Blog
Gia đình bất hạnh nhất: Bố mẹ thường xuyên cãi vả, người tổn thương nhất chính là Con!
Cách giáo dục của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời một đứa trẻ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi gia đình có gia phong khác nhau cũng sẽ bồi dưỡng nên những đứa trẻ có tính cách khác nhau. Sau khi trưởng thành, một đứa trẻ lớn lên mà không hạnh phúc, tâm lý xuất hiện vấn đề, thì ít nhiều cũng sẽ liên quan đến giáo dục từ phía gia đình.
Những đứa trẻ bất hạnh thường đến từ 4 kiểu gia đình dưới đây, nếu gia đình bạn đang trong tình trạng này, thì hãy cố gắng thay đổi vì con nhé.
Gia đình thiếu vắng đi hình bóng của người cha
Trong quá trình nuôi dạy con cái của nhiều gia đình hiện nay, người mẹ thường đảm nhận vai trò chính trong việc dạy dỗ và đồng hành cùng con cái, còn người cha thì vì lý do công việc hoặc vì tình cảm giữa cha mẹ sứt mẻ,… nên người cha ít khi quan tâm, chăm sóc con cái.
Nghiên cứu cho thấy, một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ không yêu thương nhau sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và định hình tính cách của con trẻ.
Trong văn hóa truyền thống, bên cạnh sự giáo dục mềm mỏng và “ấm áp” vào lòng người của mẹ, cách giáo dục cứng rắn của người cha có thể giúp con cái tạo lập tinh thần trách nhiệm cao. Hình ảnh của người cha là hình mẫu về ý chí, lý tưởng sống, ảnh hưởng của người cha trong việc định hình tương lai của trẻ cũng rất lớn.
Nếu một đứa trẻ lớn lên mà thiếu vắng đi hình bóng của người cha trong một thời gian dài, thì đây quả là một thiếu sót lớn nhất trong cuộc đời.
Gia đình hay cãi vã
Trong một gia đình bất hòa, con cái thường là người tổn thương nhiều nhất.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình cha mẹ thường xuyên cãi vã sẽ thường dễ tự ti, nhạy cảm, nhát gan, rụt rè, cáu gắt, thậm chí có tính cách “bạo lực”,….
Mỗi khi cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, những đứa trẻ đáng thương đó thường sợ hãi, lúng túng và không biết nên làm thế nào, chúng không nhận được sự yêu thương đầy đủ của cha mẹ, trở nên lạc lõng ngay trong chính gia đình của mình. Dần dần, chúng không biết làm thế nào để phát triển trong tương lai.
Vì không cảm nhận được hơi ấm gia đình, chúng sẽ trở nên thờ ơ với tình cảm gia đình và không tin hạnh phúc còn tồn tại. Nếu cha mẹ bất hòa, đôi co vài câu với nhau thì cũng đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ.
Con cái của chúng ta, chúng rất nhạy cảm và dễ bắt chước những hành vi của cha mẹ, hãy quan tâm đến chúng cũng như cảm nhận của chúng nhiều hơn.
Yêu thương, quan tâm và chia sẻ với con nhiều hơn, đó mới chính là những hành trang mà chúng cần từ cha mẹ, để chúng có thể tự tin, thành công trong tương lai.
Cha mẹ kiểm soát con cái quá chặt chẽ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học College London phát hiện ra rằng: Cha mẹ kiểm soát con cái quá chặt, có khả năng gây tổn thương tâm lý lâu dài cho con cái của họ, khiến chúng kém hạnh phúc và phụ thuộc hơn khi lớn lên, có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển của chúng.
Khi cha mẹ áp đặt những mong muốn của bản thân lên con cái sẽ khiến trẻ có cảm giác “nghẹt thở”, cảm giác khó chịu khi phải sống cuộc đời của người khác, chứ không phải sống cuộc sống cho riêng mình.
Xuất phát từ bản năng tồn tại của cá nhân, đứa trẻ sẽ “bao bọc và phong bế” cái tôi tự do vào bên trong bằng một lớp vỏ, chúng sẽ không thể đứng vững trên đôi chân của bản thân mình.
Là bậc cha mẹ nuôi con thông thái, họ sẽ biết cách “lạt mềm buộc chặt”, khi con trẻ đã biết nhận thức và theo đuổi lý tưởng sống, họ sẽ đứng phía sau con để quan sát, ủng hộ và giúp đỡ con khi cần thiết, chứ không ép buộc hay “kiểm soát” cuộc đời của con, để con thỏa thích tự do sống với đam mê của chính bản thân mình.
Gia đình sử dụng ngôn ngữ “bạo lực” để giáo dục con trẻ
Một nhà tâm lý học đã từng nói: “Ngôn ngữ ‘bạo lực’, thực sự có thể làm ‘giết’ chết tâm hồn của một người”.
Một lời nói vô tình có thể làm tổn thương ai đó một cách sâu sắc, đôi khi còn đau đớn, khó lành hơn là những vết thương ngoài da, thậm chí có những vết thương lòng sẽ đi theo người ta đến hết quãng đường đời.
Đôi khi, những lời mắng mỏ, chỉ trích và phê bình của cha mẹ có thể vô tình làm tổn thương con cái, đôi khi nó trở thành tiếng nói phủ nhận và cản trở bước tiến của con trong tương lai.
Lời nói của cha mẹ cũng giống như bậc thầy thôi miên, nếu cứ nói văng vẳng bên tai con những ngôn ngữ, lời nói tiêu cực, thì chúng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian dài, thậm chí chúng còn coi điều đó là hiển nhiên, từ đó gắn sâu vào trong tiềm thức.
Thực tế cho thấy, giáo dục có lý trí của cha, và sự dạy dỗ nhẹ nhàng thủ thỉ của mẹ sẽ có tác dụng hơn là sự quát mắng, chỉ trích.
Trong một gia đình, cha mẹ có tính cách như thế nào, thì sẽ dưỡng thành đứa con có phẩm chất như thế. Người cha là người quyết định đứa trẻ sẽ bay cao bao nhiêu, người mẹ sẽ quyết định đứa trẻ đi bao xa. Muốn con trẻ xuất chúng trong tương lai, thì đầu tiên cha mẹ cần tạo dựng nên một môi trường tích cực, lành mạnh để con thỏa sức phát triển bản thân.
Hy vọng rằng, mỗi bậc cha mẹ hãy nỗ lực hết mình để trở thành những bậc cha mẹ mang nhiều năng lượng tích cực, xây dựng một gia đình hạnh phúc, để con cái lớn lên trong niềm vui và niềm tự hào.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Alobuowang – Vương Hòa