Giọt nước mắt trên những bức thư của ‘người cha’ gửi con đi du học
Số phận là một bộ phim mà ta không thể đoán trước diễn biến hay kết cục của nó…
Cách đây đã lâu rồi, ở một làng quê nhỏ tại Bắc Giang có một cặp vợ chồng nghèo. Cuộc sống chẳng dễ dàng gì nhưng họ vẫn cố gắng nuôi nấng đứa con trai bé bỏng. Khi đứa nhỏ lên 7 tuổi, người vợ vì mắc bệnh hiểm nghèo mà qua đời, để lại con thơ cho người chồng chăm sóc. Trước khi từ giã cõi đời bà đã dặn ông rằng: “Anh à, vợ chồng mình nghèo khổ là đủ lắm rồi, dù có khó khăn đến mấy anh cũng phải nuôi con học hành cho đến nơi đến chốn nha anh.” Nói rồi bà nhắm mắt ra đi…
Sống cảnh gà trống nuôi con, người chồng phải làm đủ thứ nghề, từ cửu vạn bốc vác cho đến phu hồ, miễn là có đủ tiền nuôi con khôn lớn. Chẳng mấy chốc con trai ông đã đến tuổi vào đại học, chi phí lúc này cao hơn bao giờ hết. Vì để có tiền lo cho con ăn học, ông đã theo chân một vài người bạn sang Malaysia làm việc trong các công trường xây dựng. Thời ấy, tại công trường Shah Alam cũng như các công trường khác trên khắp bang Selangor có khá nhiều lao động người Việt. Phần lớn trong số họ đều không có giấy tờ hợp pháp và vẫn thường phải sống chui lủi trong các căn nhà tạm bằng container để tránh đợt truy quét của cảnh sát. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì để có tiền gửi về quê nhà, họ vẫn mạo hiểm bán sức lao động mưu sinh.
Dẫu biết rằng tha phương nơi xứ người là cơ cực, nhưng vì con ông sẵn sàng chấp nhận. Trước khi lên đường ông dặn dò con trai rằng: “Con à, ở nhà một mình con ráng học hành chăm chỉ nghe con. Ngoài thành phố có nhiều cám dỗ, nhiều tệ nạn dễ làm người ta sa ngã, con phải cẩn thận nhé. Con phải nhớ mình là đấng nam nhi, dù gặp bất kể chuyện gì cũng cần phải mạnh mẽ kiên cường, không được gục ngã. Sang bên đó bố sẽ biên thư về cho con”. Hai cha con quyến luyến không nỡ rời xa, nước mắt người con bắt đầu lăn dài trên má. Nhưng vì “nam nhi không được khóc’’, người cha phải cố gắng nén lại cảm xúc của mình. “Không khóc, không được khóc, bố vào trong đó nhớ giữ gìn sức khỏe nha”. Người cha quay lưng bước đi nhưng nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt đầy chai sạn của ông.
Từ đó, tháng nào cũng vậy, anh con trai vẫn đều đặn nhận được tiền cùng với những lời động viên mà người cha viết cho mình:
“Con trai của bố, quê mình giờ này đã là mùa đông rồi nhỉ? Trời lạnh lắm đó, con nhớ mặc áo ấm vào nhé”…
“Con trai à, lại một cái tết nữa bố không được về nhà với con. Chắc con trai của bố đã cao lớn lắm rồi, không biết nếu gặp lại, bố có còn nhận ra con nữa không. Bố ở trong này vẫn khỏe, con đừng lo lắng cho bố nhé…”
“Con trai, giờ con đã là chàng sinh viên năm thứ hai rồi nhỉ. Bố thật tự hào về con. Bố vẫn thường kể chuyện con cho những người bạn ở đây nghe. Con hãy ráng học hành chăm chỉ, đừng buông lơi nghe con. Bố luôn tin tưởng ở con…”
Những lá thư thăm hỏi của cha luôn khiến anh cảm thấy ấm áp. Anh lại có thêm động lực, tự nhủ phải học tập thật tốt để mai này cha không còn vất vả vì anh.
Nhưng rồi những lá thư của cha cứ thưa dần, thưa dần, thậm chí đến chữ cha cũng khác, như thế ông đã già và yếu nên chữ cũng xiêu vẹo hơn xưa. Cho đến một ngày anh nhận được những dòng này, cũng là những dòng chữ cuối cùng…
“Con trai, có lẽ từ giờ bố sẽ không viết thư cho con thường xuyên như trước được. Nhưng đừng lo con nhé, bố chỉ hơi bận thôi. Bố luôn yêu và nghĩ về con”.
Cho đến khi anh tốt nghiệp và ra trường, thông tin về cha vẫn bặt vô âm tín. Ngay cả những người làng từng sang Malaysia làm việc cũng không có tin tức gì về cha anh. Anh đã tìm đủ mọi cách tìm cha, nhưng mọi hy vọng đều trở thành vô vọng.
