Học tập quý ở sự kiên trì

rosy

Người xưa học tập trước sau đều xem tính thực dụng là chủ yếu, trọng thực tiễn, coi trọng sự liên tục không biết mệt mỏi, học quý ở chỗ bền chí, kỵ nhất là bữa đực bữa cái. Cũng chính là tự mình cần phải siêng năng, không được chây lười, có công tự nhiên thành, cái gọi là “sách đọc được trăm lần, ý nghĩa tự nhiên hiển lộ thấy rõ”. Dưới đây là đôi câu chuyện cổ về việc người xưa khuyến học như thế nào.

Nhà thơ lớn Đào Uyên Minh thời Đông Tấn có tiết tháo cao thượng, học thức cao rộng. Có một cậu thiếu niên thỉnh giáo ông rằng: “Con hết sức kính nể học thức của tiên sinh, muốn thỉnh giáo Ngài bí quyết đọc sách”.

123123

Đào Uyên Minh nói: “Học tập nào có bí quyết gì? Chăm học thì tiến bộ, ngừng học thì sa sút thôi”.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Ông kéo thiếu niên tới chỗ ruộng lúa, trỏ vào rễ và mầm lúa, nói: “Con nhìn kỹ xem nó có cao lớn không?”.

Cậu thiếu niên nhìn kỹ một lúc lâu, rồi nói: “Dạ không thấy cao ạ”.

Đào Uyên Minh lại hỏi: “Thật sự không thấy cao ư? Như thế, cây mạ giống tí xíu này làm sao cao lớn như thế được vậy?”. Ông thấy thiếu niên cúi đầu không nói, bèn hướng dẫn từng bước, nói: “Thực ra nó mỗi thời khắc đều đang lớn lên đó! Nhưng mắt thường chúng ta không nhìn được rõ. Đọc sách học tập cũng cùng một lý như thế, học thức là từ từ tích lũy lại, có khi ngay bản thân cũng không dễ phát hiện ra đâu, chỉ cần chăm học không ngừng nghỉ, thì có ngày tài giỏi”.

Tiếp đó, Đào Uyên Minh lại chỉ vào một khối đá mài bên bờ suối, hỏi cậu thiếu niên: “Bề mặt tảng đá mài kia vì sao mà lõm như cái yên ngựa thế?”.

Thiếu niên thuận miệng đáp: “Đó là vì bị mài mòn thành như thế“.

Đào Uyên Minh nói: “Đó là vì các bác nông dân hàng ngày mài dao, mài cuốc, dần dần mới thành ra vậy. Học tập cũng như thế, nếu không kiên trì đọc sách, mỗi ngày đều sẽ tổn thất đó”.

Thiếu niên bỗng tỉnh ngộ, bái tạ Đào Uyên Minh. Đào Uyên Minh viết cho cậu một câu đối như sau: “Cần học như xuân khởi chi miêu, bất kiến kỳ tăng, nhật hữu sở trường; xuyết học như ma đao chi thạch, bất kiến kỳ tổn, nhật hữu sở khuy.” (Tạm dịch: Cần cù học tập giống như mầm cây mùa xuân, không thấy nó tăng trưởng, nhưng hàng ngày nó đều có lớn lên. Bỏ học giống như tảng đá mài dao, không thấy tổn thất gì, nhưng hàng ngày nó đều bị khuyết đi)

Cố Dã Vương của Nam triều (thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc) là nhà sử học nổi tiếng, tài cao học rộng, có rất nhiều người mến mộ danh ông đến xin được học hỏi. Một lần, Hầu Huyền, con trai một người bạn của ông, thỉnh giáo ông rằng: “Ngài đọc nhiều sách kinh sử, cháu muốn hỏi trong học tập Ngài có bí quyết nào hay không?”.

Cố Dã Vương trầm ngâm một lúc, chỉ một cây bạch quả cành lá xanh tươi ở bên cạnh, nói: “Cháu đã muốn học bí quyết, đầu tiên hãy xem cây này”.

Hầu Huyền xem kỹ từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên, xem liền 3 lần, không thấy có gì lạ cả, bèn hỏi: “Học trò ngu muội, xin tiên sinh chỉ bảo thêm”.

Cố Dã Vương nói: “Bộ rễ phát triển, tàng cây mới to lớn mạnh mẽ được. Thân vững chắc, mới cành lá sum xuê được. Cũng cùng một lý ấy, học tập cần cù mới có thể vững bước tiến bộ. Chí hướng cao quý, lòng tin kiên định, mới có thể có tương lai sáng lạn. Lấy cây làm ví dụ, cây muốn lớn, mỗi tuổi thêm một vòng tuổi, từng tuổi từng tuổi lớn dần lên. Người ta muốn tiến bộ vững chắc, mỗi bước chân là một dấu chân, từng bước tiến về phía trước. Nếu như có bí quyết, thì đó chính là bí quyết”. Hầu Huyền lắng nghe từng lời nói của Cố Dã Vương, hiểu ra được ý tứ trong đó.

Từ đó về sau Hầu Huyền tĩnh tâm học tập, tiến bộ rất nhanh, thành tựu càng ngày càng tăng. Các bạn hỏi anh: “Những sách này bạn đã thuộc làu làu rồi, sao vẫn còn đọc lại mãi vậy?”. Hầu Huyền đáp: “Học tập không thể đi đường tắt, nhất định phải mỗi bước đi để lại mỗi dấu chân. Mình chưa hiểu được hoặc chưa làm được rất nhiều đạo lý trong sách, tất nhiên cần phải ôn cái cũ để hiểu cái mới”.

Cố Dã Vương cũng từng dạy các con như thế này: “Cây nhỏ hướng theo ánh mặt trời, là để trở thành rường cột. Con người theo đuổi lý tưởng, là để trở thành người có ích cho nước cho dân. Người ta quý ở chỗ có chí, sự học quý ở chỗ kiên trì, bất kỳ lúc nào cũng đều không được buông lơi”.

anh viber 2021 12 02 14 27 58 249anh viber 2021 12 02 14 27 58 249

Người xưa cho rằng quá trình đọc sách và học hỏi cũng là quá trình không ngừng hoàn thiện đức hạnh tu dưỡng của bản thân mình. Người ta học để tu thân, học để dưỡng Đức, học để thành người. Việc học tập thành công hay thất bại mấu chốt là ở chỗ thái độ có siêng năng, nghị lực có cứng cỏi hay không. Chỉ có kiên trì bền chí mới là phương pháp học tập tốt nhất.

Theo Minhhui

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: