SKĐS – Sự ra đời và phát triển ngày càng lớn mạnh của các nền tảng mạng xã hội đang đặt ra những thách thức không nhỏ với các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là về mặt truyền tải thông tin. Nếu không sớm chuyển mình, biến thông tin thành tri thức, thì báo chí có thể sẽ bị “nhấn chìm”.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí ra đời do nhu cầu thông tin khi giao tiếp, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và truyền tải nhận thức của con người. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự ra đời của các nền tảng mạng xã hội, sức ép cạnh tranh về mặt thông tin đối với báo chí ngày càng tăng. Thông tin trong thời đại chuyển đổi số đã vượt xa khả năng xử lý của con người và đang có xu thế trở thành “rác mạng”.
Ðiều này đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí, truyền thông, những người làm báo. Nếu không vượt lên chính mình, báo chí có nguy cơ sẽ bị các nền tảng mạng xã hội “nhấn chìm”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Ðời sống, TS. Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Ðào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí cần phải xác định vị trí tiên phong so với các nền tảng mạng xã hội. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần mà phải biến thông tin thành tri thức.
Thực tế, trong thời đại số hóa hiện nay, khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… ngày càng thịnh hành, sự cạnh tranh về mặt truyền tải thông tin ngày càng lớn, đây là một thách thức lớn đối với báo chí truyền thống.
Về vấn đề này, TS. Phan Văn Kiền cho rằng, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội không phải là sự “đe dọa”, bởi khi dùng từ đó, người ta tiếp cận sự trỗi dậy của các nền tảng mạng xã hội trong tư thế thụ động và quen thói độc quyền. Sự bùng nổ của công nghệ, truyền thông và internet đem lại nhiều thách thức nhưng cũng có vô vàn cơ hội cho tất cả chúng ta.
Khi mạng xã hội ra đời và tồn tại được như một thực thể trong xã hội tức là nó đã được phân vai, phân vị trí của mình trong xã hội hiện đại. Và việc chuyển vai hay xác định vị trí của mình từ báo chí là rất quan trọng.
TS. Phan Văn Kiền nhận định, không có sự cạnh tranh hay “đe dọa” ở đây, mà chỉ có sự xác định lại rõ hơn, trọng tâm hơn vị trí của báo chí. Khi vai trò tin tức không còn là độc tôn của báo chí, thì chính báo chí phải tập trung vào vai trò cơ bản của mình là nơi để công chúng kiểm chứng độ tin cậy giữa rừng thông tin đa chiều do Internet mang lại.
Bản thân các tin tức, đặc biệt là tin giả, tin xấu độc, không có kiểm chứng trên các nền tảng Internet cũng là cơ hội để báo chí xác định lại một cách rõ ràng hơn vị trí của mình trong lòng công chúng.
Báo chí khi ra đời đã được xác lập vị trí tiên phong trong việc dẫn dắt, hướng dẫn công chúng. Nhưng trong quá trình phát triển và biến đổi, cùng với sự tác động của thị trường, có những thời điểm báo chí đang tập trung quá lớn cho việc cập nhật tin tức mà chưa chú trọng vào vai trò tiên phong này. Trong bối cảnh hiện tại, đã đến lúc báo chí quay về chú trọng với vị trí tiên phong của mình.
Như vậy, báo chí và truyền thông cần phải thay đổi để vượt qua những thách thức và cạnh tranh từ các mạng xã hội để biến thông tin thành tri thức.
Thực sự, đây là một vấn đề lớn của báo chí. Nó là cốt lõi của việc báo chí xác định lại vị trí, vai trò của mình trong dòng chảy thông tin của xã hội hiện đại. Ðóng vai trò quan trọng nhất trong vấn đề biến thông tin thành tri thức thì trước hết vẫn phải nằm ở chính người làm báo.
Người làm báo là người trực tiếp thực hiện sản phẩm báo chí, vì vậy thông tin có biến thành tri thức được hay không trước hết nằm ở việc chính họ có có tri thức hay không.
Ðây là một thay đổi rất căn bản của báo chí hiện đại trong bối cảnh chúng ta vẫn đang tồn tại một lực lượng lớn người làm báo đang chỉ đơn thuần đưa tin, thuật lại một cách trung thực sự kiện, sự việc… Nếu chỉ làm việc như vậy thì trong tương lai rất gần, bộ phận này sẽ bị AI thay thế.
Vì vậy, tiêu chí quan trọng cho kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo tương lai phải là người biết cảm nhận và mô tả lại cảm xúc của mình trước sự việc, sự kiện và biến các thông tin đơn thuần thành tri thức phù hợp với công chúng hiện đại. Ðiều này đòi hỏi trước hết người làm báo phải có cảm xúc cũng như tri thức nền tảng trước khi sáng tạo và thuật lại nó cho công chúng.
