Cổ nhân nói: Tôn trọng người khác là sự tu dưỡng lớn của đời người
Trong cuộc sống, chúng ta cần học cách tôn trọng người khác. Sự tôn trọng tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất lại có ý nghĩa rất sâu sắc; tưởng chừng nhẹ như lông hồng nhưng thực chất lại nặng như núi Thái Sơn. Sự tôn trọng là nền tảng của mỗi người, là biểu tượng của sự tu dưỡng bản thân và là sự rèn luyện suốt đời.
1. Tôn trọng khuyết điểm của người khác
Có câu nói rằng: “Trên đời này không có ai là hoàn hảo”. Vàng nguyên chất dù có nguyên chất đến đâu cũng không thể đạt tới độ nguyên chất 100%.
Mỗi người đều có ít nhiều khuyết điểm và chúng ta nên học cách tôn trọng khuyết điểm của người khác.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người khuyết tật bị người khác chê cười; Hay có người tính cách trầm lặng nhưng lại bị chê là kiêu ngạo và lạnh lùng. Những chuyện như thế này xảy ra xung quanh chúng ta ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và nguyên nhân cốt lõi là sự thiếu tôn trọng.
Những người cười nhạo khuyết điểm của người khác luôn tưởng rằng mình đang đứng trên đỉnh cao đạo đức, họ không nhận ra rằng bản thân mới là những người thực sự thiếu thốn về mặt tinh thần.
Tôn trọng người khác có nghĩa là tôn trọng chính mình. Người biết tôn trọng giống như ánh mặt trời ấm áp vào mùa đông và làn gió nhẹ vào mùa hè, khiến mọi người cảm thấy ấm áp và thoải mái khi ở bên họ.
2. Tôn trọng công việc của người khác
Tôn trọng sức lao động của người khác là phẩm chất cơ bản nhất và là đức tính cao quý của một người. Đồng thời đó cũng là một dạng khẳng định, động viên người khác.
Học sinh tôn trọng công việc của giáo viên nên chăm chú học tập hơn, người qua đường tôn trọng công việc của cảnh sát giao thông và tuân theo sự hướng dẫn của họ.
Người dân tôn trọng công việc của nhân viên vệ sinh và có ý thức quan tâm đến môi trường, biến thành phố thành một nơi tốt đẹp hơn.
Không có sự phân biệt nghề nghiệp cao thấp, công sức của mỗi người đều đáng được người khác tôn trọng.
Trong cuộc sống, bạn hãy học cách tôn trọng sức lao động của người khác, ngay cả những người trong gia đình cũng phải bày tỏ lòng biết ơn.
Người không biết tôn trọng sức lao động của người khác thì không có văn minh chút nào; Người không biết tôn trọng sức lao động của người khác chắc chắn sẽ không đạt được những điều vĩ đại và sẽ không nhận được sự tôn trọng từ người khác.
3. Tôn trọng thói quen của những người thân yêu
Khổng Tử từng nói: “Quân tử hoà nhi bất đồng”, nghĩa là: Người quân tử luôn luôn hòa nhã, lịch sự dù vẫn có ý kiến khác biệt, có sự bất đồng về quan điểm đối với người khác.
Mỗi người đều có những thói quen khác nhau, chứa đựng niềm tin và lối sống của mỗi người. Đặc biệt là họ hàng, tuy rất thân thiết nhưng họ cũng có những thói quen khác nhau.
Thói quen tôn trọng người thân là điều kiện tiên quyết để có một gia đình hạnh phúc.
Chồng là người miền Nam, không ăn cay nhưng vợ lại rất thích ăn cay. Vì vậy khi chồng nấu ăn, anh sẽ múc một bát riêng cho bản thân mình, sau đó cho thêm ớt vào đồ ăn để hợp khẩu vị của vợ.
Không áp đặt thói quen của mình lên người khác, tôn trọng lẫn nhau và hòa nhập với nhau chính là sự tu dưỡng lớn của đời người.
Trong cuộc sống, món quà quý giá nhất dành cho những người thân yêu của bạn không phải là những món đồ xa xỉ mà là sự thấu hiểu và tôn trọng của bạn.
4. Tôn trọng ý tưởng của trẻ
Những bậc cha mẹ có tu dưỡng sẽ biết tôn trọng ý kiến của con mình. Đừng đàn áp hay coi thường con cái vì cho rằng chúng còn nhỏ và ý tưởng còn non nớt.
Mặc dù cha mẹ rất yêu thương con cái nhưng họ cần hiểu rằng con cái họ là những cá thể độc lập. Chúng ta không có quyền can thiệp quá sâu chứ đừng nói đến việc đánh giá hay phủ nhận ý kiến của con mình theo ý muốn của bản thân.
Bạn không nhất thiết phải đồng ý với quan điểm của con, nhưng bạn cần tôn trọng quyền phát biểu của con. Bạn có thể không hiểu suy nghĩ của con nhưng bạn cần tôn trọng sự lựa chọn của con.
Sự độc lập và không gian để phát triển tự do là điều mà mọi đứa trẻ đều mong muốn. Là cha mẹ, hãy bớt cằn nhằn và tôn trọng trẻ hơn.
Mạnh Tử từng nói: “Ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi”, nghĩa là: Người mà yêu mến người khác sẽ được người khác yêu mến; người mà tôn trọng người khác sẽ được người khác tôn trọng.
Cuộc sống là một con đường dài và sự tôn trọng là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta.
Chúng ta có thể không có vẻ ngoài rực rỡ hoặc không giàu có, nhưng bạn không nên thiếu sự tôn trọng. Khi bạn đang ở điểm thấp của cuộc đời, đừng đánh giá thấp bản thân; khi bạn đang ở đỉnh cao, cũng đừng nên đánh giá thấp người khác.
Khi tôn trọng người khác, bạn sẽ được nhiều người giúp đỡ và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Tống Vân)