Dù có chuyện gì xảy ra, thì những đứa trẻ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Người xưa hay nói “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Em thì thấy có khá nhiều trường hợp mẹ kế chẳng mặn mà gì với con riêng của chồng thật. Nhưng bên cạnh đó thì vẫn còn rất nhiều người mẹ kế hết sức tuyệt vời, sẵn sàng bỏ nhiều công sức, tâm huyết để chăm sóc cho con chồng như con ruột của mình đó các mẹ. Vậy mới nói trên đời cũng có người này người kia.
Tuy nhiên, cái tâm lý mẹ kế không thương con chồng dường như đã quá ăn sâu vào tâm niệm của mọi người. Ngay cả những đứa trẻ là con chồng, dù có được mẹ kế đối xử tốt thế nào đi chăng nữa thì đôi khi tâm lý của các con cũng ẩn chứa nhiều hoài nghi, lo sợ, không biết mẹ kế có đối xử thật lòng với mình hay không, nghĩ mà tội nghiệp. Câu chuyện về em bé đáng thương dưới đây chính là một ví dụ.
Một người phụ nữ đã đăng tải lên mạng xã hội về câu chuyện của mình và con riêng của chồng và nhận được sự chú ý của nhiều người. Cô cho biết 3 năm trước, mình kết hôn với một người đàn ông có một đứa con riêng, đây là một bé gái. Dù có nhiều người nói ra nói vào, nhưng cô vẫn nhất quyết sẽ lấy người đàn ông này và xem con riêng của chồng như con ruột. Đứa trẻ cũng vô cùng ngoan ngoãn, lễ phép nên người phụ nữ nghĩ cũng sẽ không có quá nhiều vấn đề cần lo nghĩ.
Cuộc sống cứ thể trôi qua và cô thực sự đã chăm sóc cho con riêng của chồng như con gái ruột của mình. Cứ ngỡ cô bé sẽ thấu hiểu và cảm thấy an tâm về điều đó. Nhưng câu chuyện xảy ra cách đây vài ngày lại khiến người phụ nữ này không ngừng day dứt. Bình thường cô vẫn đảm nhận trách nhiệm đón con gái từ trường về nhà sau giờ học. Nhưng một buổi chiều nọ, trên cơ quan có công việc gấp đột xuất yêu cầu phải giải quyết ngay, thế nên người mẹ kế đã đến đón con riêng của chồng trễ giờ. Khi cô lấy xe lao đi đón bé gái thì trời đã khá tối, đèn đường cũng được bật sáng rồi. Vội vã chạy đến trường học của con thì cảnh tượng đập vào mắt đã khiến cô quặn lòng. Bé gái đang ngồi lủi thủi một góc, tay quệt nước mắt dưới ánh đèn đường vàng.
Khi nhận ra xe của mẹ kế, cô bé vội ôm cặp sách chạy đến mếu máo nói: “Tại sao mẹ đến đón con vậy? Con tưởng mẹ không cần con nữa rồi”. Nghe những lời này, người phụ nữ vô cùng hối hận vì cảm thấy mình thật có lỗi. Cô vội vàng an ủi con gái và hứa từ nay sẽ không đến đón con muộn nữa.
Người phụ nữ cũng chia sẻ rằng, chấp nhận kết hôn với một người đàn ông có con riêng, đương nhiên cô cũng đã có những sự chuẩn bị nhất định. Làm một người mẹ kế tốt thật sự không hề dễ dàng nhưng 3 năm qua, cô tự tin mình luôn đối xử thật lòng với con chồng, cũng vô cùng thương yêu vì cô bé rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Thế nhưng, sự việc xảy ra ngày hôm đó khiến cô trăn trở suy nghĩ mãi. Trước mặt thì thấy cô bé lúc nào cũng vui vẻ, đáng yêu nhưng thực sự trong lòng của con vẫn ẩn chứa nhiều nỗi hoài nghi, lo sợ vô hình. Cứ tưởng 3 năm qua cô đã làm tròn vai một người mẹ, nhưng có lẽ dường như vẫn chưa đủ. Từ nay cô sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để con gái có thể thực sự tin tưởng ở mình.
Thế mới thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ có bố mẹ li dị hoặc mồ côi bố mẹ, tâm lý của các con lúc nào cũng sẽ rắc rối và nhạy cảm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ có gia đình hạnh phúc vẹn tròn. Nói gì thì nói, khi bố mẹ không hạnh phúc, người thiệt thòi, đáng thương nhất vẫn là con cái. Vì thế, hy vọng các bậc phụ huynh hãy có những quyết định đúng đắn để không khiến con mình bị tổn thương. Con cái cần sống trong một môi trường hạnh phúc, yên ấm thì mới có cơ hội phát triển toàn diện một cách tốt nhất.
Theo webtretho