Blog
Dù yêu con đến đâu, cũng nên để con cái chịu đựng năm loại ĐẮNG này! (Bố mẹ nên đọc)
Tôi từng thấy đoạn này trên Internet:
20 tuổi ham chơi khiến tuổi 30 bất lực;
Tuổi 30 bất lực dẫn tới tuổi 40 không hành động;
Tuổi 40 không hành động ắt tuổi 50 thất bại;
Thất bại ở tuổi 50, tạo nên một đời tầm thường vô vị.
Con người sống cả đời, nếu bây giờ không chịu khổ thì sau này chắc chắn sẽ phải chịu khổ; nếu bây giờ chịu khổ một chút, thì mai sau sẽ vui hưởng cả đời.
Ở đây tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh đều hiểu:
Dù có yêu con đến đâu, thì cũng phải để cho con chịu khổ. Chỉ khi để con cái chịu đựng 5 loại ĐẮNG này thì chúng mới có thể lớn lên khỏe mạnh.
1. Vị đắng khi tự lập
Bạn có còn nhớ câu chuyện “cà chua trứng tráng” đã làm mưa làm gió trong giới sinh viên học sinh không?
Một sinh viên quốc tế lần đầu đến Mỹ muốn làm món trứng tráng cà chua để chiêu đãi các bạn cùng lớp.
Tuy nhiên, anh không biết đánh trứng hay thái cà chua, cũng không biết khi nấu ăn nên cho trứng hay cà chua vào trước.
Vì vậy, cậu đã gửi tin nhắn thoại cho mẹ ở Trung Quốc để cầu cứu, mẹ cậu nhanh chóng gửi hướng dẫn bằng giọng nói nhưng cậu vẫn không thể hiểu.
Không còn cách nào khác, người mẹ phải tự mình làm mẫu, quay video và gửi cho con trai.
Dưới sự hướng dẫn chi tiết của mẹ, cậu bé cuối cùng đã hoàn thành món ngon truyền thống cơ bản và thông dụng nhất của Trung Quốc, và được các bạn cùng lớp khen ngợi.
Phải đến cuối video, cậu mới nhận ra mẹ đã dậy từ 4 giờ sáng để hướng dẫn cậu cách làm món trứng tráng cà chua.
Nhiều người xúc động khi xem video và khen ngợi: Chẳng có gì là dễ dàng êm ái cả, chỉ là có người gánh thay bạn mà thôi.
Ngày nay học sinh tiểu học đều biết, có gì không hiểu thì hỏi Baidu, ở nước ngoài thì có thể hỏi Google, sao nửa đêm lại gọi mẹ dậy để làm mẫu chứ?
Một số người cảm thấy tiếc cho người mẹ trong video, không thể phủ nhận rằng bà rất yêu quý con trai mình nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính họ là người gây ra tình trạng hiện tại.
Khi ở bên con, chúng không được dạy tính tự lập, khi con ở xa, chúng phải chịu nỗi đau “không tự lập”.
Peng Kaiping, Viện Khoa học Xã hội của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết: “Nuôi dạy con thực sự không phải là trồng cây trong nhà kính, mà là xây dựng nhân cách đầy đủ của trẻ trong khi dạy chúng cách đối mặt với thế giới một mình”.
Nhưng vẫn có không ít cha mẹ thường nói: Con chỉ cần học thôi, việc còn lại đừng lo. Họ sẵn sàng làm mọi việc thay con, suy xét mọi điều thay cho con cái. Điều này không sai, nhưng liệu cha mẹ có thể chăm lo cho con như vậy cả đời được không?
Nếu không, tốt hơn hết bạn nên học cách buông tay và dạy cho trẻ tính tự lập. Có như vậy, trẻ mới có đủ khả năng và dũng khí đối mặt với thế giới một mình.
Bằng cách này, ngay cả khi một ngày nào đó, không còn sự hậu thuẫn vững chắc của cha mẹ, đứa trẻ vẫn có thể tiếp tục tiến lên theo quỹ đạo ban đầu của cuộc sống.
2. Vị đắng khi học tập
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, trên đường gặp một người đồng hương, hàn huyên vài câu thì được biết anh ấy vừa mới chấm dứt kỳ thi Đại Học.
Hỏi anh ấy kỳ thi thế nào? Anh ấy nói khả năng tốt hơn nhiều so với năm ngoái.
Vào thời điểm này năm ngoái, anh đã thi trượt đại học, điểm chỉ đủ để vào cao đẳng nghề, cao đẳng kỹ thuật, bố mẹ anh yêu cầu anh thi lại nhưng anh nhất quyết không chịu.
Thay vào đó, anh đi làm cùng một nhóm bạn cùng thi trượt, ban đầu anh không có nhiều kỳ vọng, anh chỉ muốn kiếm được tiền học phí trước khi khai giảng vào tháng 9.
Nhưng không ngờ thu nhập đồng lương ít ỏi, mỗi ngày anh làm việc vất vả, thường xuyên bị gọi đi tăng ca tới khuya muộn, tuy bao gồm tiền phòng và tiền ăn nhưng môi trường ở rất tồi tàn và luôn nồng nặc mùi nước tiểu.
Chỉ trong vòng vài ngày, mấy người bạn cùng đi cùng anh đều tuyệt vọng chạy về, lúc đó anh muốn cố gắng lấy một chút hơi thở, cảm thấy mình còn có thể chống đỡ được.
Một tháng sau, đến lúc trả lương, nhà máy nói rằng, do tình hình kinh doanh không tốt nên trả chậm lương.
Đúng thời điểm, bố mẹ bảo anh học lại nên anh quay lại, tuy nhiên việc học lại không hề dễ dàng, nhưng dù vất vả đến mấy cũng không vất vả như lúc đi làm.
Anh tâm sự: “Học tập vất vả nhưng là lao động có nhân cách. Khi làm việc, tôi thường có cảm giác mình không phải là một con người mà là một cỗ máy làm việc” .
Một năm nay, anh ấy dậy lúc 5h30 sáng và đi ngủ lúc 12h30 tối, kiên trì suốt 365 ngày, và đã hoàn thành bài thi rất cao.
Khi còn trẻ và phù phiếm, tôi luôn cảm thấy việc học là việc khó nhất trên đời, mãi đến khi qua cái tuổi đó tôi mới nhận ra rằng việc học là con đường tốt đẹp nhất trên đời.
Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi thực sự muốn nói với bản thân mình khi tôi nghĩ việc học thật vất vả: Hãy chăm chỉ hơn và vào được trường tốt hơn, điều đó thực sự sẽ tạo nên sự khác biệt.
Khi đứa trẻ muốn lười biếng, hãy đồng hành. Khi trẻ muốn bỏ cuộc, hãy động viên. Một ngày nào đó, trẻ sẽ biết ơn công sức mà mình đã bỏ ra để có được ngày hôm nay.
Nguồn: aboluowang.
3. Vị đắng khi lao động
Cách đây một thời gian, một báo cáo như thế này đã khiến mọi người phẫn nộ và không nói nên lời.
David, 48 tuổi, từ khi còn nhỏ đã đạt được thành tích xuất sắc, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh đi du học và lấy bằng thạc sĩ của một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, có thể nói lý lịch của anh rất xuất sắc.
Nhưng sau khi trở về Trung Quốc, cuộc đời anh đã thay đổi 180 độ.
Sau khi tốt nghiệp, David không chịu ra ngoài làm việc, ban ngày ngủ, ban đêm chơi game, suốt sáu năm, anh hoàn toàn dựa vào người mẹ 80 tuổi mắc bệnh tiểu đường.
Lương hưu hàng tháng của người mẹ là 3.500 nhân dân tệ, riêng bà chi 2.000 nhân dân tệ cho việc điều trị, phần còn lại cần để nuôi sống bản thân và con trai.
Để ép con trai đi làm, người mẹ thậm chí còn nghĩ đến việc đưa con ra tòa để yêu cầu con trả tiền cấp dưỡng.
Người mẹ đã kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần: “Trước đây con trai tôi có sẵn mọi thứ, và đã quen sống dựa dẫm ỷ lại”.
Điều càng không nói nên lời là David còn cho rằng tình trạng hiện tại của anh là do sự chiều chuộng trước đây của mẹ anh.
Trên thực tế, có nhiều bậc cha mẹ vì sợ con mệt mỏi, bị thương nên đã lo mọi thứ cho con từ khi còn nhỏ, trong đó có việc “chăm lo” cho con cái ăn, mặc, ở, đi lại.
Họ không nhận ra rằng việc chiều chuộng ở một mức độ nhất định có thể hóa thành “liều thuốc độc” và sẽ hủy hoại tương lai của con cái cũng như cuộc sống của chính chúng.
