Truyền thuyết Hằng Nga bay lên cung trăng thực ra là một câu chuyện tu luyện Đạo gia. Tuy nhiên nguyên nhân thực sự khiến Hằng bay lên cung Trăng là gì? Sự thật đằng sau vấn đề này là một câu chuyện ẩn chứa nhiều thiên cơ.
Hằng Nga và Đại Nghệ (Không phải là Hậu Nghệ nhà Hạ) là người thời Nghiêu đế. Họ là một đôi vợ chồng rất lương thiện, thường giúp đỡ người dân làm rất nhiều việc. Một hôm, trên Trời đột nhiên xuất hiện mười Mặt trời. Mặt đất ngay lập tức nóng như thiêu đốt, sông hồ cũng bị hút cạn. Quái thú, yêu ma quỷ quái trong núi dưới sông đều đổ ra hại người.
Đại Nghệ nhìn thấy bách tính phải chịu đựng nỗi thống khổ lớn như vậy, thì không đành lòng. Nếu Mặt trời tiếp tục thiêu đốt, mọi người sẽ chết đói, chết khát. Chàng bèn quyết định dốc sức giúp đỡ mọi người.
Vậy nên chàng cáo biệt ái thê Hằng Nga, vượt đèo lội suối tìm kiếm Thần Tiên, cầu xin cung thần và nỏ thần. Chàng leo qua chín chín 81 ngọn núi cao, lội qua chín chín 81 con sông rộng, lại vượt qua chín chín 81 thung lũng sâu.
Sau khi trải qua muôn đắng nghìn cay, cuối cùng chàng cũng đã tìm được Thần Tiên trong núi Tiên. Đại Nghệ quỳ xuống tiếp nhận cung thần màu đỏ, cùng một mũi tên bạc màu trắng mà vị Thần Tiên ban cho chàng.
Sau khi quỳ lạy bái biệt Thần Tiên, Đại Nghệ mang cung Thần nỏ Thần, leo lên đỉnh núi Côn Lôn. Chàng dùng Thần lực, kéo căng cung Thần, từng nhát một, lần lượt bắn hạ chín Mặt trời.
Từ đó, mặt đất lại trở lại là một vùng phồn vinh, thịnh vượng, núi rừng xanh tươi trở lại, mùa màng, thóc lúa lại trĩu hạt bội thu. Người dân trở lại cuộc sống hạnh phúc vui vẻ như ngày nào.
Nguyên nhân cuối cùng khiến Hằng Nga bay lên cung trăng
Đại Nghệ không màng tới an nguy của bản thân và gia đình, trải qua trăm đắng ngàn cay, cuối cùng cũng cứu vớt được muôn dân, lập được công lớn ngút Trời. Do vậy Vương Mẫu Nương Nương tại Tây Sơn đã tặng cho chàng một bình thuốc trường sinh bất lão.
Đại Nghệ trở về nhà, vô cùng mừng rỡ khi gặp lại người vợ lâu ngày không gặp, và thao thao bất tuyệt kể cho nàng nghe những trải nghiệm thập tử nhất sinh mà chàng đã trải qua, và kể với nàng chuyện Vương Mẫu Nương Nương tặng thuốc trường sinh bất lão.
“Như vậy vợ chồng mình có thể đời đời chung sống bên nhau, ân ái dài lâu.” Đại Nghệ vui vẻ nói với vợ. Hằng Nga im lặng, chỉ mỉm cười nhìn người chồng đã lâu không gặp, cảm thấy chồng mình đã khác trước nhiều.
“Nàng mau uống một nửa bầu rượu quý này, rồi chừa lại một nửa cho ta.” Đại Nghệ giục vợ.
Hằng Nga mở nắp bầu rượu, uống một nửa. Uống xong, nàng có một cảm giác rất kỳ lạ, thân thể vô cùng khó chịu. Khi đưa rượu cho Đại Nghệ, do bất cẩn, nàng đã lỡ tay đánh đổ bầu rượu!
Đại Nghệ thấy thuốc trường sinh bất lão đổ trên mặt đất, đùng đùng nổi giận, quay người bỏ đi săn. Nhưng, tới khi về đến nhà, chàng tìm Hằng Nga khắp nơi cũng không thấy bóng nàng. Đại Nghệ ra ngoài tìm mãi cho tới khi trời tối dần. Khi đang ngồi nghỉ dưới gốc cây Nguyệt Quế, ngước đầu nhìn lên, Đại Nghệ đột nhiên nhìn thấy Hằng Nga vợ mình đang từ từ bay lên không trung, bay thẳng lên vầng trăng vừa to vừa sáng.
