Blog
Di sản và dấu tích người khổng lồ trên trái đất
Có những dấu tích được phát hiện ở các nơi trên thế giới, người ta cho rằng nó thuộc về những người khổng lồ, sự việc này đã dấy lên các tuyên bố rằng những con người to lớn từng đi lại trên Trái Đất.
- Xác chết đột nhiên tỉnh lại, kể cho bác sĩ nghe một sự thật kinh hoàng
- Tuyến tùng – Con mắt thứ 3 bên trong não bộ
- Bị bệnh có nhất thiết phải dùng thuốc? “Làm sạch mạch và máu”
Dấu tích người khổng lồ ở thị trấn Nam Phi
Vào năm 1912, một người thợ săn tên là Stoffel Coetzee đã vô tình giẫm phải một dấu chân khổng lồ ở Mpuluzi, một thị trấn nằm ở phía đông bắc của tỉnh Mpumalanga, Nam Phi, gần Swaziland.
Dấu chân dài khoảng 1.2 mét này đã được các nhà khảo cổ xác định có lịch sử khoảng 3.1 tỷ năm. Người dân địa phương gọi đó là “dấu chân của Chúa”, vì dấu chân này gần như tương xứng một cách hoàn mỹ với bàn chân của con người.
Nhà nghiên cứu cổ vật người Áo Klaus Dona và nhà thám hiểm Nam Phi kiêm nhà văn Michael Tellinger đã đến hiện trường nơi có dấu chân này. Theo họ, nếu dấu chân này là của một người khổng lồ để lại, thì người khổng lồ đó phải cao ít nhất là 7 mét.
Dấu chân này nhúng trên một khối đá granit “phenocrystic”, trải qua các giai đoạn ngưng tụ khác nhau, trên bề mặt khối đá đã hình thành các hạt vật chất với kích thước khác nhau. Phần dấu chân cũng có hình dáng tương tự, có nghĩa là nó đã trải qua một quá trình tương tự, bởi vậy rất không có khả năng là nó được chạm khắc bởi bàn tay con người.
Các chuyên gia còn cho biết, các dấu vết tại mặt bên của khối đá cho thấy rõ ràng rằng chuyển động của các bản khối đại lục đã đẩy khối đá này lên trên mặt đất. Muốn xác định tuổi chính xác của dấu chân thì vẫn cần thêm các kết quả kiểm tra khoa học.
Một số người cho rằng, đó đơn thuần là sự ngẫu nhiên, chỉ là một hình dạng do tự nhiên hình thành. Tuy nhiên, ông Tellinger đã phản bác quan điểm này. Ông dẫn lời Pieter Wagener, một nhà toán học tại Đại học Port Elizabeth ở Nam Phi rằng: “Khả năng một người ngoài hành tinh màu xanh lá cây dùng lưỡi liếm ra hình dạng này còn lớn hơn so với khả năng là do xói mòn tự nhiên”.
Ông Dona thì cho rằng Trái Đất đã từng trải qua nhiều trận đại hồng thủy, trong đó phần lớn con người và động vật đã bị hủy diệt, chỉ còn một số ít may mắn sống sót. Ông cảm thấy rằng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường khoa học hiện đại, chiến đấu lẫn nhau và phá hủy thiên nhiên, thì nhân loại sẽ một lần nữa tự đẩy mình đến sự diệt vong.
Ngoài ra, ông Dona cũng liên hệ dấu chân khổng lồ này với “bộ xương khổng lồ” được tìm thấy ở Ecuador.
Vào năm 1964, gia đình của linh mục Công giáo Carlos Vaca đã phát hiện thấy một số bộ hài cốt khổng lồ trong một thung lũng ở miền nam Ecuador. Ông Klaus Dona đã tìm đến gặp linh mục Carlos Vaca và mang một vài mảnh hài cốt về Áo để làm cổ vật cho triển lãm “Những bí ẩn chưa được giải đáp” (Unsolved Misteries) của ông.