Trao đổi về vấn đề, một trong những xu hướng tích cực của báo chí hiện nay là tăng tính tương tác, phản hồi với độc giả (thông qua bình luận bài viết, các bài trả lời chuyên gia…) và đâu là khía cạnh quan trọng nhất, cần tập trung và phát triển nhất trong việc chuyển đổi từ truyền tải thông tin đến việc cung cấp tri thức?
TS. Phan Văn Kiền cho rằng, khi người làm báo muốn chuyển thông tin thành tri thức thì ngoài việc có tri thức nền để có thể cung cấp được thông tin có ích cho công chúng, trên nền tảng số, nhà báo cũng nên có những tương tác với công chúng để nắm bắt tốt hơn nhu cầu của họ, từ đó có những điều chỉnh trong chính sản phẩm cũng như kỹ năng của mình cho các sản phẩm tiếp theo.
Vì vậy, quy trình sản xuất truyền thống đã trở nên lỗi thời, đó là quy trình sản xuất tin bài xong, tác phẩm đăng là cơ bản hết nhiệm vụ của người làm báo. Trong bối cảnh số, người làm báo cũng nên và phải theo dõi thường xuyên các tương tác của công chúng về các vấn đề liên quan đến sản phẩm của mình. Ðó vừa là cách để hiểu hơn nhu cầu của công chúng, nhưng cũng là cách để người làm báo có thể nâng cao kinh nghiệm, năng lực chuyển thông tin thành tri thức.
Về mặt lý thuyết, để quá trình biến thông tin thành tri thức có thể trở thành một quy trình mới trong quá trình tác nghiệp của người làm báo hiện đại, cần có sự chuẩn bị về năng lực, cách thức sản xuất của người làm báo nhưng đồng thời cũng cần phải có sự đồng bộ trong các bộ phận khác của tòa soạn như kỹ thuật – công nghệ, đội ngũ hỗ trợ…
Theo TS. Phan Văn Kiền, điều căn cốt vẫn nằm ở người làm báo. Sẽ đến lúc những nhà báo chỉ thạo kỹ năng khai thác thông tin và biến thành các tác phẩm theo đúng khuôn mẫu hết “đất canh tác”. Người làm báo trong bối cảnh mới phải là người vừa có năng lực cảm nhận, nhưng quan trọng hơn hết là tri thức nền tảng để có thể khai thác được thông tin có ích cho công chúng.
Vì vậy, theo TS. Kiền, đào tạo người làm báo không chỉ đơn thuần là đào tạo kỹ năng làm nghề. Việc trang bị tri thức nền tảng là công việc vô cùng quan trọng của trường đại học đào tạo ngành báo chí truyền thông.
Trong việc lan tỏa giá trị từ đưa thông tin đơn thuần sang truyền tải tri thức, chuyển đổi số báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói đây là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công của việc “truyền tải tri thức”.
Về vấn đề này, TS. Phan Văn Kiền đánh giá, có thể nói, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội, mọi ngành nghề, lĩnh vực đều chịu sự tác động của xu hướng này. Báo chí truyền thông cũng nằm trong guồng quay sôi động ấy. Về bản chất, chuyển đổi số là một sự thay đổi về chất, là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức hoạt động, phát triển của đời sống con người. Từ đó tạo ra hiệu quả trong quản lý cũng như năng suất lao động.
Nhìn nhận như vậy để thấy, vai trò của chuyển đổi số trong quá trình hoạt động của báo chí cũng như xu hướng tất yếu của các cơ quan báo chí phải thực hiện chuyển đổi số.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là yếu tố tiên quyết trong việc chuyển từ thông tin đơn thuần sang truyền tải tri thức. Chúng ta nên coi chuyển đổi số là một công cụ, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nội dung truyền thông tốt, thì phải được lan tỏa trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác. Từ những ý kiến phản hồi của công chúng thông qua mạng xã hội sẽ gợi mở cho báo chí những vấn đề mới, góc tiếp cận mới, tăng trải nghiệm về mặt nội dung cho độc giả. Qua đó lan tỏa những tri thức, tin tức chất lượng đến với độc giả ở khắp mọi vùng miền và cũng để khẳng định sự hiện diện uy tín của các cơ quan báo chí trên mặt trận thông tin.
“Chuyển thông tin thành tri thức: Truyền thông, báo chí phải vượt lên chính mình” không phải là vấn đề nữa mà đã thành một tiên đề. Bản thân báo chí và công chúng của báo chí hiện nay đang vận động một cách tương đối rõ ràng theo tiên đề đó. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi căn bản trong hệ thống báo chí để sẵn sàng cho xu hướng này, từ lãnh đạo, hoạt động, cơ cấu của tòa soạn, từ người làm báo đến sản phẩm báo chí.