Đại Nghệ đuổi theo Hằng Nga, nhưng Hằng Nga càng bay càng xa, càng bay càng cao, nàng bay thẳng tới cung trăng. Đại Nghệ hối hận đã muộn. Bản thân trải qua thập tử nhất sinh, chẳng dễ dàng gì mới lập được công lao, trở về đoàn tụ cùng ái thê, đắc được thuốc trường sinh bất tử quý báu, nhưng đổi lại không phải là nghìn đời ân ái, mà là sinh ly tử biệt.
Điều này khiến con người không khỏi cảm khái: Đắc được thuốc trường sinh, ruốt cuộc là phúc hay là họa?
Nhưng, số phận của con người là do Trời an bài. Tây Sơn Nương Nương tặng cho Đại Nghệ bầu rượu bất tử này cũng là làm theo Thiên ý mà thôi.
Đại Nghệ đánh mất tiêu chuẩn làm Thần
Hằng Nga vốn là tiên nữ trên Trời. Trên Thiên thượng, nàng nhìn xuống thấy xạ thủ kỳ tài Đại Nghệ, thì sinh lòng ái mộ. Bởi động tâm phàm, nên bị đày xuống nhân gian chịu khổ. Nàng và Đại Nghệ trở thành vợ chồng, thứ nhất là để hóa giải đoạn tình duyên này, thứ hai là muốn giúp Đại Nghệ hoàn thành đại nghiệp cứu thế độ nhân. Sau khi dứt bỏ tình duyên chốn phàm trần thì hai người đều được trở về Thiên thượng.
Nhưng, câu chuyện mà Thiên thượng đã an bài, cũng vì lòng người đổi thay mà có đôi chút thay đổi. Hằng Nga lỡ tay đánh đổ rượu tiên không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Trong thời gian Đại Nghệ rời khỏi nhà, mặc dù phải chịu đựng nỗi thống khổ cô quạnh, nàng cũng không chút oán hận, ngược lại vẫn nỗ lực giúp đỡ người dân trong thôn, cùng sinh tồn trong cái nóng oi bức của mười Mặt trời. Trong thời gian này, nàng đã chịu mọi nỗi khổ đau, tội nghiệp do động tâm phàm trên Thiên thượng toàn bộ đều được gột sạch.
Còn Đại Nghệ, vốn là Thiên thượng phái xuống nhân gian, để cứu vớt thương sinh trong đại kiếp nạn, nên đã sớm chuẩn bị cho chàng năng lực và Thần lực của một xạ thủ kỳ tài. Chàng quả thực cũng vì cứu vớt bách tính, đã không từ gian khổ, không màng tới sinh tử mà tìm kiếm cung thần, nỏ thần, tiếp đó dùng Thần lực bắn hạ chín Mặt trời. Chuyện công đức vô lượng như thế này, cũng đủ để trở về cội Tiên của mình, do vậy Vương Mẫu Nương Nương mới tặng cho chàng thuốc bất tử.
Nhưng khi Đại Nghệ trở về quê cũ, trên khắp hành trình đều được người dân vô cùng yêu mến và kính ngưỡng. Mọi người không chỉ coi chàng như ân nhân cứu mạng, mà quả thực sùng bái chàng như một vị Thần. Đại Nghệ trở nên kiêu ngạo một cách vô thức, chàng không biết rằng bản thân vốn mang theo sứ mệnh, vỗn dĩ là phải hoàn thành. Những ma nạn Đại Nghệ phải trải qua, chỉ là một vài khảo nghiệm chuẩn bị cho chàng về Trời. Nhưng chàng lại quy tất cả công lao về bản thân mình, cho rằng mình giỏi giang.
Thiên đế nhìn thấy chàng có cái tâm này, thì thở dài mà rằng: “Quá coi trọng những thứ tại nhân gian, dẫu cố gượng ép mà quay trở lại Thiên đình, thì cũng rớt xuống dưới bởi gánh nặng quá lớn.”
Vậy nên, cuối cùng chỉ có Hằng Nga là đã trả hết nợ nghiệp, đạt tiêu chuẩn của Thần nên có thể trở về Trời. Còn Đại Nghệ, mặc dù đã lập được đại công hoàn thành thệ ước đã định; nhưng đến cuối cùng vẫn còn ôm giữ tâm người thường, không đạt tiêu chuẩn trên thiên giới, nên vẫn tiếp tục sống nốt cuộc đời sinh lão bệnh tử tại nhân gian.
Trích từ “Duy Đức Song Nguyệt San”
Nguồn: minghui