Sau khi trải qua thẩm định của nhiều chuyên gia, đã xác định được rằng hai trong số những mảnh hài cốt đó là xương gót chân và xương chẩm, cả hai đều thuộc sở hữu của người khổng lồ với chiều cao 7.6 mét. Điều đáng tiếc là tuổi của bộ xương đã quá lâu, nên không thể trích xuất DNA hợp lệ để các chuyên gia nghiên cứu.
Vào cuối những năm 1950, rất nhiều xương hóa thạch có kích cỡ rất lớn đã được tìm thấy trong các thung lũng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi điều tra, người ta đã xác nhận rằng chúng rất giống với xương người nhưng kích thước lại lớn đến kinh ngạc.
Giống như trong bức ảnh trên, đây là một xương đùi người hóa thạch dài đến 120 cm. Theo tỷ lệ này, chiều cao của “người này” là 5 mét, và không quá khoa trương khi gọi đó là một người khổng lồ.
Dấu chân trong bức ảnh này thì được Tiến sĩ C. N. Dougherty mô tả trong cuốn sách “Thung lũng của những người khổng lồ” (Valley of the Giants), đây là dấu chân khổng lồ được tìm thấy ở Kansas, Hoa Kỳ. Người ta ước tính rằng nếu đó là dấu chân của một người khổng lồ, thì người đó phải cao khoảng 25 feet (7.62 mét).
Vậy, những dấu chân khổng lồ này là do người khổng lồ lưu lại, hay là do Thần linh hoặc động vật lưu lại? Hay là đến từ một nơi khác? Nó đại diện cho điều gì? Hiện bí ẩn này vẫn chưa có câu trả lời chính xác cuối cùng.
Di sản bí ẩn ở Lào
Trên cao nguyên Xiangkhouang – Lào, ẩn mình giữa những ngọn đồi xanh mướt là một di sản bí ẩn thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới: Cánh đồng chum. Nơi đây sở hữu hàng nghìn chiếc chum đá khổng lồ với kích thước và hình dạng khác nhau, rải rác trên một diện tích rộng lớn.
Cánh đồng Chum được ví như một bàn cờ với hơn 1960 chiếc chum lớn nhỏ nằm lổn nhổn kỳ lạ, không theo quy luật sắp xếp nào. Điểm du lịch này nằm trên địa bàn huyện Paek, Phaxay, Phoukoud và Kham của tỉnh Xieng Khouang (Xiêng Khoảng), gần thị xã Phonsavan, Lào.
Được chạm khắc từ đá nguyên khối, chúng có chiều cao và chiều rộng thay đổi từ 1-3 mét, với những chiếc chum cao hơn thường nặng tới 30 tấn. Hầu hết chúng đều có hình trụ với đáy rộng và đỉnh nhỏ hơn, cho thấy chúng có thể có nắp đậy, mặc dù một số ít được tìm thấy còn nguyên vẹn. Một chiếc chum thậm chí còn có một bức phù điêu được chạm khắc phức tạp mô tả nhân vật “người ếch” bí ẩn.
Gần các chum đá, người ta tìm thấy những tảng đá được cho là nắp đậy. Tuy nhiên, hiện tại chỉ duy nhất một chiếc chum còn giữ nguyên vẹn phần nắp. Điều này càng làm tăng thêm sự bí ẩn về công dụng và mục đích sử dụng của những chiếc chum đá khổng lồ này.
Truyền thuyết địa phương kể rằng, những chiếc chum khổng lồ này do người khổng lồ tạo ra để chứa rượu gạo ăn mừng chiến thắng của vua thiện Khun Jeuam chống lại vua ác Chao Angka. Người ta tin rằng, những chiếc chum này là minh chứng cho sự giàu có và thịnh vượng của vương quốc trong quá khứ.
- Kỹ thuật chế tác chum đá vẫn còn là một bí ẩn
Cánh đồng Chum với hàng ngàn chiếc chum đá khổng lồ là minh chứng cho kỹ thuật chế tác phi thường của người cổ đại. Các nhà khảo cổ ước tính phải mất nhiều thế kỷ mới có thể hoàn thành công trình này.
