Hoạn quan quyền lực hơn Ngụy Trung Hiền, đã giết 2 vua, 1 phi tần, 4 tể tướng, nhưng vẫn được chết một cách an lành
Nhắc đến những hoạn quan gây rối loạn Triều Cương, nổi tiếng nhất phải kể đến Ngụy Trung Hiền. Tuy nhiên, cuối cùng hắn cũng phải treo cổ tự tử, dẫu đã chết còn bị phân xác rất bi thảm. Nhưng vào thời nhà Đường, có một hoạn quan quyền lực còn lớn hơn cả họ Ngụy. Có thể nói hắn là tên thái giám đầu tiên trong lịch sử, quyền lực đến mức biến cả hoàng đế trở thành con rối. Hơn ở một điểm nữa là hắn vẫn được chết một cách an lành.
Sau khi giành được quyền lực, gã hoạn quan này đã giết hai vị vua, một phi tần, bốn tể tướng và tự lập nên tân đế. Hắn thực hiện kế hoạch thâu tóm quyền lực một cách lão luyện và vẫn có thể sống đến lúc cáo lão hồi hương. Có thể nói rằng, gã “người hầu đặc biệt” này đã tận hưởng tất cả vinh hoa phú quý và được chết một cái chết an lành. Hắn tên là Cừu Sĩ Lương.
Cừu Sĩ Lương nhập cung lấy niềm tin của hoàng đế
Cừu Sĩ Lương sinh ra trong một gia đình truyền thống làm hoạn quan. Tằng tổ Cừu Thượng Khách và tổ phụ Cừu Phụng Thuyên đều là hoạn quan, phụ thân Cừu Văn Thạnh của hắn khi còn sống không có chức quan chính thức nào. Nhưng sau khi qua đời, cũng được truy phong Tả giám môn vệ tướng quân.
Cừu Sĩ Lương nhập cung năm 16 tuổi. Ban đầu ông tịnh thân để hầu hạ Thái tử Lý Thuần ở Đông Cung. Sau đó được đề bạt làm nội thị. Ở Đông Cung chín năm, ông dần có được sự tin tưởng của thái tử.
Đến năm 805, Lý Thuần đăng cơ, lấy hiệu là Hoàng đế Đường Hiến Tông, và Cừu Sĩ Lương được phong làm nội cấp sự. Trong những năm cuối đời, Đường Hiến Tông bị ám ảnh bởi các phương sĩ (người tu luyện phép tiên và nghiên cứu thuật bói toán, trừ tà ma) và khao khát được trường sinh bất tử. Sau khi uống đan dược, tinh thần hoàng đế thay đổi nên đã nộ sát nhiều hoạn quan. Kết quả là tất cả các hoạn quan đều gặp nguy hiểm.
Vào năm 829, Trần Hoằng Chí và Vương Thủ Trừng là các hoạn quan nội thường thị, đã âm mưu đầu độc chết hoàng đế để tránh hậu họa. Sau cái chết của Đường Hiến Tông, Đường Văn Tông kế vị ngai vàng và rất bất mãn với các hoạn quan do Vương Thủ Trừng đứng đầu.
Vào năm 835, Cừu Sĩ Lương lúc này đã hầu hạ Hoàng đế Đường Văn Tông được tám năm, do kinh nghiệm nhiều năm của mình mà đã khiến hoàng đế tin tưởng. Để loại bỏ hoạn quan Vương Thủ Trừng và bè cánh của ông ta, Đường Văn Tông quyết định trọng dụng Cừu Sĩ Lương.
Quả nhiên, dưới sự giúp đỡ của Cừu Sĩ Lương, Vương Thủ Trừng nhanh chóng bị chém đầu. Hoạn quan Cừu Sĩ Lương bắt đầu có quyền có thế, hắn trở nên kiêu ngạo và độc đoán. Cừu Sĩ Lương nhận những khoản hối lộ khổng lồ và xây dựng những dinh thự xa hoa. Thậm chí, hắn còn ngang nhiên loại trừ sủng phi của Đường Văn Tông khiến hoàng đế vô cùng tức giận. Vì vậy Đường Văn Tông quyết định loại bỏ tai họa này.
Hoàng đế nhận ra vấn đề, lên kế hoạch hạ Cừu Sĩ Lương
Tại đám tang của Vương Thủ Trừng, các hoạn quan quyền lực sẽ đến tế bái. Đường Văn Tông vốn muốn cử người mai phục giết chết những người này trong tang lễ. Kế hoạch đã được thống nhất, nhưng Tể tướng Lý Huấn tạm thời muốn thay đổi kế hoạch.
Vào mùa đông năm 835, Tả Kim Ngô Đại tướng quân Hàn Ước nói rằng, trong sân nhà ông có vài cây lựu, vào mùa đông, cam lộ thực sự mọc trên cây. Đây là một điềm lành nên đã mời Hoàng đế Đường Văn Tông đến chứng kiến.
Đường Văn Tông dẫn theo một số đại thần đến đó. Sau khi đến nơi, Lý Huấn bố trí để hoàng đế vào sau. Với lý do là nên để người khác vào xác nhận trước, kẻo hoàng đế hoan hỷ quá mức. Đường Văn Tông đồng ý, Lý Huấn đã mời hoạn quan Cừu Sĩ Lương vào trước.
Trên đường đi, Cừu Sĩ Lương thấy thần sắc Hàn Ước không ổn nên bất giác lo sợ. Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng Hàn Ước lại đổ mồ hôi đầm đìa, khiến Cừu Sĩ Lương nghi ngờ. Sau khi quan sát kỹ, hắn ta phát hiện ra dấu vết của phục kích. Vì vậy, Cừu Sĩ Lương ngay lập tức quay trở lại và bắt Đường văn Tông làm con tin.
Quân Hàn Ước đã giết chết nhiều hoạn quan, nhưng không ngăn được Cừu Sĩ Lương đưa hoàng đế trở lại nội điện.
Sau khi giải quyết xong mối nguy, Cừu Sĩ Lương lập tức phái quân Thần Sách phản công. Hơn 1000 người tham gia triệt hạ Cừu Sĩ Lương đã bị thảm sát (trong đó có 4 thừa tướng gồm Lý Tấn, Vương Nhai, Giả Tốc, Thư Nguyên Dư). Quyền lực của Đường Văn Tông hoàn toàn bị sụp đổ. Sự kiện này được gọi là “Cam Lộ chi biến” trong lịch sử.
Kế hoạch loại bỏ hoạn quan thất bại
Sau đó, Cừu Sĩ Lương trực tiếp cướp đại quyền. Cả triều đình và phe đối lập với hắn đều bất lực. Bá tánh bàn tán rằng, hoàng đế chỉ là bù nhìn, hoạn quan mới là thế lực đưa ra quyết định cuối cùng trong việc triều chính.
Đường Văn Tông từng cố gắng liên hợp các quan đại thần. Nhưng tai mắt của Cừu Sĩ Lương ở khắp mọi nơi. Và hắn ta sớm biết rằng mình phải truy lùng và giết chết hết đối thủ. Các quan đại thần không còn dám phạm sai lầm một lần nào nữa, mà chỉ có thể kìm nén cơn giận trong nước mắt.
Sau vụ này, Đường Văn Tông bị trầm cảm nặng thêm trước cả cái chết của con trai. Rồi hoàng đế đổ bệnh mà băng hà tại Đại Minh cung trong Thái Hòa điện vào năm 840 ở tuổi 30.
Chiếu theo lệ, Thái tử Lý Thành Mỹ sẽ kế vị ngai vàng. Tuy nhiên Cừu Sĩ Lương đã thay đổi chiếu chỉ và lập em trai của tiên hoàng là Lý Viên lên ngôi, lấy hiệu là Đường Vũ Tông.
