Blog
Đức tính quý báu mang lại phúc báo dồi dào cho người phụ nữ là gì?
Có người cho rằng, phụ nữ xinh đẹp hay không không quan trọng, quan trọng là phải có khí chất; có người lại nghĩ, tài sản quý báu nhất của người phụ nữ là học vấn và trí tuệ; lại có người cho rằng, điều tạo nên sức hút của người phụ nữ đó chính là sự nữ tính và giáo dưỡng xuất phát từ sâu thẳm nội tâm.
Phẩm chất quý giá nhất mà một người phụ nữ truyền thống nên có, đồng thời mang lại phúc báo dồi dào cho người phụ nữ đó chính là sự dịu dàng, nhu thuận, hiền thục, từ ái và bao dung. Bất luận là ngoại hình như thế nào, tuổi tác lớn nhỏ ra sao thì đều không thể đánh mất những bản tính quý báu này của người phụ nữ.
Từ “nhu” (trong từ nhu mềm) không đồng nghĩa với từ “nhược” (trong từ nhu nhược), không phải là thể hiện của sự mềm yếu hoặc vô dụng, đó là thuộc tính và cái gốc lập thân căn bản mà vũ trụ ban tặng cho người phụ nữ. Cái gọi là “Cương nhu tương tế”, “Nhu năng khắc cương”, nghĩa là nữ giới không nhất định cần tranh cao thấp với nam nhân, mà lại có thể âm dương tương hợp, bổ sung cho nhau.
Nếu như nói đàn ông là trụ cột của gia đình, vậy thì người phụ nữ có thể nói là cội nguồn tạo nên ngọn lửa hạnh phúc của gia đình. Người phụ nữ phụ trách việc lo toan từ những điều vụn vặt trong nhà, luôn quan tâm đến những hỉ nộ ai lạc của các thành viên trong gia đình, người phụ nữ cũng muốn làm tốt công việc, đồng thời quán xuyến tốt công việc trong nhà.
Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn
Người phụ nữ chính là cốt lõi của gia đình, chỉ có tu tâm dưỡng thân thì mới có thể trau dồi trí huệ và đạo đức, mới có đủ năng lực để tương trợ chồng, dạy dỗ con cái, đồng thời khiến cho cuộc sống của chính mình thêm ý nghĩa hơn.
Ngày xưa, rất nhiều người gọi những người phụ nữ đã kết hôn là “thái thái” (bà xã, bà vợ). Theo ghi chép lịch sử, từ “thái thái” này xuất phát từ Tam mẫu thời nhà Chu, chính là “Thái Khương”, “Thái Nhâm” và “Thái Tự”, hợp thành “Tam Thái”, là ba mẫu hậu nổi tiếng hiền đức thời nhà Chu. Với sự dịu dàng nữ tính của bậc mẫu nghi thiên hạ, “Tam Thái” đã tương trợ và giáo hóa mấy đời quân vương hiền minh, đồng thời thiết lập các lễ nghi đạo đức phù hợp với Thiên lý và nhân tính, có ảnh hưởng sâu sắc đối với thế hệ tương lai.
Người đời sau cũng hy vọng người phụ nữ trong gia đình mình cũng giống như “Tam thái”, mang lại phúc khí và phước lành đến với gia đình, bởi vậy mới có cách gọi vợ của mình là “Thái thái” (bà xã). Dưới đây là một vài câu chuyện nhỏ về vẻ đẹp của đức tính dịu dàng, nhu thuận của người phụ nữ.
Hoàng hậu Trưởng Tôn
Trong lịch sử văn minh Hoa Hạ 5.000 năm, Hoàng hậu Trưởng Tôn là một trong số những Hoàng hậu nổi tiếng nhất. Bà là người hiểu lễ nghĩa, sống có nguyên tắc, hiền thục trang nhã và có trí huệ. Bà không chỉ quản lý tốt lề lối và phép tắc trong hậu cung, mà còn thường xuyên khuyên can Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Để Đường Thái Tông có thể toàn tâm toàn lực trị vì thiên hạ, Trưởng Tôn Hoàng hậu đã đóng một vai trò phụ trợ hết sức quan trọng.
Có một lần Ngụy Trưng đề xuất ý kiến lên Đường Thái Tông, Đường Thái Tông không thể tiếp nhận, ông đùng đùng giận dữ. Trở về hậu cung, Hoàng hậu hỏi Thái Tông: “Bệ hạ có chuyện gì vậy?”
Đường Thái Tông giận dữ nói: “Tên nhà quê kia suốt ngày gây phiền phức cho Trẫm, sớm muộn cũng có ngày ta giết chết hắn”.
Nghe xong, Hoàng hậu quay vào trong và mặc bộ lễ phục trang trọng nhất, sau đó cung kính quỳ trước Thái Tông. Hoàng đế Thái Tông ngạc nhiên hỏi: “Vì sao nàng lại trịnh trọng như vậy?”
Trưởng Tôn Hoàng hậu nghiêm trang đáp: “Thần thiếp nghe nói, chỉ có minh quân mới có được những quân thần chính trực. Nay Ngụy Trưng tính tình ngay thẳng thanh liêm như vậy, chẳng phải vì Hoàng thượng là một minh quân sao? Bởi vậy, thiếp muốn chúc mừng Hoàng thượng”.
Đường Thái Tông nghe xong liền cảm thấy giật mình trong tâm, cho rằng điều Hoàng hậu nói rất có lý, Ngụy Trưng vì thế nên cũng giữ được mạng sống và địa vị của mình.
