Blog
Con làm đứt sợi dây chuyền của giáo viên, cách xử lý “thông minh” của người mẹ được khen EQ cao
Trường mẫu giáo không chỉ là nơi chăm sóc trẻ mà còn là môi trường để con điều chỉnh hành vi, thiết lập ý thức. Nhưng nhiều đứa trẻ đang tự do ở nhà đột nhiên được gửi đến trường học – một nơi đầy quy tắc, ban đầu sẽ không tránh khỏi cảm thấy khó chịu, thậm chí xuất hiện rất nhiều hành vi không thể kiểm soát.
Con gái út của chị Dương Dương 5 tuổi mới đi học mầm non. Sống trong gia đình nhiều thế hệ, vốn được ông bà cưng chiều, việc học hành của cô bé luôn khiến người mẹ đau đầu. Không ít lần trong khi đi làm, Dương Dương nhận điện thoại của giáo viên, phản ánh chuyện con quá quậy phá, không thể giữ yên lặng.
Hôm nay, chị cũng nhận được tin nhắn từ giáo viên, nói rằng đứa trẻ dỗ dành như thế nào cũng không ngủ, nhất định la hét muốn xem phim hoạt hình. Giáo viên bế đến một phòng khác để an ủi, không ngờ đứa trẻ tức giận, cầm sợi dây chuyền vàng trên cổ cô kéo mạnh. Sợi dây đứt, cổ cô giáo cũng trầy xước.
Nhận thấy nếu mình không nghiêm túc giáo dục, sai lầm của con có thể sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, vì thế Dương Dương liền đưa đứa trẻ về nhà, trước mặt ông bà chỉ ra lỗi sai của con. Đồng thời khẳng định, dù là trẻ con thì khi phạm sai lầm vẫn phải chịu trách nhiệm.
Người mẹ nghiêm giọng nói: “Cô giáo chăm sóc, dỗ con ngủ mỗi ngày, hành động của con là không thể chấp nhận. Con cần phải bồi thường. Vì con chưa làm ra tiền nên mẹ sẽ ngay lập tức bán chiếc máy tính bảng của con để lấy tiền mua cho cô giáo một sợi dây chuyền khác. Sau này, con phải tích lũy những hành động và việc làm tốt để nhận thưởng và tiết kiệm rồi mua lại món đồ của mình”.
Đứa trẻ nước mắt lưng tròng, nhưng nhìn ông bà chỉ ngó lơ chứ không bênh vực mình như mọi khi nên đành đứng yên “chịu trận”. Qua hôm sau, cô bé cùng mẹ đến trường tự mình xin lỗi giáo viên. Đứa trẻ sau đó cũng trở nên “đằm tính”, ngoan ngoãn và nền nếp hơn hẳn.
Trên thực tế, bố mẹ quá nhẹ nhàng hoặc quá chiều chuộng con không phải lúc nào cũng là một cách giáo dục tốt. Những đứa trẻ sống trong môi trường được nuông chiều, bỏ qua cái sai đương nhiên là sẽ đến lúc dạy không nổi, bởi vì trẻ hoàn toàn không có quan niệm đúng sai.
Nhiều người thường biện hộ rằng trẻ em thì không biết gì để bỏ qua lỗi lầm của trẻ, nhưng chính vì không biết gì mới cần phải dạy chúng. Liệu để trẻ lớn rồi mới bắt đầu dạy thì có kịp hay không? Thậm chí, nhiều trẻ còn hăm dọa cha mẹ nếu không được thỏa mãn, có hành vi bạo lực.
Hành vi đập phá đồ hay đánh mọi người khi không vừa ý sẽ được củng cố và trở thành thói quen xấu. Dù thương con, cha mẹ nhất định phải cứng rắn, không thể để cảm xúc lấn át. Hãy cho trẻ thấy bạn yêu con biết nhường nào nhưng con vẫn phải làm theo những điều đúng đắn.
Nên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, có hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện hình phạt khi xảy ra. Nên bắt đầu giáo dục ngay từ nhỏ và đưa ra những hậu quả khi trẻ hành động xấu, phạt ngay lập tức những sai phạm.
Cần tái lập uy quyền của cha mẹ nhưng không dùng bạo lực với trẻ và từ chối đặt trẻ ngang hàng với người lớn. Ngoài thái độ cứng rắn, cũng nên động viên trẻ làm điều tốt, kiểm tra xem trẻ có làm tốt điều được yêu cầu không, khen thưởng khi trẻ tiến bộ.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách dũng cảm nhận lỗi, cho dù con vô tình hay hữu ý gây ra hành động sai. Điều đó không có nghĩa là hạ mình hay kém cỏi mà thể hiện thái độ chân thành và khoan dung với bạn bè.
Nguồn: Cafebiz