Gia Cát Lượng viết một chữ gì mà khiến Trương Phi hoảng sợ, tâm phục khẩu phục?
Sau khi ba lần đến lều tranh cầu được Khổng Minh xuống núi phò tá, Lưu Bị tuy đã thoả tâm nguyện, nhưng về phần Quan Vân Trường và Trương Phi thì vẫn chưa thực sự khâm phục tài đức của Gia Cát Lượng. Đặc biệt là Trương Phi, mỗi khi nhận mệnh lệnh đều tỏ thái độ bất phục, thường hay mượn rượu mắng nhiếc Khổng Minh chỉ là đồ ‘hữu danh vô thực’…
Một lần nhân lúc Lưu Bị đi vắng, Trương Dực Đức thừa cơ mượn rượu, toan gây sự với Gia Cát Lượng. Họ Trương xông thẳng đến tệ xá của Khổng Minh, đứng trước sảnh, chỉ gà mắng chó, cao giọng mà rằng:
– Trương Phi ta đây, vốn người đất Yên. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, không biết sợ là gì; xông pha trận mạc không sợ đao thương, ra đường không sợ kẻ vô lại, chẳng sợ Trời, chẳng sợ Đất… hết thảy ta đều không sợ. Một thư sinh quê mùa, sức trói gà không chặt bảo ta phải phục tùng mệnh lệnh ư? Đừng hòng!
Khổng Minh đang lúc toan tính chuyện quân cơ trong thư phòng, nghe thấy Trương Phi hành sự lỗ mãng bèn tạm ngưng công việc. Vốn ông đã biết rằng Quan Vân Trường và Trương Phi chưa thực sự khâm phục mình.
Nhân cơ hội này, Gia Cát Lượng muốn cho Trương Phi một bài học. Gia Cát Khổng Minh bèn điềm tĩnh bước ra sảnh, cơ hồ như không để ý gì đến lời lẽ thô thiển của Trương Phi mà rằng:
– Lượng không biết Tam tướng quân đến, thật là thất lễ! Vừa hay, Lượng nghe Tam tướng quân nói không sợ bất cứ điều gì trên đời?
Trương Phi đáp:
– Phải, chết ta cũng không sợ!
Khổng Minh, phe phẩy chiếc quạt lông vũ vừa cười vừa nói:
Lượng biết Tam tướng quân anh dũng hơn người, nhưng chắc chắn phải sợ một thứ!
Phi cười lớn, đáp:
– Ha ha ha… ! Anh hùng hảo hán, cái thế thiên hạ, vào sinh ra tử xem cái chết nhẹ tựa hồng mao… Ta không sợ chết, thì cần gì phải sợ những thứ khác?
Khổng Minh điềm tĩnh hỏi:
– Vậy Tam tướng quân có dám đánh cuộc với tôi không?
Trương Phi đáp:
– Dám chứ, có gì mà không dám. Nếu quân sư có thể chỉ ra cho ta thấy điều Trương Dực Đức ta phải sợ, thì từ nay về sau tùy ông sai khiến. Ta sẽ tuân mệnh. Nhược bằng Quân sư nói không được, thì tính sao?
Gia Cát Lượng, ngẩng mặt lên trời, một tay chắp sau lưng, một tay cầm quạt lông vũ chỉ lên trời mà rằng:
– Nếu như Lượng không đưa ra được điều khiến Trương tướng quân phải sợ, thì về sau không dám chỉ huy Tam tướng quân. Lượng tôi xin được nghe theo mệnh lệnh của ngài!
Trương Phi nghe thấy vậy, đắc thắng cười ha hả, nói:
– Xin Quân sư chớ nuốt lời!
Khổng Minh tiếp lời:
– Xin viết Quân lệnh trạng!
Hai người nhìn nhau, hai tay ôm quyền quả quyết giao hẹn. Đoạn Khổng Minh ra hiệu cho gia nhân đem nghiên bút đến. Sau khi hai người lăn tay điểm chỉ vào tờ Quân lệnh trạng, Gia Cát Lượng nói:
– Xin Tam tướng quân hãy xòe một bàn tay ra!
Trương Phi không hay chuyện gì, nhưng cũng ưng thuận làm theo. Khổng Minh cầm bút viết một chữ ‘Bệnh’(病) lên lòng bàn tay của Trương Phi. Trương Phi trợn tròn hai mắt, chăm chăm nhìn vào lòng bàn tay còn in một chữ ‘Bệnh’(病), in rõ mồn một.
Bất giác Trương Phi nhớ lại chuyện năm xưa từng mắc bệnh thương hàn; chân tay run rẩy, không thiết uống ăn, toàn thân ớn lạnh, sức cùng lực kiệt; sống không bằng chết.
Quả thực rất đáng sợ! Người xưa có câu: “Anh hùng xưa nay không sợ chết. Hảo hán chỉ sợ bệnh dày vò”. Gia Cát Lượng hiểu được tâm tình của Trương Phi, mỉm cười, phe phẩy chiếc quạt, nhìn Trương Phi gạn hỏi:
– Không hay, Tam tướng quân có sợ điều này không?
Nói đoạn liền chắp tay, cúi mình mà rằng:
– Từ nay, Lượng tôi xin nghe theo sự sai khiến của tướng quân!
Trương Phi lập tức đỡ Khổng Minh lên, quỳ trước mặt nói rằng:
– Trương Phi lỗ mãng, xin Quân sư đừng chấp!
Gia Cát Lượng nắm chắc phần thắng, nhưng vẫn cố ý ghẹo Trương Phi mà rằng:
– Nói vậy là Tam tướng quân cũng sợ bệnh sao?
Phi đáp:
– Sợ, sợ chứ! Bệnh tật ai mà chẳng sợ!
Khổng Minh cười ha hả, nói:
– Vậy, Tướng quân phải nghe tôi điều hành rồi!
Trương Phi hành lễ quỳ một gối, hai tay ôm quyền nói:
– Xin nghe theo sự điều hành của Quân sư!
Nói đoạn từ biệt ra về, kể từ đấy Trương Phi một lòng, một dạ tuân theo quân lệnh, ‘tâm phục khẩu phục’ không làm trái nửa lời.
“Anh hùng xưa nay không sợ chết. Hảo hán chỉ sợ bệnh dày vò”. Cái lẽ ở đời: lão, bệnh, tử, ai mà tránh khỏi cho đặng, ai mà không sợ cho đặng?
Nguyệt Hòa
Theo DKN