Hán Hiến Đế đã từng phải đi ăn xin, gần như chết đói, những ngày tháng đau khổ nhất của ông từ khi nào?
Lưu Hiệp, con trai thứ hai của Hán Linh Đế, là vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại lừng danh nhà Hán. Hán Hiến Đế lên ngôi khi nhà Hán đã suy yếu trầm trọng. Ông liên tiếp bị Đổng Trác, Lý Thôi, Quách Dĩ và Tào Tháo khống chế, dùng làm bù nhìn để thực thi quyền lực của bản thân họ.
Nếu muốn nói trong đời Hán Hiến Đế hận ai nhất?, không phải là Đổng Trác và Tào Tháo hay Tào Phi.
Nếu không có Đổng Trác, cũng không có chuyện Hán Hiến Đế lên ngôi, cho nên cảm giác của ông đối với Đổng Trác hẳn là rất phức tạp.
Tào Tháo cũng vậy, nếu không có Tào Tháo thì nhà Đông Hán đã không tồn tại thêm 20 năm. Và cuộc sống của Lưu Hiệp lúc trước khi gặp Tào Tháo không rõ sống chết ra sao.
Cho dù Hán Hiến Đế đã từng nghe theo Đổng Thừa, bày mưu giết Tào Tháo, nhưng cũng không thể nói rằng Hán Hiến Đế căm ghét Tào Tháo, bởi lẽ, mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của họ Tào, nhưng Tào Tháo vẫn đối xử rất tốt với Hán Hiến Đế, của ngon vật lạ Tào Tháo đều dâng lên vua, không để vua phải chịu khổ, không những vậy, Tào Tháo đã có công khôi phục và duy trì chế độ Đông Hán vững mạnh trong 20 năm.
Ít nhất, trong suốt cuộc đời ở bên cạnh Tào Tháo, Hán Hiến Đế vẫn có thể là Hán Hiến Đế.
Nhà Đông Hán chỉ tồn tại trên danh nghĩa sau khi Đổng Trác đưa quân vào Lạc Dương.
Bất luận là Đổng Trác hay là Tào Tháo, họ có chuyên quyền đến bao nhiêu cũng không làm ô nhục hoàng đế, vẫn đối đãi với Hiến Đế tử tế. Quan trọng nhất, tất cả họ đều công nhận Hán Hiến Đế là hoàng đế.
Không giống như Viên Thiệu, muốn thay thế Hán Hiến Đế bằng Lưu Ngu đang giữ chức U Châu mục, cũng không giống Viên Thuật, tự xưng mình là hoàng đế.
Sau cuộc ám sát Tào Tháo không thành của Đổng Thừa, Tào Tháo phế bỏ chính cung của Hán Hiến Đế, liên tiếp gả mấy con gái cho Lưu Hiệp, hai nhà họ Tào và họ Lưu trở thành thông gia (Ngụy Văn Đế Tào Phi cũng thu hai cô con gái của Hán Hiến Đế làm thiếp), phần nào khiến Hán Hiến Đế cảm thấy nhẹ nhõm.
Khi Hán Hiến Đế nắm dưới quyền Đổng Trác và Tào Tháo, mặc dù quyền hành bị người khác khống chế, hơn nữa ông biết Đông Hán sớm muộn gì cũng diệt vong, nên ông an phận và sống một cuộc đời bình an của 1 vị Hoàng đế trên danh nghĩa.
Nhưng trong cuộc đời của Hán Hiến Đế, ông đã trải qua những ngày khốn khổ và đáng sợ nhất khi bị bọn Lý Thôi và Quách Dĩ khống chế.
Tính từ năm Sơ Bình thứ ba (năm 192 sau Công nguyên) đến năm Kiến An đầu tiên (năm 196 sau Công nguyên) là gần bốn năm (ba năm bị giam cầm và một năm bị đày ải).
Vào thời điểm đó, ông bị các tướng của Đổng Trác là Lý Thôi và Quách Dĩ bắt làm con tin và phần lớn ông bị dưới sự kiểm soát của Lý Thôi.
Bốn năm này là những ngày tháng kinh hoàng của Hán Hiến Đế, lo sợ, đói rét, sự sống vô cùng mong manh, và ông gần như thậm chí không có thức ăn để ăn, huống hồ sự uy nghiêm của bậc hoàng đế.
Tệ hại hơn, Lý Thôi và những đồng bọn đã phá hủy nền tảng phục hưng của nhà Đông Hán, và họ đã mang đến tai họa cho toàn bộ Quan Trung.
Điều này làm cho triều đình trung ương của nhà Đông Hán mất đi vùng đất có thể kiểm soát cuối cùng, cũng như dân số và binh lính, buộc Hoàng đế phải chạy trốn khỏi các lãnh chúa.
Sau cái chết của Đổng Trác, Vương Doãn và Lữ Bố, các quan lại trong triều đã không đủ khả năng chống trọi lại sự nổi dậy điên loạn của bọn Lý Thôi, Quách Dĩ.
Theo ghi chép trong “Tam quốc chí”, sau khi những chiến binh Tây Lương này tiến vào Trường An, họ đã tàn sát cung thành: “Lý Thôi và những người khác đã cử quân tấn công Trường An, già trẻ lớn bé, giết hết“.
Sau đó, bọn họ lại tất công lẫn nhau, họ đã gây hại cho khu vực xung quanh kinh thành bị tàn phá nặng nè, hàng vạn người bị chết, quân phản loạn cướp bóc của dân, người đói, người chết, không đếm được.
