi thường đem vốn liếng văn chương của mình ra mà khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ ngươi nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung”.
Thực nói: “Xin ra đề cho”.
Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chọi nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:
“Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ: “Ngưu”, “Đấu”, “Tường”, “Trụy”, “Tỉnh”, “Tử” (Trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết)”.
Thực chắp tay sau người, đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:
“Lưỡng nhục tề đạo hành
Đầu thượng đới ao cốt
Tương ngộ do sơn hạ
Huất khởi tương đường đột
Nhị địch bất câu cương
Nhất nhục ngọa thổ quật
Phi thị lực bất như
Thịnh khí bất tiết tất”.
Tạm dịch:
“Hai tấm thân đi đường
Trên đầu bốn khúc xương
Gặp nhau tựa sườn núi
Bỗng đâu nổi chiến trường
Đôi bên đua sức mạnh
Một địch lăn xuống hang
Đâu phải thua kém sức
Chẳng qua sự lỡ làng”.
Nghe thơ xong, Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giật mình, nức nở khen hay. Phi lại nói:
“Bảy bước thành thơ, ta còn cho là nhàm. Ngươi có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?”.
Thực lại đáp: “Xin ra đề cho”.
Phi nói: “Ta với ngươi là anh em. Cứ lấy câu đó làm đề tài. Nhưng cấm được dùng hai chữ Huynh, Đệ”.
Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:
“Chử đậu nhiên đậu ky
Đậu tại phủ trung khấp
Bản thị đồng căn sinh
Tương tiễn hà thái cấp”.
Tạm dịch:
“Củi đậu đun hột đậu
Đậu trong nồi khóc kêu:
Cùng sinh trong một gốc
Bức nhau chi đến điều”.
Phi nghe Thực đọc thơ xong cảm động rơi nước mắt, liền tha cho, nhưng lại giáng Tào Thực xuống làm An Hương Hầu.
Nồi da nấu thịt, em nỡ lòng sao?
Ở Việt Nam trong thời Tây Sơn (1778-1802), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cũng đã suýt đánh nhau để tranh quyền, tranh bá. Nguyễn Nhạc khi đó yếu thế hơn, nên phải khóc mà nói mà với em trai của mình rằng:
“Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn?”. Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? Nguyễn Huệ nghe xong thấy cảm động mà nương tay, rồi cả hai nghị hòa với nhau.
Câu nói của Nguyễn Nhạc kể trên có lẽ là xuất phát từ tập quán của người dân Bình Định cổ xưa. Thuở xa xưa ấy, vật dụng bằng kim khí không sẵn có như bây giờ, vả lại đi săn bắn thì hành trang tối kỵ là cồng kềnh. Bởi thế, mỗi khi săn được hươu nai thì đám thợ săn thường hay lột da của chính con mồi đó ra để làm nồi mà nấu thịt. Do đó ca dao cổ ở Bình Định còn có câu:
“Da nai mà nấu thịt nai
Việc đời như thế không ai động lòng?
Thịt nai mà chín bên trong
Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì!”.
Cảm động trước câu nói của Nguyễn Nhạc, người Bình Định thời đó đã diễn ý lại bằng câu ca dao:
“Lỗi lầm anh vẫn là anh,
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em?”
“Củi đậu đun hột đậu” hay “Nồi da xáo thịt” tuy là những thành ngữ, điển tích có xuất xứ khác nhau nhưng có lẽ đều nêu ra một đạo lý nhằm cảnh tỉnh, khuyên răn con người ta: cho dù là anh em, họ hàng ruột thịt, hay những chốn thân tình, có mối quan hệ gắn bó khăng khít… thì cũng đều nên nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng anh em đổ máu, ‘huynh đệ tương tàn’. Trong kho tàng ca dao tục ngữ dân gian Việt Nam xưa cũng có viết:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”;
Hay:
“Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”…
Thiết nghĩ đó đều là những truyền thống đạo lý tốt đẹp trong lẽ cư xử thường ngày mà mỗi người trong chúng ta đều nên xem trọng.
Nguồn: ntdvn (Đường Tân)
– Tài liệu tham khảo: Điển xưa tích cũ; Wikipedia và một số nguồn tư liệu khác...