Blog
Cổ nhân: Con cái là tấm gương phản ánh đạo đức của cha mẹ
Con cái là tấm gương phản ánh đạo đức của cha mẹ. Tục ngữ có câu: “Cha mẹ thế nào thì con thế nấy“, chính là cùng một ý tứ đó. Bởi vậy, muốn dạy con ngoan, cha mẹ cũng phải trở thành một người có tu dưỡng.
Nhiều người thường nói: “Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, con cái nhà chuột tự biết đào hang“, ý rằng cha mẹ thế nào thì sinh con ra thế ấy. Lời ấy chỉ đúng một phần bởi nó đã bỏ qua vai trò của giáo dục. Lẽ nào cha mẹ nghèo khó, bần hàn lại không thể dạy dỗ con cái trở thành những người có văn hóa, lẽ nào mẹ cú không thể sinh con phượng hay sao?
Để hình dung rõ hơn vấn đề, bạn hãy đọc thêm vài mẩu chuyện ngắn dưới đây…
Bé gái không bao giờ khóc trước mặt người khác
Cô bạn thân của tôi có một bé gái rất thú vị. Bé không bao giờ khóc lóc trước mặt người khác. Những lúc thật sự muốn khóc, bé liền chạy đến góc tường thút thít một mình, hoặc tìm một chiếc khăn che mặt lại. Dù có tủi thân hơn thế, trước nay bé cũng không hề òa khóc lên, chỉ là lặng lẽ chảy nước mắt.
Tôi quả thực rất hiếu kỳ. Cô bé mới vài tuổi đầu, sao có thể hiểu chuyện đến như vậy? Tôi đem chuyện băn khoăn này hỏi lại mẹ bé. Cô bạn bảo tôi rằng, trước đây con gái mình rất hay ăn vạ, hễ đụng vào là khóc không có điểm dừng, nằm bẹp dưới đất kéo cũng không chịu dậy.
Về sau, chỉ cần con bé vừa quấy khóc, cô liền mang nó vào phòng để nó một mình suy nghĩ. Cô cũng không dỗ dành, vờ như chẳng ngó ngàng tới bé, chỉ cần đảm bảo rằng bé vẫn nằm trong tầm kiểm soát của mình.
Tôi thắc mắc rằng làm thế có khiến con bé bị ám ảnh không, cô bạn liền bảo thật ra những lần như thế kéo dài không lâu. Chỉ chưa đầy hai phút ở một mình, con bé đã gõ cửa xin ra ngoài, mếu máo xin lỗi, nói rằng mình sẽ không khóc nữa. Lâu ngày, bé đã không còn tùy hứng ăn vạ, khóc lóc như trước.
Nhiều người nghĩ nặng nề rằng đó không khác gì một hình thức “tra tấn”, khủng bố tinh thần. Nhưng cô bạn tôi là một người mẹ đơn thân. Sự nghiêm khắc mà cô đối đãi với con cũng chính là tiêu chuẩn cô đặt ra cho chính mình. Khi mới ly hôn, cô một mình dẫn theo đứa trẻ bôn ba khắp nơi, nếm đủ mọi đắng cay khổ cực. Chính vì sự nghiêm khắc ấy, cô đã trở nên rất kiên cường, xưa nay chưa từng than khổ trước mặt bất kỳ ai.
Giờ đây, cô đã truyền được cái khí chất mạnh mẽ, tự lập ấy cho con gái của mình. Đứa bé này cũng không bao giờ rơi lệ trước mặt người khác, sẽ không bao giờ cho bạn thấy rằng nó đang yếu đuối.
Đứa con phá phách bên bàn ăn
Vài ngày trước, tôi tới dùng bữa ở một nhà hàng quen. Bàn kế bên là hai người mẹ trẻ ngồi cạnh con của mình. Một lúc sau, hai đứa trẻ không ngồi yên được nữa, bắt đầu nghịch ngợm, nhảy nhót tung tăng, chui dưới gầm bàn, trèo lên trên ghế. Chúng còn lấy khăn giấy vo thành cục tròn ném khắp nơi.
Thế nhưng hai người mẹ trẻ đó mặt không biến sắc, cũng không nói một lời. Bỗng nghe thấy “xoảng” một tiếng, quay người lại thì thấy một cậu bé đã đụng phải bàn của người khác, khiến mấy ly nước trên bàn rơi xuống đất. Mẹ của đứa trẻ đó vội chạy đến ôm chầm lấy con, nhìn khắp trên dưới, hỏi có đau không, bị thương ở đâu không? Đứa trẻ lắc lắc đầu. Lúc đó, người khách bị đụng rớt ly buông một câu than phiền: “Chị không thể trông chừng con chị hay sao? Quần áo của tôi đều bị ướt hết cả rồi này!”
Điều khiến mọi người kinh ngạc là mẹ của cậu bé quắc mắt nhìn, lập tức nổi khùng: “Ơ hay, cái anh này! Con người anh thật không có văn hóa. Con trẻ còn nhỏ không hiểu chuyện là bình thường. Một người lớn sao lại chấp trẻ con. Cùng lắm thì bồi thường cho anh một bộ đồ là được chứ gì”.
