Hoàng đế Đường Huyền Tông: “Đời người phúc lộc có hạn, nên phải trân trọng”
Đường Huyền Tông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử triều đại nhà Đường. Trong giai đoạn đầu, ông cống hiến hết mình để cải thiện và quản lí đất nước, đưa nhà Đường đạt đến đỉnh cao về sức mạnh quốc gia. Bài thơ “Ức tích” của Đỗ Phủ không chỉ đơn thuần là mô tả nghệ thuật thịnh vượng thời Đại Đường, mà còn là bức chân dung chân thực của bối cảnh thời đó.
Hán Việt:
“Ức tích khai nguyên toàn thịnh nhật,
Tiểu ấp do tàng vạn gia thất.
Đạo mễ lưu chi túc mễ bạch,
Công tư thảng lẫm câu phong thực.
Cửu châu đạo lộ vô sài hổ,
Viễn hành bất lao cát nhật xuất.
Tề hoàn lỗ cảo xa ban ban,
Nam canh nữ tang bất tương thất.
Cung trung thánh nhân tấu vân môn,
Thiên hạ bằng hữu giai giao tất.
Bách dư niên gian vị tai biến,
Thúc tôn lễ nhạc tiêu hà luật.”
Dịch nghĩa:
“Nhớ xưa đời Khai Nguyên là lúc toàn thịnh,
Ấp nhỏ nhất cũng có đến cả vạn hộ sinh sống.
Gạo nếp tròn vo, gạo tẻ trắng bóc,
Kho công lẫn kho tư hàng hoá chứa đầy ăm ắp.
Đường đi trong chín châu không có thú dữ chặn đường,
Vào ngày lành đi xa không hề thấy mệt.
Lụa vùng Tề, tơ vùng Lỗ xe chở đầy,
Trai cày ruộng, gái ươm tơ không hề trễ nải.
Nơi kinh đô, vua đối xử nhân từ,
Ngoài dân gian dân có tình liên kết.
Hơn trăm năm nay rồi không hề có tai biến nào,
Được thế là nhờ phép tế lễ do Thúc Tôn Thông đặt ra, luật lệ trị an do Tiêu Hà quy định.”
Hoàng đế Đường Huyền Tông đã tạo ra một thời kỳ thịnh vượng, vậy cuộc sống hàng ngày của ông ra sao? Người ta thường nói rằng “phụ từ, tử hiếu”. Vậy, vị Hoàng đế Đường Huyền Tông và Thái tử Đường Túc Tông đã hòa thuận với nhau như thế nào?
Sách “Đường Ngữ Lâm” ghi lại một sự kiện như sau: khi còn là Thái tử, Đường Túc Tông cùng Hoàng đế Đường Huyền Tông dùng bữa. Trên bàn tiệc có một miếng thịt cừu, Đường Huyền Tông muốn ăn nên quay sang Túc Tông và ra hiệu cho anh, Túc Tông nhận lệnh và dùng dao cắt nó. Do trên lưỡi dao còn vương mỡ thịt, Túc Tông lấy một miếng bánh để lau sạch. Đường Huyền Tông cảm thấy việc dùng bánh để lau dao quá lãng phí và tiếc nuối miếng bánh đó. Vì thế, ông nhìn chằm chằm Túc Tông, hiện ra vẻ không vui. Tuy nhiên, Túc Tông bình tĩnh nâng miếng bánh đó lên, đưa vào miệng và ăn. Đường Huyền Tông lúc này mới vui mừng, sau đó nói với Túc Tông: “Đời người phúc lộc có hạn, nên phải trân trọng như thế.”
Câu chuyện này được Trương Cư Chính – Minh đế Trung quốc đời Vạn Lịch sưu tập và sử dụng trong sách giáo dục của ông, mang tên “Đế giám đồ thuyết”:
“Nói chung, từ hoàng đế cho đến thường dân, dù phúc lộc có lớn hay nhỏ, đều nên tiết kiệm và trân trọng, chỉ như vậy mới có thể trường tồn. Nếu tùy tiện lãng phí, phúc phận sẽ bị tiêu hao. Cũng giống như một cái giếng, nếu chậm rãi mà uống thì sẽ có nguồn nước vô tận, không bao giờ cạn; nhưng nếu lấy nước một cách vội vàng, nước sẽ cạn kiệt chỉ trong một phút chốc.
Vì thế từ xưa đến này, những bậc hiền nhân vinh hiển cửu trùng, phú quý tứ hải vẫn thường mặc quần áo nhiều lần, không ăn đồ ngon quý hiếm, giảm thiểu phí tổn triều đình, yêu dân như con, đắc được thọ mệnh và quốc gia trường tồn.
Như Tề hoàng hậu và Tùy Dương Đế, cố gắng chiếm đoạt tài sản của dân, thậm chí muốn hút hết máu của dân để thỏa mãn dục vọng ngông cuồng, ngay cả như vậy còn thấy không đủ. Một khi phúc lộc cạn kiệt, “thân táng quốc vong”, há không buồn sao? Đường Huyền Tông cả đời tích phúc, quả là gương sáng cho các thế hệ mai sau.”
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Tịnh Âm)