Blog
Đức và Nghiệp cùng luân hồi trong Phật giáo
Đức và Nghiệp là gì? Tại sao lại là “tổn đức, thất đức”? Tại sao phải hành thiện, tích đức? Luân hồi trong Phật giáo như thế nào? Chết có thật sự là hết không?
Ngay từ lúc còn tuổi thơ, trong đầu tôi luôn tồn tại nhiều câu hỏi… Mình có thể sẽ là một con chó hay một con bò không? Linh hồn có tồn tại không? Linh hồn có chuyển sinh vào cơ thể khác hay động vật khác không? Rốt cuộc sự chuyển sinh và luân hồi có phải là một không… khác biệt với tái sinh như thế nào? Nghiệp hay nghiệp chướng là gì, có giống với định mệnh không?
Nhân sinh như mộng! Để sống một kiếp người có ý nghĩa thật khó lắm thay…
Quan niệm sai lầm về luân hồi
Có một quan niệm phổ biến về luân hồi: Kiếp sống như là một sự ngẫu nhiên và may mắn. Nôm na là: Một người có thể đã trải qua vô số kiếp, trong lục đạo luân hồi… Rồi kiếp này được sinh ra làm người. Kiếp sau lại trở thành động vật, tùy thuộc vào những hành xử khi sống.
Thời nay người ta không lý giải được bởi từ nhỏ học theo khoa học thực chứng. Không sờ nắn được linh hồn… không dám tiếp xúc với những điều siêu thường. Nên coi lục đạo luân hồi chỉ là bài học đạo đức để người xưa không dám hành ác; là những câu chuyện ngụ ngôn thần thoại để dẫn dắt người ta tiếp cận với chân lý.
Phật Thích Ca từng giảng tu Phật có 8 vạn 4 nghìn pháp môn và Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng… Để tu thành Phật Như Lai thì cần học thông pháp lý ở cao tầng – khoa học siêu thường – thần học. Luân hồi là một trong những pháp lý liên quan tới hành trình của sinh mệnh ở dạng tinh thần (năng lượng); siêu vượt những quy tắc vật lý liên quan tới cơ thể vật chất.
Luân hồi trong Phật giáo
Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là tam độc: tham, sân, si. Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ mà chúng sinh đó sẽ chuyển sinh trong lục đạo (sáu cõi): trời, thần (a-tu-la), người, súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), địa ngục. Trong Đại thừa, luân hồi được xem là thế giới của hiện tượng và thể tính của nó chính là thể tính của Niết-bàn.
Sau khi chuyển (tái) sinh, phần lớn các chúng sinh sẽ không còn nhớ gì về kiếp trước đó. Các chúng sinh sẽ có một cuộc đời mới. Việc chúng sinh sẽ chuyển (tái) sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu quan sát cận tử nghiệp.
Ngày nay người ta thấy khó hiểu và dần coi luân hồi là một bài học giáo huấn đạo đức. Bởi cho rằng người xưa sợ làm kiếp cầm thú… Thực tế cũng chỉ rõ là hiệu quả không cao bởi đứng trước cám dỗ của danh lợi tình thì dường như người ta không còn muốn tin vào luân hồi nữa.
Nếu thoát khỏi ý nghĩa bề mặt câu chữ có thể sẽ hiểu được những triết lý sâu xa…
Câu hỏi là “sao không nói trắng ra để người ta có thể dễ dàng hiểu rõ?”
Có thể là mục đích không phải để người ta dễ dàng hiểu rõ… Có thể là pháp lý siêu thường nằm ngoài hiểu biết thông thường. Và các thầy cô giáo thường dùng ngôn ngữ và sự tưởng tượng để dạy tri thức mới.
Hiểu nhầm về luân hồi trong Phật giáo
Đầu thai không phải là khái niệm cơ thể vật chất đơn giản; ví dụ, Mão tái sinh thành một con mèo trong kiếp sau. Mão sở hữu một linh hồn bất tử nhập vào hình dạng của một con mèo sau khi chết. Chu kỳ này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu may mắn, mèo sẽ được tái sinh thành Mão…
Quan niệm này hoàn toàn không phải những điều trong kinh điển Phật giáo.