Điều đáng kinh ngạc là đá granit, vật liệu chế tạo chum, chỉ thua kim cương về độ cứng. Vậy làm thế nào người xưa với công cụ thô sơ, chủ yếu là đục sắt, có thể tạo tác nên những chiếc chum cao đến 3,25 mét?
Kỹ thuật và vật liệu chế tạo chum đá cho thấy trình độ tương ứng với niên đại được giả thuyết. Nhiều khả năng người xưa đã sử dụng đục sắt để tạo tác, tuy nhiên hiện vẫn thiếu bằng chứng xác thực. Chúng ta còn rất ít thông tin về những người thợ tài ba đã tạo ra những chiếc chum khổng lồ này, và bản thân những chiếc chum cũng không hé lộ nhiều về nguồn gốc và mục đích sử dụng của chúng.
- Chum được sử dụng làm gì?
Nhiều giả thuyết được đưa ra về mục đích sử dụng của chum đá. Một số người cho rằng chum được dùng để dự trữ nước mưa. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khảo cổ học tin rằng chum được dùng để đựng hài cốt người đã khuất.
Ngoài ra, cho tới nay chúng ta vẫn không rõ liệu những chiếc chum này được chạm khắc tại địa phương hay được mang về từ các mỏ đá cách đó tới 8 km. Hơn 90 địa điểm chum đã được xác định, trong đó khu vực lớn nhất chứa gần 400 chum khổng lồ.
Bí ẩn về cánh đồng chum ở Lào vẫn còn là một chủ đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và du khách. Mặc dù chưa có lời giải đáp chính xác cho mục đích sử dụng của những chiếc chum đá khổng lồ này, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp độc đáo của di sản này đã biến nó trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Lào.
Bà Madeleine Colani, trong hai cuốn sách “Mégalithes du Haut-Laos” (Cự thạch cổ vùng Thượng Lào – 1935), đưa ra giả thuyết mỗi chum là một quách chôn người chết. Các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Lào và Nhật Bản trong nhiều năm qua đã củng cố giả thuyết này. Họ phát hiện dấu vết của con người, đồ vật và gốm sứ được mai táng xung quanh một số chiếc chum.
Người ta tin rằng, người xưa đặt xác người chết vào chum để chờ phân hủy. Sau khi xác phân hủy, họ thu thập xương để hỏa táng và chôn dưới đất. Những chiếc chum sau đó được sử dụng cho những người đã khuất khác. Đây là tục lệ phổ biến ở Thái Lan và Lào.
Theo truyền thuyết địa phương, những chiếc chum khổng lồ được tạo ra bởi một cuộc đua giữa những người khổng lồ. Vua của họ cần chúng để chứa loại rượu gạo quý dùng trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh hàng ngàn năm về trước.
- Cánh đồng Chum là sản phẩm của người không lồ?
Nếu người khổng lồ thực sự tồn tại, việc đục đẽo những chiếc chum khổng lồ này có lẽ chỉ đơn giản như chúng ta đục một cái vại đựng nước.
Chiều cao trung bình của người châu Á cổ đại chỉ khoảng 1,5 mét. Việc chế tạo những chiếc chum khổng lồ để an táng người chết trong điều kiện kỹ thuật thô sơ đặt ra nhiều câu hỏi: Mục đích thực sự của những chiếc chum khổng lồ là gì? Tại sao người xưa cần đến những chiếc chum to lớn như vậy?
Hàng nghìn chiếc chum đá nặng hàng tấn được vận chuyển từ ngọn núi cách Cánh đồng Chum hàng chục cây số. Làm thế nào người cổ đại có thể thực hiện kỳ công này với công nghệ vận tải hạn chế?
Phân tích đồng vị phóng xạ carbon cho thấy một số bộ xương tại Cánh đồng Chum có niên đại cũ hơn so với chum đá. Điều này càng làm tăng thêm sự bí ẩn về nguồn gốc và lịch sử của di sản độc đáo này.
Mỹ Mỹ (tổng hợp)