Nếu lúc đó Hoàng hậu Trưởng Tôn lại đổ thêm dầu vào lửa, thì e rằng tính mạng của Ngụy Trưng sẽ gặp nguy hiểm, và Thái Tông cũng khó còn có thể nghe được những lời can gián ngay thẳng. Hoàng hậu Trưởng Tôn đã dùng trí tuệ của mình để hóa giải mâu thuẫn, vừa giữ thể diện cho Hoàng đế, lại vừa cứu nguy cho Ngụy Trưng, để ông tiếp tục can gián Hoàng đế bằng những lời trực ngôn của mình.
Chân thành báo ân
Trọng thần cuối triều Thanh Lý Hồng Chương, có mẹ từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được cụ ông nhận về nuôi, sau đó cụ ông còn chữa khỏi bệnh đậu mùa cho bà. Để báo đáp ân nghĩa, sau khi trưởng thành, bà đã giúp đỡ công việc trong nhà họ Lý, báo đáp công ơn dưỡng dục của nhà họ Lý bằng sức lao động cần cù chăm chỉ của mình.
Vì trên mặt có vết bớt, không có vải bó chân nên bà bị cả dân làng chê cười. Tuy nhiên, bà rất biết cách báo ân, sau khi thành hôn với cha của Lý Hồng Chương, bà vẫn khắc khổ cần cù làm việc. Bà sinh cho nhà họ Lý sáu đứa con trai, hai đứa con gái, hơn nữa còn giáo dục các con rất tốt. Bà không chỉ giỏi trị gia, mà còn có trí tuệ tuyệt vời, khiến cho nhà họ Lý ngày càng phát đạt. Nửa đời trước của bà rất cực khổ, nửa đời sau lại trở nên đại phú đại quý, bà sống đến 83 tuổi, bà được hưởng phúc lành vào những năm tháng cuối đời.
Lấy sữa của mình cho con của vợ trước
Trang Nam Thôn là quan viên triều đình thời nhà Thanh, mẹ của ông – Đổng phu nhân là người vợ kế của cha ông. Khi Trang Nam Thôn đầy tháng, con trai người vợ cũ của cha ông mắc bệnh đậu mùa. Đổng phu nhân dùng sữa vốn để cho Trang Nam Thôn uống để nuôi dưỡng con trai vợ cũ của chồng, điều này khiến mọi người trong nhà đều vô cùng ngạc nhiên.
Đổng phu nhân nói: “Ta còn trẻ, con trai mất đi thì vẫn có thể tiếp tục sinh. Nhưng người vợ trước của chồng chỉ có đứa con này thôi”, đứa con của người vợ trước sau khi bị đậu mùa, gia cảnh trở nên nghèo khó, không có tiền mua thuốc để chữa trị. Đổng phu nhân dành dụm lượng sữa còn lại cho đứa trẻ bú, hy vọng sớm ngày hồi phục.
Đổng phu nhân sau này có 5 người con trai đều đỗ cao trung tiến sĩ, được gọi là “Ngũ tử đăng khoa”. Trang Nam Thôn đứng thứ 2 trong kỳ thi Đình, suýt nữa trở thành trạng nguyên. Sau này, hai người con trai của Trang Nam Thôn cũng học hành đỗ đạt, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử. Đổng phu nhân đã được tận mắt chứng kiến sự kiện hoành tráng chưa từng có trong gia tộc, chính là “bảy người con cháu đều đỗ cao trung tiến sĩ”.
Đây cũng chính là cái ‘nhu’ của người phụ nữ, thể hiện ra sự chân thành, thiện lương và bao dung, từ đó mang lại phúc phận cho gia đình, con cái và thế hệ mai sau.
Sự thiện lương của người mẹ đã cứu mạng con trong tình thế tiến thoái lưỡng nan
‘Đối xử tốt với người khác chính là đang tích đức tích phúc cho con cái của mình’, đây là câu nói mà người xưa thường hay nói, tuy nhiên ngày nay rất nhiều người cảm thấy thờ ơ và không coi trọng điều này.
Từng có một câu chuyện có thật được lưu truyền trên mạng như sau: Một bà mẹ đơn thân làm giáo viên mẫu giáo, cô đưa đứa con gái nhỏ về sống với ông bà ngoại. Khi được 5 tuổi, cô bé không may bị bệnh bạch cầu và phải ghép tủy mới có thể được cứu sống. Người mẹ quyết định hiến tủy cho con gái, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy tủy của cô không phù hợp với con gái, mà phù hợp với một cậu bé 7 tuổi mắc bệnh bạch cầu khác. Khi cha mẹ cậu bé biết chuyện, họ đã quỳ xuống cầu xin cô giúp đỡ.
Đối mặt với tình huống này, cô thật khó để đưa ra lựa chọn. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt tái nhợt và đáng thương của cậu bé, cô đã đồng ý. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và bố mẹ cậu bé đã gửi cho cô 50.000 nhân dân tệ (tương đương với 170 triệu VNĐ) để cảm ơn.
Cô đã từ chối, và sau đó bảo cha mẹ cậu bé hãy cầm lấy để tiếp tục chữa trị cho cậu bé. Cha mẹ cậu bé đã bật khóc vì biết ơn, và đã đến cơ quan truyền thông để mong muốn lan tỏa câu chuyện của cô giáo mầm non có phẩm cách cao thượng này. Sau khi tin tức được lưu truyền, một số nhà hảo tâm đã tự nguyện quyên góp tiền giúp cô chữa bệnh cho con gái.
Trong tình huống này, có thể nói chính nhờ sự thiện lương và nghĩ cho người khác của người mẹ đã mang lại phúc báo cho con gái.
Nguồn: ntdvn