Đức và nghiệp là nguồn gốc của luân hồi trong Phật giáo
Nghiệp (nghiệp lực hay ác nghiệp) và đức (đức hạnh hay là phước) có tồn tại vật chất và đồng hành cùng sinh mệnh. Tùy theo hành vi mà sản sinh Đức hay Nghiệp; và giữa chúng có mối quan hệ chuyển hóa qua lại. Sự vận hành này không chỉ theo nghĩa cơ học bề mặt vật chất mà còn ở mức vi tế hơn. Phật gia giảng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” có hàm ý này.
Khi con người làm gì đó, luôn tồn tại việc tốt và việc xấu. Làm việc tốt sẽ tích được đức, làm việc xấu sẽ tích nghiệp lực. Hai chủng vật chất này không mất đi mà chuyển hóa qua lại thông qua các hành vi ứng xử. Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng là một góc hẹp biểu đạt của điều này.
Phân biệt Đức và Nghiệp với số phận của con người
Cần phân biệt đức – nghiệp và số phận của một cá nhân. Số phận đường đời được sắp đặt bởi tạo hoá và vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Còn nghiệp cùng đức thì lại tuỳ thuộc vào hành vi và hành vi thông thường được quyết định bởi ý thức.
Trong Kinh Pháp Cú có giảng “Điều mà ta nhận được (quả) phụ thuộc vào suy nghĩ (nhân). Nó được hình thành bởi suy nghĩ”.
Do vậy, một người trở nên cao quý hay thấp hèn chủ yếu phụ thuộc vào suy nghĩ của họ. Và suy nghĩ được biểu đạt bằng hành vi có tính tích cực hay tiêu cực.
Cõi giới
Phật giáo giảng về 10 cõi chúng sinh: Cao nhất là Phật rồi đến Bồ Tát, Bích Chi Phật (Duyên Giác); Thanh Vân; Cõi Trời; Cõi người, A-tu-la; súc sinh; ngạ quỷ và địa ngục.
Sau khi Phật Thích Ca niết bàn hàng trăm năm mới có kinh sách. Thật khó cho những người học Phật hàng trăm năm sau có thể hiểu được do hoàn cảnh đã không còn, ngôn ngữ đã thay đổi… Rất nhiều người không hiểu được pháp lý và cảnh giới tư tưởng của Phật nên đưa ra những giải thích nông cạn đơn giản kiểu như:
“Mười cõi chúng sinh không có ranh giới cụ thể, là bao gồm lẫn nhau. Nói cách khác, mỗi cõi trong đó bao gồm chín cõi còn lại. Ví dụ, cõi người có tất cả chín trạng thái khác từ địa ngục đến Phật vị. Con người trong ích kỉ, tự tư, dối trá sẽ tạo ra địa ngục của chính mình. Ngược lại, thiện lương, chân thành, nhẫn nhịn phản ánh sự từ bi của Phật Đà. Các vị Phật cũng có chín cảnh giới khác trong tâm trí họ. Bởi vì để cứu độ những người trong địa ngục thì Ngài cũng phải hiểu nỗi khổ của chúng sinh. Qua đó, Ngài sẽ hướng dẫn họ tu luyện để tìm con đường giác ngộ…”
Những bài học giản đơn rút ra từ những nhận thức đơn giản
Hiểu được luân hồi, sẽ hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh, làm tư tưởng và đạo đức thăng hoa.
Khao khát danh, lợi, tình, thù thì tâm tính ở trong cõi Ngạ quỷ;
Khao khát thú vui xác thịt, tâm tính có khác chi cầm thú.
Chân thành, thiện lương và đại nhẫn từ bi thì là cảnh giới của thần.
Cõi người chính là ở trung tâm của 10 cõi chúng sinh. Vì vậy, con người có thể trượt xuống hoặc thông qua tu luyện để đề cao cảnh giới sinh mệnh.
Luân hồi chuyển kiếp, nhân sinh lắng đọng
Luân hồi là điều mà chúng sinh trong Tam giới đều phải trải qua. Nghiệp và Đức là nguồn gốc của luân hồi. Luân hồi là để cân bằng giữa Nghiệp và Đức.
Việc lựa chọn cảnh giới của sinh mệnh tùy thuộc vào Nghiệp và Đức của mỗi cá nhân.
Sống chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn làm người tốt và tốt hơn nữa là lựa chọn sáng suốt của sinh mệnh.
Nguồn: nguyenuoc.com