Chuyến xuất ngoại ngẫu hứng của Trần Thái Tông, suýt nữa thì mất mạng, Trần Dụ Tông mở sòng bạc ngay tại cung đình
Càng đi sâu vào sử cũ nước nhà, chúng ta càng khám phá thêm những điều kỳ thú về các vị vua, từ người ít tiếng tăm cho đến những người danh tiếng lẫy lừng mà cuộc đời tưởng chừng như đã rõ ràng nhiều chuyện.
Trần Thái Tông ngẫu hứng xuất ngoại
Có lần vua Trần Thái Tông đi tuần biên giới, có lẽ nổi hứng muốn biết bên ngoài thế nào bèn đi sâu vào địa giới nước Tống, qua Khâm Châu, Liêm Châu tự xưng là Trai lang.
Để tiện cho việc tuần thú, ông bỏ thuyền bè lại chỉ dùng thuyền Kim Phượng và Nhật Quang (Đại Việt sử ký toàn thư). Khi biết đó là vua nước Nam, người Tống liền chăng xích sắt trên sông để chặn đường. Vua trở về, nhổ vài chiếc cọc sắt đem theo (có lẽ để làm kỷ niệm chăng?).
Chuyến “xuất ngoại” ngẫu hứng này của vua Trần Thái Tông: “Bất quá muốn xem sông núi ở nội địa Tống, cho là người Tống không làm gì được, chung quy vì sự đi chơi này mà gần bị người Tống làm khốn; thoát được miệng hùm là may đó” (Việt sử tiêu án).
Mạc Thái Tổ bị nhổ vào mặt
Mạc Thái Tổ, tức Mạc Đăng Dung, vốn xuất thân làm nghề đánh cá, vì có sức khỏe lại giỏi đánh vật nên được vào làm lính hầu cận cho vua, sau dần lên đến chức đại thần lớn trong triều đình nhà Lê. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung giết vua, cướp ngôi của nhà Lê lập ra nhà Mạc.
Nhiều quan lại trung thành với nhà Lê, người thì nổi binh chống Mạc, người thì tự vẫn để tỏ khí tiết; người thì ở ẩn tỏ thái độ bất hợp tác. Trong số đó có Nguyễn Thái Bạt, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520), làm quan đến chức Hiệu lý Hàn lâm viện.
Ông bị Mạc Đăng Dung bắt ép phải vào triều kiến. Tức giận kẻ cướp ngôi, Nguyễn Thái Bạt giả vờ mắt kém xin đến gần để được nhìn vua mới rõ hơn, nhân thế ông nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung rồi lớn tiếng chửi mắng đến khi bị giết; đời sau có nhiều tác phẩm ca ngợi nghĩa khí của ông.
Lê Chiêu Thống bị lột mất hoàng bào
Lê Chiêu Thống lên ngôi tháng 8 năm Bính Ngọ (1786), ở ngôi 2 năm. Ông là vị vua gặp nhiều bất hạnh, quyền hành hạn chế trong thời kỳ xã hội có nhiều loạn lạc.
Năm Đinh Mùi (1787) quân Tây Sơn tấn công ra Bắc Hà để diệt quyền thần Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống hoảng hốt bỏ chạy sang Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay).
Trước cảnh thất thế của vua, viên quan Trấn thủ Kinh Bắc là Lê Cảnh Thước cáo bệnh không chịu đón tiếp, sau đó lại còn “tung chân tay ra chặn đường cướp bóc những người đi theo xa giá, chúng còn đuổi theo đòi lột hoàng bào của nhà vua. Nhà vua rớt nước mắt mà cởi ra để trao cho chúng” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Tự Đức – vị vua có hiếu nhất nhưng không có con, bị coi là “đại bất hiếu”
Vua có hiếu nhất là Tự Đức (1848-1883). Trong suốt 36 năm trên ngai vàng, ông bao giờ cũng dành ngày chẵn vào cung vấn an sức khỏe mẫu hậu, ngày lẻ thì lo việc triều đình, chẳng vì ngồi trên chỗ vạn năng quyền thế mà lơ là phận làm con.
Khi vào thì sửa mình, nén hơi, quỳ xuống hỏi thăm sức khỏe rồi cùng mẹ bàn luận kinh sách. Bà Từ Dũ được vua săn sóc, tôn kính, vâng lời hết mực, bà truyền bảo điều gì đáng lưu tâm, vua liền ghi ngay vào cuốn sách nhỏ luôn mang theo mình gọi là “Từ huấn lục” (sách chép lời mẹ dạy) để nghiền ngẫm, suy nghĩ.
Không những thế, có gì lo âu vua liền thỉnh ý để được nghe ý kiến của mẹ, chính vì thế bà Từ Dũ đã từng đề nghị giảm thuế má cho dân vào những khi gặp thiên tai, mất mùa, đói kém, nhà vua đều làm theo.
