Giải mã hiện tượng ‘người chết sống lại’
Đã có rất nhiều câu chuyện về những người sống lại sau khi được tuyên bố đã chết trước đó và đây là lý giải khoa học của hiện tượng này.
Tim Janina Kolkiewicz ngừng đập, hơi thở của bà cũng tắt lịm, khi đó bà 91 tuổi. 11 giờ sau khi người ta thông báo bà qua đời, thì bà tỉnh dậy trong nhà xác bệnh viện và nói muốn nhấp nháp một ly trà cùng một chiếc bánh kếp. Chuyện nghe có vẻ khó tin nhưng bà Kolkiewicz chỉ là một trong rất nhiều người “sống lại từ cõi chết”.
Năm 2001, theo một báo cáo từ Hiệp hội Nghiên cứu Gây mê quốc tế, người đàn ông 66 tuổi bị ngừng tim khi đang phẫu thuật phình động mạch bụng. Sau 17 phút nỗ lực hồi sức, kết hợp hô hấp nhân tạo, khử rung tim và dùng thuốc, các dấu hiệu sinh tồn của người đàn ông này vẫn không quay lại. Ông được tuyên bố đã chết. Nhưng chỉ 10 phút sau đó, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật phát hiện mạch của ông đập trở lại. Ê-kíp tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật và kết quả thành công hơn mong đợi.
Năm 2014, tờ The Guardian đưa tin, một người đàn ông 78 tuổi đến từ Mississippi (Mỹ) tuyên bố đã chết sau khi y tá phát hiện mạch của ông không còn đập. Ngày hôm sau, ông tỉnh dậy trong chiếc túi đựng xác trong nhà xác.
Những câu chuyện này tưởng chừng như phân đoạn trong bộ phim kinh dị, nhưng trong thế giới thực, đây là một hiện tượng có thật và được gọi là: Hội chứng Lazarus.
Hội chứng Lazarus là gì?
Hội chứng Lazarus, hay hiện tượng Lazarus là sự phục hồi hệ tuần hoàn muộn tự phát (ROSC) sau khi ngừng hồi sức tích cực. Kể từ năm 1982, khi hiện tượng Lazarus lần đầu tiên được mô tả trong tài liệu y học, ít nhất 38 trường hợp được báo cáo (thống kê tính tới tháng 5 năm 2017).
Theo một báo cáo vào năm 2007 của nhà khoa học Vedamurthy Adhiyaman và các cộng sự, trong khoảng 82% trường hợp mắc hội chứng Lazarus được ghi nhận, ROSC xảy ra trong vòng 10 phút sau khi ngừng hô hấp nhân tạo và khoảng 45% bệnh nhân phục hồi thần kinh.
Vì sao có hiện tượng Lazarus?
Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng Lazarus vẫn chưa rõ ràng, một số giả thuyết được đưa ra. Vài nhà nghiên cứu cho rằng Lazarus có thể là sự tích tụ áp lực trong lồng ngực do hồi sức tích cực gây ra. Sau khi ngừng hô hấp nhân tạo, áp lực này được giải phóng dần và khiến tim hoạt động trở lại.
Một giả thuyết khác là tác dụng chậm của các loại thuốc được sử dụng trong hồi sức tích cực, chẳng hạn như adrenaline.
“Có thể thuốc được tiêm qua tĩnh mạch ngoại biên không được phân phối đến trung tâm do sự hồi lưu của tĩnh mạch bị suy yếu. Do đó, khi quá trình hồi lưu tĩnh mạch được cải thiện, thuốc có thể được đẩy đi và từ đó góp phần khôi phục tuần hoàn”, Adhiyaman và các đồng nghiệp giải thích.
Một nguyên nhân khác dẫn tới hiện tượng Lazarus là tăng kali máu. Khi kali trong máu tăng khiến ROSC chậm lại. Rất ít trường hợp mắc hội chứng Lazarus được báo cáo nên việc tìm ra cơ chế chính xác đằng sau tình trạng này là rất khó.
Chẩn đoán nhầm về cái chết
Năm 2014, một báo cáo nêu, người phụ nữ 80 tuổi bị “đông lạnh” trong nhà xác của bệnh viện sau khi được thông báo nhầm là tử vong. Cùng năm đó, một bệnh viện ở New York cũng là tâm điểm của dư luận khi tuyên bố nhầm một phụ nữ đã chết não sau khi dùng thuốc quá liều. Người phụ nữ này tỉnh dậy ngay sau khi được đưa đến phòng phẫu thuật để mổ hiến tạng.
Mặc dù vậy, hội chứng Lazarus hoặc việc tuyên bố nhầm một người còn sống đã tử vong là những điều cực kỳ hy hữu trong cuộc sống đời thực.
Tuệ An(Nguồn: News Today)