Vào cuối thời Tam Quốc, khi nhà Thục Hán sụp đổ, dân số được báo cáo của cả nước chỉ là 940.000 người, chỉ trong hai năm bọn Lý Thôi và Quách Dĩ đã giết chết con số còn nhiều hơn cả Thục Hán.
Mặc dù khi đó, Hiến Đế đã 15 tuổi, ông đã muốn khôi phục lại triều đình, nhưng dân cư đã bị giết gần hết, ở lại Quan Trung không làm được gì, khu vực phía đông Quan Trung không còn thuộc về Đông Hán, ngoại trừ trên danh nghĩa.
Lý Thôi và đồng bọn đã xóa sạch hy vọng cuối cùng của Hán Hiến Đế.
Hơn nữa, Lý Thôi khác với Đổng Trác và Tào Tháo, ông ta không chỉ sử dụng Hiến Đế như một con bài thương lượng, còn đưa Hiến Đế sống trong hoàn cảnh khốc liệt.
Vào thời điểm đó, Hán Hiến Đế ra lệnh bán một số ngựa để lấy tiền, sau đó lấy trong kho ra một ít tơ lụa cấp thấp, chuẩn bị cấp cho cung nhân, quan lại và dân thường không có quần áo mặc.
Nhưng khi Lý Thôi biết chuyện, hắn ta đã giật lấy tất cả tài sản của vua. Lý Thôi còn cướp tất cả xe ngựa, quần áo và đồ đạc của hoàng đế, đồng thời điên loạn đốt phá cung điện.
Hành vi này của Lý Thôi khiến Lưu Hiệp không còn gì cả, ngoại trừ danh hiệu hoàng đế, ông không khác gì thường dân, không còn của cải, lương thực.
Sau đó, Hán Hiến Đế và các cận thần thân cận của ông bị Lý Thôi giám sát, không có thức ăn nên đã đến gặp Lý Thôi để xin gạo và xương bò.
Nhưng Lý Thôi không cho gạo mà chỉ cho họ xương bò thối để ăn.
Vào năm Hưng Bình thứ hai (năm 195 sau Công Nguyên), Hán Hiến Đế thoát khỏi sự kiểm soát của Lý Thôi, dưới sự bảo vệ của Dương Phụng, Hàn Xiêm và Đổng Thừa ông đã chạy trốn về phía đông. Sau khi trải qua gian khổ, ông trốn đến Lạc Dương.
Hoàng đế vượt sông lên phía bắc, thất lạc hành lý, đi bộ chỉ có hoàng hậu và quý phi theo sau, đến Đại Dương thì dừng lại … Đó là năm châu chấu nổi lên, không có ngũ cốc, các quan ăn rau dại để sống qua ngày. Các tướng không kiềm chế được nhau vô cùng hỗn loạn, lương thực cạn kiệt.
Nhưng vào thời điểm này, Lạc Dương cũng đổ nát như Trường An, không có dân cư, không có lương thực và không có chư hầu nào muốn đến tiếp giá Hoàng đế.
Các quan theo Hán Hiến Đế đến Lạc Dương phải lên núi đốn củi để sinh tồn, nhiều người trong số họ đã chết đói. Nếu Tào Tháo không đến cứu giá kịp thời, không chừng Hán Hiến Đế không thể cầm cự được.
Vào năm Kiến An đầu tiên, Hán Hiến Đế được Tào Tháo đưa về Hứa Đô, sau đó mặc dù không còn quyền lực nhưng điều kiện sống được bảo toàn.
Vào năm Kiến An thứ ba (198 sau Công nguyên), Lý Thôi bị đánh bại và bị giết, đầu của hắn đem đến Hứa Đô, Hán Hiến Đế cuối cùng cũng có cơ hội trút giận.
Lúc này, mối quan hệ giữa Tào Tháo và Hán Hiến Đế rất tốt, Tào Tháo cũng đến chung vui với Hoàng đế, ra lệnh treo đầu Lý Thôi lên cao để Hoàng đế trút giận.
Sau này, dù Lưu Hiệp có bị Tào Phi ép nhường ngôi, thì ông cũng không hề căm ghét họ Tào như bọn Lý Thôi. Bởi vì sau khi Tào Phi lên ngôi, cũng không giết ông, mà cho ông làm Sơn Dương hầu được hưởng lộc 1 vạn hộ.
Năm 234, Lưu Hiệp qua đời tại nước Sơn Dương, thọ 53 tuổi, làm Sơn Dương công được 14 năm. Ông sinh cùng năm và cũng mất cùng năm với thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán đương thời.
Sau khi mất, ông được Ngụy Minh Đế Tào Duệ (con Tào Phi) đặt thụy hiệu là Hiếu Hiến hoàng đế, được dùng nghi lễ thiên tử để an táng.
Theo ý kiến tổng kết của các sử gia, trường hợp nhường ngôi xong và được may mắn sống trọn vẹn yên ổn tới hết đời như Hán Hiến Đế không có nhiều trong lịch sử Trung Quốc. Phần nhiều các vua bị cướp ngôi đều bị vua mới giết chết. Vì vậy, cuộc nhường ngôi Hán-Ngụy được xem là hiếm có trong lịch sử.
Con cháu Lưu Hiệp tiếp tục nối ngôi ông ở nước Sơn Dương trong nhiều năm. Tới khi nhà Tào Ngụy mất về tay nhà Tấn (265), họ Lưu vẫn tiếp tục cai trị Sơn Dương.
Nguyệt Hòa
Theo Qulishi