Dương Tiễn có Tam Tiêm Thương và 72 phép huyền công vì sao vẫn phải thua nhân vật này?
Phong thần diễn nghĩa là tác phẩm thành công khi kết hợp nội dung mang tư liệu lịch sử với thần thoại, truyền thuyết và tôn giáo mà thành. Nội dung của nó xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, lồng vào đó là vô số thần thoại, truyền thuyết Trung Hoa, bao gồm các thần, tiên, yêu quái.
Trong Phong thần diễn nghĩa, Na Tra và Dương Tiễn được xem là những chiến tướng mạnh nhất của Tây Kỳ.
Trong Phong thần diễn nghĩa, Na Tra vốn là pháp bảo Linh Châu của Thái Ất Chân Nhân, được Nguyên Thủy Thiên Tôn sắp xếp xuống trần gian giúp Khương Tử Nha định bảng Phong Thần, chuyển sinh vào bụng Ân Thị hóa ra kiếp người, trở thành con trai thứ ba của Lý Tịnh.
Khi sinh ra được Thái Ất bay đến thu làm đồ đệ và thay mặt Nữ Oa gửi tặng Na Tra vòng Càn Khôn và Hỗn Thiên Lăng. Từ nhỏ, Na Tra sức khỏe đã hơn người, lại có tính hiếu thắng, ngỗ nghịch, gây sự với Tứ hải Long vương, giết chết thái tử Ngao Bính và đệ tử của Thạch Cơ, gây họa khắp nơi, phải quyên sinh để khỏi liên lụy cha mẹ, linh hồn được Thái Ất Chân Nhân gá vào hoa sen, từ đó mà thành hình người.
Na Tra sau khi đầu quân Tây Kỳ thì trở thành một trong những tướng tiên phong mạnh nhất, lập nhiều chiến công. Mỗi lần xuất trận là hóa ba đầu sáu tay, trông vô cùng hung dữ, trên tay thì có Càn Khôn Quyện, Hỗn Thiên Lăng, Đả Tiên Kim Chuyên, Hỏa Tiêm Thương… dưới chân thì có Phong Hỏa Luân, toàn là vũ khí hạng nhất. Cơ thể Na Tra lại làm từ sen, không có cốt nhục, vì vậy thường miễn nhiễm với mấy phép nhiếp hồn của đối phương, cũng được coi là một lợi thế.
Còn Dương Tiễn, tức là Nhị Lang thần là học trò của Ngọc Đỉnh Chân Nhân, gọi Khương Tử Nha bằng sư thúc, được sư phụ cử xuống giúp quân Tây Kỳ.
Dương Tiễn khôi ngô tuấn tú, thân cao, vạm vỡ, có 3 mắt. Mắt giữa trán có diệu năng của tuệ nhãn không những là cánh cửa trí tuệ, phân biệt rõ vạn vật, những giả trái của thiên địa dưới cái nhìn thấu tận tâm can của Tuệ nhãn đều bị bóc trần, lại còn thấu được mười hai nhân duyên, hiện tượng sinh tử lưu chuyển của bậc A la hán “vô ngã vô chấp”, có thể ra khỏi sinh tử luân hồi, không bị trói buộc bởi thân tâm thế gian.
Tai ông đeo xâu tai, eo lúc nào cũng mang cung tên, cong như mặt trăng, tay cầm đinh ba hai lưỡi (“Ngân tiêm bảo kích” hay “tam tiêm kích”). Đầu đội nón hình ba ngọn núi và phụng hoàng, mình khoác áo choàng vàng, đai bụng của ông được trang trí với tám loại trang sức.
Dương Tiễn là một trong những tướng kiệt xuất và thông minh mưu lược dưới trướng Khương Tử Nha. Trí tuệ và thất thập nhị huyền công (72 phép thần thông biến hoá) của Dương Tiễn thể hiện ở những trận đánh trong Phong thần diễn nghĩa như lần giao tranh với “Ma gia tứ tướng” (Ma Lễ Thanh, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Thọ, Mã Lễ Hải).
Dùng Bát Trận Đồ giết chết Viên Hồng, giết chết Mai Sơn Thất Quái (bảy con yêu quái tại núi Mai Sơn), lập nhiều đại công đặc biệt là trong 2 trận đại chiến Tru Tiên và Vạn Tiên.
Lúc ra trận, Dương Tiễn thường sử dụng thanh Tam Tiêm Thương (ngọn thương do con Giao long 3 đầu hóa thành), lại có trợ thủ là con Hạo Thiên Khuyển xông vào cắn cổ đối phương, vô cùng lợi hại.
Xuyên suốt Phong thần diễn nghĩa, các chương hồi đều theo hướng một tướng bên nhà Thương được cử ra đấu với quân Tây Kỳ, đa phần có chút bản lãnh nhưng đều bị các tướng Tây Kỳ liên thủ đánh bại hết. Nhưng với nhân vật Khổng Tuyên, quân Tây Kỳ thực sự đã gặp phải đối thủ khó nhằn.
Trong truyện, để ngăn cản bước tiến quân của Tây Kỳ, Khổng Tuyên được cử ra trấn ải Tam Sơn thay Hồng Cẩm. Khổng Tuyên nguyên là một con công được sinh ra từ thời khai thiên lập địa, tu hành nhiều kiếp, đạt được thần thông, chim công này hiện thân xuống cõi trần, làm tướng cho vua Trụ.
Sau lưng Khổng Tuyên tỏa ra 5 đạo hào quang sáng chói, tất cả tướng địch, binh khí, bảo bối gì đem ra đều bị 5 đạo hào quang đó hút vào, ngay đến gương chiếu yêu đem ra dùng cũng không thể soi ra được chân thân của Khổng Tuyên.
Chính nhờ bản lĩnh này mà Khổng Tuyên liên tiếp thắng trận, đánh cho quân Tây Kỳ thua liểng xiểng, bắt sống hàng loạt chiến tướng như Hồng Cẩm, Na Tra, Lôi Chấn Tử, Hoàng Phi Hổ, Sùng Hắc Hổ, Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra… ngay đến mấy đại tiên như Nhiên Đăng, Lục Yểm ra đánh cũng bại trước họ Khổng.
Mãi sau có vị đạo tăng là Chuẩn Đề đạo nhân đến thu phục, mới chịu bị bắt, hiện nguyên hình là con công một mắt, theo Chuẩn Đề về Tây phương cực lạc để tu hành và được phong là Khổng Tước Minh Vương.
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, thì Khổng Tước Minh Vương là vị Tôn giả hầu cận Đức Phật mà nguyên căn là một con công, sanh vào thời Khai Thiên lập Địa, tu thành, vâng mệnh Đức Phật cầm giữ giáo lệnh, hiện thân hàng phục bọn ác ma, ủng hộ các nhà tu hành.
Truyền thuyết còn kể rằng Khổng Tước phát nguyện theo Bồ Tát Chuẩn Đề tu hành và làm bảo tọa cho Ngài ngồi, để đền đáp công ơn hóa độ. Khổng Tước Minh Vương được xưng là Phật Mẫu.
Truyền thuyết Mật Giáo kể rằng, khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, Khổng Tước nuốt Đức Phật vào trong bụng, sau đó lưng của Khổng Tước Minh Vương nứt ra, Đức Phật Thích Ca hiện ra ngồi trên lưng của Khổng Tước, vết nứt liền lại, vì vậy Khổng Tước được xưng là Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo Phong Thần diễn nghĩa