Vài năm sau đó khi anh đã có chút thành công trong sự nghiệp, anh có dịp sang Malaysia và lần theo địa chỉ trên bức thư để tìm cha mình. Qua nhiều lần dò hỏi, cuối cùng anh cũng tìm được một người lao động từng làm việc cùng cha. Anh được người đó đưa đến một dãy nhà tạm ven công trường, nơi có một người đàn ông đã luống tuổi sinh sống.
Vừa nhìn thấy anh, người đàn ông đã biểu lộ vẻ xúc động. Có lẽ vì gương mặt của anh quá giống cha, hay cũng có thể ông đã từng được nhìn thấy ảnh của anh trong chiếc túi mà cha luôn mang theo bên mình. Với đôi bàn tay run run, ông dẫn anh đến một gò đất gần đó:
“Đây là nơi chôn tro cốt của cha cậu. Hơn mười năm trước tôi và ông ấy làm cùng công trường với nhau. Một ngày khi làm việc trên giàn giáo, ông ấy bị nạn rồi qua đời… Trước khi mất ông ấy cũng chẳng kịp dặn dò gì. Chủ công trình sợ bị truy tố vì nhận lao động bất hợp pháp nên đã vội vàng hỏa táng cha cậu. Cũng may tôi đã đứng ra lo liệu hậu sự và chôn hũ tro cốt dưới gò đất này.’’
Rồi ngưng một lát lau những giọt nước mắt, ông nói tiếp:
“Ông ấy luôn tự hào về cậu. Lúc nào ông ấy cũng nhắc đến cậu, còn nói rằng ông ấy hy vọng sẽ kiếm đủ tiền để lo hôn lễ cho cậu sau này…”
Quá xúc động, anh quỳ xuống ôm mặt khóc. Biết bao năm nỗ lực, biết bao năm đèn sách, biết bao năm phấn đấu để có ngày phụng dưỡng cha, giờ anh đã có trong tay tất cả, vậy mà cha lại không còn ở trên đời…
Rồi anh quay sang phía người đàn ông với ánh mắt thành kính. Anh hiểu rằng bao năm qua ông đã “đóng vai” cha để viết thư cho anh, khuyên nhủ và cổ vũ anh, nhờ đó anh mới có chỗ dựa tinh thần mà vững vàng bước tiếp đến ngày hôm nay. Anh nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của ông, ngỏ ý muốn mời ông cùng mình trở lại Việt Nam. Chắc chắn nơi suối vàng cha anh sẽ mỉm cười khi anh phụng dưỡng người đàn ông trước mặt này và thành kính gọi ông bằng một tiếng: “Cha!”
“Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ, gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn Cha.” Quả thật, công ơn cha mẹ bao la như biển rộng sông dài, dẫu có đi hết cuộc đời chúng ta cũng không thể hiểu thấu cho được.
Câu chuyện lẩn quất giữa hai hình bóng người cha, người cha thật và người cha ‘hờ’ lặng lẽ, nhưng không hiểu sao, người cha không sinh ra anh, không cùng máu mủ ruột già lại đọng lại nhiều dư âm xúc động đến thế. Cứ như thế ông chính là người cha đã mất, trong một hình hài khác, dẫu chung sự nghèo khổ, nỗi cơ cực và tấm lòng hi sinh vô bờ.
Cuộc đời đầy những ngả rẽ bất ngờ, định mệnh không báo trước, như để dạy ta cách trưởng thành qua những đớn đau, mất mát, để ta có thể đối diện với những gian khó trong cuộc đời, và vượt qua… Nhưng định mệnh không chỉ cho mỗi người mất mát, khổ đau, mà cả những điều tốt đẹp, những quý nhân trên đường đời, để ta thấm thía rằng, cuộc sống vốn công bằng, nếu ta đủ Thiện để đón nhận nó…
Chơi vơi giữa mất và được, cuộc đời vẫn phù du bất định như thế. Để rồi ta hiểu rằng, điều duy nhất còn lại và có ý nghĩa trong cuộc đời, là tình yêu thương ta có thể dành cho nhau, cho dù đó là hai người chưa bao giờ gặp mặt. Và điều quan trọng nhất trong cuộc đời, là tấm lòng nghĩ cho người khác ngay cả khi chẳng có gì ngoài sự nghèo đói, lam lũ. già nua như người cha ‘hờ’ âm thầm lặng lẽ trong câu chuyện.
Lòng thiện lương khiến ông nghĩ cho người đã ra đi và cả cho người ở lại… Trái tim ấm nồng trong cơ thể già nua ấy, nói với ta nhiều hơn bao giờ, rằng, tình yêu thương, lòng nhân hậu luôn ở đó, trong cuộc đời, mà không cần phải giàu có ta mới có được hay có thể trao đi…
Như câu chuyện ngắn về tình người, tình đời trên, có thể sưởi ấm chúng ta trong những ngày đông lạnh lẽo…