Đánh cờ thua thị vệ, 10 ngày sau phát hiện xác đối phương cạnh bàn cờ, Khang Hy xấu hổ viết 1 câu danh ngôn thiên cổ
Hoàng đế Khang Hy là vị Hoàng đế huyền thoại nhất trong lịch sử triều đại nhà Thanh, ông có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với Thanh triều.
Ông lên ngôi năm 8 tuổi và tự mình chấp chính khi mới 14 tuổi, ông tại vị trong suốt 61 năm, là vị Hoàng đế tại vị lâu nhất lịch sử Trung Quốc.
Dưới thời Khang Hy tại vị, diện tích đất canh tác tăng hơn gấp đôi so với thời Thuận Trị, xây dựng được thế cục chính trị quốc thái dân an. Khang Hy là người bảo vệ sự thống nhất đa dân tộc của Trung Hoa, ông là người xây dựng nền móng cho sự hưng thịnh của vương triều Đại Thanh, mở ra thời đại “Khang Càn thịnh thế“, kỳ tích của ông được các thế hệ sau ca ngợi là “vị Hoàng đế nghìn năm có một“.
Tuy nhiên, vị Hoàng đế tài ba này đã từng ban bố: “Chiếu kỷ tội” (chiếu lệnh được ban hành bởi quân vương, nhằm thừa nhận lỗi lầm và thay đổi chính sách của họ) vì một thị vệ. Chuyện gì đã xảy ra?
Khi Hoàng đế Khang Hy đi săn ở bãi săn Mộc Lan, bãi săn Mộc Lan là bãi săn của hoàng tộc nhà Thanh, vào mùa thu hàng năm, Khang Hy sẽ đưa một nhóm các quan đại thần và hoàng tử đi săn, nhằm thể hiện võ công lừng lẫy của tổ tiên để chinh phục thiên hạ bằng cách cưỡi ngựa và bắn cung.
Trong cuộc đi săn này, Hoàng đế Khang Hy đột nhiên có hứng thú với việc chơi cờ. Là Hoàng đế của nhà Thanh, các đại thần khi đánh cờ với Khang Hy thường không bộc lộ ra bản lĩnh thật sự, mà âm thầm lặng lẽ nhường nước cờ.
Khang Hy đương nhiên biết ý đồ của những vị quan đại thần này, nhưng lần này ông hy vọng có người thực sự có đủ tài năng để đấu cờ với ông.
Do vậy ông đã hạ lệnh: “Nếu ai có thể chơi cờ thắng trẫm, sẽ được ban thưởng trăm lượng hoàng kim, thăng quan ba cấp”.
Mặc dù những người có mặt rất hào hứng nhưng không ai dám đứng dậy cho đến khi một người thị vệ tên Nhân Phúc bước ra.
Khang Hy đã rất ngạc nhiên và nói với Nhân Phúc: “Có ai trong đội thị vệ của ngươi có thể chơi cờ không?”
Nhân Phúc khiêm tốn trả lời: “Bẩm Hoàng thượng, vi thần từ nhỏ đã học chơi cờ, cũng có nhiều tâm đắc, hôm nay rất mong được phục vụ Hoàng thượng”.
Vì vậy, thái giám vội vàng bày bàn cờ ra và yêu cầu Nhân Phúc đấu với Khang Hy.
Chỉ trong một vài nước đi, Khang Hy đã cảm thấy tài đánh cờ của Nhân Phúc không hề đơn giản, mở và kết thúc đều mang tính công kích ác liệt. Nhiều quan đại thần vừa nhìn thấy đã kinh hãi, thấy Khang Hy nhíu mày, đây cũng là lần đầu tiên ông gặp phải đối thủ khó như vậy, mỗi lần thả một quân, Nhân Phúc đều dồn ép từng bước, không cho Khang Hy có cơ hội để đi.
Thấy Khang Hy sắp thua ván cờ, thái giám bên cạnh vội vàng ra giải vây, hô lớn: “Hoàng thượng, trên núi có hổ”. Khang Hy nghe thấy có hổ bèn đứng dậy nhìn Nhân Phúc nói: “Ngươi cứ ở đây chờ ta, sau khi săn hổ xong, ta quay lại đánh cờ tiếp”.
Cứ như thế Khang Hy mang cung tên, cưỡi ngựa đi săn bắn, tuy không thấy hổ nhưng rất nhiều hươu, nai và thỏ rừng cũng khiến Khang Hy mê mẩn, hoàn toàn quên mất Nhân Phúc vẫn đang đợi ông cạnh bàn cờ.
Mười ngày sau, Khang Hy nhớ đến Nhân Phúc nên đã yêu cầu thái giám truyền Nhân Phúc vào chơi với ông một ván cờ nữa, nhưng thái giám nói rằng Nhân Phúc đã chết. Nguyên nhân là khi Khang Hy đi săn vào ngày hôm đó, Nhân Phúc cứ ngồi ở đó đợi Khang Hy cho đến khi chết cạnh bàn cờ.
Khang Hy đã luôn tự trách mình về điều này, đích thân ban hành một chỉ dụ và nói một câu danh ngôn nổi tiếng thiên cổ: “Quân không giữ chữ tín, nào xứng làm quân?”. Đồng thời thực hiện đúng lời hứa khi trước, ban thưởng cho người nhà Nhân Phúc trăm vạn lượng hoàng kim, còn truy phong chức quan cho Nhân Phúc và tổ chức an táng cho người thị vệ xấu số.
Điều cơ bản trong đối nhân xử thế là phải biết thành tín, không có thành tín thì sẽ không thể làm được việc gì. Cho dù Khang Hy có là quân chủ của một nước cũng không thể không có thành tín đối với người khác, nếu không sẽ bị bách tính nghi ngờ, thậm chí có nguy cơ quốc gia sẽ bị diệt vong.
Đây cũng là nguyên nhân Khang Hy ban bố “chiếu kỷ tội”, trách bản thân đã mất đi sự thành tín.
Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: soundofhope (Lý Tĩnh Nhu)