Blog
Dạy con sáng Đạo: Bài 1 – Nhân sinh trăm nghề
Nhân sinh trăm nghề, học văn hàng đầu
Nho sĩ là quý, thơ sách là báu
Thánh hiền cổ xưa, đổi con để dạy
Đức hạnh thuần hòa, làm thầy, làm bạn.
Nguyên văn chữ Hán:
人生百藝,文學爲先
儒士是珍,詩書是寶
古者聖賢,易子而教
德行純和,擇爲師友
Âm Hán Việt:
Nhân sinh bách nghệ, văn học vi tiên
Nho sĩ thị trân, thi thư thị bảo
Cổ giả thánh hiền, dịch tử nhi giáo (1)
Đức hạnh thuần hòa, trạch vi sư hữu
Diễn giải:
Xã hội tồn tại các ngành nghề, phục vụ cho đủ mọi nhu cầu của đời sống. Nghề văn học được coi trọng hàng đầu. Học văn nghĩa là học về văn hóa, văn hiến, văn minh. Người xưa nói “văn dĩ tải Đạo”, ý rằng, văn là để chuyển tải Đạo, học văn chính là học để hiểu về Đạo, để biết luân lý, đạo đức cần có để làm người.
Nho sĩ là những trí thức thời xưa, là người theo Nho học. Nho giáo là học thuyết luân lý từ thời thượng cổ, được coi là giáo dục chính thống. Nho sĩ thời xưa không ngừng trau dồi tri thức, đạo đức, gây dựng cái nền tảng hiếu nghĩa trung tín, cốt cho xã hội được yên trị mà thái bình, cho nên họ là những người đáng quý.
Sách vở xưa là nơi lưu giữ trí tuệ Thánh hiền, truyền tải Đạo đức làm người, ghi chép lịch sử, truyền thụ tri thức cho nên được coi trọng như báu vật, chỉ dẫn đạo để làm người.
Các bậc Thánh hiền đổi con cho nhau để dạy, một phần vì phong thái đạo đức người xưa rất cao, coi con người cũng như con mình. Đổi con cho nhau để có thể nghiêm khắc dạy bảo chứ không vì tình thân mà nuông chiều, khó uốn nắn, nói “dao sắc không gọt được chuôi” cũng có hàm ý như thế.
(1): “Đổi con để dạy” (dịch tử nhi giáo) có xuất xứ từ điển tích trong sách “Mạnh Tử”
Công Tôn Sửu nói: “Người quân tử không tự mình giáo dục con, tại sao vậy?”
Mạnh Tử nói: “Bởi vì cả về tình và lý đầu không thông. Cha giáo dục con ắt phải dùng đạo lý đúng đắn. Dùng đạo lý đúng đắn mà con không làm được thì sẽ tức giận. Hễ tức giận thì lại làm tổn thương tình cảm. Con sẽ nói: ‘Cha dùng đạo lý đúng đắn giáo dục con, nhưng cách làm của cha lại không đúng đắn’. Như thế giữa cha con sẽ tổn thương tình cảm. Tình cảm cha con tổn thương thì hỏng việc.
Thời xưa các bậc làm cha đổi con cho nhau để dạy (Cổ giả dịch tử nhi giáo chi). Giữa cha con không nên cầu toàn trách bị, vì dễ gây ra xa cách. Cha con xa cách thì không có việc gì bất hạnh hơn”
Để con cái trở thành người hiền tài thì cần lựa chọn những người có đức hạnh, tính tình thuần chân, hòa ái để làm bạn, làm thầy, bởi vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Câu chuyện tham khảo:
Mạnh Tử tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục lớn Trung Quốc, là người kế thừa và phát huy tư tưởng Nho gia của Khổng Tử, được người đời tôn sư là “Á thánh”.
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng giáo dục của mẹ là Chương thị, sau này được gọi là Mạnh mẫu. Mạnh mẫu nổi tiếng với câu chuyện ba lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
Nhà Mạnh Tử ban đầu ở dưới chân núi, gần nghĩa địa. Mạnh Tử cùng lũ trẻ con chơi đùa, thường gặp cảnh đưa tang an táng cũng bắt chước theo: đào, chôn, lăn, khóc. Mẹ Mạnh Tử thấy vậy ái ngại trong lòng thầm nghĩ : “Chỗ này u ám, tang tóc không phải chỗ con ta ở được”.
Bà bèn chuyển nhà từ thôn Phù đến thôn Miếu Hộ Doanh cách xa trên 10 dặm, nơi đây gần một chợ phiên, đến buổi chợ là ồn ào huyên náo cảnh mặc cả trả giá, cảnh buôn bán lời qua tiếng lại, chẳng thiếu chuyện lừa lọc, điêu ngoa. Mẹ Mạnh Tử lại nghĩ : “Chỗ thị phi, gian dối này cũng không phải chỗ con ta ở được”.
Mạnh mẫu không muốn con trở thành người lặng lẽ lầm lũi, cũng không muốn con bị ô nhiễm bởi thói chợ búa chỉ biết mưu đồ kiếm lợi. Bà nhất định chọn một hoàn cảnh thích hợp cho sự trưởng thành của con.
Lần thứ ba bà chuyển nhà đến gần trường học ở thành Trâu, tuy nhà cửa nhỏ bé tồi tàn, nhưng gần trường học luôn có những Nho sinh dáng vẻ cao nhã, phong thái chuẩn mực, có tiết khí. Mạnh Tử cùng lũ trẻ theo nhau học lễ nghĩa, nhân cách, thường túm tụm dưới gốc cây diễn luyện những lễ nghi chắp tay cúi chào, nhường nhịn, rất ra dáng và cung kính, khiến Mạnh mẫu từ xa nhìn xem, trong sâu thẳm nội tâm rất vui mừng: “Đây mới là hoàn cảnh cư trú tốt nhất cho con ta nên người”.
Mẹ Mạnh tử sở dĩ ba lần chuyển nhà là bởi bà luôn coi trọng ảnh hưởng của môi trường sống đến sự hình thành nhân cách trí tuệ của con. Bà hiểu rằng trách nhiệm đầu tiên trong việc nuôi dạy con chính là cha mẹ. “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái” và rất coi trọng việc giáo dục nhân cách phẩm hạnh của con.
Nguồn: NTDVN