Blog
Dạy con thông thái: Cao quý chân chính không phải xuất thân, mà là sự giáo dưỡng
Cao quý chân chính của một con người không phải đến từ xuất thân, mà là sự giáo dưỡng. Nhà giáo dục Suhomlinsky đã từng nói: “Trong khu vườn tâm linh của nhân loại, bông hoa thuần phác, mỹ lệ và bình phàm nhất, chính là sự giáo dưỡng của con người”.
Giáo dưỡng, là nền tảng căn bản của lập thân
Giáo dưỡng, là linh hồn để ươm mầm một đứa trẻ thành người, là căn bản của giáo dục con trẻ thành tài, chứ không phải là thông qua con đường tắt và bất chính để làm giàu nhanh chóng được.
Người có giáo dưỡng sẽ biết cách tôn trọng người khác cũng giống như tôn trọng chính bản thân mình, có hành động phù hợp với chuẩn tắc, có học thức, làm bất cứ việc gì cũng đối xử có chừng mực.
Những người có tu dưỡng, cũng giống như ánh mặt trời chiếu rọi trong cuộc sống, mang đến cho những người xung quanh sự ấm áp và hạnh phúc, khiến cho họ cảm thấy dễ chịu khi gặp mặt, từ đó có thể giành được sự công nhận cũng như tôn trọng từ người khác đối với mình.
Giáo dưỡng là tài sản quý giá của mỗi người, bởi vậy thay vì lưu lại của cải cho con cái, chi bằng hãy biến con cái trở thành ‘của cải. Trở thành một người tốt trong xã hội, sở hữu nhân phẩm tốt đẹp, cũng chính là của cải lớn của đời người. Do đó, giáo dưỡng là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Một nền giáo dưỡng tốt, mới là nền tảng vững chắc cho mỗi đứa trẻ lập thân lập nghiệp.
Rất nhiều người thường nói, làm thế nào để phán đoán một người có giáo dưỡng hay không? Có vẻ rất khó khăn. Kì thực cũng không khó chút nào, một người có tu dưỡng hay không, hãy nhìn vào điệu bộ của họ lúc đắc ý.
Có một số người khi đạt được một số thành tựu, hoặc là đạt được một chút danh tiếng thì liền tự mãn, hiu hiu tự đắc, bắt đầu khoe khoang và đánh bóng tên tuổi của bản thân, bắt đầu coi thường người khác, có một số người khi đối diện với những người có địa vị thấp hơn mình, thì thường tỏ ra kiêu ngạo.
Những người như vậy, bạn có cảm thấy họ là một người có giáo dưỡng hay không?
Kì thực, khiêm tốn mới là ngọn nguồn của tu dưỡng, ví như: Khổng Tử không ngại khi học hỏi người kém tuổi hơn mình, Lưu Bị đích thân ba lần đến lều cỏ của Gia Cát Lượng để mời bằng được Gia Cát Lượng ra giúp, lần thứ ba mới gặp. (Ý nói chân thành, khẩn khoản, năm lần bảy lượt mời cho được), Tăng Quốc Phiên giấu tài giấu nghề, không tùy tiện phô trương, ba hoa. Cẩn trọng và khiêm tốn, kì thực cũng là một loại mỹ đức và tu dưỡng.
Sự giáo dưỡng, sẽ giúp bạn khác biệt với những người khác
Giáo dưỡng không hề có liên quan đến xuất thân cũng như sự giàu nghèo. Cái gọi là giáo dưỡng, nói một cách đơn giản, thì chính là bất kể xuất thân và bối cảnh gia đình của bạn như thế nào, thì bạn luôn cố gắng trở thành một người tốt.
Một người lao động nhập cư lo lắng rằng họ sẽ làm bẩn ghế trên tàu điện ngầm nên đã có ý thức giữ gìn vệ sinh, đó chính là giáo dưỡng.
Một đứa trẻ lỡ tay làm vỡ chậu hoa của nhà hàng xóm, cả ngày hôm đó chỉ đợi người chủ nhà trở về chỉ để nói: “Con xin lỗi”, đó chính là giáo dưỡng.
Bố mẹ không bao giờ cãi nhau trước mặt con cái, đó cũng chính là giáo dưỡng.
Giáo dưỡng cũng giống như mùa xuân khiến cho vạn sự vạn vật hồi sinh, khiến cho những người xung quanh cảm nhận được vẻ đẹp của trăm hoa đua nở, giống như mùa hè oi bức nóng nực, khiến cho người ta cảm nhận được sự nhiệt tình, rạo rực trong tim.
Nhưng trên thực tế, đôi khi nền giáo dục của chúng ta thường chỉ chú trọng trau dồi kiến thức mà không bồi dưỡng khí chất, nội tâm, chỉ chú ý đến những con số và tiêu chuẩn đánh giá thi cử, không coi trọng đến sự hình thành nhân cách và tâm hồn. Thường quên rằng: “Điều cao quý nhất của con người nằm ở tu dưỡng đạo đức, chứ không phải là thành tích bề mặt”.
Giáo dưỡng không chỉ là nói về cách đối nhân xử thế với người khác, mà trên thực tế, nó còn lập dựng trên cơ sở “vì mình”, “vì người”. Giống như một câu nói đã từng đúc kết: Làm cho người khác cảm thấy thoải mái, làm chính bản thân mình không bị phiền muộn.
Hy vọng rằng, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng cho con cái những đức tính tốt đẹp và trao quyền cho chúng những giáo dưỡng quý báu này.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Alobuowang