Blog
Chuyện xưa tích cũ: Vị cao tăng và bác thợ đóng giày
Khi cửa tăng phòng đã cài then, dưới ánh đèn le lói, người thợ giày đầu mới cạo bóng nhoáng, mình mặc áo cà sa từ phía trong bước ra đứng trước mặt lão tăng khách để chịu sự thử thách…
Chuyện kể rằng ngày xưa có một nhà sư già tên là Diệu Kế trụ trì ở một ngôi chùa lớn tại làng Bích Khê. Sư ta vốn ít chữ nhưng được cái sáng dạ, trải qua những ngày cạo đầu cắp tráp đi theo các bậc tu hành, ông ta cũng võ vẽ được ít nhiều kinh kệ. Sống lâu lên lão làng, nhờ chuyên cần gõ mõ tụng kinh, nên chẳng mấy chốc Diệu Kế cũng leo lên được hàng sư ông.
Từ đó Diệu Kế đã được dân làng vùng này vùng khác đón về làm trụ trì các chùa và cai quản chúng tăng.
Qua nhiều lần đổi chùa thay chức, Diệu Kế đã nảy sinh tà niệm, ông ta tự nhủ:
Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn
– Cuộc đời tu hành của mình chẳng qua cũng là một cách mưu sinh. Vậy thì tội gì mình phải theo “năm điều răn” cho mệt xác.
Vì vậy, về mặt đức hạnh, Diệu Kế tuy chưa phải là hạng sư ‘hổ mang’, nhưng cũng chẳng phải thuộc hàng chân tu. Thỉnh thoảng sư ta cũng biết lén lút tìm cách làm vơi bớt những món tiền công đức của du khách thập phương đang đầy ngộn lên ở trong tráp.
Lại nói, ở gần chùa có một người thợ giày cũng trạc tuổi và có vẻ mặt, dáng dấp hao hao giống Diệu Kế. Hai người quen nhau rồi dần trở nên thân tình. Khi đã tương đắc, người thợ giày thường mang rượu thịt vào tăng phòng của Diệu Kế vào những lúc vắng vẻ, rồi cả hai đóng cửa lại, chén tạc chén thù với nhau. Họ tỉ tê kể cho nhau nghe những câu chuyện vượt ra ngoài mảnh vườn và mái chùa nhà Phật. Được cái người thợ giày khá am hiểu việc đời nên Diệu Kế ta rất thích ông ta. Mỗi khi thấy ông bạn túng thiếu, Diệu Kế thường phóng tay chu cấp khi năm quan, lúc ba đồng mà không hề đòi lại.
Tuy nhà sư không bao giờ xao nhãng việc tụng kinh gõ mõ nhưng bọn hào lý trong làng cũng chẳng phải không có kẻ ghét ghen. Họ ngờ rằng về mặt kinh kệ, vốn liếng của sư ông hình như không có bao nhiêu. Hơn nữa, mỗi lần nghe sư ông tụng kinh, thấy chỉ ê a suốt buổi, thi thoảng điểm vào những câu lạc lõng, tựa hồ không phải là kinh Phật. Mặc dầu vậy, họ cũng chả biết nên làm cách nào để tìm cho ra sự thật.
Hồi bấy giờ ở một ngôi chùa phương Bắc có một vị đại đức nổi tiếng uyên thâm và đức hạnh. Vị hòa thượng này đã từng tu luyện rất nhiều năm và cũng từng vân du sang đất thánh Tây Trúc.
Năm ấy, bậc đại đức nọ được vua phong tước quốc sư, lại cho phép đi vân du khắp mọi cảnh chùa trong và ngoài nước. Tuy tuổi đã cao nhưng vị hòa thượng này chuyên ăn chay nằm đất, lại có điều đặc biệt là do thuộc trường phái “vô ngôn”, nên đại đức nọ nhất thiết không nói năng gì với ai, chỉ khi cần lắm ông ta mới làm dấu hiệu, hoặc viết ý nghĩ của mình lên mặt giấy.
Nghe tin bậc đại đức này sắp vân du qua làng mình, bọn hào lý ở Bích Khê bèn sửa soạn một cuộc đón rước trọng thể tại chùa và nhân thể nhờ cao tăng khảo nghiệm hộ xem sư ông Diệu Kế có phải đúng là người chân tu, am hiểu Phật pháp hay không? Nếu quả đúng như mối ngờ bấy lâu thì họ sẽ mời sư đi chỗ khác.
Nghe được tin ấy, Diệu Kế rất lo. Ông ta thầm nghĩ:
– Cuộc khảo hạch này chắc chắn sẽ làm mình lộ mặt, nếu không bị đuổi khỏi chùa thì cũng mất uy trước thiện nam tín nữ. Than ôi! Còn đâu là những ngày ngồi ung dung hưởng hàng chục mẫu hoa lợi và bao nhiêu tiền của thập phương!
Nghĩ vậy, Diệu Kế sực nhớ tới ông bạn đóng giày vốn cũng được coi là bậc túc trí đa mưu. Tình thế gấp gáp, Diệu Kế liền nhắn bạn đến chùa để cùng nhau bàn mưu tính kế. Sau khi nghe thủng câu chuyện, người thợ giày bèn an ủi:
– Tưởng gì chứ việc ấy thì để mặc tôi lo liệu. Tôi sẽ thay bạn trả lời tất cả những câu khảo hạch của lão tăng ấy.
– Nhưng làm sao mà thay được, Diệu Kế hỏi.