Siêng năng chăm chỉ và tự lập là phẩm chất cần thiết trong mọi tình huống. Đây là sự khổ cực mà mọi người cần phải trải qua, chịu đựng và học cách “chiến thắng” nó.
Như Vua Thép của nước Mỹ – ông Carnegie đã nói: “Để sống thành công, người trẻ phải học cách tự lực cánh sinh, gỡ bỏ những chướng ngại vật trước mắt bằng chính năng lực của mình”.
“Quán tử như sát tử”(nuông chiều con chẳng khác nào giết chết con), câu nói này đáng giá là lời cảnh tỉnh đối với tất cả các bậc cha mẹ.
4. Vị đắng khi bị phê bình
Tôi từng đọc được một bài báo kể rằng có một cậu bé khoảng 10 tuổi tè bậy trong thang máy của khu dân cư.
Khi nhân viên quản lý tài sản phát hiện, họ đã nói vài câu với cháu và báo cho mẹ cháu. Người mẹ đã làm gì?
Cô lập tức nghiêm khắc phê bình đứa trẻ và yêu cầu đứa trẻ viết bản tự kiểm điểm trong thang máy để xin lỗi mọi người và dọn dẹp thang máy trong một tháng.
Tôi không thể không tán thành cách dạy con của người mẹ. Đừng bao giờ bao che khi trẻ mắc lỗi, phê bình góp ý và kỷ luật đúng cách không nên cẩu thả chút nào.
Cha mẹ cho con cái biết phép tắc ngay từ khi còn nhỏ, sẵn sàng để con chịu sự phê bình, tựa như một cái cây nhỏ không ngừng sửa tư thế, khi lớn lên, trẻ mới như cây đại thụ cao lớn, xum xuê, đủ bản lĩnh đối mặt mưa gió.
Trái lại, nếu để mặc con trẻ gây rối mà không giải quyết vấn đề, thậm chí còn ngoảnh mặt làm ngơ, thì khi lớn lên, cái ác nhỏ biến thành cái ác lớn, chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả cay đắng.
Tục ngữ có câu: “Lương ngôn khổ khẩu lợi ư bệnh” (Thuốc đắng dã tật).
Trẻ em đang ở độ tuổi chưa phân biệt được đúng sai, cha mẹ nên làm gương, dùng lời nói để đánh thức con cái, hướng dẫn con đi đúng đường, không được mắc phải một số sai lầm.
5. Vị đắng giáo dưỡng
Biết bao bậc cha mẹ lấy lý do “con còn nhỏ không hiểu chuyện”, “nó vẫn là con nít” để làm ngơ trước những hành vi vô văn hóa của con mình.
Trên tàu điện ngầm Trùng Khánh, một đứa trẻ đi giày, giẫm lên ghế, có người nhìn không được liền bước tới khuyên can.
Mẹ của đứa trẻ còn mắng hành khách: “Sao vậy? Có luật nào cấm trẻ em đứng trên này không?” Đứa trẻ càng vô đạo đức hơn khi nghe mẹ ủng hộ mình.
Người xưa có câu: “Nhân hữu lễ tắc an, vô lễ tắc nguy” (Người có lễ tức thì an, vô lễ tức thì nguy).
Bạn có thể chiều chuộng con mình, dung túng nó cả đời, nhưng một khi nó bước vào xã hội, người khác sẽ không chiều chuộng nó.
Nếu bạn sẵn sàng để con mình chịu đựng nỗi khổ đau trong quá trình giáo dưỡng, con bạn sẽ có một tương lai suôn sẻ và dễ dàng được người khác và xã hội chấp nhận hơn.
Đời còn dài, cha mẹ không thể bảo vệ con cả đời.
Cha mẹ tốt là người dạy con mình cách câu cá, chứ không phải là người lúc nào cũng bắt cá rồi mớm cho con ăn.
Cuộc sống cũng giống như uống trà, biết chịu đựng vị đắng gian khổ mới có thể thu về vị ngọt và niềm vui.
Cha mẹ dù thương con đến mấy cũng phải buông tay đúng lúc, nhẫn nhẫn, sẵn sàng để con phải chịu năm loại ĐẮNG này.
Yêu thương nhất định phải đúng mực và có nguyên tắc!
Kỳ Mai biên dịch
Vương Hòa – aboluowang