Xảy ra chuyện như vậy, lẽ nào chỉ bởi trẻ con không hiểu chuyện thôi sao? Ngay lúc đứa trẻ nghịch ngợm ở bàn ăn phải có người nhắc nhở chúng giữ phép lịch sự nơi công cộng. Vào lúc trẻ nô đùa, nhảy nhót, phá phách ở hành lang cũng nên có người ngăn lại khuyên nhủ. Như thế mới là cách hành xử đúng và có văn hóa.
Bởi vậy, nói là con trẻ nhất thời sơ ý, thực ra là biểu hiện của việc không được cha mẹ dạy dỗ.
Đứa trẻ làm trầy xước ô tô và cách hành xử ‘vô văn hóa’ của người cha
Có một bà lão dắt theo đứa cháu trai của mình tản bộ bên ngoài siêu thị. Đứa trẻ thì quá nghịch ngợm, hiếu động còn bà cụ lại chậm chạp, loay hoay. Nó cầm chiếc xe đồ chơi của mình vạch mấy vệt lên chiếc ô tô BMW đắt tiền đang đỗ bên đường. Chủ nhân chiếc xe thấy vậy liền bước xuống, quát đứa trẻ đó một câu.
Đứa trẻ bất ngờ bị quát, sợ quá, khóc òa lên. Người bà liền bước đến ôm chầm lấy đứa cháu, lớn tiếng quát mắng chủ xe. Người chủ nói chiếc xe mới mua gần 2 tỷ của ông vì đứa trẻ không hiểu chuyện này mà giờ phải bỏ ra cả trăm triệu để đi sơn lại. Ông muốn bà lão phải bồi thường tiền.
Bà lão liền gọi cho con trai mình tới. Không lâu sau, cha của đứa trẻ đã có mặt. Ông lấy ra 3 tỷ, mua đứt chiếc xe BMW đó, rồi đập nát ngay trước mặt chủ nhân cũ. Xong chuyện, ông ta nhìn chằm chằm vào người kia, gằn giọng: “Con trai của tôi còn quý giá hơn chiếc xe này của ông nhiều“.
Người ở xung quanh nhìn thấy đều lắc đầu, lè lưỡi, cho rằng người cha kia thật quá chơi trội. Nhưng đó cũng không phải là chơi trội mà chính là kiểu trọc phú, không có văn hóa.
Sở dĩ con trẻ ngang ngược, phóng túng không hiểu chuyện là bởi chịu ảnh hưởng từ những bậc cha mẹ ứng xử thiếu văn hóa. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng có tiền thì có thể xem thường quy tắc, pháp luật và mặc sức giẫm đạp lên sự tôn nghiêm của người khác.
Người Việt thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ“. Cây tre muốn uốn thì phải làm từ khi nó còn là măng mới nhú. Đợi đến khi gốc đã vững, cành lá đã tốt, thân đã thẳng chắc thì uốn cỡ nào cũng không thành.
Con trẻ phạm lỗi, bạn có thể không cần dùng đòn roi trừng phạt nhưng cũng không thể cười khà bỏ qua. Nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn không ý thức được việc dạy dỗ trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Con cái mắc lỗi, họ lại cho rằng đó là chuyện vặt vãnh, thường tình.
Nhưng chuyện nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ không còn nhỏ nữa. Thói quen một khi đã dưỡng thành qua năm tháng dài lâu thì sẽ rất khó sửa đổi, lâu ngày sẽ trở thành tính cách, quyết định phẩm chất người ta.
Có thể chấp nhận một đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động, khóc lóc, ăn vạ nhưng thật khó chấp nhận được những ông bố, bà mẹ bỏ mặc chuyện giáo dục con cái. Sự vô trách nhiệm ấy có thể hại chính gia phong, nếp nhà cũng có thể khiến xã hội phải dung nạp thêm một công dân không được dạy dỗ tử tế. Đối với đứa trẻ được nuông chiều, tương lai sau này khẳng định là sẽ không tốt đẹp.
Từ xưa, cổ nhân đối đãi rất nghiêm túc với chuyện gia giáo, dạy dỗ con cái. Chuyện kể rằng, mẹ của Mạnh Tử xưa kia nhất quyết ba lần dọn nhà vì muốn con trai được ở trong một môi trường giáo dục tốt nhất. Lần đầu nhà ở bãi tha ma, lần thứ hai ở một khu phố buôn bán sầm uất và lần thứ ba là ở cạnh trường học.
Mạnh Tử sống gần trường, dần dần học tập lễ nghi, đạo đức, khi ấy Mạnh Mẫu mới yên lòng. Lại có chuyện rằng, một hôm bà đang ngồi dệt vải thì thấy Mạnh Tử trốn học trở về. Bà giận, cầm dao chặt đứt khung cửi mà nói rằng: “Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt khung cửi vậy“. Thấm thía lời mẹ dạy, Mạnh Tử chăm chỉ học hành, sau trở thành triết gia lỗi lạc, hậu thế phong làm “Á Thánh” chỉ đứng sau Khổng Tử trong đạo Nho.
Nguồn: ST