Bác thợ giày đáp:
– Khó gì, vì cùng trạc người như bạn, tôi sẽ kín đáo lẻn đến đây đúng vào hôm lão tăng ấy tới chùa. Chỉ cần bạn đòi bọn hào lý cho được một mình đối diện với lão ấy ở tăng phòng đóng kín cửa, không một người thứ ba nào cùng dự là ổn. Tôi sẽ từ chỗ nấp bước ra sắm vai của bạn. Tôi cam đoan sẽ chu toàn mọi việc. Bạn đừng lo gì cả!
Nghe người thợ giày hiến kế, sư ông Diệu Kế có phần vững tâm. Mấy ngày sau, vị thánh tăng quả nhiên ghé qua chùa theo lời mời của bọn hào lý, và gật đầu nhận lời họ về việc khảo hạch sư ông.
Khi cửa tăng phòng đã cài then, dưới ánh đèn le lói người thợ giày đầu mới cạo bóng nhoáng, mình mặc áo cà sa từ phía trong bước ra đứng trước mặt lão tăng khách để chịu sự thử thách.
Cuộc khảo hạch bắt đầu. Vị đại đức không hề hé răng, chỉ thong thả đưa bàn tay phải sờ lên đầu mình. Thấy vậy, bác thợ giày thình lình co cẳng trái đạp mạnh xuống nền tăng phòng một cái đánh “thịch”. Tiếp đó vị đại đức ngửa mặt lên trời hồi lâu rồi sờ tay vào nách. Để trả lời, người thợ giày lại quờ cánh tay mình ra đằng sau và đấm vào lưng mấy cái. Tiếp đó, vị đại đức mỉm cười và giơ ba ngón tay ra trước mặt. Người thợ giày liền trợn mắt cũng giơ bàn tay chìa đủ năm ngón lên trời.
Sau đó, vị đại đức gật gù thi lễ, không làm dấu hiệu gì nữa, ông ta lặng lẽ bước ra khỏi tăng phòng, trong khi người thợ giày lại trở về chỗ nấp cũ.
Trước khi từ giã làng Bích Khê, vị đại đức đến từ phương Bắc không quên viết mấy câu vào mảnh giấy trao cho bọn hào lý, nói rõ kết quả cuộc khảo hạch vừa rồi. Đại ý như sau:
“Khắp lộ trình vân du qua các nước, từ thôn quê đến thị thành, ta chưa từng thấy có người nào thông hiểu nghĩa lý đạo Phật cao thâm như sư ông Diệu Kế. Không những sư ông hiểu rõ những dấu hiệu ta đưa ra hỏi, mà còn dùng dấu hiệu để đối đáp với ta, y như những vế biền ngẫu tài tình. Thoạt đầu ta muốn nói: “Luôn luôn trong đầu phải tâm niệm lời dạy của đức Phật” thì sư ông đã trả lời: “Cần phải giẫm xuống dưới chân những cám dỗ của ma vương”. Ta lại muốn nói: “Con hạc cắp dưới cánh lời cầu nguyện mang lên thượng giới”. Sư ông trả lời: “Con rùa ghé tấm lưng đội bia đứng trước chùa”. Cuối cùng ta giơ ba ngón tay để nói “Tam quy”. Sư ông giơ cả bàn tay để đối lại là “Ngũ giới”. Đó là điều không phải những kẻ đạo học tầm thường có thể trả lời một cách nhanh gọn được. Sư ông Diệu Kế quả là một ngôi sao sáng trong rừng thiền của chúng ta”.
Đọc xong, bọn hào lý làng Bích Khê cung kính cúi chào vị hòa thượng già, rồi sau đó trở về chùa xin ra mắt sư Diệu Kế. Bọn họ hết lời xin lỗi:
– Chúng tôi quả thật người trần mắt thịt, không biết được đạo học của hòa thượng sâu rộng như trời biển. Chẳng qua chỉ vì có một vài người xấu thói thêu dệt điều này tiếng nọ vu oan cho hòa thượng nên buộc làng chúng tôi phải rước bậc đại đức đến chùa để bày cuộc thử thách. Giờ đây tất cả mọi nghi ngờ đều đã tiêu tan. Xin hòa thượng miễn chấp cho lũ ngu độn n
Sau khi bọn hào lý đã ra về hết, nhà sư Diệu Kế liền gọi riêng người bạn thợ giày ra và sốt sắng hỏi:
– Ông bạn hãy mau mau cho tôi biết ông đã trả lời như thế nào về những câu hỏi của lão tăng ấy làm cho danh tiếng của tôi bỗng nổi lên như cồn trước dân làng vậy?
Bác thợ giày đáp:
– Có gì đâu. Thoạt đầu lão tăng ấy chỉ tay lên đầu, ý hỏi tôi có biết làm mũ ni hay không? Tôi đạp chân xuống đất để trả lời rằng tôi chỉ biết đóng giày mà thôi. Thế rồi lão tăng lại chỉ vào nách để hỏi tôi có thứ da nào mềm như da nách không để thửa một đôi. Tôi chỉ vào lưng để nói rằng dạo này chỉ còn thứ da lưng thôi, nhưng dùng để đóng giày cũng khá bền tốt. Thế rồi ông lão quyết định thửa một đôi nhưng lại mặc cả có ba quan. Tôi nhất định không chịu, đòi phải có đủ năm quan mới làm. Thế là ông lão tăng lặng lẽ thi lễ rồi bỏ đi ra, mọi chuyện chỉ có vậy!
Đường Phong
– Tài liệu tham khảo: ‘Hòa thượng và người thợ giày’/Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam/Nguyễn Đổng Chi