Có lần vua ham săn bắn, gặp nước lụt chảy mạnh bất ngờ, nên về cung muộn trong khi sáng hôm sau là ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà Từ Dũ phải cho người đi đón. Đến cung, trời còn mưa to nhưng vua đi kiệu trần vội vào gặp mẹ xin chịu tội, ông lấy roi mây dâng lên rồi tự nằm xuống xin chịu đòn, bà Từ Dũ tha cho mới dám đứng dậy.
Xem thế, đủ biết vua Tự Đức thờ mẹ rất chí hiếu, thế nhưng theo dân gian thì vua cũng là người bất hiếu vì quan niệm rằng “Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại” (Nghĩa là: Có 3 điều bất hiếu, không có con là điều nặng nhất).
Tự Đức có rất nhiều vợ nhưng ông lại không có người con nào, thậm chí vua còn hạ cố lấy một bà sinh được nhiều con để hi vọng có được người nối dõi nhưng cuối cùng vua chỉ còn cách là đành nhận mấy người cháu làm con, ngay cả bài văn bia dựng ở lăng mộ mình cũng do vua tự viết.
Phùng Hưng dùng tiếng hò reo để hạ thành của giặc
Căm giận sự tham lam, tàn bạo của bọn đô hộ nhà Đường, một hào trưởng người Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội) là Phùng Hưng đã đứng lên phát động khởi nghĩa. Ông đem quân đánh phá nhiều nơi, bọn quan quân nhà Đường chống không nổi kéo nhau chạy về phủ đô hộ Tống Bình (nay là Hà Nội).
Quân khởi nghĩa chia làm 5 đạo bao vây Tống Bình, tên quan đô hộ Cao Chính Bình đóng chặt cửa thành không dám ra đánh. Phùng Hưng liền cho quân reo hò ầm trời giả cách sắp đánh thành; cứ liên tục như vậy làm quân Đường “ăn không ngon, ngủ không yên” lúc nào cũng trong trạng thái nơm nớp kinh hoàng.
Cao Chính Bình sợ phát ốm rồi chết, quân giặc không đánh mà tan phải xin hàng, Phùng Hưng chiếm lĩnh phủ thành, lên làm vua. Nhân dân suy tôn ông là Bố Cái đại vương.
Trần Dụ Tông mở sòng bạc tại cung đình
Chỉ ham vui chơi, không màng đến triều chính, Trần Dụ Tông thậm chí mở sòng để bài bạc trong cung. Sử chép rằng vua “họp các nhà giàu như làng Đình Bảng ở Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai vào cung đình đánh bạc làm vui, một tiếng bạc nghìn quan tiền…” (Việt sử tiêu án).
Sử sách đã lên án mạnh mẽ việc làm này của vua, nhà sử học Phan Phu Tiên nhận xét: “…Dụ Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa.
Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà mất nước (Đại Việt sử ký toàn thư); trong sách Việt sử tiêu án viết: “Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ…thật đáng bỉ”.
Có 3 Lý Nam Đế?
Năm Nhâm Tuất (542), một hào trưởng người Việt tên là Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng ba tháng đã quét sạch quân đô hộ nhà Lương ra khỏi bờ cõi.
Sau đó ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đến năm Mậu Thìn (548) trước khi mất, ông trao quyền lại cho Triệu Quang Phục (hiệu là Triệu Việt Vương).
Năm Đinh Sửu (557) một tướng cũ của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành quyền lại cho họ Lý nhưng không thành, hai bên giảng hòa.
Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử bất ngờ cho quân đánh úp, Triệu Việt Vương bị đại bại phải tự vẫn. Lý Phật Tử liền lên ngôi cũng xưng là Lý Nam Đế, để phân biệt với Lý Bí, sử cũ gọi Lý Phật Tử là Hậu Lý Nam Đế.
Theo chính sử, năm Nhâm Tuất (602), giặc Tuỳ sang xâm lược, Hậu Lý Nam Đế chống không nổi phải đầu hàng rồi bị bắt đưa về phương Bắc, kết thúc 31 năm làm vua; tuy nhiên theo sách Việt điện u linh thì “Hậu Lý Nam đế làm vua 23 năm, sau bị phó tướng là Lưu Đức diệt”.
Khác với chính sử, một số tư liệu dã sử thì cho biết người quân Tùy bị bắt không phải là Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) mà là một vị vua khác cũng xưng hiệu là Lý Nam Đế, đó là Lý Sư Lợi, con trai thứ của Hậu Lý Nam Đế.
Lên làm vua được mấy năm, chỉ ham ăn chơi hưởng lạc vì thế vị Hậu Lý Nam Đế thứ 2 này khi giặc chưa đánh đã xin hàng rồi bị bắt làm tù binh. Ông tự chuốc nhục vào thân, làm nước mất nhà tan.
Theo Yeuquehuong