Để giành lấy công lao, hắn đã thuyết phục tân đế giết Trần vương, An vương và Dương Hiền phi của Đường Văn Tông. Sau khi Đường Vũ Tông lên ngôi, quyền lực của Cừu Sĩ Lương đạt đến đỉnh cao, ông chuyển thành Phiêu Kỵ Đại Tướng quân và được phong tước Sở quốc công.
Bởi vì Hoàng đế Đường Vũ Tông do Cừu Sĩ Lương lập lên nên hắn càng trở nên độc quyền hung hãn. Cừu Sĩ Lương thường xuyên chỉ tay vào hoàng đế trong triều. Tất cả những người được hoàng đế sủng ái, dù là nhạc công hay hoạn quan, đều bị giết hoặc giáng chức.
Đường Vũ Tông kiên quyết không thể kìm nén cảm xúc của mình. Ông thật sự tỏ ra không hài lòng, nhưng vẫn tôn trọng và ưu ái Cừu Sĩ Lương. Về sau, Đường Vũ Tông trọng dụng Lý Đức Dụ làm tướng để loại trừ Cừu Sĩ Lương.
Vào năm 841, Cừu Sĩ Lương đã 60 tuổi nhưng vẫn muốn nắm quyền, thế nhưng Đường Vũ Tông không còn nghe lời hắn ta nữa.
Đến năm 843, lúc này Cừu Sĩ Lương muốn từ chức và tìm kiếm một cái chết an lành. Hoàng đế Đường Vũ Tông nghĩ đến công lao của hắn đối với mình nên đã không truy cứu những chuyện đã qua.
Trước khi cáo lão hồi hương vẫn gieo rắc tai họa
Cừu Sĩ Lương đã được hưởng tuổi già và chết một cách khá thanh thản ở tuổi 62. Sau khi hắn qua đời còn được Hoàng đế Đường Vũ Tông truy tặng tước hiệu Đại đô đốc Dương Châu.
Gã hoạn quan này chắc chắn là ánh sáng chỉ đường thăng quan tiến chức cho các hoạn quan có cùng chí hướng khác. Cừu Sĩ Lương tương đối thành công với tư cách là một thái giám. Khi hắn cáo lão hồi hương, nhiều hoạn quan trong cung đã đến từ biệt và hắn đã tận dụng cơ hội này để truyền thụ cho bọn họ kinh nghiệm của mình.
Cừu Sĩ Lương dặn dò các hoạn quan theo phe của hắn rằng, không bao giờ để hoàng đế nhàn rỗi. Đồng thời tìm mọi cách khiến hoàng đế trầm mê hưởng lạc, không có thời gian quản đến những việc khác. Chỉ có cách này chúng mới có thể thành công.
Không được để hoàng đế đọc sách, cũng không cho các học giả đến gần hoàng đế. Nếu không sẽ khơi dậy mong muốn trị quốc của hoàng đế. Hoàng đế cũng sẽ tránh xa các hoạn quan nếu biết nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của triều đại trước.
Cừu Sĩ Lương chắc chắn đã nắm bắt được bản chất hoạn quan và đưa ngành công nghiệp bị người đời coi rẻ này đi đến cùng cực. Đây có lẽ là điều mà ngay cả Triệu Cao và Ngụy Trung Hiền cũng khó có thể sánh bằng.
Từ câu chuyện “thành công” của Cừu Sĩ Lương, chúng ta cũng nhận thấy rằng, hoàng đế dẫu là người có quyền lực tối cao, nhưng nếu không biết lựa chọn tôi hiền kề cận, cũng sẽ bị chính sự sủng ái của mình hại mình. Kẻ xu nịnh thường có ý đồ xấu, kẻ dung túng cho hoàng đế ăn chơi ắt chẳng có lòng nhân. Trọng dụng kẻ ác như nuôi ong tay áo, để kẻ ác nắm quyền như thả hổ về rừng. Phải mang ơn kẻ ác như Đường Vũ Tông rồi sẽ không thể loại bỏ triệt để mầm mống tai họa.
Nguồn: Soundofhope (Lý Tĩnh Nhu).
Minh Nguyệt biên dịch.